Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Tu là chuyển nghiệp, dẹp bỏ tham, sân, si

Tu là chuyển nghiệp, dẹp bỏ tham, sân, si

95
Trước hết tôi có đôi lời với Ni chúng. Quí vị đã có phước duyên nhiều đời nên được làm thân người, được xuất gia học đạo, có thầy có bạn trên đường tu. Đó là chủng duyên lành nhiều đời, nhiều kiếp nên ngày nay mới được kết quả tốt đẹp như vậy. Đã được quả tốt thì phải ráng vun trồng cho nó tăng trưởng đến thành tựu, chớ đừng ỷ lại nhân trước tốt rồi chúng ta bỏ qua, không nỗ lực, thì nhân cũ sẽ hư lép đi, kết quả không còn tốt nữa.
Trên đường tu, chúng ta phải ráng tu như thế nào cho xứng đáng với chí nguyện xuất gia lúc ban đầu của mình. Có vị nào khi xuất gia lại nguyện con vô chùa để được ngủ nhiều, ăn nhiều, chơi nhiều không? Chắc không có. Ai cũng nguyện lớn rằng con xuất gia để được giác ngộ giải thoát và độ chúng sanh cùng được giải thoát. Đó là lý tưởng cao siêu ít có gì bì được. Vì vậy trong nhà Phật thường nói, người xuất gia không phải là người làm việc tầm thường, nên gọi là phi thường. Đã là phi thường thì chúng ta phải có tư cách, có thái độ phi thường mới được.
Tôi thường nói, quí vị xuất gia là đã thực hiện một việc phi thường rồi. Quí vị thấy mình đã làm được điều gì phi thường chưa? Người thế gian bên phái nữ khi lớn lên ai cũng muốn để tóc trang sức cho đẹp. Quí vị cạo bỏ phắt đi thì đó đã là phi thường chưa? Dám cạo tóc không sợ xấu, không sợ người ta cười, không vì trang sức đẹp đẽ của thế gian, không muốn bận tâm với trần tục để vào chùa tu. Đó là cái phi thường thứ nhất.
Đến điểm phi thường thứ hai. Quí vị thấy Phật tử hay người đời lúc nào cũng trọng miếng ăn, ăn sao cho ngon. Mà muốn ăn ngon thì tự nhiên phải có thịt cá mới ngon, còn rau cải đạm bạc làm sao ngon. Nhưng khi tu quí vị dứt khoát không ăn cá thịt nữa, chỉ ăn rau cải sống qua ngày. Đó cũng là một việc phi thường rồi.
Song điều phi thường thứ ba là quan trọng nhất. Thế gian nam nữ lớn lên đều có đôi bạn, lập gia đình, nhưng quí vị lại cương quyết tu, không bị cột trói bởi tình cảm gia đình nữa. Một lòng vào chùa lo tu hành để được giải thoát sanh tử, không bận bịu chuyện thế gian với tình cảm tầm thường đó. Như vậy là rất phi thường.
Chúng ta đã là người làm việc phi thường thì luôn luôn lúc nào cũng phải là người đi đầu, hướng dẫn cho huynh đệ, cho mọi người noi theo. Muốn đi đầu, muốn hướng dẫn mọi người thì trong tâm quí vị còn tham, sân, si được không? Nếu nội tâm còn tham, sân, si thì đó là một điều khổ.
Bởi vì trong kinh Phật dạy:
– Này các Tỳ-kheo, nếu trong thất của các ông có ba con rắn độc chui vào, lúc đó các ông ngủ có ngon không?
– Bạch Thế Tôn, chúng con ngủ không ngon.
Phật hỏi:
– Làm sao các ông ngủ mới ngon?
Các thầy Tỳ-kheo bạch:
– Chừng nào chúng con đuổi được ba con rắn độc ra khỏi nhà, chừng đó chúng con ngủ mới ngon.
Phật nói:
– Đúng vậy, ba con rắn độc ở trong nhà nên các ông ngủ không ngon. Nhưng ba con rắn độc đó chưa độc bằng ba thứ độc tham, sân, si. Vì tham, sân, si không những hại chúng ta trong đời này mà còn xúi giục chúng ta tạo nghiệp luân hồi trong vô lượng kiếp nữa.
