Trang chủ Diễn đàn Từ việc chiếm chùa Báo Thiên xây nhà thờ Lớn tìm hiểu...

Từ việc chiếm chùa Báo Thiên xây nhà thờ Lớn tìm hiểu bộ mặt thật của ‘giám mục’ Purinier

282

Hành vi trên đã bất chấp lịch sử, bất chấp lương tâm đạo đức, lòng trắc ẩn và không hề tỏ ra hổ thẹn – một đức tính cần phải có của con người. Điều này buộc chúng tôi phải tìm hiểu bộ mặt thật và dã tâm của “Giám mục” Purinier, một trong những kẻ đã âm mưu cướp phá chùa Báo Thiên và những âm mưu thâm độc của một số giáo sĩ thừa sai khác.


Những tư liệu lịch sử nói về sự sụp đổ của tháp Báo Thiên trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, trong Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ đã được nhiều bài viết của cả hai phía tranh luận chỉ ra.


Tuy nhiên, điều đáng nói chính một số trang web Công giáo vẫn cố tình tỏ ra nhầm lẫn tháp Báo Thiên là chùa Báo Thiên, do vậy mới cho rằng chùa Báo Thiên đã không còn mà chỉ còn nền đất nên họ mới xây nhà thờ trên đó.


Nhưng chính điều này đã mâu thuẫn với những phát biểu của Công sứ Bonnal mà họ đã trích dẫn, nên họ lại nói rằng ngôi chùa bỏ hoang, không có người cai quản. Có nghĩa rằng, vẫn có một ngôi chùa Báo Thiên hiện diện trước khi bị chiếm phá. Ngôi chùa đó hiện diện như thế nào? Theo lời phát biểu trong hồi ký của Công sư Bonnal là ngôi chùa đã “hư nát”:


Phá hủy ngôi chùa và chiếm lấy miếng đất, việc đó xem ra chẳng có gì dễ dàng hơn trong thời điểm chinh phục mà chúng ta đang tiến hành, nhưng bản thân tôi, đúng theo lẽ, e ngại phạm sự lạm quyền khi làm như vậy, và tôi chọn giải pháp thỉnh ý ông Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Ông nầy rất có thiện cảm với vị giám mục, cũng như tôi, ông muốn làm cho ngài hài lòng; sau đây là cách thức ông gỡ mối khó khăn. Trước hết ông cho truy tìm xem còn có kẻ hậu duệ nào của người tạo dựng ngôi chùa đã qua đời trước đó hai thế kỷ không, và dĩ nhiên chẳng tìm được ai.


Tiếp theo, ông chỉ thị cho các thân hào trong khu vực, được chọn, như thể tình cờ, trong các giáo dân bản xứ, để xét xem mức độ chắc chắn của ngôi chùa thế nào, và các ông nầy chẳng ngần ngại gì mà tuyên bố rằng: do hư nát, ngôi chùa khi sụp đổ có thể gây nguy hại cho những ai đi ngang qua. Vậy là, bây giờ mọi việc đều đã đúng luật lệ. Cho phá hủy ngôi chùa, sung công thửa đất vô chủ… theo tập quán Việt Nam, là những biện pháp chính đáng, không thể gây nên một sự phản đối nào. Ông Tổng đốc đã xử lý theo cách đó. Ông còn nhận trách nhiệm nhượng lại miễn phí cho nhà chung công giáo thửa đất đã sung công, và tôi đã vui lòng trao cho vị giám mục văn bản chính thức chuyển giao cho ngài quyền sở hữu trọn vẹn” (Hanoi pendant la période héroique. 1873-1888 ” trang 125, của tác giả André Masson. Librairie Orientaliste Paul Genthner. 13 rue Jacob (VIe), 1929).


Những người đến thẩm định ngôi chùa “hư nát” là các “giáo dân”, và họ cho rằng ngôi chùa có thể “sụp đổ” gây nguy hiểm cho người qua lại. Điều này rất hợp với tham vọng chiếm chùa của “Giám mục” Purinier. Nhưng điều “phá hủy ngôi chùa và chiếm lấy miếng đất” lại là nỗi e ngại vì “lạm quyền” của viên Công sứ.


