Nhân đây, chúng ta cùng thảo luận về việc này, để có thể rút kinh nghiệm đối với những trường hợp nếu có về sau.
Tổ chức sự kiện được nói ở đây được hiểu là một hoạt động có tính chất truyền thông. Nó khác với một sự kiện riêng tư ở chỗ nó có công chúng truyền thông.
Công chúng truyền thông đối với sự kiện có 2 loại: Công chúng trực tiếp chứng kiến (và có thể tham dự sự kiện) và công chúng gián tiếp của sự kiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (như báo giấy, báo mạng, truyền hình…).
Trường hợp Đại đức Thích Tâm Mẫn hành hương nhất bộ nhất bái trước hết là một pháp môn tu của Phật giáo, hiện chỉ một mình thầy Tâm Mẫn thực hiện. Thế nhưng đây đồng thời là một hoạt động thu hút rất đông đảo công chúng quan sát, theo dõi, bình luận, trao đổi ý kiến (như chúng ta đang làm đây trên mạng). Khi đó, việc tu hành của riêng Đại đức Thích Tâm Mẫn đã trở thành một sự kiện truyền thông và việc thực hiện sự kiện đó đã là tổ chức sự kiện.
Chúng ta lấy một số ví dụ cho dễ hiểu. Việc hàng ngàn người Tây Tạng hàng ngày vẫn hành hương nhất bộ nhất bái chỉ là một pháp môn tu, không phải là tổ chức sự kiện vì không có công chúng. Đó là việc bình thường, như đi tụng kinh mỗi tối ở Việt Nam ta, không có công chúng quan tâm, vì vậy tất nhiên chỉ giới hạn là một pháp môn tu riêng, hoàn toàn khác với trường hợp Đại đức Thích Tâm Mẫn. Nếu trên đường hành hương của những người Tây Tạng nhất bộ nhất bái có xảy ra việc gì thì cũng chỉ là chuyện riêng, báo chí không coi đó là tin tức.
So với trường hợp Đại đức Thích Tâm Mẫn tại Việt Nam, thì cũng cùng hành hương nhất bộ nhất bái đó, nhưng hai bên khác hẳn nhau về tính chất. Một bên đơn thuần là việc tu hành riêng tư, một bên trở thành sự kiện truyền thông.
Nói có sự kiện là đương nhiên phải có việc tổ chức, dù đó ở dang thô sơ, tự phát. Hình thành một nhóm người đi theo để mở đường, vận chuyển hành lý, bảo vệ, phụ trách hậu cần…, có quay phim, chụp ảnh, đưa tin… đó đã thuộc về công việc tổ chức.
Cho nên, dù coi chỉ là một pháp môn tu, nhưng chuyến hành hương của Đại đức Thích Tâm Mẫn đồng thời vẫn là hoạt động tổ chức sự kiện Phật giáo. Mà đây không phải chỉ là sự kiện nhỏ, vì trong thực tế nó thu hút được sự quan tâm của nhiều người gồm cả Tăng Ni Phật tử và cả rất đông những người không theo đạo Phật.
Khi đã xác định đây là tổ chức sự kiện thì cần hết sức chú ý tác động của sự kiện đối với công chúng. Nếu không chú ý đến điều này, tổ chức sự kiện có thể không thành công và việc tu có thể theo đó mà thất bại.
Cần trù tính tất cả mọi chuyện có thể xảy ra, đặc biệt trong quan hệ với công chúng. Có thể họ hình thành đám đông đón chào, đi theo, hay thậm chí cùng lạy theo trên một đoạn đường. Có thể họ có những hành động trêu ghẹo, chọc phá, hay thuần túy là để thử thách người nhất bộ nhất bái.
Đã xác định là tổ chức sự kiện, thì cần xác định rõ mục tiêu và yêu cầu đối với công chúng. Vì dù không tính đến, nó mặc nhiên vẫn sẽ diễn ra. Người ta vẫn làm tin, nhận tin, đọc tin, xem tin, trao đổi ý kiến bình luận về một chuyến hành hương với phương cách có một không hai, chỉ mới diễn ra lần đầu.
Những sự cố chung quanh chuyến hành hương của Đại đức Thích Tâm Mẫn là điều có thể tránh được nếu coi trọng công tác tổ chức, coi trọng quan hệ với công chúng.
Sau những sự việc như vậy, chắc chắn hiện nay sự quan tâm của truyền thông và của công chúng đối với chuyến hành hương của Đại đức Thích Tâm Mẫn sẽ có sự gia tăng đột biến. Người ta chú ý nhiều hơn, còn truyền thông, nói bằng biệt ngữ nghề nghiệp, là “soi kỹ” hơn.
Vì vậy, công việc tổ chức sự kiện càng phải được lưu ý nhiều hơn. Theo chúng tôi, trước hết là cần bảo vệ kỹ càng hơn, chuyên nghiệp hơn, an toàn hơn.
Triệt để giữ quan hệ tốt với công chúng đến trực tiếp với chuyến hành hương, tuyệt đối không để xảy ra sự cố nào, dù cho chỉ va chạm bằng lời nói. Đoạn đường còn lại, những con mắt quan sát chắc chắn dày đặc, và theo đó là những ống kính chụp ảnh, quay phim, càng không phải chỉ là từ tín đồ Phật giáo.
Khi Đại đức Thích Tâm Mẫn nhất bộ nhất bái đến Yên Tử bình yên và thành công tốt đẹp, thì không phải chỉ riêng mỗi mình thầy đạt kết quả trong việc tu tập, mà nó còn có ảnh hưởng chung đối với Phật giáo Việt Nam, và đối với công chúng cả nước. Đó là thành công của việc tổ chức một sự kiện Phật giáo Việt Nam, không phải chỉ là kết quả tu hành cá nhân.
Vì vậy, Đại đức Thích Tâm Mẫn nói riêng cũng như Phật giáo Việt Nam nói chung cũng nên chuẩn bị đến khâu hậu tổ chức sự kiện, tức là khai thác thành công của sự kiện.
Truyền thông Phật giáo Việt Nam cần tập trung tin, bài, phóng sự cho giai đoạn đến Yên Tử của Đại đức Thích Tâm Mẫn. Truyền thông về thành quả của cuộc hành hương độc đáo này phải là tâm điểm của hoạt động tổ chức sự kiện. Đây chính là một phần kết quả quan trọng trong tổ chức sự kiện mà Phật giáo Việt Nam chúng ta cần khai thác đúng mức.
Riêng Đại đức Thích Tâm Mẫn, dưới góc độ tổ chức sự kiện, nên chuẩn bị cho việc tiếp xúc với báo chí. Bởi thành quả mà thầy đạt được không chỉ là một kết quả tu tập cá nhân, không nhưng có giá trị với riêng thầy, mà đó là thành quả chung của Phật giáo Việt Nam, có tác dụng sách tấn việc tu học, củng cố và tăng trưởng niềm tin nơi Tam Bảo đối với số đông người.
MT