Trang chủ Bài nổi bật Tu cái miệng để không gieo khẩu nghiệp

Tu cái miệng để không gieo khẩu nghiệp

1898

Cổ nhân thường giảng, ngôn do tâm sinh. Nếu miệng luôn nói những lời không tốt, chê trách, nói xấu người khác, nói những lời nguyền rủa mắng nhiếc người khác, đều sẽ nhanh chóng bị tổn đức, mất đi phúc báo.


Lời nói đọi máu

“Đọi” là một từ thuộc loại “đặc sản” của ngôn ngữ xứ Nghệ. Đọi có nghĩa là cái bát. Câu thành ngữ trên có hàm ý là mỗi lời nói quý giá ngang với một bát máu. Một lời nói có thể cứu sống một con người cũng có thể giết chết một con người. Nhiều người vô tâm khi nói lên suy nghĩ của mình không cần biết đúng, biết sai mà không biết rằng lời nói như những lưỡi dao găm vào lòng người khác, đến khi nói lời xin lỗi thì đã muộn.

“Lời nói đọi máu”, “lời nói gói vàng”, “lựa lời mà nói”, đúc rút trên của ông cha ta đã được truyền lại qua bao đời và đến hôm nay vẫn con nguyên giá trị. Việc cô giáo tiếng Anh tên Tuyến thốt ra những câu như: đồ óc lợn, giáo viên giẻ rách nên dạy những người giẻ rách… khiến nhiều người ớn lạnh. Tại sao, ở cương vị người dạy học, cô giáo này lại có thể thốt ra những lời lẽ chợ búa như vậy?

Mở đầu tọa đàm “Vì một nền truyền thông không bạo lực” tại Ngày hội văn hóa Hòa Bình TP.HCM, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến từng chia sẻ suy nghĩ về những “biến dạng” ngôn ngữ trong khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt trên mạng xã hội. Bên cạnh những từ ngữ mới khá hay, thì đó là xu hướng ngày càng tăng những từ ngữ đao to búa lớn, hung hăng, cường điệu và bạo lực.

Ảnh: Internet

Thay vì hồn nhiên nói lên suy nghĩ của mình thì hình như thuật ngữ “ném đá” (mạt sát, phỉ báng) đã đi vào cửa miệng. Việc người ta có thể xỉ vả hả hê, bình luận nặng nề về những suy nghĩ khác với mình đang khá phổ biến trên mạng xã hội facebook. Đám đông dường như đã tự cho mình cái quyền vừa là thẩm phán, vừa là đao phủ.

Người xưa có câu: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác – lạnh người sáu tháng ròng” đủ để thấy sức mạnh của một lời nói là to lớn đến nhường nào. Đôi khi đùa cợt, phỉ báng người khác tưởng chừng như vô hại, dù chưa gây ra tác hại to lớn gì đối với người nghe nhưng đối với bản thân người nói thì đã là đang tạo nghiệp rồi.

Họa từ miệng mà ra

Khẩu nghiệp là thứ con người thường xuyên mắc phải. Khẩu: miệng, lời nói. Khẩu nghiệp là cái nghiệp do lời nói từ miệng mình gây ra, nên khẩu nghiệp cũng được gọi là ngữ nghiệp.

Tác dụng của lời nói có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi những tâm trạng buồn. Lời nói nhã nhặn, lời khuyên đúng lúc có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của người khác. Ngược lại, lời nói cũng có thể đưa con người vào vực thẳm của tội lỗi, có thể khiến người ta ăn năn hối hận cả cuộc đời.

“Lời nói không là dao/ Mà cắt lòng đau nhói/ Lời nói không là khói/ Mà khoé mắt cay cay/ Lời nói không là mây/ Mà đưa ta xa mãi/ Sao không ngồi nghĩ lại/ Nói với nhau nhẹ nhàng”…

Một lời nói ra như bát nước hắt đi, có hối hận cũng đã muộn. Cố kinh vân: “phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trạm thân, do kỳ ác ngôn”. Nghĩa là, xét người ở đời, búa để trong miệng, sở dĩ giết người, do lời nói ác. Cổ nhân cũng có dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất” nghĩa là: bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà tạo ra.

Ảnh: Internet

Trong tích truyện nhà Phật có kể, một hôm, đức Phật đi truyền đạo ở vùng của Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình theo Phật nhiều quá nên căm giận ra đón đường Phật đi qua để chửi rủa. Đức Phật vẫn đi thong thả, các tu sĩ theo sau bén gót không ngừng tung ra những lời nhục mạ. Thấy đức Phật thản nhiên như không, họ lại càng tức giận hơn nữa, chặn đường đức Phật mà chất vấn: Ngài có bị điếc không?

Phật bình tâm trả lời: Ta không điếc. Họ căn vặn: Ngài không điếc vì sao không nghe thấy chúng tôi chửi? Đức Phật trả lời: Này các Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự. Khi họ ra về, ông tặng quà mà họ nhất quyết không nhận thì quà đó về tay ai? Quà ấy về tay tôi chứ còn gì nữa! Phật bảo: Đúng thế. Ông chửi ta cũng vậy. Ta không nhận thì nó về tay ai? Người ấy đáp rằng, lễ vật vẫn là của ông ta.

Đức Phật liền nói: “Nay ông mắng nhiếc ta, nhưng ta không nhận, ông tự mang vào thân ông vậy. Cũng giống như âm vang là do nương theo tiếng mà có, như bóng do hình mà thành, cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Hãy thận trọng, chớ nói lời mắng nhiếc, ác ngữ”!

Tu cái miệng

Miệng có thể nhả ra hoa hồng, cũng có thể nhả ra loài cây gai góc xấu xí và để miệng nhả ra hoa hồng, con người có khi cần phải tu cả đời. Tu khẩu đức thực ra là tu tính khí của bản thân. Khẩu đức có tốt, vận thế mới hanh thông, vận thế hanh thông mới không phải đi đường vòng, thành tựu nhờ đó mà có được một cách dễ dàng thuận lợi.

Trong bài “Tu cái miệng là tu hơn nửa đời người”, thầy Viên Thành viết: Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan. Làm ơn hay bị măc oán, cũng do cái miệng nầy hay kể công, mắng nhiếc, nói sỉ nhục người.

Và thầy Viên Thành dạy “phép tu” cái miệng như sau: Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường đối đãi với nhau, cái miệng phải luôn mỉm cười, nhạy lời xin lỗi và trọng lời cảm ơn. Phải tương kính, dùng ái ngữ, không tiếc lời khen, tán dương, ca tụng, truyền rao những người tốt, việc tốt, những điều hay, lẽ phải để nhân những điển hình tốt đẹp ra thêm làm tô thắm cuộc đời, nhưng rất dè dặt tiếng chê.

Không nói dối, mà phải nói những lời chân thật. Không nói lời thêu dệt, mà nói những lời trung thực. Không nói lời đâm thọc, mà nói lời hoà hợp. Không nói lời thô ác, mà nói toàn những lời hòa nhã, thương yêu.


Điền Bắc/Pháp luật Việt Nam