Từ Cảnh Giới Cực Lạc đến xứ Phù Tang
Nguồn tin Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác sẽ tổ chức một chuyến hành hương Nhật Bản vào cuối tháng 10 năm 2012, đã làm một số các đệ tử và „fans“ của Người giao động. Họ phân vân không biết có nên đập con heo đất dấu tiền tích trữ để theo Thầy một chuyến hay không? Đi Nhật là tốn tiền phải biết, ai thông thạo tiếng Nhật để hướng dẫn đây? Lại thêm nguồn tin của các nhà khoa học nghiên cứu về vũ trụ cho biết, đến cuối năm 2012 theo lịch của người Maya sẽ là ngày tận thế !!! (nhưng tin mới nhất của cơ quan NASA bên Hoa Kỳ đã phủ nhận điều này). Nhất là trong chương trình hành hương có viếng thăm Tượng Ngài Địa Tạng không đầu chữa bệnh rất linh thiêng. Từ những lý do đó ai mà không chụp lấy ngay nhỡ vô thường lững thững đến thăm có phải là “Làm người một kiếp cũng như không“ như câu thơ của một vị Thiền Sư nào đó.
Chuyến hành hương Thái Lan và Nhật Bản bắt đầu từ ngày 22 tháng 10 đến mùng năm tháng 11 năm 2012, vào một sáng mùa thu với nắng vàng ươm và se se gió lạnh. Có ai biết con số ghi tên tham dự chuyến hành hương Nhật Bản này lên đến bao nhiêu không? Trước giờ khóa sổ vào đầu tháng 10 là hơn một trăm vị, sau rút lui từ từ để dừng lại con số 85 với 14 quốc gia trên thế giới. Một con số đáng ngại trong lịch sử đi hành hương của quý Thầy. Chỉ nghĩ đến việc tổ chức làm sao cho từng ấy người ăn no ngủ yên và khỏe mạnh để họ leo lên xe buýt chạy cho đúng giờ thôi cũng đủ là cả một vấn đề. Điều này đã được thể hiện qua sắc thái và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi của Hòa Thượng hướng dẫn đoàn, đã đánh tan bao điều tiếng cho rằng Người thật nghiêm khắc và khó tánh. Đấy là chuyện xa xưa tự thuở nào, chứ bây giờ Người còn sợ các Phật tử trong tương lai sẽ la rầy Thầy tại sao không chịu uống thuốc!
Như tên tựa đề bài viết được chia làm 2 phần cho rõ ràng mạch lạc, để các bạn khỏi phân tâm không biết mình đang ở trong cảnh giới gì: Cực Lạc hay Tiên cảnh nào đây?
A. Khóa Tu tại Cực Lạc Cảnh Giới Tự ở Chiang Mai:
Đến phi trường Chiang Mai bằng chiếc máy bay khổng lồ A-380 của hãng hàng không Thái Airway phái đoàn hành hương chỉ có 54 vị, ngoài Hòa Thượng trưởng đoàn ra còn có Thầy Giác Tâm và Chú Thân Phụng đến từ Hoa Kỳ, Thầy Huệ Pháp du học tại Ấn Độ, Sư Cô Huệ Ngọc ở Đức và các Phật tử ở khắp nơi, chia đều trên 6 xe buýt nhỏ đón phái đoàn về trú ngụ tại Cực Lạc Cảnh Giới Tự. Đường lên cực lạc thật không biết như thế nào, chứ đường ở đây cho dù đã được sửa sang tốt hơn 6 năm trước lắm rồi, cũng làm chúng tôi nao nao cả ruột gan. May nhờ xe của Hòa Thượng đi trước dẫn đường nên mọi người mới đi đến nơi một cái vèo, không phải lạc đường một cách thảm hại như những phái đoàn từ Việt Nam sang trong những ngày về sau.