Chính sách của thực dân và những mưu toan chính trị của các giáo sĩ không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau, nên nhiều khi những “nhiệt tình” xâm chiếm, cướp phá chùa chiền của các giáo sĩ còn gây đau đầu cho giới chức Pháp (xin lưu ý, có một số ý kiến cho rằng Chính quyền Pháp phần nào cho khôi phục những sinh hoạt Phật giáo, nhưng điều này không ăn nhập gì với “chính sách riêng” của các giáo sĩ, thậm chí nó còn bị chính các giáo sĩ phản đối kịch liệt)


Nếu những ai đã từng đọc luận án tiến sĩ “Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam” được bảo vệ tại Pháp của Cao Huy Thuần thì không cần phải thắc mắc nhiều về những vụ cướp phá chùa chiền một cách có hệ thống của các giáo sĩ thừa sai qua những tư liệu mật được tìm thấy trong thư khố của Bộ Ngoại giao và Bộ Hải quân của Pháp, và cũng không cần phải bình luận gì nhiều.


Chúng tôi nghĩ, một số người Công giáo đang tranh luận trên các trang web gần như vẫn chưa đọc tài liệu này, nên họ không hiểu gì nhiều về những “cha”, “cố” của họ đã gây ra những tang thương gì cho dân tộc và Phật giáo.


Qua vụ “Tòa Khâm”, chúng tôi mong cùng với quý vị đọc lại những thành quả nghiên cứu của Giáo sư Cao Huy Thuần (*) để thấy rõ hơn bộ mặt thật của một số giáo sĩ khét tiếng trong đó có “Giám mục” Purinier.


Các tín đồ Thiên Chúa giáo cảm thấy mình mạnh bèn tấn công vào những làng phi Thiên Chúa. Sự trả đũa của họ thật quá sức dã man, như các báo cáo của các sĩ quan Pháp đã cho thấy. Sau đây là một vài vụ theo lời thuật của Harmand:


“…Trong chuyến công tác, người ta cho họ đi đầu toàn thể dân Công giáo rồi chiếm và đốt một số làng của các kẻ ăn cướp hay của các nho sĩ võ trang (các sĩ quan gọi bất cứ ai chống họ là “kẻ cướp”). Họ giết 10 người, trong đó có một viên chỉ huy; các người bị thương đều bị tra tấn, bị trấn nước hay bị thiêu sống, chùa chiền bị phá hủy. Những người đó tỏ ra rất can đảm, nhưng tôi tự hứa không để bắn một phát nào nữa nếu không có tôi (bất kể những lời người ta khuyên) mục đích là để tôi đích thân chống lại các cảnh dã man đó, mà chỉ tấn công các làng chắc chắn có tội và để tránh cho các con chiên cuồng tín đó khỏi bị trả đũa khủng khiếp trong trường hợp Pháp thua trận hay thay đổi chính sách” (Harmand gửi Testard, 16-1-1874, Thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại A00 (10) hộp 1).


… Chúng tôi lần lượt chiếm 4 làng, bắt 5 người chỉ huy, nhưng không phải là những người nổi tiếng, họ sẽ bị xử tử hôm nay, và giết ít nhất 50 người trang bị bằng dáo hay bằng gậy… Viên hạ sĩ và hai người mà tôi phái đến Giám mục Cézon đã trở về ngày hôm kia. Phái bộ truyền giáo đã phái họ đến một ngôi làng người lương ít nhiều theo trộm cướp, họ giết 10 người, họ kể với tôi rằng, người An Nam tra tấn rất tàn nhẫn các người bị thương, phá sập ngôi chùa trong làng, tất cả việc này, Giám mục Tây Ban Nha hết sức hài lòng…” (Harmand gửi Ganier ngày 22-12-1873, do J.Marquet và J.Norel dẫn, “L’occupation francaise au Tonkin”, tr.112)


Các sĩ quan Pháp đều công nhận trách nhiệm nặng nề của các Giám mục và các kẻ truyền đạo trong các vụ trả thù man rợ này:


Không chối cãi được, một số Giám mục Pháp đã hùa với các nỗi ghen ghét, hận thù sục sôi ở nơi họ sống; họ làm hại các con chiên một cách nghiêm trọng khi đẩy những người này vào một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ An Nam.


