Trang chủ Tuổi trẻ Tuổi trẻ tìm hiểu về đạo Bụt

Tuổi trẻ tìm hiểu về đạo Bụt

97

Những chùa Phật giáo có kiến trúc đặc trưng Á châu, với mái hiên công như những cành cây thông. Những ngôi chùa khác với nhà thờ đạo Chúa được xây cất tương đối đơn giản, không quá cao, quá đồ sộ. Chùa còn được xây dựng giữa thiên nhiên xa lánh sự ồn náo của đô thị. Còn nếu có chùa nào được xây dựng trong thành phố thì ta hay thấy chung quanh chùa đều có trồng cây kiển và có hồ cá với hòn non bộ. Như thế mặc dù không hiểu sâu về Phật giáo, người ta vẫn có thể hình dung ra Phật giáo đề cao sự bình thản của tâm hồn và hòa hợp với thiên nhiên. Ngoài ra kiến trúc Phật giáo gợi lên tinh thần khiêm nhượng mộc mạc. Tiếng chuông chùa khác với chuông nhà thờ. Chuông nhà thờ trong trẻo, thánh thoát bay cao vượt thế gian. Chuông chùa trầm lặng mời ta đi sâu vào lòng mình, trở về đời sống nội tâm.


Phật còn được gọi là Bụt. Chữ Bụt phát nguồn từ chữ Buddha, có nghĩa là người giác ngộ. Bụt không phải là ông thần hay ông trời mà Bụt là con người. Bụt sanh ra từ tinh cha huyết mẹ, khi lớn lên có vợ và có con. Bụt không dùng quyền năng ban phép lạ làm người chết sống dậy như Chúa Jesus. Mặc dù Bụt có thần thông nhưng Bụt không dùng thần thông đó để làm phép lạ. Bụt muốn ta nhớ đến Ngài không phải như là một vị thần linh mà như một con người. Con người đó biết vui, biết buồn như chúng ta. Nhưng con người đó khác với người phàm ở chỗ giác ngộ. Thân thể Bụt không khác gì thân thể chúng ta cũng trải qua quá trình sanh, già, bịnh và chết. Có điều khác là thân Bụt chết nhưng Bụt không chết theo thân. Thân ta còn sống nhưng với lo âu ta chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Ta chết đi khi tưởng tượng những điều xấu sắp xảy ra và sống lại khi những điều ta sợ không xảy ra. Các bạn hiểu rồi chứ, sự sáng suốt của giác ngộ mới là then chốt của đạo Bụt.


Như vậy thế nào là giác ngộ? Trước khi trả lời, ta hãy phân tích thế nào là kiến thức. Kiến thức là sự hiểu biết qua suy luận. Kiến thức bắt đầu từ đơn giản và lần lần trở nên phức tạp. Thí dụ như xe đạp với xe hơi. Khi xe đạp hư, ta có thể tự mò tháo ra những bộ phận và sửa chữa một mình được. Nhưng khi xe hơi thời nay với những hệ thống bằng điện tử bị hư thì ta đành bó tay vì những hệ thống đó rất phức tạp, phải cần có kiến thức chuyên môn mới sửa được. Điều đó cho ta thấy khả năng hiểu biết của con người có giới hạn. Càng hiểu nhiều thì ta càng bị thu hẹp trong lãnh vực chuyên môn của ta. Khi khoa học càng tiến bộ thì mớ kiến thức tổng hợp của tất cả các lãnh vực vượt ngoài tầm hiểu biết của cá nhân. Nói một cách khác ta không thể dùng kiến thức để thấu hiểu được vũ trụ. Sự thấu hiểu tột cùng được gọi là nhận ra chân lý hay giác ngộ.