Như vậy, rắn độc chỉ cắn chúng ta chết trong một thân; còn tham, sân, si sẽ dẫn, sẽ kéo, sẽ lôi chúng ta đi trong luân hồi vô lượng kiếp. Vậy thứ nào đáng sợ hơn?
Nói thực tế hơn, hôm nào trong thất của quí vị có rắn độc chui vô, đêm đó quí vị ngủ được không? Cũng thế, trong nội tâm quí vị nếu còn ba thứ độc, quí vị có ngủ được không? Chắc ngủ vẫn ngon như thường! Thế mới thấy, cái mà Phật cho rằng đáng sợ chúng ta chưa thật sợ, còn những cái không đáng sợ chúng ta lại sợ. Đó là vì chúng ta không sáng suốt, chúng ta yếu đuối. Vì vậy tôi khuyên, nhắc quí vị phải nhớ đuổi ba con rắn độc ra trước, đó là điều thiết yếu. Nhiều vị sống trong tập thể vì ba con rắn độc mà bị tổn hết công đức, sự tu hành cũng bị chướng ngại.
Chẳng hạn đối với con rắn sân, người tu niệm Phật mà nổi sân thì tối hôm đó niệm Phật được yên không? Còn người tọa thiền mà nổi sân với thiên hạ thì tối tọa thiền được yên không? Như vậy, sân là cái chướng làm trở ngại sự tu của tất cả chúng ta. Nên tôi mong rằng tất cả Ni chúng đã quyết tâm tu hạnh giải thoát để cứu mình, cứu chúng sanh thì quí vị cố gắng phải dẹp trừ ba thứ độc trước. Trừ nó rồi thì tu pháp nào cũng thành công, tu pháp nào cũng có kết quả. Ngược lại, nếu quí vị không dẹp trừ ba thứ độc, dù quí vị cố gắng tu pháp gì cũng khó có kết quả được.
Như vậy trọng tâm tu cho thành công, đạt được kết quả là trước phải diệt trừ tam độc, đó là cái gốc. Trên đường tu, sự thành công là phần của quí vị, thầy bạn chỉ nhắc nhở thôi. Làm sao để năm nay tôi tới thăm, quí vị đuổi ba con rắn độc ra được phân nửa. Sang năm tới, tôi tới thăm thì ba con rắn độc đã ra khỏi nhà, là quí vị tu tiến đó. Không phải chúng ta ngồi thiền nhiều giờ, niệm Phật nhiều mà tiến. Thêm giờ ngồi thiền, thêm chuỗi niệm Phật, nhưng ba con rắn độc không đuổi ra thì tu vẫn không tiến như thường. Mình tu nhất tâm niệm Phật, quyết chí ngồi thiền rất là nghiêm chỉnh, nhưng ra ngoài ai nói trái ý liền nổi giận đùng đùng, thì người ta sẽ kết luận cô ấy giả bộ niệm Phật, giả bộ ngồi thiền chớ không phải tu thật.
Như vậy, trọng tâm của người xuất gia là phải dẹp tham, sân, si. Đó là bước đầu trên đường tu. Tôi mong tất cả Ni chúng đều cố gắng thực hiện cho được. Đây là lời nhắc nhở của tôi với Ni chúng.
Tiếp đến tôi có vài lời nhắc nhở quí Phật tử có mặt hôm nay. Quí vị hiện giờ làm ra tiền của, vậy quí vị có sợ trộm cướp không? Tôi xin chỉ quí vị một phương pháp gìn giữ sự nghiệp của mình không bị trộm cướp, không bị ai lấy hết. Trong nhà Phật luôn luôn dạy người Phật tử làm thế nào cho công đức của mình được tăng trưởng, được lâu dài, được bền vững đừng để tiêu mất.
Quí vị xét ở thế gian nếu chúng ta có tiền nhiều, có của nhiều thì chúng ta sợ trộm, sợ cướp, sợ đủ thứ. Có của thì sợ mất của; có danh vọng thì sợ mất danh vọng; danh vọng cao chừng nào càng sợ mất nhiều chừng ấy. Thế nhưng, đức Phật dạy cái chúng ta tạo ra, không bao giờ mất đó là nghiệp. Nghiệp theo chúng ta như bóng với hình không tách rời được, đời này, đời sau và nhiều đời không bao giờ mất.