Việc chinh phạt của Pháp chỉ là cái cớ bề ngoài, còn lý do căn bản là sự tranh chấp phe phái. Nên để ý là một số vụ nổi loạn do những kẻ tự xưng là con cháu nhà Lê đều có các viên chỉ huy là Thiên Chúa giáo… Cầm đầu các đám tín đồ Thiên Chúa đi cướp bóc, đốt phá các làng phi Thiên Chúa và triệt hạ chùa chiền thường là các linh mục hay các kẻ truyền đạo: họ bổ nhiệm các viên đội, tụ tập binh lính mà đa số, theo lời thú nhận đều là đầu trộm đuôi cướp” (Philastre gửi Dupré, 15-1-1874, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 13506 số 4).


Hình như đôi khi, tôi dám nói như thế này, lòng nhiệt thành tôn giáo đã hủy hoại các tư tưởng công bình, chân lý, nhân đạo, bác ái ở các nhà truyền đạo, và họ dễ dàng để mình bị lôi cuốn vào chính các lỗi lầm mà họ đã thấy rõ ở các đối phương của mình (Rheinart gửi Garnier, 14-14-1874, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 13506 số 4).


… Chúng tôi thấy một số lớn làng bị thiêu rụi. Khổ thay, cứ mỗi lúc, các tín đồ Thiên Chúa giáo thấy kẻ thù của họ biến mất, hoặc họ tự thấy mình mạnh hơn thì họ lại đi hành quân, trả thù không gớm tay, rồi đến phiên họ lại đốt và giết. Hầu hết họ đều có võ trang, và tôi tin rằng, chính các nhà truyền giáo cũng không ngăn cản nổi. Đó là điều đáng tiếc, vì các quan mới từ Huế ra đều nhân cớ đó mà xác nhận rằng, chính các tín đồ Thiên Chúa gây sự, chính những người này là nguyên nhân đầu tiên của mọi đau khổ. Hơn nữa, vì những con chiên có nhiều khí giới, nên họ sẵn sàng xem những con chiên là những kẻ làm loạn” (Báo cáo của Harmand ngày 24-1-1874, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 11689/54).


Ngay khi thấy mình được ủng hộ, các tín đồ Thiên Chúa giáo đã không ngần ngại đốt nhà, giết người, và cũng như những người này, nếu cần, họ vu cáo để biện minh cho việc tàn bạo của mình. Đó là điều họ đã làm năm vừa rồi, và chính điều này đã gây ra những vụ trả đũa mà người ta gọi một cách saimlầm là các vụ đàn áp. Nếu khi che chở họ, chúng ta nhắm mắt để họ lôi kéo, chúng ta sẽ gây ra một phản ứng dữ dội chống lại những nhà nho một cách không kém dã man, không kém tàn bạo như những vụ đàn áp bây giờ” (Rheinart gửi Dupré, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 13506 số 4).


Sự bảo hộ của chính quyền thực dân với tín đồ Công giáo có nguy cơ bị lung lay trước chínhsách của Philastre. Nên Giám mục Purinier đã phản đối mạnh mẽ chính sách này bằng một bức thư gửi Dupré:


“…Nếu Pháp rút lui hay không hành động theo tình thế đòi hỏi thì điều đó sẽ đưa đến tai họa cho tất cả con chiên và tạo nên hỗn loạn to lớn cho xứ này. Tất cả những ai hân hoan khi sứ giả Ngài đến sẽ mất lòng kính trọng nước Pháp, cảm tình của họ sẽ dễ dàng biến thành hận thù, nếu lòng tin cậy của họ đối với Pháp kết thúc đau đớn bằng nỗi thất vọng ê chề… Trong tình cảnh xáo trộn và đầy đe dọa hiện nay của xứ này, muốn bảo vệ hữu hiệu cần phải có một đạo quân khá hơn độ 8,000 binh sĩ và hai tàu chiến mới. Mục đích của đạo quân đó không phải là gây chiến mà là trừng trị những kẻ phá hoại hòa bình”.


Giám mục Purinier đã uổng công khi đích thân vào Sài Gòn để bàn trực tiếp với Dpuré:


Những lần nói chuyện của tôi với Giám mục đó trước khi ông rời Sài Gòn không thay đổi lòng tin của tôi, vì thế tôi vẫn giữ nguyên các nhận xét mà tôi đã trình bày với ngài, dù vị Giám mục này đã khổ công khuyến cáo hãy bỏ đi chính nghĩa đã tạo được nước Pháp nhiều tình cảm dân chúng khi theo đuổi một đường lối mà những người khen Garnier là anh hùng phải bị kết án, những người này không biết được những khó khăn của tình thế mà viên sĩ quan khốn nạn đó đã để lại cho chúng ta” (Dupré gửi Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, 30-12-1874, Thư khố Pháp quốc Hải ngoại A30 (25) hộp 13).


