Trang chủ Thời đại Tư tưởng ‘hạnh phúc trong hiện tại’ của thiền sư Thích Nhất...

Tư tưởng ‘hạnh phúc trong hiện tại’ của thiền sư Thích Nhất Hạnh

141

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tấm gương sáng kiên trì tu tập, giữ chính niệm để tìm thấy hạnh phúc trong hiện tại và quảng bá tư tưởng này với thế giới, theo hòa thượng Thích Gia Quang.

Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hòa thượng Thích Gia Quang nói “tư tưởng Phật giáo nổi bật trong cuộc đời thiền sư Thích Nhất Hạnh là đạo Bụt, tức Phật đi vào cuộc đời, mang lại hòa bình, hạnh phúc cho con người”.

Theo hòa thượng Thích Gia Quang, tư tưởng đạo Phật đi vào đời sống đã có từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – người sáng lập Phật giáo, qua những bài kinh đầu tiên mà ngài dạy là Chuyển pháp luân, trong có đó giáo lý về Tứ Thánh Đế (bốn chân lý mầu nhiệm), Bát chính đạo (tám điều chân chính con người nên theo).

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cảm nhận sâu sắc những triết lý đó, phát triển thành tư tưởng riêng. Ông dùng phương pháp tu hành Tiếp Hiện, tức là tiếp xúc, tiếp nhận những hiện thực, thực tế cuộc sống, đối mặt với cuộc sống, để giúp xã hội tốt đẹp hơn, con người thoát khỏi đau khổ, được an vui. Phương pháp tu tập của thiền sư rất thực tế, nên được nhiều người phương Đông cũng như phương Tây dễ chấp nhận, dễ thực hành. Mọi người đều có thể thực hành sống hạnh phúc bằng những việc làm thường ngày, từ hơi thở, việc làm, lời nói, ý nghĩ…

“Tư tưởng hạnh phúc trong hiện tại của thiền sư Thích Nhất Hạnh rất sâu sắc, nhưng đến với công chúng lại dễ hiểu, dễ tiếp nhận bởi ông không chỉ là nhà tu hành, mà còn là nhà Phật học, nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn”, hòa thượng Thích Gia Quang nói.

Thiền sư trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92 tại Thái Lan, tháng 10/2018. Ảnh: Ảnh:Plum Village Community of Engaged Buddhism

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92 tại Thái Lan, tháng 10/2018. Ảnh: Ảnh: Plum Village Community of Engaged Buddhism

Để giúp mọi người hiểu và thực hành chính niệm, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 120 tác phẩm, thuyết giảng ở nhiều nước. Những cuốn sách, bài nói của ông giúp hàng triệu người trên thế giới nhận ra rằng mỗi người đều có nhiều hạnh phúc trong cuộc sống, ngay bây giờ, ngay ở đây, chứ không phải tìm đâu xa. Thiền sư từng nói: “Quá khứ đi qua, tương lai chưa tới. Giây phút hiện tại là thực sự sống. Do đó cần an trú trong giây phút hiện tại… Hiện tại không có hạnh phúc thì làm sao có hạnh phúc trong tương lai”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết trong tác phẩm Con đường thánh thiện: “Nơi nào không có bùn thì không có sen. Cũng như thế khổ đau và hạnh phúc nương vào nhau mà phát hiện. Chạy trốn khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì cũng như đi tìm hoa sen ở nơi không có bùn. Sen và bùn cũng như trái và phải, hễ cái trái có đó là cái phải có đó cùng một lượt. Nhờ tiếp xúc được với khổ đau, lắng nghe khổ đau thì ta mới làm phát hiện được cái hiểu biết và cái thương yêu. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc”.

Năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu về Việt Nam sau 40 năm xa cách. Những tác phẩm xiển dương tinh thần hạnh phúc trong hiện tại của ông được truyền tải rộng rãi hơn trong nhiều tầng lớp xã hội, được tăng ni, phật tử tu học theo. “Tôi học được từ ngài là sống phải có chính niệm, sống tỉnh thức từ những việc làm cụ thể hằng ngày, để thấy rằng ta đang có nhiều hạnh phúc”, hòa thượng Thích Gia Quang chia sẻ và cho rằng, dù thiền sư viên tịch nhưng những tác phẩm ngài để lại tiếp tục giúp nhân loại, thế giới hòa bình hơn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Langmai.org

