Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay “Tự hào là người theo đạo Phật”

“Tự hào là người theo đạo Phật”

259

Thăm Thượng tọa Tấn Đạt trong thời gian bệnh duyên nằm viện, trả lời câu hỏi, rằng Thượng tọa cảm thấy nhớ gì nhất khi phải trải qua một thời gian dài xa chùa, xa Phật sự, Thượng tọa Tấn Đạt đã trả lời là người tu thì ở đâu cũng là nhà của mình, là ngôi chùa .Tuy nhiên, nếu nói nhớ với nghĩa thường tình thì thầy nhớ Tăng ni Giảng sinh, nhớ Tăng ni Phật tử, nhất là ngày Phật đản mà thầy không về chùa thuyết giảng được là điều bức xúc nhất. 

Trong nhóm Phật tử đến thăm Thương tọa, có một Phật tử thưa thầy, rằng trong những ngày nằm trong bệnh viện, thầy nghĩ về đề tài thuyết giảng nào nhất.
 
Thượng tọa Tấn Đạt không ngần ngại đã nói lên suy tư của thầy, dù là thầy nói chuyện rất khó khăn, giọng nói rất nhỏ, khiến chúng tôi chăm chú lắm mới nghe hết.
 
Mặc bộ đồ tu truyền thống, ngồi xếp bằng trên giường bệnh, bên dưới thầy là một số Phật tử trẻ, phòng bệnh dành riêng cho cá nhân bỗng trở thành một không gian thuyết pháp nho nhỏ.
 
Người viết chợt nhớ đến bài giảng nổi tiếng, được nhiều người biết đến “Tu trong mọi hoàn cảnh”, của Hòa thượng Thanh Từ.
 
Chúng tôi, thật tình, cũng hơi bất ngờ khi được nghe pháp trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy.
 
Như một con tằm, trong mọi hoàn cảnh, vẫn thiết tha đến thiên chức nhả những sợi tơ vàng óng ánh cho đời, người giảng sư với sự nghiệp hoằng pháp vẫn cố nói lên những lời pháp trong sự khó nhọc với hoàn cảnh bệnh duyên.
 
Người viết nghĩ rằng, đây có lẽ là một thời pháp, tuy có số thính chúng ít nhất (chỉ vài Phật tử trẻ), nhưng lại có lẽ là một trong những bài pháp hay nhất của Thượng tọa, vì thầy đã thao thức, cưu mang, chuẩn bị nội dung trong suốt những tháng nằm viện.
 
Với thời gian nằm viện, với không gian yên tĩnh, cộng với tâm nguyện hoằng dương chính pháp, có lẽ những lời thầy nói ra là một trong các bài pháp tâm huyết nhất, thiết tha nhất của thầy.
 
Trong sự thân mật gần gũi, Thượng tọa đã đề nghị Phật tử cùng nhau trao đổi ý kiến, nêu thắc mắc với Thượng tọa trong quá trình thăm hỏi.
 
Chúng tôi ghi lại thành bài viết theo dạng “Phật sự hôm nay”, với những đặc điểm như đã trình bày ở bài đầu tiên của loạt bài thuộc loại này (xem phần giới thiệu bài Phục hồi, tiếp nối nghi thức truyền thống dân tộc với lễ rước kiệu Phật).
 
Dưới đây là bản ghi phục vụ bạn đọc Phattuvietnam.net:
 
Phật tử Nguyên Lạc ((PTNL): Bạch thầy, xin thầy cho Phật tử trẻ như chúng con một vài ý pháp có thể lấy đó định hình cho hướng đi.
 
Thượng tọa Thích Tấn Đạt (TTTTĐ): Định hình thì không dám, nhưng nếu nói thì Thầy có một vài suy nghĩ như thế này: Đạo Phật du nhập vào Việt Nam trên 2000 năm lịch sử, gần 1000 năm Phật giáo giữ vai trò là quốc giáo và tôn giáo dân tộc, thế mà trong thời đại ngày nay, người Phật tử Việt Nam lại quên mất mình và còn có những dấu hiệu đáng buồn.
 
