Trang chủ Diễn đàn Từ chuyện “Ni cô” gây sốc đến sự tàn nhẫn của truyền...

Từ chuyện “Ni cô” gây sốc đến sự tàn nhẫn của truyền thông

82

Những ngày gần đây, cư dân mạng “sôi sục” vì clip của một “Ni cô” với pháp danh Nữ Trúc Lâm Diệp Hạ Trần đi thi Vietnam’s Idol 2012, với những phát ngôn được cho là “gây sốc” nhất trong lịch sử các cuộc thi ca hát trên truyền hình Việt:

“Với khả năng, tâm nguyện lớn lao của mình và sự phù hộ của phật tiên thánh thần, em tin chắc chắn mình phải được giải nhất. Nếu như không thì phải xem lại ban giám khảo. Em nghĩ rằng khi em lên hình thì tất cả thí sinh phàm là phật tử, phàm là những người yêu thương con người đều ủng hộ em”… Và: “Nếu chiến thắng cuộc thi này, em sẵn sàng tham gia vào showbiz cũng như lấn sân sang điện ảnh. Em có thể sẽ là một Chương Tử Di của Việt Nam”.

Ngay sau khi clip này được tung mạng, vô số những chỉ trích nặng nề đã “dội” vào thí sinh tự tin thái quá đến mức hoang đường này. Nhưng mới đây, một nguồn tin cho biết, hóa ra, “Ni cô” Diệp Hạ Trần bị tâm thần:

“Cô gái này trước đây khi chưa bị tâm thần thì cũng có tham gia văn nghệ này nọ, cặp bồ gì đó rồi bị bỏ rơi nên bị tâm thần. Đi đâu cũng tự nhận là người cõi Phật này nọ, rồi từng tự cho mình là Quan Âm cứu thế, từng gọi người khác là Thúy Kiều, Thúy Vân với sự thương cảm và đòi cứu độ…. May mà mình còn giữ card visit nếu ko mọi người lại bảo mình bịa chuyện.

Vấn đề ở đây là, khi thấy cô ấy bị đem ra cho mọi người chế nhạo, mình thấy tội tội. Không biết người post clip có biết cô ấy bị điên không, nếu biết mà vẫn đem ra thì thấy ác ác. Biết là PR nhưng cũng ko nên đem 1 người tâm thần ra như vậy…. Haiz. Vì suy cho cùng thì người điên họ ko có ý thức dc việc mình làm. 30 tuổi rồi, nếu là người bình thường thì không ai có những phát biểu như thế cả”…– Blogger R.P chia sẻ.

Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện trên diễn đàn mạng, sự chỉ trích nặng nề của dư luận lập tức quay sang phía công ty BHD- đơn vị tổ chức Vietnam’s Idol vì cho rằng công ty này đã mang cả người bệnh ra để “giành giật” sự chú ý của khán giả, nhất là khi một cuộc thi âm nhạc khác-The Voice đang làm mưa làm gió trên VTV3 và thu hút một lượng lớn công chúng theo dõi.

Đại diện truyền thông của BHD trả lời báo chí: “Tại buổi sơ loại, cô ấy gây ấn tượng với hầu hết mọi người vì cô khuấy động cả một đám đông cùng hát hò. Bị loại nhưng hôm sau cô lại đến tiếp và nằng nặc đòi gặp giám khảo là nhạc sĩ Huy Tuấn. Chúng tôi chỉ nghĩ là cô hơi cuồng với cuộc thi chứ không nhận thấy sự bất thường nào khác. Chúng tôi cũng không hề thực hiện clip phỏng vấn  nào với cô ấy. Thực tế, hôm diễn ra vòng loại, có rất nhiều phóng viên đến ghi nhận về cuộc thi, và có thể một trong số họ đã thực hiện clip này. Trong sự vụ này, BHD bị oan”.