Vậy nghiệp là gì? Nghiệp là thói quen, là hành động do chúng ta chăm chú vào một việc, tiếp tục làm việc đó mãi thì thành thói quen. Đó gọi là nghiệp. Thí dụ cô A dạy học, cô B cũng dạy học, họ gọi nhau là bạn đồng nghiệp. Đồng nghiệp tức là cùng làm một nghề dạy học. Hoặc chú A hút thuốc, chú B cũng hút thuốc hay chú A uống rượu, chú B cũng uống rượu thì gọi là bạn nhậu, bạn hút. Như vậy hút thuốc, uống rượu lâu thì thành nghiệp thuốc, nghiệp rượu.
Bởi vậy người đã quen làm việc gì thì việc đó trở thành nghiệp của mình. Quí vị thấy chúng ta ở ngành nào, nghề nào cũng nhìn sự vật theo con mắt của nghiệp đó. Thí dụ ở chùa có trồng cây bách lớn. Người thợ mộc nói cây bách là một loại gỗ rất cứng, dùng để đóng đồ chắc lắm. Người dược sĩ thì thấy cây bách này có vị thuốc trị được bệnh, v.v… Cũng một cây bách mà người nói gỗ tốt, người nói thuốc hay. Lại có người nói nếu cây bách này khéo uốn thì sẽ trở thành con rồng, con phụng gì đó v.v… Như vậy, tùy theo cặp mắt của mỗi người mà sự vật được nhìn theo nhiều công dụng riêng biệt không giống nhau. Đó là nhìn theo nghiệp. Vậy nghiệp có hình tướng không?
Tôi thí dụ có một ông thầy giáo, một ông bác sĩ và một ông thợ hồ. Cả ba cùng đi chung một chuyến đò, sang sông với nhiều đồ đạc. Ra tới giữa dòng bỗng đò chìm. Mỗi người đều lo bơi vào bờ quên hết đồ đạc. Tới bờ rồi nhìn lại người nào cũng tay không, tất cả đồ nghề mang theo đều bị nước cuốn trôi hết nhưng nghề thầy giáo, nghề bác sĩ, nghề thợ mộc có bị cuốn trôi không? Thế nên nghiệp là cái không ai có thể lấy đi được hết. Dù nước trôi, lửa cháy, trộm cướp cũng không ai lấy được nghiệp của mình.
Phật dạy nghiệp được chia ra làm hai thứ: nghiệp lành và nghiệp dữ. Nếu chúng ta tạo nghiệp lành thì điều thiện, điều lành ngày càng tăng trưởng. Nếu chúng ta tạo nghiệp ác thì càng ngày càng gặp nguy hiểm, càng gặp nhiều tai họa. Nhà Nho xưa hay nói đó là âm đức. Nhà Phật gọi đó là nghiệp lành. Âm đức thì không ai ăn cắp được; còn của cải tài sản thì rất dễ mất. Nên nói “tích âm đức dĩ vi tử tôn”, để âm đức cho con cháu thì con cháu được hưởng, còn để tiền của chắc gì con cháu hưởng được.
Trong nhà Phật nói để nghiệp lành lại cho con cháu thì con cháu hưởng phước, để nghiệp ác thì con cháu thọ khổ. Nếu quí vị thương con cháu thì gieo nghiệp lành. Song nghiệp của ai người đó hưởng chớ người khác không hưởng được, vậy tại sao ta phải tạo nghiệp lành cho con cháu? Đó là vì muốn cho con cháu chúng ta trở thành người tốt, người hiền, có tài, có đức nên chúng ta phải lo cho nó học. Học được rồi quí vị khéo hướng dẫn cho nó biết đạo đức, biết làm lành, biết tạo những điều phước thì đó là tạo cho nó nghiệp lành, nghiệp tốt rồi. Nó có nghiệp lành tốt, giả sử cha mẹ mất đi thì nó cũng không khổ. Còn nếu cưng con, muốn cái gì cho cái ấy, sung sướng ăn chơi tự do thì tới chừng cha mẹ trăm tuổi nó sẽ khổ. Đó là không biết gầy dựng nghiệp tốt cho con cháu.