Cho nên Thầy sẽ nói về tinh thần “Niềm tự hào là người theo đạo Phật”,  để xóa tan những mặc cảm, tự ti, nhút nhát còn rơi rớt lại trong tâm thức một số người, nhất là các bạn trẻ.
 
Các con có thể nhìn thấy chung quanh mình một hiện tượng, có thể nói là không hiếm, là nhiều người, nhất là giới trẻ, tuy ông bà cha mẹ theo đạo Phật hàng từ bao nhiêu đời, nhưng vẫn không dám nhận mình là người theo đạo Phật.
 
Thậm chí, tổ chức những khóa tu bát quan trai, tu “Phật thất”, tu “Một ngày an lạc”, tu “lục hòa”…, người đăng ký ở lại chùa dài ngày để tu tập, phải trình CMND, thì CMND mới làm vừa được mấy tháng, ở mục tôn giáo lại ghi là… “không”!
 
Các con nghĩ là tại sao?
 
Còn rất đông người, tuy là Phật tử, nhưng cũng không tự hào mình là người Phật tử.
 
Đây là vấn đề, không chỉ ở nhóm Phật tử chưa có niềm tự hào mình là người theo đạo Phật, không dám xác nhận mình là Phật tử trong niềm vinh dự, hãnh diện, tự tin, mà là vấn đề của cả Tăng ni Phật tử Việt Nam chúng ta.
 
Vì sao trong đạo ta lại có hiện tượng như vậy? Nguyên nhân nằm ở chỗ nào? Có phải Phật giáo Việt Nam còn có một vướng mắc gì đó để dẫn đến hiện tượng như vậy? Điều này chỉ có ở Việt Nam hay còn ở nước nào khác? Để giải quyết chúng ta bắt đầu từ đâu? Và những phương cách gì có thể lựa chọn? Tình hình đang tốt lên hay xấu đi? Chừng nào mới có thể giải quyết căn bản vấn đề? Những tôn giáo khác tại Việt Nam có hiện tượng đó hay không? Nếu không thì vì sao? …
 
Những câu hỏi đó cứ vây lấy thầy. Các con là Phật tử, sống trong xã hội, hãy thử đóng góp cho thầy những câu trả lời gợi ý. Có thể ý kiến của các con còn chưa chính xác ở điểm này điểm khác, nhưng vẫn sẽ là những ý kiến tham khảo tốt giúp ích ít nhiều đối với thầy.
 

TT. Thích Tấn Đạt
 
Phật tử Minh Thạnh: Bạch thầy, con nghĩ là khi người ta có được một thứ của cải nào đó quý giá, người ta sẽ rất tự hào. Một số gọi là “Phật tử” chưa có lòng tự hào đối với đạo Phật, có thể, vì họ chưa thể ý thức được đầy đủ giá trị của đạo Phật ?
 
TTTTĐ: Đúng vậy. Vì có khi người ta theo đạo Phật như một tập quán của ông bà truyền lại. Có khi người ta đến chùa cũng chỉ vì theo chân bạn bè cùng đi .
Trong khi đó, những Phật tử như vậy chưa được học hỏi nhiều về giáo lý, ý thức của họ về giá trị của đạo Phật là chưa đầy đủ. Do đó, họ chưa thể có niềm tự hào về đạo Phật. Đó là nguyên nhân chủ quan.
 
Bên cạnh đó, chung quanh họ, tuy vẫn có rất nhiều người theo đạo Phật, và cũng có nhiều người không phải theo đạo Phật, nhưng cũng không ý thức được giá trị của đạo Phật. Đối với một số người không nhỏ trong xã hội, đạo Phật chưa phải là một bảo vật. Vì vậy, trong những người theo đạo Phật, có một số không lấy đạo Phật làm niềm tự hào.
 
Nó giống như là không thể tự hào với bảo vật mình có với những người không biết về giá trị của bảo vật đó.
 
Vì thế, để có được niềm tự hào đối với đạo Phật ở người Phật tử, chúng ta phải nỗ lực trong hoạt động hoằng pháp, giúp cho số đông nhận thức được giá trị của đạo Phật.
 