Sinh thời, thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Nếu chúng ta bình an, chúng ta hạnh phúc, chúng ta có thể cười, và mọi người trong gia đình, trong xã hội có thể hưởng niềm vui từ chính sự bình an của ta”. Ảnh: Langmai.org

Đồng tình với quan điểm trên, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Phó ban Văn hóa Trung ương giáo hội Phật giáo VN, nhận định cả cuộc đời thiền sư Thích Nhất Hạnh là tấm gương sáng về sự kiên trì tu tập, giữ chính niệm để tìm thấy hạnh phúc trong hiện tại. “Khi ta không còn tức giận, không còn thù oán, không nghĩ tiêu cực… nghĩa là ta giữ được chính niệm. Thiền sư đã mang những tinh hoa đó của Phật giáo, dùng ngôn ngữ mới đương đại truyền đạt một cách dễ hiểu nhất cho công chúng, nhất là người Âu Mỹ”, ông Sơn nói.

Trong xã hội hiện đại hôm nay, con người ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng cuộc sống, thì các phương pháp tu tập để được hạnh phúc trong hiện tại của thiền sư Thích Nhất Hạnh càng có ý nghĩa quan trọng. Nhưng để giữ được chính niệm cần phải có quá trình tu tập kiên nhẫn. Thầy Thích Nhất Hạnh là tấm gương về sự tu tập, đã lan tỏa điều này đến hàng triệu người. Ông sinh ra và lớn lên khi đất nước bị người Pháp chiếm đóng, rồi trải qua thời kỳ chiến tranh, chịu nhiều khổ đau. Ông Sơn nói: “Chính cuộc đời của ngài đã hấp dẫn hàng triệu người trên thế giới”.

Hoạt động truyền bá giáo lý đạo Phật của thiền sư ở các nước Âu Mỹ rất thành công, được lan tỏa rộng rãi, bởi ông hiểu văn hóa phương Tây. Ông hiểu được rằng rất nhiều người dù sống trong xã hội vật chất dư thừa, khoa học phát triển đến đỉnh cao, nhưng vẫn không thoát khỏi khổ đau. “Ngài chỉ cho họ con đường thoát khổ ngay trong xã hội mà họ đang sống, chứ không phải đợi đến lúc lên thiên đường hay về cực lạc”, ông Sơn nêu cảm nhận.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu năm 2018. Ảnh: Võ Thạnh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu năm 2018. Ảnh: Võ Thạnh

Đại đức Thích Hương Yên, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Trụ trì chùa Giác Hoàng, cho biết khi vừa hay tin thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, cảm giác hụt hẫng đến lạ thường. Hụt hẫng đầu tiên là cảm giác người không còn nữa; thứ hai là luyến tiếc. “Nhưng rất may, pháp môn tu tập của thầy đã đi vào trong từng hành động và nếp nghĩ. Và khi nghĩ về điều đó, năng lượng quân bình lại đến vì nghĩ rằng chỉ cần có người còn thực hành pháp môn tu tập, thì thầy vẫn còn sống đó”.

Tâm đắc với câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh “thương nhau xin hãy nhớ lời nhau”, đại đức Thích Hương Yên kêu gọi mọi người nếu thương kính ngài, hãy tu tập hướng đến đời sống cao đẹp, sống tỉnh thức. “Khi xúc động lắng xuống, tôi kịp mở tác phẩm Cửa tùng đôi cánh gài để nhắc nhở mình phải sống sao khi thầy trở về với cảnh giới bất diệt”, ông nói.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế, lúc 0h ngày 22/1, ở tuổi 96. Lễ nhập kim quan (khâm liệm) diễn ra vào 8h ngày 23/1; lễ trà tỳ (lễ thiêu) lúc 7h ngày 29/1. Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng.

Ngày 22/1, hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN, có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tổ chức lễ tang trưởng lão hòa thượng Thích Nhất Hạnh.

“Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhất Hạnh là vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam có nhiều công lao trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp góp phần xiển dương Phật giáo Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Ngài là vị Thiền sư hướng đạo của Phật giáo đồ trên thế giới”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ trong công văn.

Thực hiện theo di nguyện của thiền sư, tang lễ sẽ được tổ chức theo nghi thức tâm tang. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp chặt chẽ và tham gia giúp đỡ tổ đình Từ Hiếu trong việc tổ chức lễ tang Trưởng lão hòa thượng Thích Nhất Hạnh trang nghiêm, thành kính theo nghi thức cấp cao của Giáo hội và di nguyện tâm tang của thiền sư.