Trang chủ Tu học Phổ thông Tự tứ, ngày báo hiếu

Tự tứ, ngày báo hiếu

132

Ngày ấy, chúng Tăng tập họp, từng vị một ra trước đại chúng cầu xin được đại chúng soi sáng, bằng cách chỉ cho mình thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm, mà vì vô tình hay cố ý, mình đã sai phạm, nhưng do vô tri, không thể tự thấy biết. Sau khi đại chúng chỉ cho thấy rồi, thì thành tâm sám hối. Sám hối rồi thì sẽ được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh tự nhiên phát sinh hoan hỷ, nên gọi là tự tứ. Sau khi tự tứ, vị Tỳ kheo được thêm một tuổi giới, nên tự tứ cũng gọi là thọ tuế, nhận thêm một tuổi đạo, mà ta thường gọi là hạ lạp.


Lễ tự tứ rất quan trọng, chính Đức Thế Tôn cũng tự tứ. Tăng Nhất A Hàm ghi: Bấy giờ, đến ngày rằm tháng Bảy, Thế Tôn trải tòa ngồi giữa khoảng đất trống, các Tỳ kheo trước sau vây quanh. Phật liền bảo A Nan hãy mau đánh kiền chùy, vì hôm nay rằm tháng Bảy là ngày thọ tuế. A Nan hỏi thọ tuế là thế nào? Phật dạy, thọ tuế là làm sạch ba nghiệp của thân, miệng, ý. Cứ mỗi 2 vị Tỳ kheo đối diện với nhau mà tự trình bày nhược điểm, sai trái của bản thân mình, đồng thời tự xưng pháp danh của mình và nói rằng, hôm nay Tăng chúng thọ tuế, tôi cũng muốn thanh tịnh nên thọ tuế, xin tha thứ cho lỗi lầm của tôi. Tôn giả A Nan lại hỏi, việc này là pháp của chư Phật hay chỉ Đức Thế Tôn có? Đức Thế Tôn nói, quá khứ vị lai hằng sa chư Phật đều có, như Ta có ngày nay.


Tôn giả A Nan hoan hỷ hết sức, tức thì lên giảng đường đánh kiền chùy mà nói, tôi đánh lên hiệu lịnh của Như Lai, đệ tử của Ngài xin tập hợp lại! Tăng chúng tập hợp cả rồi, Đức Thế Tôn nhìn mà nói, hôm nay tôi thọ tuế: Tôi có lỗi với ai không? Thân, miệng, ý của tôi có phạm lỗi gì không? Đức Thế Tôn nói đến 3 lần như vậy, rằng hôm nay Tôi muốn thọ tuế: Tôi có lỗi gì với Tăng chúng không? Tôn giả Xá Lợi Phất đứng dậy bạch Đức Thế Tôn: Tăng chúng quan sát Như Lai, không thấy có lỗi gì về thân, miệng, ý. Như Lai cũng không có lỗi gì với ai. Còn phần con, con xin hướng về Như Lai mà tự trình bày: Con có lỗi gì với Như Lai và Tăng chúng không?


Đức Thế Tôn bảo, Xá Lợi Phất, tôn giả không có hành động gì phi chánh pháp nơi thân, miệng, ý. Tôn giả Xá Lợi Phất lại thưa, bạch Đức Thế Tôn, tất cả Tỳ kheo Tăng đây cũng muốn thọ tuế: Tất cả Tỳ kheo Tăng đây có lỗi gì đối với Như Lai không? Đức Thế Tôn dạy, không (Đại chính 2, tr.676, Tăng Nhất A Hàm, phẩm Thiện tụ).


Kinh Tạp A Hàm cũng ghi lại sự kiện Tự tứ tương tự. Trong pháp hội, Thế Tôn cùng Tôn giả Xá Lợi Phất và 500 vị Tỳ kheo đều cầu xin đại chúng chỉ lối để thành tâm sám hối cho thân tâm được thanh tịnh   (Đại Chánh 2, tr.330, quyển 45).


Qua trích dẫn trên, chúng ta thấy pháp tự tứ rất quan trọng đối với đời sống đạo hạnh của người xuất gia nói riêng, của sự tồn tại Tăng đoàn Phật giáo nói chung. Nó không những chỉ biểu hiện sự thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng – yếu tố sống còn của Phật pháp – mà còn biểu hiện uy lực, sức mạnh của đại chúng nữa. Uy lực ấy phát sinh từ uy đức, tức từ đời sống phạm hạnh thanh tịnh, từ sự nỗ lực hành trì giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.


