Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Từ thiện qua “lăng kính” Phật pháp

Từ thiện qua “lăng kính” Phật pháp

311
Hiện nay, công tác từ thiện của Phật giáo được thể hiện tương đối phong phú.

Phật giáo Việt Nam có câu: “Dù xây chín cấp phù đồ/Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Cứu một con người còn hơn cả xây chín cấp phù đồ (tháp). Bởi vậy, với các tăng ni, phật tử việc cứu giúp đất nước, muôn dân trăm họ là công việc khẩn thiết cấp bách hơn cả. Đó cũng chính là tinh thần từ thiện trong Phật giáo.


Nỗi trăn trở của một ni sư

Năm 2015, tại Đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN lần thứ III có sự hiện diện một ni sư dáng người nhỏ nhắn nhưng bài tham luận tại đại hội đã thực sự lay động lòng người. Đó là ni sư Thích Nữ Huệ An trụ trì chùa Phước Sơn ở huyện Phú Lộc, Huế.

Ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế, nơi có thời tiết khắc nghiệt, phải hứng chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh, đời sống của nhân dân, nhất là bà con nghèo còn nhiều gian khó. Từ những chuyến đi làm từ thiện, ni sư Thích Nữ Huệ An đã nhận được những ánh mắt khát khao được tới trường của những đứa trẻ tại các vùng quê nghèo, khiến ni sư không thôi trăn trở về tương lai của chúng.

Năm 1990, khi nhân duyên được chín muồi, lớp học tình thương dành cho trẻ em vùng sâu, vùng xa do ni sư Huệ An khởi xướng đã hình thành giúp cho 40 em đến trường. Những niềm vui ngời sáng tỏa trên gương mặt thơ ngây của những trẻ em nghèo khi tung tăng cắp sách tới trường đã thôi thúc ni sư tiếp tục phát triển, xây dựng thêm 40 lớp học mới, với 1.400 học sinh, 57 giáo viên ở miền núi xa xôi, các vùng duyên hải của 14 xã trên toàn huyện Phú Lộc.

Không chỉ dừng lại ở việc cho các em con chữ, ni sư Huệ An cùng các ni cô nhà chùa không ngừng huy động các nguồn hảo tâm từ cộng đồng để học sinh có bữa ăn bán trú miễn phí tại các cơ sở dạy học mà nhà chùa xây dựng; phụ thêm một phần kinh phí để trả lương, nâng cao thu nhập cho giáo viên.

Năm 2004, chùa Phước Sơn đã chọn Phú Lộc là địa bàn đầu tiên thực hiện chương trình uống sữa đậu nành mùa nắng; mùa mưa uống loại sữa bột có giá trị dinh dưỡng cao, thuốc bổ miễn phí. Những việc làm thiết thực nêu trên đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện Phú Lộc từ 42% xuống còn 15%.

Những lớp học khang trang, sân chơi bằng bê-tông, khu vệ sinh đúng quy cách, giếng nước, thiết bị học cụ, đồ dùng đồ chơi của một số trường chung quanh vùng mọc lên cũng là nhờ tấm lòng từ bi của những con người phụng sự Phật pháp chùa Phước Sơn…

Với đóng góp không nhỏ cho cộng đồng như vậy, nhưng ni sư Huệ An chỉ khiêm tốn tâm sự: “Từ thiện chỉ là một trong muôn việc mà Phật giáo đóng góp cho cộng đồng nhằm chung sức nâng cao mức sống người dân”.

Từ thiện trong Phật giáo có ý nghĩa đặc thù 

Từ thiện là những việc làm nhân từ, phước thiện hay những việc thiện xuất phát từ lòng nhân từ. Bất kỳ cá nhân, tổ chức xã hội nào có thiện tâm, giàu lòng nhân ái và nhận thức được tầm quan trọng của những hành động yêu thương, đùm bọc, sẻ chia đều có thể làm từ thiện chứ không chỉ riêng các tôn giáo. Tuy nhiên, từ thiện trong Phật giáo có ý nghĩa đặc thù hơn, cần được hiểu đúng với nội dung của nó. Sự khiêm tốn của ni sư Huệ An thấm đẫm tinh thần Phật giáo.

Mục đích của bố thí trong đạo Phật là giải quyết triệt để gốc rễ của nỗi khổ, niềm đau

Tác giả Phan Minh Đức trong bài viết “Nghĩ về từ thiện và bố thí” đã đưa ra quan điểm, với ý nghĩa từ thiện, Phật giáo có từ bố thí (cúng/ hiến/ cho/ tặng) nhưng nội hàm của từ bố thí rộng hơn, khác với từ thiện của người thế gian và các tôn giáo khác. Bố thí của Phật giáo có ba phần: Tài thí (chia sẻ, giúp đỡ về vật chất, tiền bạc); Pháp thí (trao truyền đạo lý, Chánh pháp giúp xây dựng đời sống an lạc hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, đời này và đời sau, hơn thế nữa là dứt trừ gốc rễ, nguyên nhân những nỗi khổ niềm đau, chấm dứt luân hồi, sinh tử); Vô úy thí (mang lại sự an ổn, không lo lắng, không sợ hãi cho người đang khổ não). Chỉ phương pháp bố thí trong Phật giáo mới có đủ ba nội dung này.

Nguồn gốc của sự khác này là do bằng tuệ giác, Phật giáo thấy rằng việc giúp đỡ, chia sẻ về vật chất không giúp giải quyết triệt để nguồn gốc mọi nỗi khổ niềm đau. Nguyên nhân của bất hạnh khổ đau trong hiện tại phần lớn là do quan niệm, hành vi, lối sống của con người.