Lại nữa, có nhiều người làm ăn được nên cứ lo cặm cụi làm ăn hoài, không nghĩ tới việc học hành của con, không lo đạo đức cho con. Cứ làm ăn cho có nhiều tiền, nhiều của vì nghĩ khi chết, của đó sẽ để lại cho con. Nhưng của cải ấy chắc gì con cháu hưởng được, nói chi đến giữ. Những gì mình làm đổ mồ hôi xót con mắt, thức khuya dậy sớm, nhưng nếu con cháu không có đạo đức, không có tâm lương thiện thì tiền của để lại chưa chắc gì chúng hưởng được.
Thế nên người cha, người mẹ khôn ngoan là phải hướng dẫn cho con tạo nghiệp tốt. Nghiệp tốt là nghiệp thầy giáo, nghiệp bác sĩ, nghiệp gì chuyên môn cho ích nước lợi dân là được. Đồng thời hướng dẫn cho con tâm lương thiện, biết thương người, biết giúp đỡ kẻ khổ v.v… Đó là quí vị biết lo xa, biết thương con thật lòng.

Còn phần mình thì quí vị nhớ, nhất là những vị tuổi đã cao, đã mấy mươi năm nhọc nhằn với cuộc sống lắm rồi, tuổi già kề cận, ráng làm sao ngày nào còn có mặt ở trên đời thì hãy tạo những nghiệp lành, những phước thiện để khi mình nhắm mắt, nghiệp đó theo mình không mất. Nếu quí vị tạo được một triệu điều lành, quí vị không cần tủ, không cần nhà chắc, vẫn không ai lẻn vô lấy cắp được một triệu việc lành của quí vị. Còn nếu quí vị có một triệu lượng vàng, dù nhà cao cửa sắt, cũng chưa chắc gì giữ được.

Chúng ta giành danh, giành lợi với thế gian, nếu mình được, người mất thì họ đố kỵ ganh ghét. Còn chúng ta tạo nghiệp lành, dù bao nhiêu điều họ thấy họ cũng mừng giùm, không ai đố kỵ hết. Như vậy, chúng ta làm những điều tốt mà không ai đố kỵ với chúng ta, đó là cách yên ổn nhất.
Lại nữa, chúng ta làm nghề gì phát tài thì có người cạnh tranh, đua chen với chúng ta. Mà cạnh tranh thì ai cũng giành phần hơn. Đó là nguyên nhân dẫn tới đấu tranh với nhau. Bây giờ chúng ta làm việc lành nếu có ai cạnh tranh với chúng ta thì càng tốt. Tôi làm mười điều lành, người đó tranh với tôi cũng làm mười điều hoặc mười lăm điều thì càng tốt hơn, càng cạnh tranh càng tốt. Như vậy quí vị thấy cái nào đem lại sự an ổn cho chúng ta, đem cái hay, cái đẹp cho mọi người chung quanh. Chỉ có nghiệp lành là quí nhất. Đó là chuyện hiện tại.
Còn mai sau nếu chúng ta đã tạo nghiệp lành, sau khi mất nghiệp ấy có sức mạnh lôi dẫn chúng ta đi tới những chỗ lành. Như vậy hiện tại chúng ta được an vui và mai sau chúng ta cũng được an vui. Nếu chúng ta không cố gắng làm lành, không cố gắng tạo nghiệp lành thì hiện tại chúng ta chưa chắc vui mà mai kia lại càng khổ hơn nữa. Đó là chúng ta biết lo xa.
