Trang chủ Tuổi trẻ Tu tập nơi miền sương khói

Tu tập nơi miền sương khói

90

 – “ Mình đi Bát Nhã đi !”- nhỏ bạn tôi thì thầm.


 


Tôi thắc mắc: “Đang lo sốt vó chuyện học hành, thi cử sao lại đi Bát Nhã? Mà Bát Nhã là nơi nào mới được chứ?”.


 


– “Học thì mi sẽ học suốt đời, phải dành một ít thời gian để thư giãn nữa chứ. Cho mi biết nhé, Bát Nhã là điểm đến lý tưởng của nhiều Phật tử như bọn mình đấy! Vì nơi đó phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ trong lành. Đặc biệt hàng tháng đều có tổ chức khóa tu hai ngày cho Tăng thân và Phật tử, thiền tập theo phương pháp chánh niệm. Đây cũng là cơ hội để mi xả stress nữa đó! Tớ đã đi rồi. Hay lắm!”.


 


– “ Ừ, vậy thì đi”.


 


Với những lời “tiếp thị” hấp dẫn của nhỏ bạn, tôi cùng các bạn  sinh viên khăn gói lên tu viện Bát Nhã (xã Đa Mi, Bảo Lộc, Lâm Đồng) để “tu” hai ngày.


 


Bài học đầu tiên


 


Xe đến nơi thì cũng đã khuya. Ra đón chúng tôi là thầy Pháp Trú và một thầy… mà tôi chưa biết tên. Thầy Pháp Trú sẽ là “hướng dẫn viên” cho chúng tôi trong hai ngày lưu lại nơi đây. Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm cùng quý thầy công phu, mặc dù  hôm nay chưa phải là ngày “tu” chính thức của chúng tôi. Theo sự hướng dẫn của thầy Pháp Trú, học thở là bài học đầu tiên của chúng tôi. Giữa môi trường sống tất bật hối hả nơi phố thị ắt hẳn chúng ta hiếm có thời gian được ngồi lại chiêm nghiệm về bản thân, nghĩ lại một ngày mình đã làm những gì, đã gặp gỡ những ai. Như tôi chẳng hạn, cứ như một con thoi, sáng dậy đến trường. Trưa lại hối hả đạp xe về dưới cái nắng Sài Gòn gay gắt. Ăn trưa qua quýt cho “yên” cái bụng. Chiều lại ngổn ngang với đống sách báo tài liệu. Tối lại “mài đũng quần” ở trung tâm ngoại ngữ… Một ngày của tôi là vậy đó! Không có thời gian để tâm hồn  thanh thản, đầu óc không thể vượt ngoài những tất bật đời thường. Cảm nhận thời gian như ngày càng ít lại, ngắn đi… Vì vậy, việc ý thức được hơi thở của mình là điều hiếm hoi. Như Phật đã dạy, đời người không phải là sáu mươi năm, cũng không phải là một ngày một buổi và càng không phải là trong một bữa ăn, mà đời người chỉ gói gọn trong một hơi thở. Hơi thở là điều căn bản, là dấu hiệu cho biết bạn còn tồn tại. Bạn muốn sống tỉnh thức thì bạn phải ý thức được hơi thở  của mình “Thở vào tôi biết tôi thở vào – Thở ra tôi biết tôi thở ra”, phải điều phục được hơi thở vì “hơi thở là Pháp bảo hộ thân tâm”. Quán niệm về hơi thở phải được thực hiện thường xuyên.


 


Bên cạnh tập thở thì điều cơ bản nữa là việc thực hành ăn cơm trong chánh niệm. Thế nào là ăn cơm trong chánh niệm? Thầy Nguyên Hải giải thích:  “Ăn cơm trong chánh niệm là khi ăn chúng ta phải quán niệm về những thức ta đang ăn là tạo tác của đất trời, là công phu lao tác của con người. Từ đó ta nguyện chia sẻ tình thương đến muôn loài, nguyện chỉ ăn những thức mang lại sự sống cho mình mà không sát sinh các loài vật khác. Ngoài ra, chúng ta phải ăn theo tiếng chuông, cùng chờ đợi nhau. Điều đó thể hiện tính cộng đồng, tập thể…”. Chúng tôi phải thực tập như vậy qua các bữa ăn.


 


“Điệp khúc” thiền


 


Chủ nhật là ngày thực tập chính thức. Cùng với hơn hai trăm Tăng thân và Phật tử, chúng tôi tham gia các buổi công phu, thiền tụng, thiền hành, pháp thoại, thiền buông thư, pháp đàm.