Khi trước hết những người theo đạo Phật nhận thức được đầy đủ giá trị của đạo Phật, tất nhiên, họ sẽ tự hào về đạo Phật của mình.
 
Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng có nhiều giá trị ở đủ mọi khía cạnh. Theo các con, những giá trị nào đáng chú ý trước tiên?
 

Đại đức Thích Minh Nhẫn, Thượng tọa Thích Tấn Đạt, Thượng tọa Thích Minh Thiện
 
Phật tử Thanh Tú (PTTT): Bạch thầy, chính sự vi diệu của giáo pháp và tính cách vĩ đại của Đức Phật là những giá trị hàng đầu của đạo Phật. Ý thức được điều đó, người Phật tử sẽ mặc nhiên tự hào về tôn giáo mà mình đang theo.
 
TTTTĐ: Đó là mục tiêu căn bản và cũng là muôn thuở của việc hoằng pháp.
 
Đạo Phật có những giá trị tự thân vô cùng siêu việt. Tuy nhiên, nếu những giá trị này, cơ bản là giáo pháp và phẩm cách của đức Phật, không được làm hiển minh, không làm cho mọi người nhận thức được, thì hệ quả là sẽ tất yếu như chúng ta đã nói.
 
Hoạt động hoằng pháp không ngừng nghỉ, hàng ngày, hàng giờ, đang hướng đến điều mà chúng ta đang mong muốn.
 
Ở đây, chúng ta có thể tìm hiểu những vấn đề khác ngoài những vấn đề cốt yếu như đã nói, để góp phần giải quyết vấn đề. Các con có thể cho thầy biết về những ví dụ cụ thể mà các con nhận thấy.
 

TT. Thích Tấn Đạt và HT. Thích Thiện Tánh
 
PTNL: Bạch thầy, một hiện tượng, là một số Phật tử trẻ chẳng những không tự hào về đạo Phật, mà lại có mặc cảm, tự ti, nghĩ rằng chỉ theo đạo Phật vì hoàn cảnh gia đình, trong khi thấy tôn giáo mình đang theo thua kém một vài tôn giáo đến từ phương Tây. Trong sự so sánh họ nghĩ rằng Phật giáo lạc hậu, cổ hủ, quê mùa…
 
TTTTĐ: Thầy hình dung điều con nói, và cũng không xa lạ, ngạc nhiên trước điều này. Nó giống như một số thanh niên Tây học mặc cảm vì cái mà họ cho là quê mùa của ông bà họ, hay cho là tiếng Việt không hay, không chính xác hay sang trọng như tiếng Anh, tiếng Pháp, nên dù phải chấp nhận Phật giáo, trong lòng họ vẫn có mặc cảm, và tất nhiên là họ không thể tự hào về đạo Phật.
 
Đối với những người như vậy, ngoài việc làm sáng tỏ với họ những giá trị của đạo Phật, còn phải cho thấy là họ đã sai lầm.
 
Đạo Phật đang là tôn giáo phát triển mạnh hơn cả ở các nước Âu Mỹ tiên tiến. Ở đó, nhiều người tự giác từ bỏ tôn giáo mà họ đang theo, để quy ngưỡng Phật giáo, theo sự nghiên cứu, tìm hiểu của chính họ, mà không hề có sự thuyết phục hay ép buộc.
 
Ở châu Âu có thể kể đến các nước như Pháp, Anh, Hà Lan, Nga…, ở châu Mỹ có Mỹ, Canada….
 
Tam Tạng Pali đã được dịch ra tiếng Anh, trước khi được dịch ra tiếng Việt một cách đầy đủ, và một số bản kinh tiếng Việt từ Tạng Pali đã được dịch thông qua bản Anh văn.
 
Ở Pháp, số người thực hành đạo Phật ước đoán có thể lên đến 10% dân số, dù có thể họ không đến chùa mà tự tu tập theo sách vở.
 