Vậy thì ai là người thực hiện clip và tung clip này lên mạng? Câu trả lời này rất khó xác định, trừ khi có lực lượng công an vào cuộc, bởi BHD nói không phải không có lý. Tuy nhiên, dù là người nào, phóng viên nào hay ekip nào thực hiện rồi tung lên mạng thì quả thực cũng quá tàn nhẫn, khi mang một người không kiểm soát được lý trí ra làm trò cười cho thiên hạ, hay tàn nhẫn hơn để câu views cho tờ báo/chương trình của mình.

Người viết bài này muốn kể cho độc giả nghe một câu chuyện:

Năm thứ ba đại học, khi dạy môn Luật báo chí và đạo đức nhà báo, thầy tôi có đưa một ví dụ báo chí thực tiễn rằng: “Ở một tỉnh miền núi, có người vợ nọ bị chồng bạo hành cực kỳ dã man. Ngày ngày, chị ta bị anh chồng lột sạch quần áo và nhốt vào một cái cũi chó. Các nhà báo dưới xuôi ngay khi biết tin, thi nhau tìm đến chụp ảnh viết bài. Nhưng một điều ngạc nhiên là tất cả các phóng viên đều kể rõ ràng, rành mạch về câu chuyện chị ta bị bạo hành ra sao, có đổi tên chị nhưng lại ghi rất rõ địa chỉ nơi ở rồi thậm chí chụp cả ảnh chị ta bị nhốt trong cũi…”

Thầy phân tích, “Tất nhiên mục đích của các nhà báo lúc đó là muốn lên án người chồng, bảo vệ người vợ. Nhưng cách tác nghiệp của họ vô tình lại rất tàn nhẫn. Chị vợ- vốn đã và đang phải chịu một tầng bạo hành rất đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng ngay sau khi hàng loạt tờ báo trong lớn nhỏ đăng tải rõ ràng ảnh và địa chỉ của chị, thì chính báo chí- truyền thông lại giáng xuống đầu chị tầng bạo hành thứ hai: Cả nước biết đến sự tủi nhục, đau đớn của chị. Người đàn bà, tối kỵ nhất là bị phô bày trước bàn dân thiên hạ sự tủi nhục của mình…”.

Phải nói, câu chuyện của thầy có sức “răn đe” rất lớn đối với lớp sinh viên báo chí chúng tôi ngày ấy. Vì vậy mà suốt từ khi ra trường, trong khi các báo thi nhau đưa tin về việc cô này bán dâm, cô kia bị hiếp dâm, mẹ cô gái bán dâm lên báo nói gì… thì chúng tôi hết sức tránh. Vậy mà có lần tôi vẫn không khỏi giật mình vì chia sẻ của một độc giả lớn tuổi, trong một câu chuyện “trà dư hậu tửu” thường ngày:

“Tôi không hiểu báo chí các bạn đang làm gì nữa. Đưa về sự việc cô người mẫu bán dâm, thì cứ đưa tin cô ta thôi. Đằng này, còn tìm về tận nhà cô ta, tìm hiểu gia đình họ hàng, chụp ảnh cha mẹ, người thân của cô ta đăng báo… Tôi thấy các bạn quá nhẫn tâm vì đã triệt cả đường sống của người ta. Nhân văn trong ngòi bút của các bạn ở đâu? Nhiệm vụ của các bạn là làm cho con người ta hướng thiện, chứ không phải vùi người ta xuống nhiều tầng bùn cùng lúc như thế…”

Bài giảng của thầy tôi, những chia sẻ của độc giả xung quanh tôi và những sự vụ như “Ni cô đi thi Idol”, “Người mẫu H.H bán dâm”… khiến tôi không khỏi giật mình thảng thốt: Liệu có phải Truyền thông- Báo chí của chúng ta đang quá ích kỷ và tàn nhẫn. Xin những người cầm bút hãy trả lại cho Truyền thông- Báo chí một trong những vai trò vốn có của nó: Vai trò Phản biện và Nhân văn!

Theo Phụ nữ Net