Trang chủ Đời sống Tự sát: Cũng tùy hoàn cảnh

Tự sát: Cũng tùy hoàn cảnh

110

Trên một trang web chính thức của Phật giáo, mới đây đã bàn đến chuyện tự sát theo quan điểm của đạo Phật, qua sự việc tự sát của người xông vào nổ súng giết người ở Ủy ban Nhân nhân TP Thái Bình. Đề tài quả là nóng, vì đề cập đến đại sự sống chết qua một câu chuyện vẫn còn làm dư luận chưa hết bàng hoàng, đã sớm thu hút phản hồi của độc giả.

Trước tiên xin bàn luận về một phản hồi của bạn đọc, mà tôi cho rằng không thể không trao đổi lại. Đó là phản hồi “Liệu tác giả có viết theo định hướng không vậy?”, có tựa đề “Không chính xác”.

Định hướng hay không định hướng thì có gì quan trọng? Điều quan trọng là có viết theo đúng lời Phật dạy hay không mà thôi. Có định hướng và đúng theo lời Phật dạy là rất tốt.

Không định hướng nhưng đúng lời Phật cũng là tốt?

Sao lại đặt vấn đề có hay không định hướng ra ở đây.

Việc tự sát là vấn đề quan trọng trong nhiều tôn giáo. Có tôn giáo cấm tuyệt việc tự sát, dứt khoát không cho tín đồ tự sát.

Nhưng tôi biết chắc là đạo Phật không cấm (trừ việc hiểu giới cấm sát sinh theo hướng cấm cả việc tự sát). Trong nhiều bài kinh có ghi nhận việc nhiều thầy tỳ kheo tự sát sau khi nghe về lẽ vô thường bất tịnh… hay vì chịu sự đau khổ vì bệnh tật. Nhưng, theo trí nhớ riêng tôi Phật không đưa ra quan điểm xác định là cấm. Điều tất nhiên, phải chết một mạng người là điều cần tuyệt đối tránh. Dĩ nhiên không chờ đến giờ mới định hướng, mà điều đó là lẽ đương nhiên, ai cũng chấp nhận, không riêng tôn giáo nào.

Nhưng khi đưa thành quan điểm tôn giáo thì nên cẩn thận. Đó là lý do có thể chuyển việc tự sát đơn giản thành một cuộc tử chiến, giết nhiều người rồi để người ta giết mình. Thực chất, đó cũng là tự sát, nhưng tai hại, nguy hiểm hơn rất nhiều.

Nếu kẻ giết người Đặng Ngọc Viết không tự sát, chẳng hạn vì một tín điều mà có tôn giáo coi là hàng đầu, mà trốn tránh hay tử chiến, thì hậu quả thảm khốc vô cùng.

Với hành động giết người, sống ngoài vòng pháp luật, thì không khó để làm cướp có vũ khí, từ đó, rất có thể lại giết người thêm. Nếu tử chiến thì cũng dùng tay người khác để giết mình, vì bắn trả với vài viên đạn thì bao lâu sẽ bị hạ, và chắc chắn là công an phải bắn hạ một kẻ dùng súng chống trả.

Nhiều tín đồ các tôn giáo khác, rất ngoan đạo, không tự sát, mà chọn… tử chiến để người khác giết và hoàn cảnh của họ đã là hoàn cảnh tự sát. Vậy là họ vẫn tự sát dù không tự tay mình, mà còn giết thêm nhiều người.

Nhà tôi trước đây ở quận 10, những năm cuối thập niên 1970 xảy ra vụ án nhà thờ Vinh Sơn. Khi nhà thờ bị bao vây, có người bàn những kẻ bạo loạn bên trong nhà thờ sẽ tự sát, nhưng những giáo dân bác bỏ ngay, vì những người cố thủ là những tín đồ của một tôn giáo tuyệt đối cấm tự sát. Và rồi xảy ra tử chiến, giết hại một công an, một số người cố thủ tử chiến bên trong bị tiêu diệt. Họ vẫn tự sát đấy chứ, vì đó là tội lỗi chết mà còn chạy đi đâu nhưng tàn nhẫn hơn nhiều, gây thêm đau thương tang tóc rồi mới chịu chết.

Vì vậy, Đặng Ngọc Viết tự sát dưới tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát chùa Đông Sơn, theo tôi, không phải là lựa chọn tồi tệ. Bắn giết chừng ấy người, anh ta chắc chắn bị tử hình. Anh ta có tự trình diện tra tay vào còng thì rồi cũng bị giết. Chắc gì anh ta làm vậy hay tử chiến để rồi cũng gục chết? Cho nên, tự sát dưới tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát cũng là một lựa chọn không gây thêm phương hại. Anh ta có một an ủi là được nhìn Phật khi chết với mong mỏi, nguyện cầu nào đó.

Dù sao Viết cũng có phước, anh tự sát nhưng trước khi chết được nhìn thấy Phật, điều mà nhiều người bị chết vì nguyên nhân tự nhiên không có. Tìm tới chân tượng Phật tự sát, kẻ gây án chắc chắn không thể không cầu nguyện, niệm Phật cho một kiếp sau. Tốt cho người ra đi dường nào. Phải chết, nhưng chết dưới chân Phật cầu nguyện, niệm Phật vẫn tốt hơn là trốn chạy để gây thêm tội ác, hay tử chiến gieo thêm tang tóc.

Nên tôi có cái nhìn khác với tác giả bài báo. Không phải lúc nào tự sát đều là cũng không nên, nếu nhìn theo giáo lý nhà Phật. Tự sát sau khi giết người không chính đáng, cũng là một cách tự đền tội, tự xử lý nhân ác của mình. Không phải tự sát là xong hết tội, và chết trước Phật thì cũng không chắc chắn vãng sanh hay sinh vào thiện đạo. Nhưng dẫu sao, đó cũng không phải tiêu cực như lẫn trốn hay tử chiến, không phải là cuộc quay đầu, nhưng cũng là cách giải quyết có an ủi, dưới chân tượng Phật.

Như vậy, tự sát có đáng trách hay không thì còn tùy vào hoàn cảnh cụ thể. Tôi không bào chữa cho tự sát nói chung, mà nên xét từng trường hợp cụ thể. Riêng với Viết, anh ta đã tìm đến dưới chân tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát thì Phật tử chúng ta nên đồng trợ niệm.

MT