Có hai thuyết chống đối nhau về vấn đề này: Một mặt Philastre không bao giờ nghi ngờ thiện chí của triều đình Huế và thuộc hạ của họ; mặt khác các kẻ truyền đạo và một vài người Pháp nhiễm đầy ý kiến của Giám mục Purinier đã không ngừng tố cái vai trò nước đôi khéo léo của các quan, những người đồng lõa với nhà nho. Purinier từng phản ứng:


Chỉ cần bắt hai tên đó cùng 3, 4 tên khác xử tử vì các vụ mưu sát năm 1868 là đủ để lập lại thanh bình, nhưng các quan không chịu làm, sự đồng lõa của họ thật rõ rệt. Còn các lời đãi bôi, các tuyên cáo v.v… của họ chỉ là một trò hề”.


Giám mục Purinier là người có thế lực nhất và hiếu chiến nhất tại Bắc Kỳ, là cố vấn có quyền uy nhiều nhất trong chiến dịch Garnier và nhất là sau khi tên này qua đời. Các linh mục Pháp hưởng ứng sự mong ước của Dupré đã tự nguyện giúp đỡ cho đồng bào họ. Hàng ngàn tín đồ Thiên Chúa Việt Nam có các linh mục dẫn đầu, cắm cờ tam tài, gia nhập vào đoàn quân bé nhỏ của Garnier để chiến đấu bên cạnh người Pháp, cùng để cướp bóc, đốt nhà, giết người và trả thù:


Từ ngày thành lập các lũ người vẫn tin theo lời Giám mục Purinier gieo rắc sự khủng bố, cướp bóc và chết chóc trong các làng đạo, các tổng đốc các tỉnh không làm hay gần như không làm gì cả để ngăn chặn hữu hiệu những sự lộn xộn, nhất là trong tỉnh Nam Định… Giám mục Purinier biết rõ là không phải và ông cũng biết rõ ai là người mà những lời khuyên bảo tai hại của họ đã một phần gây ra các đau khổ này, ông cũng biết vai trò thiếu thận trọng và có lúc dã man của các con chiên… Cảnh rối loạn này, chính chúng ta và nhất là chính những kẻ hiện phải gánh chịu cảnh đó đã gây tạo ra” (Thư Philastre gửi Dupré, 15-1-1874, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 11689, số 30)


Tôi cho rằng các nỗi lo sợ của Giám mục Purinier đã được phóng đại… Tôi cho rằng chỉ còn phải sợ các xáo trộn trong dân chúng tôi. Giám mục Purinier tin là sẽ nổ ra một cuộc cách mạng. Nên biết rằng vị Giám mục này đã can dự nhiều trong các việc làm của ông Ganier, ông đã có những ý tưởng dứt khoát và muốn lật triều Nguyễn để lập lại họ Lê” (Thư Philastre gửi Dupré, 6-1-1874, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 11689, số 69 và 76)


Tôi tin rằng Giám mục Gauthier và Giám mục Purinier nhất là ông sau này không chịu nổi ý kiến một giải pháp hòa bình cho vấn đề: giải pháp này sẽ phá tan hy vọng của họ mong muốn thấy một chính phủ riêng biệt, chính phủ này có lẽ sẽ là một chính phủ Công giáo. Các tín đồ Công giáo lại càng phóng đại hơn nữa các ý tưởng đó và xúi giục các linh mục, các người chăn dẫn họ để đưa đến một sự đổ vỡ mới giữa hai chính phủ… Suốt ngày chúng tôi nhận tới tấp các báo cáo và các lời yêu cầu đem quân chinh phạt các tỉnh đó” (Thư Philastre gửi Dupré, 15-1-1874)


Suốt ngày tôi tiếp những người tự xin điều khiển các binh lính mà họ tụ tập thành từng toán 100, 150 người, tất cả đều được các cha xứ gửi gắm, nhưng tôi cố phản ứng không mích lòng một ai để chống lại những khuynh hướng tràn ngập của các tín đồ Thiên Chúa” (Thư Harmand gửi Garnier 16-12-1873).