Uy lực này tập hợp được nhiều nhân tố và đạt đến đỉnh cao nhất chính là trong ngày tự tứ, vì ngày này vừa kết thúc ba tháng an cư tu học và thập phương Tăng đều tham dự lễ. Vì thế, sức mạnh này là căn bản của lễ Vu lan. Bởi chính uy lực hàm đủ các công đức này mới có thể cứu khổ, mới diệt được nghiệp và nghiệp báo, hay nói cách khác chính uy lực này mới thắng nổi nghiệp lực.


Thật vậy, kinh Vu Lan đã cho biết thần thông cao như ngài Mục Kiền Liên, thậm chí nhiều như cả trời đất quỷ thần và các đạo sĩ, tứ thiên vương… cũng không làm gì được đối với nghiệp lực. Cái có thể làm gì được đối với nghiệp lực, làm thay đổi, chuyển hóa được nghiệp lực, là uy lực của chúng Tăng.


Bà Thanh Đề đã tạo ra cái nghiệp ở địa ngục từ những hành vi của thân, miệng, ý của bà. Những hành vi ấy được thúc đẩy bởi những tâm niệm bất thiện, như tham, sân, si. Những tâm niệm bất thiện này, cho đến khi bà đã vào địa ngục, vẫn chưa thay đổi, nên dù nhận được bát cơm của Mục Liên, bà không thể ăn. Cơm đã bốc thành lửa. Ngọn lửa ấy là lửa tham từ trong tâm thức bà.


Thần lực của Mục Kiền Liên không thể dập tắt được ngọn lửa này. Chỉ có uy đức của chúng Tăng mới có thể chuyển hóa được nó. Uy đức này, như đã nói, hàm chứa tất cả các công đức tu tập giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, tạo thành tổng lực năng lượng tâm linh có thể làm rung động, thức tỉnh và chuyển hóa tâm thức người khác. Nếu như một bài hát hay, được thể hiện qua chất giọng tốt, có thể đi vào và làm rung động lòng người nghe, thì sự tập trung năng lượng tâm linh và cầu nguyện của chúng Tăng càng làm nên được sự thức tỉnh, chuyển hóa kỳ diệu khi hướng đến những tâm hồn đang sống trong khổ đau sầu não hằng mong được cứu vớt!


Đức Phật đề nghị tổ chức lễ Vu lan vào ngày tự tứ, một mặt, như đã nói, bởi ngày ấy tập trung được nguồn năng lượng tâm linh lớn nhất. Nhưng mặt khác, là đề cao ngày tự tứ của Tăng chúng. Nói cách khác là đề cao đời sống đúng giới luật của người xuất gia, bởi tự tứ là một trong những biểu hiện của đời sống giới luật đó. Trích dẫn trên đã cho thấy chính Đức Thế Tôn rất coi trọng ngày tự tứ. Và điều này được hiểu, Đức Phật gián tiếp dạy hiếu là giới, như chúng ta thấy rõ trong Bồ tát giới.


Tăng Nhất A Hàm nói rằng Đức Phật xuất thế là để làm 5 việc: chuyển pháp luân, độ cha mẹ, đem đức tin lại cho những kẻ không có đức tin, ai chưa có chí nguyện Bồ tát thì làm cho họ có, và thọ ký làm Phật cho Bồ tát (Tăng Nhất A Hàm, phẩm Tà tụ, Đại chính 2, tr.699). Trong năm việc đó, nhiều khi việc thứ hai được tách ra mà nói: chuyển pháp luân, thuyết pháp cho cha, thuyết pháp cho mẹ, hướng dẫn phàm phu lập hạnh Bồ tát, và thọ ký làm Phật cho Bồ tát (sđd, tr.622).


Hơn thế nữa, Bồ tát giới đưa hiếu lên hàng đầu, coi như là con đường để thành Phật, nên ngay khi mới thành đạo, dưới gốc cây bồ đề, Thế Tôn đã kiết giới Bồ tát: Hiếu là giới, vì lục đạo chúng sinh đều là cha mẹ. Cho nên, giữ giới chính là để hiếu thuận báo ơn cha mẹ. Hai bản kinh Vu Lan Bồn và Báo Ân Cha Mẹ đều chỉ dạy phương cách báo hiếu ân đức cha mẹ. Cách ấy là cúng dường trai tăng trong ngày tự tứ. Điều này mang ý nghĩa đề cao đời sống giữ gìn giới luật của chúng Tăng, tức gián tiếp dạy cho chúng ta phải nghiêm trì giới luật. Đó là báo hiếu. Cho nên, mọi người, tại gia và xuất gia, gắng tu cho cha mẹ được nhờ!