Các con có thể giúp cho những người thiếu lòng tự hào về đạo Phật thuộc dạng này bằng cách giới thiệu những trang web Phật giáo rất phong phú do Phật tử các nước Âu Mỹ thực hiện bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức và cả tiếng Nga…
 
Ngày Phật Đản đã được chọn là một ngày lễ chính thức của Liên Hiệp Quốc, được tổ chức hàng năm tại trụ sở tổ chức quốc tế lớn nhất và có vai trò quan trọng nhất này. Phật giáo được bình chọn là tôn giáo hòa bình nhất trên thế giới. Chùa chiền được xây dựng ngày càng nhiều ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ, không phải chỉ từ các cộng đồng các sắc dân nhập cư, mà từ chính người bản xứ.
 
Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ XX, xem đạo Phật là tôn giáo khoa học nhất, phù hợp với thời đại nhất. Nhiều triết gia, nhà khoa học lớn Âu Mỹ chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Phật. Đã có nhiều tu sĩ Phật giáo là người Âu Mỹ.
 
Mặc cảm về đạo Phật, thiếu lòng tự hào về đạo Phật của một số thanh niên Việt được coi là vẫn theo đạo Phật, chính là do họ hiểu biết chưa đầy đủ về sự phát triển văn hóa, tín ngưỡng của phương Tây hiện đại, trong sự phát hiện những giá trị vĩ đại của đạo Phật.
 
Ở những trường hợp như vậy, chúng ta có thể thấy sự thiếu vắng đồng thời lòng tự hào dân tộc, song song với việc thiếu niềm tự hào về đạo Phật.
 
Phật giáo Việt Nam gắn bó máu thịt với dân tộc Việt Nam. Không có niềm tự hào về đạo Phật thì đương nhiên cũng sẽ thiếu vắng niềm tự hào dân tộc.
 
Phật giáo Việt Nam là một phần quan trọng của bản sắc văn hóa Việt Nam.
 
Trong buổi đầu truyền bá tại Việt Nam, cũng như trong thời gian phát triển cực thịnh vào thời Lý – Trần, đạo Phật đã đóng góp căn bản vào sự hình thành văn hóa Việt Nam.
 
Một tỷ lệ lớn tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam vào buổi đầu xây dựng quốc gia độc lập là tác phẩm văn học nghệ thuật Phật giáo, trong đó, nhiều bài thơ được sáng tác do những nhà sư học vấn uyên bác, là những trí thức lớn của đất nước thời bấy giờ.
 
Trong thời gian mất nước vào tay thực dân Pháp, đạo Phật bị hủ hóa, mê tín dị đoan hóa, là một phần trong mưu toan hủy hoại bản sắc dân tộc Việt Nam, mà di hại còn rơi rớt mãi đến bây giờ, biểu hiện qua những trường hợp thiếu lòng tự hào đối với đạo Phật mà chúng ta đã thấy.
 
Ở thế kỷ XIX, học vấn của tăng sĩ Phật giáo có xuống thấp, nhưng các nhà sư vẫn là những nhà yêu nước tiêu biểu, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
 
Trong thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, với công cuộc chấn hưng Phật giáo và những kết quả sau đó, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của trí thức.
 
Nhiều tác phẩm nghiên cứu Phật học đã được trước tác và phiên dịch. Nhiều vị tu sĩ Phật giáo đã có học vị cao, đóng góp tích cực vào hoạt động học thuật, văn hóa của nước nhà. Sách Phật học chiếm một tỷ lệ lớn và gia tăng mạnh trong tổng số sách nghiên cứu xuất bản hàng năm tại Việt Nam.
 
Do vậy, là trí thức trẻ với truyền thống gia đình theo Phật giáo đã theo đạo Phật thì phải tự hào về Phật giáo Việt Nam, thì mới là trí thức thật sự, trí thức chân chính, trí thức đúng nghĩa.
 

TT. Thích Tấn Đạt và TT. Thích Bảo Nghiêm
 
PTTTT: Bạch thầy, nhưng về mặt hình thức, Phật giáo Việt Nam chúng ta không tạo cho giới trẻ cũng như trí thức niềm tự hào về một tôn giáo trí tuệ, phát triển và thời đại.
 
