Trang chủ PGVN Nhân vật Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý

Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý

339

Năm 1975, khi cuộc chiến hai miền Nam-Bắc chấm dứt, cụ Đào Duy Anh – một học giả từ ngoài Bắc lần đầu vào Nam, lên viếng chùa Hải Đức – Nha Trang, đồng thời, xin bái kiến “Sư cụ” Tuệ Sỹ – người mà cụ từng ngưỡng mộ qua tác phẩm Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng. Tác phẩm này do Ca Dao xuất bản vào năm 1973.

Sở dĩ cụ Đào Duy Anh hình dung nhà sư Tuệ Sỹ là “Sư Cụ” là vì theo phương ngữ người Bắc, đó là cách xưng hô dành cho các vị sư cao tuổi. Khi đọc tác phẩm Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng, cụ cứ ngỡ đây là một tác phẩm của một nhà sư đạo mạo, tuổi tác đã cao. Nhưng khi trực tiếp bái kiến thì Cụ mới ngỡ ngàng, hóa ra tác giả của tác phẩm văn chương ấy lại là một vị sư trẻ tuổi. Lúc bấy giờ tác giả chỉ trạc tuổi ba mươi. Từ sự ngưỡng mộ trước đây qua tác phẩm văn chương, bây giờ sau cuộc đàm đạo ngắn ngủi, cụ lại thêm phần kính phục và phải thốt lên: “Sư Bác chính là viên ngọc quý của nền văn học Phật Giáo Việt Nam”.

Vâng, Người chính là viên ngọc quý của Phật Giáo Việt Nam đương đại. Người đã đóng góp vào kho tàng văn học Phật Giáo Việt Nam vô số những tác phẩm Phật học, thi ca, liễn, đối cả Hán ngữ và Việt ngữ.

Khi vận nước ngửa nghiêng, Người cũng lênh đênh thăng trầm theo vận nước; không ít lần Người đã từng bị vùi dập bởi thế đạo nhân tâm nhưng, thủy chung chất ngọc trong Người vẫn luôn ngời sáng. (Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận, – 玉焚山上色常潤 Ngộ Ấn thiền sư).

Tuệ Sỹ và Tăng Triệu – một cao đồ của Ngài Cưu-Ma-La-Thập, hai người sao có nhiều điểm tương đồng đến kỳ lạ.

Năm xưa, Tăng Triệu đã từng viết về Tánh Không và chú giải Duy-Ma-Cật.

Người cũng viết về Tánh Không, và cũng chú giải Duy-Ma-Cật.

Tăng Triệu đối diện máy chém, Người cũng đã một lần nhận án tử hình.

Tăng Triệu, khi đối diện với máy chém đã khảng khái nói lên bài kệ bất hủ:

四大元無主
五蘊本來空
將頭臨白刃
猶似斬春風 

“Tứ đại nguyên vô chủ,
Ngũ uẩn bổn lai không,
Tương đầu lâm bạch nhẫn,
Do tợ trảm xuân phong”.

Dịch:

Tứ đại vốn không chủ
Ngũ uẩn cũng là không
Đưa đầu nhận kiếm bén
Giống như chém gió xuân

Người cũng thể hiện đức vô úy, không nao núng, khiếp sợ khi nhận lãnh bản án tử hình; hay còn biểu hiện phong thái ung dung, tự tại khi “thân ngọc” bị giam hãm trong vòng lao lý:

我居空處一重天
我界虚無真個禅
無物無人無甚事
坐觀天女散花綿

Ngã cư không xứ nhất trùng thiên.
Ngã giới hư vô chân cá thiền.
Vô vật, vô nhơn, vô thậm sự.
Tọa quan thiên nữ tán hoa miên[*]

Dịch:

Ta ở trời Không vô Biên Xứ
Cảnh giới hư vô thật rất thiền
Không vật không người không lắm chuyện
Ngồi xem hoa rải bởi chư tiên

Viên Ngọc Quý – Thích Tuệ Sỹ trong những năm tháng gần đây dù thân mang trọng bệnh nhưng không từ nan bất cứ trọng nhiệm nào của Giáo Hội giao phó, ủy thác. Khâm thừa ấn tín để cho “Đạo Mạch Trường Lưu”; đảm nhận vai trò lãnh đạo để Giáo Hội sống còn. Chiến thắng từng cơn đau do thân bệnh hoành hành, Người vẫn miệt mài với công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam – tiếp tục công trình còn dang dở của tiền nhân. Người là một trong hai vị còn sót lại trong số 18 thành viên Hội Đồng Phiên Dịch do Viện Tăng Thống thành lập vào năm 1973.

Có thể nói, công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam là công trình tâm huyết, là hoài bão lớn nhất của Người. Ngày ra mắt phần 1 giai đoạn một của Thanh Văn Tạng, qua màn ảnh nhỏ, trông ánh mắt của Người rạng ngời niềm hoan hỷ vô biên.

Được biết sức khỏe của Người hiện nay đang trong tình trạng nguy kịch, như “ngọn đèn trước gió”. Nhưng vẫn luôn tin tưởng ở sự kiên định của Người và cầu nguyện cho Người được sống lâu hơn nữa bởi, công trình phiên dịch chỉ vừa mới bắt đầu, phía trước còn muôn vàn khó khăn.

Nếu một mai Người về cõi Phật, xin Người đừng quên lời nguyện trước đây, sớm hồi nhập Ta-Bà để tiếp tục công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam còn dang dở.

Khể thủ
Hậu học Tỳ-Kheo Tâm Hòa