Ngày đầu chúng tôi được nghỉ ngơi để lo nơi ăn chốn ngủ cho vào nề nếp và thăm viếng chốn cực lạc cảnh giới nhân tạo do Thầy Hạnh Nguyện, một đại đệ tử của Hòa Thượng đã dùng “Đại Nguyện“ để hoàn thành. Tuy công trình chưa hoàn tất nhưng tất cả các cảnh giới của Hạ Phẩm với tôn tượng của ngài A Di Đà cao sừng sững bên cạnh ngài Thế Chí và Quán Âm soi bóng trên hồ sen thất bảo đủ màu. Nhất là ban đêm khi ánh đèn chiếu sáng, ta thấy ngay một khung cảnh lung linh huyền ảo đến lạ thường.
Một quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những cây cổ thụ cao vòi vọi, những khu rừng với cây lá muôn màu sắc được che phủ bằng những lớp sương mù như khói vào buổi sớm mai khi chúng tôi vội vã đến Chánh điện để tụng thời Kinh Lăng Nghiêm. Sáng tỏ ra ta sẽ thấy những rặng đồi trồng trà xanh thật xinh đẹp, bên dưới là những dòng suối, dòng nước uốn lượn quanh co, thấp thoáng trên cao là khu Thất Tăng, khu Thất Ni và cư sĩ Ưu Bà Di với đầy đủ các thiết bị cho đời sống, có cả mạng lưới Internet cho ta mỗi ngày viết Email cho Phật A Di Đà.
Thầy Hạnh Nguyện với đại nguyện cho năm tới là phải xây xong 48 Tháp với 48 lời nguyện của Phật A Di Đà đã được các Cao Tăng của Tây Tạng chú nguyện, mỗi Tháp cao khoảng 2 mét. Tháp thứ 49 cao độ 25 mét, đến lúc ấy chúng ta cứ việc tha hồ đi nhiễu chung quanh các Tháp để lấy công đức. Dĩ nhiên phái đoàn đã nỗ lực đóng góp rất nhiều cho việc xây Tháp, ai cũng muốn là người góp viên gạch đầu tiên. Mẫu các Tháp đã được Thầy Hạnh Nguyện lựa chọn gồm 7 kiểu đặc sắc sưu tầm từ các xứ Phật như Tích Lan, Ấn Độ, Nepal …
Trở lại khóa tu 4 ngày tại Cực Lạc Cảnh Giới Tự, không khí thật trang nghiêm và thanh tịnh. Mỗi sáng chúng tôi không cần để đồng hồ báo thức, cứ việc ngủ ngon lành cho đến khi tiếng nhạc trời văng vẳng vang lên từ những ống loa được dấu kỹ ở đâu đâu đánh thức dậy. Mặc dù phải tranh nhau phòng vệ sinh với tình trạng thiếu nước trầm trọng vì ở trên núi cao và số người quá tải, chúng tôi vẫn khắc phục mọi khó khăn để đến chánh điện thật đúng giờ cho kịp thời công phu khuya. Vừa bước chân đến trước thềm tôi và Nhật Hưng đã gặp Thầy Huệ Pháp cùng anh Quang đeo máy hình thật to đứng cười chào: Ồ! Tình cờ gặp 3 nhà báo. Tôi liên tưởng ngay đến nhà báo Đạo thầy Huệ Pháp, báo Đời chắc chỉ Nhật Hưng và Hoa Lan, còn báo hại chẳng lẽ là anh phó nhòm!
Khóa tu kỳ này thật thoải mái, chỉ tụng kinh một thời sáng sớm rồi nghe Pháp triền miên một ngày 2 thời, hết Hòa Thượng Phương Trượng giảng đến Thầy Hạnh Nguyện rồi Thầy Hạnh Bảo sang đến Thầy Huệ Pháp, tối đến thắp đèn trí tuệ đi kinh hành niệm Phật 3 vòng quanh ao sen của hồ Thất Bảo với tôn tượng Phật A Di Đà. Sau 3 vòng thật mệt nhoài và lợi lạc, bảo đảm các bạn hành hương sẽ ngủ ngon như chưa từng có và hết thao thức để nằm nghe các bạn Đạo nằm bên kéo tre đẵn gỗ trên ngàn.
