Trang chủ Tu học Phổ thông Tu hành đúng pháp

Tu hành đúng pháp

81

Tu có nghĩa là sửa, sửa sai thành đúng, sửa ác thành thiện để từng bước hoàn  thiện con người. Do đó, tùy trình độ nhận thức, tùy căn cơ và nghiệp lực của mỗi cá nhân mà mỗi người có một lối tu khác nhau và mục đích tu của họ cũng sai biệt. Sự phong phú và đa dạng của các tôn giáo trên thế giới là một minh chứng cụ thể.


Thiên Chúa giáo chủ trương tu để được lên Thiên đàng làm dân của Thượng đế. Ấn Độ giáo chủ trương tu để đem cái tiểu ngã hòa nhập vào đại ngã của đấng Phạm Thiên. Lão giáo chủ trương tu để xa lìa thế tục, an trụ trong đạo đức vô vi v.v… Phật giáo chủ trương tu để giải thoát, nghĩa là cởi bỏ tất cả những phiền trược và hệ lụy, gột rửa và lắng đọng tất cả bợn nhơ của tâm hồn, để tâm trở thành thanh tịnh và trong sáng, trở về với trạng thái uyên nguyên ban sơ của nó.


Dù rằng, Đức Phật tùy theo căn tính sai biệt của chúng sinh mà phương tiện chế ra tám vạn bốn ngàn pháp môn, nhưng cứu cánh của người tu Phật là phải thể nhập với Phật tính, sống với chân tâm hay trí tuệ đáo bỉ ngạn.


Tu đúng pháp Phật là đoạn trừ toàn bộ mê vọng và thực hiện tất cả các hạnh nguyện độ sinh, viên mãn bi trí, phải biết chối từ các quán trọ của Hóa thành, trực chỉ về Bảo sở để thành tựu Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Ngược lại, nếu người tu Phật với mục đích cầu danh lợi, cầu phúc báo nhân thiên là chưa xứng hợp với pháp Phật.


Muốn tu đúng pháp Phật, phải thực hiện viên mãn tự độ và độ tha. Tự độ hay tự lợi là ứng dụng pháp Phật, tu hành để giải thoát tự thân. Trong vô lượng pháp môn, tùy theo căn cơ sai biệt mà mỗi hành giả chọn lấy một pháp như Thiền, Mật, Luật và Tịnh v.v…


Nhưng then chốt và chung nhất, phải thành tựu Giới-Định-Tuệ. Trong đó, giới quan trọng nhất, giới là nền tảng, làm hàng rào che chắn các nhiễm ô xâm nhập từ bên ngoài do tác dụng của căn trần. Giới cũng là thành trì vững chắc ngăn cản sự dấy khởi của tà niệm bên trong. Người tu Phật phải có giới và giữ giới. Giới giúp cho hành giả không còn tạo các nghiệp ác. Giới giúp cho thiện căn ngày một thêm lớn. Giới là cội rễ của định và tuệ. Giới quan trọng tới mức “Giới luật còn thì Phật pháp còn”.


Bởi vì tâm chúng ta, từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay, liên tục vọng động, duyên theo cảnh mà tạo nghiệp. Cho nên, định tâm đối với người tu Phật rất quan trọng. Muốn đạt được sự định tâm cần có nhiều phương pháp, nhưng căn bản có hai cách: tu Chỉ và tu Quán.


Chỉ nghĩa là dừng, trụ tâm vào một pháp, chuyên nhất với pháp, khiến tâm không còn chỗ trống, không còn đất để cho phiền não dung thân.


Quán nghĩa là dùng trí để quán sát, chiếu liễu để thấy được thực tướng của các pháp. Có nhiều phương pháp quán: quán Tứ đế, quán Nhân duyên, Ngũ đình tâm quán v.v… Nhờ quán, giúp hành giả biết một cách tường tận về bản chất của các pháp là giả. Nhận thức được điều đó nên tâm không còn bị ràng buộc, dính mắc vào cảnh và đạt được sự định tâm. Định tâm càng lớn, sức định càng dày thì phiền não càng co hẹp lại. Đây là cơ sở cho trí tuệ phát sinh, nên nói nhân định phát tuệ là vậy.


Trí tuệ của Phật giáo không phải là sự thông minh của thế gian. Trí tuệ của Phật giáo đồng nghĩa với không còn vô minh, thân chứng được thật tướng của các pháp. Sự vật dưới con mắt trí tuệ là những gì đang là, chúng tương lập tương thành, tương sinh tương hoại và bất tăng bất giảm. Nhờ trí tuệ, màn vô minh bị chọc thủng, mọi tình chấp bị cuốn phăng cùng với nhiễm ô, cấu uế, bọt bèo.


Giáo lý Đức Phật tuy có Tam tạng thánh điển với vô lượng pháp môn nhưng chung quy không ngoài Giới-Định-Tuệ. Người tu Phật thành tựu Giới-Định-Tuệ là viên mãn phần tự lợi.


