Trang chủ Văn học Tùy bút Tuệ sĩ Thượng nhân – “vươn lên” và “còn mãi”

Tuệ sĩ Thượng nhân – “vươn lên” và “còn mãi”

358

“Hậu kỳ thân nhi thân tiền, ngoại kỳ thân nhi thân tồn”.

Để cái thân này ra sau thì được đặt lên trước. Bỏ cái thân này ra ngoài thì còn mãi.
Giữa dòng danh lợi phù phiếm, giữa xô bồ đua chen cõi tục, Thầy Tuệ Sĩ xả bỏ báo thân theo định luật vô thường, nhưng thân ấy vẫn “vươn lên” và “còn mãi” trong lòng thức giả. Đó là pháp thân, tuệ thân, đạo thân, tình thân…

Sinh như thế tử cũng như thế.

Không diễn văn, tiểu sử, đương nhiên danh xưng “Tăng thống”, “Pháp chủ”, trước tác, chữ nghĩa cũng là chuyện đặt cái thân ấy ra ngoài.

Từ lâu, trong con mắt sâu thẳm ấy, Thầy đã đặt mình ra ngoài. Ra ngoài để “độc thiện kỳ thân”, hoá giải những mâu thuẫn thói thường vốn luôn sẵn đủ trong lòng người ta.

Những người thầy lớn ảnh hưởng lớn đến Thầy hoặc ở bên này hoặc ở bên kia con thuyền, mà rốt cuộc trong cuộc trần ai, con thuyền nào chẳng chịu (gặp) những sóng to gió lớn, thác ghềnh…

Nếu không mạn phép mà hiểu như vậy, thì chẳng lẽ đã có một con thuyền lạc hướng và mất nhân cách chèo lái hay sao?

Trong Hồi ký của Thầy Quảng Độ, cũng có nói đến con thuyền, nhưng đó là con thuyền một thời chở người ta đến bờ cao danh vọng. Khi ai đó muốn bước chân sang con thuyền khác, cũng là chuyện bình thường, nhưng đừng đang tâm lấy chân nhấn chìm con thuyền từng chở mình tới bờ cao danh vọng ấy.

Sự “thống nhất” cả trong nội hàm và ngoại diên bao giờ cũng khốn khổ giằng xé, thậm chí tới mức được thúc đẩy theo chiều hướng “một mất một còn”. Cái có danh xưng “thống nhất” thì lại không thống nhất để tỏ ra đặc quyền phải trị ai. Cái không có danh xưng “thống nhất” thì lại luôn làm ngược lại chạy theo thế quyền, tục lợi.

Cái cứ muốn đứng trước hứng lấy danh lợi ấy, thảm thương thay lại bị đời người vứt bỏ ra phía sau, sống như một thây ma, màu mè hình thức, chiều chuộng bản ngã của nhau để cùng thủ lợi, khiến cho chân ngụy đảo lộn.

Còn Thầy, Tuệ sĩ Thượng nhân vẫn lênh đênh trên con thuyền độc mộc của mình giữa tứ chúng còn đang ngơ ngác, lạc bầy.

Cánh chim bay không để lại dấu vết nào trên khung trời viễn mộng. Nhưng cuộc kiếm tìm trăm năm trên hành trình ấy vẫn không ngưng nghỉ. Thuyền Bát Nhã mà chèo bơi ở cõi Sa Bà thì chẳng khi nào là một chiếc thuyền Không.

Ta đi tìm Ta. Tathata…

Kính xin đảnh lễ Người