Mọi sự giúp đỡ về vật chất đều trở nên không mấy lợi ích nếu như người ta có tư duy và lối sống tiêu cực, chẳng hạn như cứ sống buông thả, biếng nhác, sa đọa trong rượu chè, cờ bạc, không có sự nỗ lực, phấn đấu xây dựng cuộc sống; hoặc có những suy nghĩ tiêu cực, sai lầm, lệch lạc về những giá trị sống.

Muốn giải quyết những vấn nạn xã hội, những khó khăn của đời sống, nghèo khó và bất hạnh khổ đau của con người, không chỉ cần cơm ăn áo mặc, các phương tiện vật chất, mà còn cần văn hóa, giáo dục, cần được định hướng sống tốt, định hướng nghề nghiệp mưu sinh, cần được giáo dục, đào tạo, cần học cách chung sống với nhau và biết tôn trọng những giá trị đạo đức mang lại trật tự xã hội, an ổn và hạnh phúc cho con người.

Mục đích tối hậu của bố thí trong đạo Phật là giúp chúng sinh giải quyết triệt để gốc rễ mọi nỗi khổ niềm đau. Vì thế song hành với các hoạt động từ thiện (Tài thí) nhất định phải là công tác giáo dục và hoằng pháp (Pháp thí), như câu chuyện mở trường gieo tri thức của ni sư Huệ An nói trên.

Làm từ thiện như thế nào cho đúng pháp?

Câu hỏi này không chỉ đặt ra với người đời mà còn đặt ra với chính các tăng ni, phật tử. Nêu quan điểm nhằm tìm câu trả lời, tác giả Minh Chính trong bài viết cùng tiêu đề trên phatgiao.org cho rằng, con người tồn tại trong cộng đồng và chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển của cộng đồng.

Do đó, con người phải có trái tim và tấm lòng đồng cảm với những vấn đề trong cộng đồng. Đó không chỉ đơn thuần là sự tương tác giữa con người và xã hội. Mà đó còn là sự biểu thị tinh thần và trách nhiệm với những người xung quanh.

Hành thiện, bố thí là sự thể hiện tư tưởng làm điều thiện, tránh điều ác của Phật giáo. Khi con người làm điều tốt lành, đó không chỉ là sự cứu giúp những người khó khăn. Mà đó còn là sự cứu giúp và giải thoát cho chính mình. Tuy nhiên, con người cần hiểu đúng giá trị của việc hành thiện. Khi ấy chúng ta mới là thiện đúng nghĩa và cái thiện mới đi từ tâm mà thành.

Theo tác giả Minh Chính, con người hành thiện bằng cái tâm vô lượng được xem là một biểu hiện hành trì trong tu tập. Chúng ta có thể làm điều thiện, điều tốt bất kỳ đâu và với bất kỳ ai. Nhưng việc thiện ấy phải xuất phát từ tâm, đúng người, đúng hoàn cảnh.

Ngày nay trong xã hội luôn có nhiều hoạt động thiện nguyện vô cùng thiết thực và hữu ích. Đó là những cơ sở khám chữa bệnh miễn phí giúp đỡ người nghèo. Đó là những lớp học tình thương cho các em nhỏ mồ côi không được cắp sách đến trường.

Đó là những trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em, người khuyết tật, người già neo đơn. Tất cả đều xuất phát từ cái tâm thiện lành, từ nghĩa cử cao đẹp. Với mong muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh.

Có thể thấy, làm từ thiện đúng nghĩa là khi chúng ta hành thiện từ cái tâm từ bi bác ái. Hành động ấy phải xuất phát từ trái tim nhân ái, không vì bất kỳ vụ lợi cá nhân nào.

Hiện nay, công tác từ thiện của Phật giáo được thể hiện tương đối phong phú trên một số mặt sau: Hệ thống khám chữa bệnh, Phật giáo có hệ thống Tuệ Tĩnh đường được thành lập khắp cả nước khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào bằng phương pháp y học dân tộc và y học hiện đại; Cơ sở dạy nghề, nhiều tỉnh, thành hội đã tổ chức nhiều trường, lớp dạy nghề miễn phí cho con em gia đình lao động nghèo, người khuyết tật;
Lớp mẫu giáo tình thương góp phần chung tay giải quyết gánh nặng xã hội cho nhà nước trong việc đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ, một bộ phận người nghèo, trẻ mồ côi nhờ những lớp học này được cắp sách đến trường, đây cũng là một hình thức áp dụng giáo lý Phật giáo vào giải quyết vấn đề xã hội; Trung tâm tư vấn, nuôi dưỡng người nhiễm HIV/AIDS;
Các hoạt động cứu trợ khác như nỗ lực vận động tài chính, vật phẩm cứu trợ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, xây dựng đường xá, bắc cầu; hưởng ứng các phong trào đền ơn đáp nghĩa như mở trường học, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ các chiến sĩ biên phòng, hải đảo, thăm hỏi và động viên hỗ trợ các thương binh, bệnh binh, bệnh nhân nghèo khó tại các bệnh viện, trại phong, trại tâm thần, nhà dưỡng lão, ủng hộ quỹ bảo thọ, trợ cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học…
(Trích kỷ yếu hội thảo Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện)

DIỆU HƯƠNG/ theo PHÁP LUẬT