Qua đến ngày thứ ba của khóa tu, phái đoàn Úc Châu của Hòa Thượng Bảo Lạc (bào huynh của Hòa Thượng Phương Trượng) đã tới Cực Lạc Cảnh Giới Tự với 3 mục đích: dự buổi giỗ Hòa Thượng Long Trí, dự lễ khánh thành an vị tôn tượng A Di Đà và gặp gỡ anh em thân bằng quyến thuộc xứ Quảng gần 50 vị sau 40 năm xa cách. Mục này thật cảm động đã được thể hiện trong buổi văn nghệ bỏ túi trước hôm chia tay, hết bác Tư lên sân khấu lộ thiên tặng hai vị Hòa Thượng một bài thơ, đến cậu cháu trẻ cúng dường hai ông cậu Hòa Thượng một bài hát, rồi cô cháu bên nội sang đến cậu cháu bên ngoại ca hát chiếm sân khấu đến đêm. Ngoài ra hai vị Hòa Thượng đã chu đáo dành riêng cả một buổi chiều để tiếp đón phái đoàn xứ Quảng tại Chánh Điện, một cuộc gặp gỡ thật hiếm có, chắc cũng có người rơi lệ vì cảm động.
Buổi sáng hôm khánh thành tôn tượng, ngoài hai vị Hòa Thượng thân thương của chúng ta còn có Thượng Tọa Tâm Minh chùa Trúc lâm ở Sydney, vị này quan trọng cho buổi Chẩn tế cô hồn vào buổi chiều. Nghe đâu trước cổng vào Cảnh Giới Tự là một lò thiêu, dấu vết còn sót lại cũng đủ cho những ai yếu bóng vía phải rùng mình. Thầy Huệ Pháp của chúng ta xem ra cũng có nhiều tài, ngoài tài chụp hình viết báo Thầy còn phụ giúp nghi lễ trong những đàn Chẩn tế với Thầy Tâm Minh và trên xe buýt Thầy là ca sĩ „Gia Hu“ hát cạnh tranh với ca sĩ Gia Huy những bài nhạc Đạo.
Sau buổi ăn sáng, Hòa Thượng trưởng đoàn ra chỉ thị cho các Ưu Bà Di tuổi từ 18 đến 80 phải sửa soạn áo dài truyền thống Việt Nam mặc đi dự lễ khánh thành, ai quá khổ được quyền mặc áo tràng.
Lệnh vừa tung ra cả đoàn nô nức trổ tài diện, ôi thôi người nào cũng mặt hoa da phấn, một số đã đổi cả pháp danh thành Diệu Đà tức là già điệu. Một vài bác trước ngày đi phải vào nhà thương cấp cứu mấy lần, bác sĩ và con cái ngăn cản không cho đi hành hương, thế mà hôm nay dám diện áo dài mang giầy cao gót đi kinh hành để mọi người được chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp tuyệt vời, có phải đây là hiện tượng được Phật độ không?
Tất cả các bài viết và hình ảnh đã được các Thầy Hải Châu và Huệ Pháp cập nhật ngay trên hai trang web của riêng họ, ai chịu khó vào mạng sẽ được thông tin đầy đủ chứ đâu khổ sở như tôi cả tháng sau mới ngồi gõ lọc cọc vài hàng, chẳng còn là tin sốt dẻo. Nhưng có vẫn còn hơn không các bạn nhỉ!
Có người tình cờ đọc được bài viết của Hòa Thượng trưởng đoàn về thú uống trà xanh trên Cực Lạc Cảnh Giới Tự, cứ đòi Thầy Hạnh Nguyện phải dành cho một buổi sáng Thiền trà ngay trên tận đỉnh đồi. Yêu cầu này xem ra cũng hợp lý quá đấy chứ! Thế là thầy trò cùng nhau khuân bánh kẹo, ly tách, bình nước sôi … leo bao nhiêu là bậc thang đi ngang qua chỗ sẽ xây cảnh giới Trung Phẩm thượng sanh, vẫn chưa tới, nhìn lên thật cao chắc Thượng Phẩm thượng sanh, nhưng may quá Thầy đã dừng chân bên một gốc cây cổ thụ già có treo tấm tranh viết bằng thư pháp hàng chữ „Uống Trà đi“ do ngòi bút khéo léo của Thầy Vạn Trí, Phó Trụ Trì ngôi Giới Tự phóng tay. Dĩ nhiên chúng tôi mỗi người chỉ được nhâm nhi vài ngụm trà nóng cho biết mùi chứ uống chưa đã một tí nào.