TTTTĐ: Trong thực tế, vẫn có một số ít tu sĩ Phật giáo Việt Nam trình độ chưa cao, còn ít nhiều ảnh hưởng mê tín trong việc hành đạo.
 
Tuy nhiên, đó chỉ là số ít và Phật giáo Việt Nam đang chuyển hóa dần nhóm tu sĩ thiểu số ấy, thường là ở những chùa vùng quê xa xôi.
 
Nhưng cũng còn phải thấy rằng có một số người giả danh tu sĩ Phật giáo, có những hành vi không phù hợp với đạo Phật, làm phiền người dân, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Phật giáo. Từ đó, không tránh khỏi điều tai hại là Phật tử đánh mất niềm tự hào về đạo Phật, vì rõ ràng không thể tự hào khi những người như thế là thầy mình, là đạo sư của tôn giáo mình.
 
Phật giáo Việt Nam và các cơ quan chức năng đang nỗ lực bài trừ tình trạng giả danh tu sĩ này, nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm của đạo pháp, giữ gìn tín tâm Phật tử và niềm tự hào cho Phật tử.
 
Nếu công bằng mà nhìn nhận, thì ở một số tôn giáo, vị tu sĩ chỉ trang nghiêm trong lễ phục vào giờ hành lễ. Ngoài ra, trong sinh hoạt, họ ăn mặc như người đời, nên có có làm gì thì không ai biết, nên không ảnh hưởng đến hình thức bề ngoài tôn giáo đó.
 
Còn đạo Phật thì ngược lại, yêu cầu người tu sĩ giữ đúng hình tướng, nên những người mang hình tướng tăng ni giả hiệu tất yếu sẽ làm mất niềm tự hào nơi tín đồ.
 
Còn vấn đề mê tín, thì đương nhiên không phù hợp với sự tiến bộ của thời đại với khoa học.
 
Nhưng tôn giáo nào cũng có vướng vào việc mê tín trong một chừng mực nào đó.
 
Thế nhưng, mê tín ở thiểu số Phật giáo chỉ là những biểu hiện vụn vặt, nhìn chung là không gây tác hại lớn.
 
Trong khi trên thế giới, từ một số tôn giáo lớn, mê tín lại phát sinh ra những biến thái tà đạo, là dạng mê tín nguy hiểm, kích động chiến tranh, bạo lực hận thù, tranh chấp, sát nhân, loạn luân, có những hành vi quái gỡ…
 
Những loại mê tín nguy hiểm như thế phát sinh nhiều ở Bắc Mỹ và châu Âu. Ở Mỹ, có lần, chính phủ phải dùng đến quân đội, có yểm trợ của xe tăng và máy bay trực thăng trấn áp một giáo phái vũ trang ở bang Texas năm 1993. Giáo chủ đã tự sát và ép nhiều tín đồ cùng chết theo mình bằng cách tự đốt cháy cơ sở. Trong số người thiệt mạng có nhiều trẻ em.
 
Cũng ở Mỹ, có việc giáo phái “Cổng thiên đường” tổ chức tự sát tập thể để lên thiên đàng.
 
Vì vậy, vọng ngoại, cho rằng tôn giáo phương Tây là khoa học, cho rằng Phật giáo là mê tín, lạc hậu, đánh mất niềm tự hào của người Phật tử là hoàn toàn không đúng.
 
Hiểu rõ vấn đề mê tín và chính tín (vốn là một nguyên lý căn bản của đạo Phật), so sánh với các tôn giáo khác, người Phật tử trẻ, với sự hiểu biết đầy đủ, sẽ thêm tự hào về đạo Phật của chúng ta.
 
PLNL: Bạch thầy, bài pháp chủ đề “Tự hào là người theo đạo Phật” chắc còn nhiều vấn đề mà thầy muốn nói, nhưng đây cũng là “truyện dài nhiều tập”. Hôm nay chúng con xin được hầu chuyện với Thầy chừng ấy. Hiện thầy đang trong giai đoạn hồi phục, chưa khỏe hẳn, nên chúng con xin có dịp khác lại đặt những câu hỏi tiếp theo. Chúng con kính cảm ơn thầy.

 

MT (ghi)