Tôi vẫn cứ tiếp khách mãi: Họ nối đuôi nhau trước túp lều tôi từ 7 giờ sáng cho đến tối, tôi phải tiếp mãi những người đến khiếu nại hay xin xỏ: kẻ thì xin được giúp đỡ che chở, kẻ thì tụ tập được một số người rồi đến xin khí giới để trang bị và cấp bằng chỉ huy, sau rốt có kẻ, và đây là số đông đến xin giúp việc thư ký, công chức đủ hạng, và còn xin được bổ làm tri phủ, tri huyện. Tất cả hình như hầu hết là tín đồ Thiên Chúa và một phần ở tỉnh Ninh Bình kế cận, do các linh mục cử sang. Trong những trường hợp gay cấn này, tín đồ Thiên Chúa đã biểu lộ một sự tham lam trơ trẽn, vừa thiếu dè dặt vừa đầy ích kỷ… Họ tỏ ra rất thô thiển. Họ xem việc chúng ta đến đây như là đánh dấu cho giờ phục thù và trả đũa; về phần những nhà truyền giáo, ngay từ đầu có lẽ họ đã đưa ra những lệnh nghiêm ngặt; nhưng chắc chắn sau đó họ bị tràn ngập. Mỗi ngày tôi nhắc đến chục lần: “Thế ra các ông cho rằng chúng tôi đến đây để gây một cuộc chiến tranh tôn giáo hay sao? Chúng tôi đến đây với mục đích thuần túy thương mại. Dù các ông có là giáo là lương, là Trung Quốc cũng không phải là điều quan trọng… Tôi nói thêm, không phải mọi người Pháp đều theo đạo Thiên Chúa đâu, điều này khiến họ hết sức ngạc nhiên” (Thư Harmand gửi Testard du Cosquer, 16-1-1874).


Khi triều đình Huế bị các khiếu nại của các Giám mục đè ép, muốn bắt các “làng không đạo phạm tội” bồi thường, đòi quyền hưởng thụ và sở hữu các đất đai vắng chủ, gây nên sự thù ghét của những người phi Công giáo, Rheinart viết:


Điều 9 luôn luôn đem lại cho chúng ta các khó khăn, vì rằng các con chiên đã làm bậy khi lập nên một chính đảng chính trị muốn ở ngoài pháp luật của xứ này và tự cho là độc lập. Không có nước nào vô tư cho bằng nước An Nam về vấn đề tôn giáo, và nếu các phái bộ chỉ lo giảng đạo, họ không có gì phải lo cả” (Rheinart gửi thống sứ Le Myro de Vilers, 19-8-1879, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 10443/8).


Giới tăng lữ Thiên Chúa An Nam thích thú ỷ dựa vào việc chúng ta ủng hộ để gây sức ép lên dân lương. Họ đã bám vào sự che chở của chúng ta bằng cách đổi đạo, dù thành thật hay không; sự kiêu hãnh công thêm vào lòng hăng hái tôn giáo thúc đẩy họ đi cù rũ người theo đạo khắp nơi… chúng ta bảo đảm tự do tôn giáo, nhưng tuyệt đối chúng ta không ham mê gì các vụ đổi đạo mau lẹ và đông đảo cả” (Thư Rheinart gửi Dupré, 28-10-1876, số 248).


Suy nghĩ về việc Pháp có thể bất ngờ bị thất bại ở Bắc Kỳ, Le Myre de Vilers đã tự phê bình:


Đáng lẽ phải là những đồng minh tự nhiên của Thiên quốc, khốn thay, chúng ta lại tự xưng là những tay quán quân của đạo Thiên Chúa cùng việc tuyên truyền tôn giáo, là việc mà trong nước này, chỉ là tuyên truyền làm loạn, và đã xảy ra điều bất thường là, dù dưới hình thức chính phủ nào, nước Pháp dân chủ lại đi dạy các thuyết duy thần cho một dân tộc đã đưa nền dân chủ đến chỗ xã thôn tự trị… Vì thế chúng ta trở thành kẻ thù không những của Thiên quốc mà còn của một dân tộc chân thật vốn chỉ xem chúng ta là những bạn đồng minh…” (Thư Le Myre de Vilers gửi Bộ trưởng Hải quân, 19-1-1882, Thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại, A30 (54) hộp 16).