Nhưng văn nghệ cúng dường thật là dồi dào nhờ giọng hát truyền cảm của một cậu làm vườn được mệnh danh là „Gia Huy“ của núi rừng Chiang Mai. Dĩ nhiên trong khung cảnh thơ mộng và huyền ảo do sương mù che phủ, Hòa Thượng trưởng đoàn đâu thể làm ngơ mà không mở màn bằng một giọng ngâm xứ Quảng bài thơ Nhớ Chùa của thi sĩ Huyền Không.
Nhắc đến tài ngâm thơ của „Hòa Thượng to“, chữ dùng của anh chàng Luân người Thái gốc Việt, một đại gia sản xuất bún vừa tươi lẫn khô đến làm công quả, tôi nhớ tới tài ngâm thơ của vị „Hòa thượng to“ kia, cái vị bào huynh ấy! Người rất thích ngâm thơ, cho dù thế nào đi chăng nữa người cũng đòi đóng góp vài vần thơ. Ấn tượng nhất là đoạn Hòa Thượng ngâm đến câu: „Huynh có hay …“ rồi tắt nghẹn để khán giả trông chờ không biết người nhắn nhủ điều gì cho Huynh của người?
Nói đến vườn Trà mà không nhắc đến vườn trái cây của Thầy Hạnh Nguyện là cả một điều thiếu sót, nào là ổi, khế …, trái nào trái nấy to khủng khiếp. Muốn đi hái khế phải mang túi Ba Gang mà đựng, Thầy còn bảo sau này không có tiền chi phí, sẽ học hạnh ngài Quảng Khâm chỉ ăn trái cây trừ cơm cũng sống được. Vừa thấy vườn khế, Nhật Hưng đã xung phong làm món gỏi rau muống để cúng dường. Một món gia truyền của ông cụ bố chồng truyền lại để Nhật Hưng đem ra chia sẻ với mọi người, hôm ấy số người khá đông khiến Nhật Hưng phải vất vả.
Lúc phái đoàn tu học của chúng tôi đến đã có một nhóm các Phật tử ở Việt Nam sang làm công quả hộ trì, họ lo việc chợ búa tích trữ lương thực cho cả hàng trăm người ăn ngày ba bữa no đủ trong gần một tuần. Trưởng đoàn là chị Chung, một người phụ nữ xinh đẹp và tháo vát làm công quả ngày đêm không biết mệt, chị phải quản lý tất cả các khâu từ chiếc nệm tấm chăn đến các vòi nước quên khóa trong từng phòng. Hỏi ra mới biết chị là một đại gia kẻ hầu người hạ, ở nhà chưa động đến chân tay, nhưng khi đã thấm nhuần Phật Pháp chị xả thân hộ trì Tam Bảo. Trong đoàn của chúng tôi cũng có người đưa thân ra gánh vác việc bếp núc, anh Dũng ở München người có biệt tài chuyển âm phim bộ, lúc nào có dịp đi ngang nhà bếp tôi cũng thấy anh khiêng vác không nồi thì chảo, mặt mũi khá khẩn trương. Ngoài ra trong khóa tu có phái đoàn đến từ Việt Nam cũng có nhiều vị thật „đáng ngại“, họ xuất thân từ những giai cấp lãnh đạo, một thời hét ra lửa của một vùng. Hôm nay chịu quy y tam bảo, ngồi tụng kinh nghe Pháp cả mấy ngày. Hy vọng Phật pháp nhiệm màu cho tất cả chúng sinh cùng ngồi chung dưới một mái chùa núp bóng từ bi.