 


Bốn giờ sáng cùng các thầy và Tăng chúng thiền tụng. Khi nghe các anh nói bốn giờ sáng phải dậy, tôi đã lè lưỡi. “Bình thường mình ngủ ‘nướng’ tới sáu, bảy giờ sáng mới dậy. Giờ đó làm sao mà thức nổi?!”. Nhưng cũng cố gắng vì chuyến này mình đi “tu” mà! Công phu buổi sáng, chúng tôi được ngồi thiền, niệm danh hiệu Phật và tụng các bài kệ. Cầm quyển kinh Nhật tụng, chúng tôi ngân nga các bài kệ về hạnh hiểu thương, hạnh lắng nghe và ái ngữ, về điều phục cơn giận. Công phu xong như có nguồn năng lượng cộng đồng đang lan truyền trong tâm thể. Nó khác xa với những gì tôi đã nghĩ trước đó.


 


Sau buổi thiên tụng, chúng tôi ăn sáng và chuẩn bị cho buổi thiền hành, pháp thoại, thiền buông thư, pháp đàm.


 


Có lẽ buổi thiền buông thư lúc trưa là nhiều kỷ niệm nhất trong chuyến thực tập của chúng tôi. Thầy Pháp Trú giảng giải về khái niệm thiền buông thư. Đó là việc thân tâm được nghỉ ngơi trong trạng thái thả lỏng. Lúc thân thả lỏng thì tâm phải quán niệm về thân, về các giác quan như mắt, miệng, mũi, tai… Nguyện chỉ dùng miệng nói những lời ái ngữ, dùng đôi mắt biết nhìn lại để thương yêu, dùng đôi tai lắng nghe để hiểu… Qua lời giảng trầm ấm cùng những bài hát chánh niệm du dương, thầy dần đưa chúng tôi vào trạng thái thân tâm nhất như thật kỳ diệu.


 


Sở dĩ tôi nói buổi thiền buông thư đầy kỷ niệm vì  khi chúng tôi thực tập cũng có một số “phát sinh”. Có lẽ do sự dẫn dắt của thầy quá hiệu quả nên khi chúng tôi đạt đến mức thân tâm nhất  như, dường như đâu đó có một tiếng ngáy rất nhẹ… rất đều cất lên. Âu cũng là lẽ thường vì các bạn mới lần đầu tập tành thiền buông thư mà?!


 


Đến hai giờ chiều, chúng tôi tập trung ra đồi thông dự buổi pháp đàm do thầy trụ trì, thầy Nguyên Hải, thầy Giác Viên và thầy Pháp Trú hướng dẫn. Không khí pháp đàm ấm áp vì những tâm sự được sẻ chia trong đoàn thể Tăng thân. Nhất là tâm sự của các bạn nhóm sinh viên vô tình hướng buổi pháp đàm xoay quanh đề tài  hiểu-thương, lắng nghe và ái ngữ. Theo các bạn, hiểu-thương, lắng nghe và ái ngữ là những điều diệu dụng trong cuộc sống mà việc thực hành những điều ấy là cả một quá trình và hiệu quả mà nó mang lại thật tốt đẹp biết bao. Những hạnh ấy sẽ giúp người gần người hơn, người yêu thương người hơn…


Như bạn Quỳnh chia sẻ: “Khi con ở cạnh người bạn thân, con luôn cảm thấy bất an, con khó có thể lắng nghe và ái ngữ. Con phải làm sao để xóa dần cảm giác ấy”. Hay như tâm sự của bạn Khoa: “Lúc trước con đã có những hành động không dễ thương xúc phạm nhiều người, làm cho một người bạn rất oán giận con. Giờ con đã nhận ra và cố gắng sửa chữa sai lầm nhưng tất cả đều vô vọng.Vậy con có nên bỏ mặc tất cả không?”. Đúc kết chung những giải đáp, lần lượt các thầy cùng chia sẻ với chúng tôi. Trong cuộc sống cũng như trong hành xử hàng ngày, tất cả đều tùy thuộc ở bản thân ta. Dù người bạn của ta có thế nào đi nữa nhưng ta hãy tìm điểm tốt của bạn mà thương. Có thể ta đến với bạn không đúng lúc sẽ làm cho cả bạn và ta không hài lòng về nhau thậm chí là ghét nhau. Hãy gạt bỏ tất cả để yêu thương nhau thật lòng, phải biết “làm mới” nhau. Cuối cùng “những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim”.


 


Buổi pháp đàm rồi cũng kết thúc nhưng dư âm dường như còn mãi. Có cái gì đó rất mới lạ trong tôi, dường như tôi gắn kết với mọi người hơn, hay “Cũng bởi vì chúng ta đã có nhau rồi từ lâu – Cũng bởi vì chúng ta đã có nhau hoài mai sau”.