Khi ngồi thiền dưới cây bồ đề, Bụt không nương tựa trên một kiến thức nào hết. Hai con đường hưởng thụ và khổ hạnh đều dẫn đến ngỏ bế tắt. Cuộc sống hưởng thụ của một thái tử không dẫn đến sự thỏa mãn về nội tâm. Khi qua bốn cửa thành, thái tử Tất Đạt Đa nhận thức rằng những thú vui vật chất thật tạm bợ. Cái thân thể không bền, nếu nương nơi đó mà hưởng thụ thì sự thỏa mãn đó không bền vững. Rồi thái tử rời khỏi ngai vàng, từ giã vợ con đi tìm chân lý qua cách tu khổ hạnh. Nhưng sự khổ hạnh tột cùng đó làm cho thái tử suýt chết mà vẫn không dẫn đến sự sáng suốt nội tâm. Ngài quyết định từ bỏ hai con đường cực đoan đó và quyết chí tìm cho ra chân lý.


Khi Ngài thiền định dưới cội bồ đề, thái tử gội bỏ tất cả những gì đã hiểu biết để thâm nhập vào sự im lặng tột cùng của tâm linh. Ngài từ khước tất cả kiến thức, Ngài từ khước tất cả những ham muốn được hiểu rộng. Khi từ khước tất cả, Ngài chìm sâu trong thế giới của sự hội nhập vô vi. Khi  Ngài từ khước đến sự tận cùng thì ánh sáng đến với Ngài. Lúc đó Ngài giác ngộ và được gọi là Bụt. Khi giác ngộ Bụt nhận thấy rằng tất cả chúng sanh đều có khả năng trở thành người giác ngộ. Bụt nói: Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Hiểu như vậy phật tử không phải là con của Phật. Những đứa con cầu xin Cha ban phép lành. Phật tử là Phật con, là những người đi tập tễnh trên con đường thành người giác ngộ.


Muốn trở thành người giác ngộ, ta phải tập thiền hay còn gọi là sống trong chánh niệm. Chánh niệm hiểu đúng nghĩa là vô niệm, không để lại dấu vết một niệm nào hết. Nói một cách khác tu thiền là ta nhìn mà không nhận. Ta thấy nghe tất cả mọi cảm xúc nhưng ta không nhận chúng. Khi nghe người chửi ta mà ta giữ được chánh niệm thì ta không nhận lời mắng nhiếc đó nên không buồn bực. Ngược lại ta thông cảm được sự đau khổ bực bội của kẻ chửi ta, vì thế ta có khả năng làm giảm đau khổ của họ. Khi nghe kẻ khen ta, ta không nhận nên không ngạo mạn. Khi nghe khen mà không nhận ta sẽ có niềm vui gắp hai lần. Một, ta vui vì tạo được niềm vui cho người khác và hai, ta thông cảm được niềm vui của họ. Khi sống trong chánh niệm ta là người tự do vì không có tư tưởng nào lôi kéo ta vào thế giới lo âu và buồn bực được.


Chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ rằng đạo Bụt không phải là một tôn giáo tín ngưỡng, với cái nghĩa là ta tin Bụt một cách vô điều kiện và ngưỡng mộ Bụt như một thần linh. Đạo Bụt là một lối sống ích lợi bổ túc cho cuộc sống vội vã đầy căng thẳng của xã hội tân tiến hiện nay. Có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy khi trở về sự tỉnh lặng nội tâm, trí óc ta nhạy bén hơn và ta sẽ đạt được nhiều hiệu quả trong công việc. Sự tỉnh lặng nội tâm giúp ta có giấc ngủ an lành và có khả năng ngăn ngừa nhiều bịnh tật như cao máu, đau nhức do căng thẳng, hệ thống hô hấp và tiêu hóa mất điều hòa. Về tình cảm, khi tâm tỉnh lặng thì ta ít bứt rứt lo âu và cau có. Ta cảm nhận được những niềm vui của cuộc sống nhiều hơn.  Khi ta vui vẻ thỏai mái thiø quan hệ gia đình sẽ bền vững hơn. Tóm lại, đạo Bụt không chủ trương làm cách mạng xã hội mà ngược lại chủ trương làm cách mạng nội tâm. Khi tâm ta bình an thì thế giới sẽ bình an theo.


Mến chúc các bạn thân tâm được bình an trong mùa Phật Đản này.


Thái Minh trung, M.D.