Vậy quí vị đem hết tâm tư gầy dựng sự nghiệp thì nên gầy dựng cho mình một sự nghiệp xứng đáng, lâu dài. Đó là nghiệp thiện, nghiệp lành. Quí vị nghĩ nghiệp thiện, nghiệp lành xuất phát từ đâu? Nhà Phật gọi tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp. Thân mình làm tất cả điều lợi cho chúng sanh, đó là tạo nghiệp lành; thân mình làm tất cả điều đau khổ cho chúng sanh, đó là tạo nghiệp ác. Miệng mình nói tất cả điều lành cho mọi người được vui, mọi người hết khổ, đó là nghiệp lành; nói lời dữ cho người phải buồn, phải giận, phải tức tối là tạo nghiệp dữ. Ý nghĩ xấu, nghĩ bậy, nghĩ hại người là tạo nghiệp dữ; ý nghĩ cứu giúp, nghĩ thương yêu người là tạo nghiệp lành. Như vậy ba nghiệp thân, miệng, ý cố gắng làm lành thì thành người hiền.
Phật tử chúng ta tu có hiền chưa? Đó là điều mà tôi xin nhắc. Vô chùa lạy tha thiết vô cùng, lạy Phật, cầu Phật đủ thứ, nhưng ra ngoài ai chọc tức, nói thôi không chừa lời nào. Như vậy là mình chưa hiền, chưa biết tu. Nếu gia đình, vợ chồng, con cái đều biết tu ba nghiệp thì có đầm ấm không? Thế nên, biết tu thì trở thành người tốt, gia đình hạnh phúc. Nếu trong xóm, trong làng ai cũng biết tu ba nghiệp thì xóm làng đó có bình yên không? Qua đó quí vị mới thấy giá trị của người tu Phật là phải làm sao đem lại cho mình sự an lành, đem lại cho gia đình hạnh phúc, đem lại cho xã hội vui tươi thái bình, gầy dựng cuộc đời tốt đẹp. Chớ không phải đi chùa mới gọi là tu còn về nhà không chịu tu.
Tôi kể một câu chuyện của Nhật Bản. Có bà cụ chuyên niệm Phật. Ngày nào bà cũng niệm mấy chuỗi. Một hôm bà đang ngồi niệm Phật, bỗng có thằng cháu nội làm rớt bể cái bát kiểu. Bà quăng xâu chuỗi xuống rồi chửi đứa cháu. Người con thấy vậy nói: “Mẹ à, mẹ tu sao mẹ còn chửi?” Bà quát: “Tao tu với Phật chớ không phải tu với tụi bây!”
Quí vị nghĩ sao? Chúng ta tu với Phật hay tu với chúng sanh? Chúng sanh nhiều buồn khổ, nhiều xấu xa thì mình phải tu với nó chớ! Còn Phật ngồi im lìm có nói lời nào đâu, khen Ngài cũng không gật đầu, chê Ngài cũng không lắc đầu. Ngài lặng yên tự tại, chỉ có chúng sanh mới đa sự. Cho nên chúng ta tu là tu với chúng sanh. Chúng sanh nhiều khổ não, nhiều cuồng loạn, nhiều si mê nên ta phải ráng tu với họ, để làm sao chúng ta đi trước làm người gương mẫu cho họ bắt chước. Gia đình ta biết tu nên đầm ấm an vui, hạnh phúc thì những người chung quanh mới noi theo. Vì vậy chúng ta tu không chỉ cho mình mà tu cho cả gia đình, cho cả xã hội nữa. Đó mới là người Phật tử biết tu, là người Phật tử chân chánh. Chớ lạy Phật nhiều, cúng Phật lắm nhưng ra đường không chịu nhịn ai hết thì đó chưa phải là tu.
Tới đây quí vị biết để dành của quí chưa? Quí vị có hứa với tôi từ nay về sau sẽ gửi ngân hàng công đức mỗi ngày mỗi nhiều không? Tôi đảm bảo ngân hàng đó không mất, gửi bao nhiêu cũng không mất hết, nên phải ráng tu.
Hôm nay tôi đến thăm và nhắc nhở Ni chúng cũng như tất cả Phật tử biết cách tu. Tu thiết thực chớ không phải tu bằng tưởng tượng, bằng lý thuyết, tu phải thực hành. Được vậy quí vị mới xứng đáng là đệ tử của Phật, xứng đáng là người dân tốt, biết xây dựng cuộc đời và đạo pháp ngày càng tươi đẹp hơn.
Theo Hoa Vô Ưu