Mọi cố gắng của Giám mục Purinier đều ngăn chặn không cho chính sách Pháp bước vào con đường cai trị là tôn trọng các định chế của xứ bị trị, tôn trọng luật pháp, phong tục và nhất là tìm cách liên minh với các tôn giáo bản xứ, khuyến khích sự phát triển và dùng nó làm trung gian giữa dân bản xứ và giới chức thuộc địa. Xâm lược, thống trị, đồng hóa là 3 ý tưởng chủ chốt toát lên từ nhiều văn thư, điều trần của Giám mục Purinier. Và các văn thư này đều nhằm mục đích chứng minh cho giới chức Pháp thấy rằng, ngoài tín đồ Thiên Chúa giáo ra, tất cả đều là kẻ thù.


Trước khi nghĩ đến việc giảm quân, cần phải tiêu diệt tối đa mầm mống nổi loạn. Chinh phạt là con đường rất đúng, sẽ còn phải chi tiêu nhiều hơn nữa, nhưng phải có những hy sinh đó…” (Văn thư về vấn đề Bắc Kỳ, 3-1884, thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại, A00 (30) hay N.F.541).


Giám mục Purinier chủ trương rằng cuộc xâm lăng phải được tiến hành mạnh mẽ và mau lẹ. Phải đuổi theo kẻ thù và tiêu diệt trước khi nó hồi phục:


Tôi thấy đồng thời bình định Bắc Kỳ và Trung Kỳ còn dễ hơn chỉ là bình định Bắc Kỳ. Kẻ thù không có sẵn lực lượng và phương tiện to lớn lắm, sẽ bị đồng thời tấn công khắp nơi và sẽ không thể kịp tiếp viện cũng như chỉnh đốn lại, sẽ phải kiệt lực…” (Văn thư dùng để nghiên cứu một trong các giai đoạn của vấn đề Bắc Kỳ: Cuộc khởi nghĩa 13-9-1886, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 1178)


Theo tôi, trước hết cần có một hoạt động toàn diện, một cuộc săn đuổi thực sự. Một cuộc hành quân phối hợp gồm các toán quân nho nhỏ hỗ trợ cho nhau đồng thời tiến vào nhiều làng trong một vùng sẽ làm cho bọn cướp rối loạn… Làng nào đồng lòng với quân phiến loạn và kẻ nào thực sự bước theo phe kháng chiến, khi đã biết được chúng nhờ vào các tin tức chắc chắn, nhất định phải nghiêm trị và các tâm gương này sẽ gây nên một tác dụng tốt trong dân chúng” (Tình hình Bắc Kỳ ngày 25-1-1891, văn thư gửi Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa ngày 5-2-1891, thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại, A00 (30) hộp 2).


Theo Giám mục Purinier, kẻ thù ở khắp nơi còn bạn bè thì không có ở đâu cả ngoài những người theo Thiên Chúa giáo, y đã lập nên danh sách các “thủ phạm” gồm:


1. Đầu tiên chính là triều đình Huế. Năm 1884, hai quan Nhiếp chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết là tác giả chính của cuộc “phiến loạn”.


2. Những quan lớn ở các tỉnh (như: Tổng đốc, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh).


3. Phần đông quan lại dù là tại chức.


4. Tất cả các Nho sĩ.


5. Chánh tổng, Lý trưởng.


6. Các làng không Thiên Chúa giáo, bên cạnh các khu giáo dân.


(Báo cáo 27-3-1884, Thư khố Trung ương Đông dương, đô đốc 11624 và bản nghiên cứu về tình hình Bắc Kỳ, 10-6-1890, thư khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại, A00 (30) hộp 2).