Để hòa đồng với đại chúng, Hòa Thượng trưởng đoàn chế luật mới, kể từ nay ban trai soạn không cần phải dọn riêng cho người, tất cả đều bình đẳng đứng xếp hàng lấy thức ăn. Chư Tăng Ni lấy trước xong đến Phật tử và đi rửa bát cũng thế phải xếp hàng. Các bác lớn tuổi quá đau lòng khi thấy Hòa Thượng của mình y áo trang nghiêm phải nhúng tay vào nước xà bông. Nhưng luật là luật phải chấp hành nghiêm chỉnh!
Một nhận xét nhỏ về các món ăn chay thật ngon được các Phật tử ở Việt Nam đem sang cúng dường. Món giò lụa trắng tinh, thật dai và thơm mùi lá chuối xanh biếc quấn quanh vòng, tôi chưa từng thưởng thức món giò lụa chay nào ngon như thế, ngon hơn cả giò lụa mặn nữa. Tuy trong bụng tôi biết chắc chắn rằng có bàn tay hóa chất của chợ Kim Biên vùng Chợ Lớn nhúng vào, không thể nào làm ngon và dai như thế được, nhưng tôi vẫn gắp đầy vào bát vì nghĩ rằng cơ hội hiếm có để thưởng thức sản phẩm Kim Biên rất ít đối với tôi.
Nhắc đến bạn Đạo tôi nhớ câu: Ăn cơm không canh như tu hành không bạn. Vâng, khóa tu này nếu tôi không tìm ra chị Thuyền Vị và các anh chị đi tháp tùng theo chị là xem như phí cả chuyến đi. Ấy! Nhật Hưng và Diệu Thành đừng vội lên tiếng, sẽ nhắc đến các bạn ở phần sau. Nhân duyên nào khiến tôi kết thân với chị, ấy là lòng mong cầu được gặp người Hà Nội chính tông 5 đời. Nhưng rất tiếc chị Thuyền Vị chỉ có bốn đời rưỡi vì đã sống ở Mỹ quá lâu, thôi không nên lục gia phả nhà chị, chỉ biết rằng chị là huynh trưởng gia đình Phật tử. Trong 4 chữ Tập, Tín, Tấn, Dũng, chị lọt vào cấp Tấn. Thế là Nhật Hưng (Thụy Sĩ), Hoa Lan (Đức) và Diệu Thành (Hòa Lan) đã nhập cùng với chị Thuyền Vị (Mỹ) thành một đoàn vũ chúng mình 4 đứa lấy tên là „Bà Nội của Oanh Vũ“ múa đệm cho Lão Bà Bà Thuyền Đàm hát bài Em đến Chùa, khai mạc cho buổi văn nghệ bỏ túi cúng dường. Anh Năm vì hay đội mũ nên được thiên hạ tặng cho mỹ danh cái ông Bến Thượng Hải, phải tháp tùng hai cô em vợ có thể ngã lăn bất tỉnh bất cứ lúc nào (nghe kể thế thôi, chứ trông hai nàng vẫn còn tươi rói).
Anh Đồng Pháp của công ty du lịch Nhi Phong rất dễ thương, với khuôn mặt dễ mến anh tháp tùng đoàn đi một cách trơn tru. Anh đã thiết kế một cái mũ trắng với Logo của chùa Viên Giác theo nhu cầu của Hòa Thượng trưởng đoàn để nhận diện phe ta trong đám rừng người du khách. Thế nhưng chim Ca Lăng Tần Già trên Cực Lạc Cảnh Giới của Thầy Hạnh Nguyện đã làm ngay một bãi trên đỉnh mũ của chị Thuyền Vị, khiến chị nảy sinh ý tưởng phơi khô rồi xin chữ ký của các bạn Đạo quanh thành mũ giữ làm kỷ niệm.