Nhưng chỉ đứng ở tự lợi, giải thoát cho riêng mình thì chưa đủ, vì pháp Phật là viên dung bi trí nên hành giả phải thực hiện lợi tha. Phật là Bậc Tự giác, Giác tha và Giác hạnh viên mãn. Lợi tha có nghĩa là đem trí tuệ và đức độ của mình để làm lợi ích cho chúng sinh. Tùy theo khả năng, trình độ và nội chứng của mỗi cá nhân mà độ tha cũng có thứ bậc và sai biệt. Người thực hành lợi tha, cụ thể và đơn giản nhất là đem của cải, vật chất bố thí chia sớt cho những người nghèo, mua sắm thuốc men hoặc làm thuốc để xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân hoặc động viên, an ủi đỡ đần những con người bất hạnh, tham gia công tác xã hội, xây dựng những công trình công cộng v.v…


Tiếp đến, hành giả phải đem giáo pháp của Đức Phật giảng dạy cho chúng sinh biết phương pháp tu hành, khiến họ tin hiểu nhân quả, tội phúc mà làm lành lánh dữ, xả ác phục thiện. Sau đó, chúng ta lần lượt dẫn dắt họ tiến vào sâu hơn trong biển pháp, khiến họ tin hiểu cuộc đời là khổ, là vô thường, biết các nguyên nhân gây ra khổ đau rồi ứng dụng tu hành để diệt khổ.


Người thực hành lợi tha còn giúp họ thấy được các pháp hữu vi tồn tại trong quan hệ duyên sinh không có thường ngã, không chủ thể, để họ cởi bỏ những định kiến thần ngã, duy thần, đấng tạo vật v.v… Cao hơn nữa, hành giả phải triển khai giáo pháp khiến họ biết tâm, tin hiểu mình có Phật tính sáng suốt, nhiệm mầu để hàng phục vọng tâm, xả ly phiền não, vượt thoát mọi ràng buộc khổ đau, luôn luôn an ổn, tự tại và vô úy.


Lợi tha phải xuất phát từ Đại bi tâm thì mới gọi là lợi tha đúng với pháp Phật. Vì sao? Đại bi tâm là tình thương lớn, rộng rãi bao trùm khắp tất cả và không phân biệt. Bi phát khởi nhờ trí. “Hiểu được mới thương được”. Nhờ trí tuệ nên nhận thức được tất cả chúng sinh tuy sai biệt trên hình thức nhưng đều có tính giác ngộ. Có trí tuệ nên người tu Phật biết rằng mình và tha nhân không phải là hai mà liên quan mật thiết với nhau trong quan hệ trùng trùng duyên khởi. Dưới ánh sáng trí tuệ nên người tu Phật thực hành lợi tha vượt lên nhân ngã, không còn phân biệt mình và người. Làm tất cả nhưng không thấy mình làm. Cho tất cả nhưng không thấy mình cho và người được cho. Đây mới là chân chính lợi tha đúng với pháp Phật.


Tuy nhiên, lợi tha không phải là việc thứ hai sau khi đã tự lợi mà lợi tha và tự lợi phải song hành. Trong tự lợi có lợi tha và ngược lại. Vì bi và trí không hai, trí chính là bi và bi cũng chính là trí, nên độ tha chính là tự độ và tự độ chính là độ tha. Tự độ, độ tha bất nhị, không phân biệt, siêu việt lên tất cả sự đối đãi. Đây chính là chỗ cùng tột của pháp hành mà cũng chính là lúc Chân tâm, Phật tính hiển bày.


Cho nên nói, thực hiện viên mãn tự lợi và lợi tha là tu đúng pháp Phật.


Như đã trình bày, tu đúng với pháp Phật là thực hiện lần lượt đến viên mãn tự lợi và lợi tha. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đấng Giáo chủ của chúng ta, sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đã đem đạo giác ngộ giải thoát của Ngài truyền dạy cho chúng sinh, giúp chúng sinh giác ngộ và giải thoát. Bồ tát Địa Tạng, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí… chư vị đều có hạnh nguyện rộng lớn cứu độ muôn loài. Các vị tổ sư, vừa tu hành tự giải thoát, vừa làm tất cả các Phật sự, giáo hóa đồ chúng, khai thị đệ tử, tham gia cố vấn triều chính để lợi nước, ích dân như Khuông Việt Thái sư, Vạn Hạnh Thiền sư v.v…


Tóm lại, tu đúng pháp Phật là mục đích, tôn chỉ của tất cả những người tu Phật. Hành giả muốn tu hành đúng pháp Phật phải thành tựu Giới Định Tuệ, thực hành tự lợi với lợi tha, viên mãn bi trí. Không phân biệt tại gia hay xuất gia, không ngăn cách giữa giai cấp, tôn giáo hoặc dân tộc. Hễ người nào ứng dụng pháp Phật tu hành, tự giải thoát cho mình và hướng dẫn mọi người cùng tu để đạt được giải thoát, sống trong thế giới thanh tịnh và an lạc, biến Ta bà thành Tịnh độ, thì người ấy tu hành đúng pháp Phật.


Ngược lại, dù bất cứ hình thức nào, tu mà không có Giới Định Tuệ, không thành tựu bi trí, không viên mãn tự lợi và lợi tha, không giúp mình và người cùng giải thoát giác ngộ, thì người ấy tu sai với pháp Phật.