Tôi xin xác định rằng, khi nào Bắc Kỳ thành Thiên Chúa giáo thì nó cũng sẽ thành một nước Pháp nhỏ, hoàn toàn giống như các đảo của Philippines đã trở thành một nước Tây Ban Nha nhỏ… Chắc chắn các nhà truyền đạo là một sức mạnh tinh thần to lớn nhất trong một thuộc dịa. Chính họ đã làm cho thuộc địa biết chân tướng nước mẹ để mến yêu… Tôi xin cả quyết rằng: Nước pháp không có bạn bè nào tốt hơn là các nhà truyền giáo và con chiên, cũng không có kẻ phụng sự nào trung thành hơn và vô vị lợi hơn. Vừa hoạt động để tôn vinh Chúa trời cứu rỗi linh hồn, tôi vẫn từng nói các nhà truyền giáo tự thấy có bổn phận làm cho tổ quốc mình được hiểu biết và mến yêu, vừa dạy con chiên kính trọng và trung thành với mẫu quốc… Sau khi đạo Thiên Chúa được thiết lập, tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần dần, ban đầu bằng tiếng An Nam, rồi bằng tiếng Pháp, như là phương tiện rất chính rtị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông” (Thư giám mục Purinier gửi Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, 6-5-1887, thư khố Pháp quốc Hải ngoại A00 (30) hay N.F 541).


Trong bài viết “Những bài học ứng xử cần thiết”, Trương Công Khanh cũng đã trích dẫn những cứ liệu trong Châu bản triều Nguyễn – Tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945 (Lý Kim Hoa sưu khảo, biên dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 2003) có nêu lên những vụ việc chiếm phá chùa chiền sau:


Ngày 13 tháng Giêng, Tự Đức (1848-1883) năm thứ 31, Thương bạc tâu việc dân Nghệ An phải đem đền thờ, chùa chiền bồi thường cho dân đạo Thiên Chúa: Bọn thần Thương bạc tâu (châu điểm): 5 giờ chiều hôm qua, bọn thần đến dinh Thương bạc, một lúc thì tiếp sứ Pháp đến mời vào dinh tòa cùng nhau hỏi han. Bọn thần bảo rằng lương dân Nghệ An đã đem 18 sở đền chùa bồi thường cho giáo dân, trong đó có 10 sở đã triệt hạ rồi chỉ còn 8 sở”. (sđd, trang 450)·


Ngày 11 tháng 4, Thành Thái (1889-1907) năm thứ 8, Cơ mật viện tâu việc quyền khâm sứ đòi giỡ chùa trong thành nội để cất nhà thờ đạo: Bọn thần Cơ mật viện tâu (châu điểm): “Ngày 4 tháng này tiếp quyền khâm sứ đại thần Mô Li Ê thương nghị (…) Lại thương nghị nói rằng về khoản nhà thờ đạo phía sau kinh thành, rằng tuy có sắc bảo nhưng ngại khó tuân hành. Bọn thần xét nghị chỗ đất này nguyên có chùa Phật vì từ khi sụp đổ đến nay chưa có ngân sách dồi dào nên chưa tu bổ, nay lại phá chùa Phật để cất nhà thờ đạo là một điều không thuận. Huống chi trong thành nội từ trước đến nay chẳng có giáo dân có nhà ở đây vậy mà cất nhà thờ đạo là hai điều không thuận. Vậy đề nghị nên triệt hạ nhà thờ đạo này và cho tùy ý chọn cất ngoài sông bên ngoài bốn phía kinh thành… Bọn thần Cơ mật viện hai ba lần thương nghị giải thích như vậy nhưng quyền khâm sứ nhất định không nghe…” (sđd, trang 821)·


Ngày 26 tháng 11, Duy Tân (1907-1916) năm thứ nhất, Phụ Chánh tâu việc Ngô Đình Khả cất nhà thờ đạo Thiên Chúa trên nền chùa Linh Hựu trong thành nội: “Bọn thần phủ Phụ chánh tâu (châu điểm): Tháng 11 năm thứ 17 tiếp được thư của nguyên quyền khâm sứ đại thần Mô Li Ê nói thượng thư Ngô Đình Khả cất nhà thờ đạo bên trong hoàng thành là rất không hợp, thần phủ nên lập tức tra xét rõ nghiêm xử, chiếu theo phận sự mà quy trách nhiệm… Vậy xin chiếu trọng luật về tội không được làm mà làm xử thượng thư Ngô Đình Khả 80 trượng, giáng 3 cấp rời khỏi chức vụ, được giảm tội danh và phải triệt hạ giáo đường, việc này đã thương nghị cùng nguyên quyền khâm sứ đại thần xét biện.