Người gây ấn tượng nhiều nhất vẫn là chị Thanh Nguyệt đến từ Hòa Lan, người được tôi gọi là Trăng Sáng Vườn Chè và phong luôn cho thương hiệu „Mít Thái Lan“. Tại sao thế nhỉ? Chẳng là chị Quảng Minh và một người đẹp Pháp quốc nào đó mặc hai chiếc váy quá đẹp, màu sắc từ tím nhạt đến tím than như màu tím hoa lan của xứ Thái, rất xứng đáng là „Miss Thái Lan“, nhưng rất tiếc lại là dân Mít. Nhân vật này đi đến đâu là nổi đình nổi đám đến đó, không có chị lo việc chợ búa phụ thêm và bồi dưỡng trái cây cho bà con ăn lấy gì thoải mái. Chị đã hy sinh việc tu học, ngày nào cũng theo xe hàng xuống chợ mua sắm hàng giờ, đến bữa dọn lên hôm thì bòn bon, măng cụt, mít, xoài ê hề. Còn một món khoái khẩu nữa, nhưng chỉ được để ngoài hàng hiên và chỉ có một lần, đấy là sầu riêng. Trái nào trái nấy to gần 5 ký, mùi thơm sực nức chỉ để dành riêng cho những tay ghiền hạng nặng. Tôi đứng ngay hàng đầu chuyền tay chia đều từng múi cho những bàn tay khắc khoải giơ lên, với lời nhắn nhủ thiết tha rằng đừng nên đến gặp Hòa Thượng trưởng đoàn thưa thốt điều gì, nếu được hãy đứng xa người ít nhất mười thước.
Nhân duyên gặp gỡ Phật pháp của chị Quảng Minh qua câu chuyện „miếng bánh của vị Bồ Tát“ xảy ra tại trại tỵ nạn ở Hồng Kông vào năm 1985. Lúc ấy „vị Bồ Tát“ của chị còn rất trẻ chỉ mới là Đại Đức và đẹp như ngài A Nan (theo lời kể của chị), đã đến trại ủy lạo với số tiền thật khiêm nhường 1.500 $US cho 3.000 người. Một trái chuối phải cắt làm 3 và miếng bánh đa bé nhỏ phải đổ nước vào cho nở phình ra. Buổi lễ được tổ chức tại sân banh ngày đó đã làm chị rơi lệ và sau này khi được định cư tại Hòa Lan chị luôn nhớ và âm thầm hộ trì Tam Bảo trong suốt 30 năm không thối chuyển. Ngày nay Vị Bồ Tát của chị đã trở thành Hòa Thượng và chị trở thành đại gia, cái vòng nhân quả xoay vần khiến chúng tôi được lợi lạc.
Câu chuyện anh chàng đại gia bán bún người Thái gốc Việt đến làm công quả trong thời gian chúng tôi tu học, đã đi vào huyền thoại với tài nói tiếng Việt sành sỏi của anh. Qua giọng kể của Thảo, hoa hậu Chim Cánh Cụt xứ Ái Nhĩ Lan, nếu ai hỏi thăm gia cảnh của anh cha mẹ còn mất ra sao? Anh rơm rớm nước mắt trả lời:
– Ông bà cụ tôi đã chết tươi rồi!
Hôm dẫn phái đoàn nhà bếp đi mua chuối cúng Phật, anh thương lượng với người Thái bán hàng như thế nào không biết, chỉ biết rằng họ tặng cho vài trái chuối rời thật ngon. Đang đói nên các chị tranh nhau bóc chuối ra ăn, anh vội cản bảo ra xe mới được ăn. Thì ra anh đã xin người bán hàng vài trái chuối về cho chó và mèo ăn.
Sau khóa tu chúng tôi được một ngày tự do đi thăm các Chùa nổi tiếng ở Chiang Mai, ngôi chùa vàng trên núi Doi Suthep một ngọn núi linh thiêng cao 1.676 m phải đi cáp treo lên chùa. Chùa Phrathat Doi Suthep chứa xá lợi xương Phật cách Bangkok khoảng 800 km. Người Thái hay kể cho khách du lịch câu: “Chưa đến Chùa Phrathat Doi Suthep là chưa đến Chiang Mai“. Trong chùa có tượng Phật bằng bích ngọc xanh biếc sáng ngời, ngoài sân các em bé Thái mặc quốc phục múa những vũ điệu dân tộc thật đặc sắc. Tôi có thể ở đó cả ngày để chiêm ngưỡng và thưởng thức văn hóa xứ chùa tháp, nhưng phái đoàn còn phải đi ăn trưa tại một quán do Hòa Thượng trưởng đoàn đãi. Tuy được tự do lựa chọn món ăn cho thỏa thích, nhưng trời nóng lại mệt mỏi chúng tôi chỉ dành giật nhau mấy món chè Thái nước dừa bỏ cục đá lạnh vào giữa.
Buổi chiều đến thăm một ngôi chùa có tháp thờ xá lợi Phật bằng bạch ngọc, nghĩa là ngọc xanh, ngọc trắng gì chúng tôi cũng chiêm bái cả. Họ còn thờ cả tượng voi trắng chở xá lợi ở ngoài hiên. Đến những xứ theo truyền thống tiểu thừa, các vị nữ lưu trong đoàn cần được nhắc nhở, không phải gặp bất cứ vị Sư nào cũng xà vào xin chụp ảnh lưu niệm. Phạm giới luật đấy! Phụ nữ muốn thưa gửi gì phải quỳ xuống, không được đứng ngang hàng. Cách hay nhất là „kính nhi viễn chi“ đứng xa mười thước là an toàn không bị khiển trách. Tôi nhớ một chuyện xảy ra trong ngày lễ Phật Đản của người Đức tại Berlin, họ mời tất cả các hội đoàn Phật Giáo của các nước đến tham dự và lên đọc diễn văn. Cô MC người Đức đã trao mi-crô cho một vị Sư người Thái, nhưng vô tình đụng vào tay vị này. Ôi thôi! Vị Sư đã lặng lẽ rời khỏi phòng trước ánh mắt bẽ bàng và sợ hãi của kẻ vô tình không hiểu luật.
Sau đó chúng tôi được đưa đến một trung tâm siêu thị to lớn để có cơ hội xài tiền, ai muốn xem quần áo, lụa là xứ Thái hãy đứng ở lầu trệt, còn tìm kiếm thức ngon vật lạ hãy nhanh chân chui xuống tầng dưới. Các chị kháo nhau tìm cho ra trái dừa nướng thơm mùi lá dứa, nhưng không biết diễn tả làm sao. Tôi hỏi có phải trái dừa màu hơi sậm, nhỏ xíu trông như cái đầu con khỉ không? Chị Thanh Thủy mừng rỡ rủ tôi đi tìm và cuối cùng mỗi người mỗi trái dừa đầu con khỉ với giá chỉ 25 Bath mà thôi, rẻ chán cho một cơn khát nước. Nếu Hòa Thượng trưởng đoàn đồng ý cho ở lại thêm một tiếng nữa, bảo đảm chúng tôi sẽ nếm đủ các mùi tại khu chợ „Bến Thành“ này. Cả tuần nay bị nhốt kín trên núi cao chẳng biết chi mô dưới hạ giới có gì, nhưng thôi biết đủ là đủ, chúng tôi ra về trong hân hoan, về để còn sắp xếp va-li cho chuyến đi Nhật ngày mai. Về để còn hàn huyên từ giã Thầy Hạnh Nguyện, còn tìm phương án để giải trình những bế tắt trong vấn đề xây dựng, đáp án đóng định kỳ mỗi tháng, góp gạch để xây tháp … xem ra được mọi người hưởng ứng.
Để kết thúc cho phần 1 tại Cực Lạc Cảnh Giới Tự, tôi xin được trích dẫn mấy vần thơ bị … rơi rụng của Hòa Thượng chùa Pháp Bảo gửi cho Huynh và Tỷ của mình. Bản văn với bút tích của Người được viết trên một tờ giấy học trò nhầu nát, đó là tờ hướng dẫn chương trình văn nghệ của MC Thuyền Vị, khi Thầy bảo tôi đưa cho tờ giấy và cây viết, sẵn gì trên tay tôi đưa hết cho Thầy :
Huynh có hay,
Lớp lớp rồi thêm tuổi hạ dày.
Tóc bạc da mồi tệ hại thay.
Tỷ có hay,
Mang thân vào chốn cửa Không này.
Khỏa khuây kinh kệ tu hành xả.
Mặc cuộc phù vân mãi vẫn xoay.
Hoa Lan
2012
(Còn nữa)