Tháng 7 năm ngoái phụng thương chuẩn triệt hạ giáo đường trong thành nội và cho tùy ý xây cất ở bốn phía sông bên ngoài kinh thành. Kế đó căn cứ viên ấy trình xin trả giáo đường này sửa lại làm chùa để lưu giữ tích cũ, viên ấy xin lãnh tiền quan 300 đồng đem về mua sắm vật liệu và xin cất giáo đường mới ở nền nhà kho cũ xã Tiên Nộn…” (sđd, trang 872)


Trương Công Khanh còn nhận xét: “Có thể nói những bản tấu đã được vua phê duyệt đã phần nào nói đến tính quyết đoán của luật pháp bấy giờ, có nghĩa rằng cái gì anh đã chiếm phá, xây dựng bằng hành vi làm trái thì phải phá bỏ, bởi cho dù ở đó là một ngôi chùa mục nát, thì cũng sẽ được tu bổ lại. Chỉ tiếc rằng chùa Báo Thiên là một ngôi chùa trong những ngôi chùa ở quá xa kinh thành nên không giữ được vì “nước xa không chữa được lửa gần”.


Và cũng phải kể đến âm mưu của Nguyễn Hữu Độ khi cùng với Giám mục Puginier chiếm phá chùa Báo Thiên, trong khi nhẽ ra ông ta phải tâu với triều đình về việc tu bổ, sửa sang lại chùa”.


Những cứ liệu rõ ràng về việc chiếm phá chùa chiền nói chung và chùa Báo Thiên nói riêng là một “hệ thống ý thức đồng hóa” của giáo sĩ thừa sai mà “Giám mục” Purinier là một quán quân.


Với chùa Báo Thiên, không cần phải tìm đến nhiều tài liệu dài dòng, chỉ cần đọc lại hồi ký của Công sứ Bonnal đã quá đủ để minh chứng nó đã bị chiếm phá để xây nhà thờ Lớn như thế nào, vậy mà “linh mục” Thiện Cẩm vẫn còn nhì nhằng cãi chày cãi cối: “Nếu như lịch sử chứng minh được rằng đất nhà Chung Hà Nội, bao gồm cả nhà thờ Lớn, Tòa Tổng Giám mục hiện nay và Tòa Khâm sứ đang tranh chấp là đất chùa Báo Thiên và đã bị Tây chiếm đoạt đem cho các cố Tây… thì tôi tin rằng Giáo hội Công giáo chúng tôi sẽ chẳng ngần ngại gì mà không trả lại cho Phật giáo, cũng như Đức Tổng Giám mục Duval đã trả lại ngôi nhà thờ Chánh tòa Alger cho Hồi giáo, sau khi Angérie được độc lập, vì lý do ngôi nhà thờ đó vốn là một đền thờ Hồi giáo”.


Những lập luận “đất vô chủ” của một số người càng trở nên thiếu căn cứ và ngụy biện, vì rằng cái gì đã là di sản thì dù nó có nằm sâu dưới lòng đất, chúng ta cũng phải đưa nó lên và bảo quản. Nếu nói về những “di sản vô chủ” thì những văn miếu của Nho giáo, những ngôi đền thờ thần thành hoàng, thờ danh nhân, những khu di tích được khai quật… làm gì còn nho sĩ, hậu nhân nào, chẳng lẽ cũng tùy tiện chiếm phá hay sao?


Chùa chiền, miếu mạo là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam, cho dù chiến tranh có tàn phá nó chỉ còn cái móng, hay nền đất không thì cũng sẽ được nhân dân không phục lại. Không có cái lý luận “vô chủ” nào có thể áp đặt lên những di sản văn hóa của dân tộc. Đất di tích, di sản, hương hỏa không thể bị tiêu diệt thời hiệu, đó là nguyên tắc pháp lý chung ở mỗi dân tộc. Và đó là điều mà mỗi người dân Việt Nam luôn ghi nhớ.

(*) Chúng tôi đã trích dẫn những cứ liệu trên từ chương 3 (phần 2) đến chương 1 (phần 3).


Quý vị có thể tìm đọc lại những cứ liệu này và nhiều hơn nữa những tư liệu nói về chính sách của đạo Thiên Chúa trong luận án tiến sĩ của Giáo sư Cao Huy Thuần: “Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam”. Hiện nay luận án này đã được in thành sách “Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857 – 1914), NXB Tôn Giáo, 2003).