Trang chủ PGVN Cửa thiền Từ bi quảng đại

Từ bi quảng đại

286

Cách đây gần 10 năm, trong lúc vội vã về chùa tránh cơn mưa rét, sư thầy gặp một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đang khóc lả vì đói ở một làng ven Hà Đông. Động lòng từ bi, sư thầy Thích Đàm Khoa nghĩ cách ngay lập tức cứu sống đứa trẻ, cho ăn, ủ ấm… Từ đấy, duyên lành cứu chữa, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi gắn với bà. Không có kinh nghiệm nuôi trẻ sơ sinh, sư thầy gặp vô vàn khó khăn. Bà phải học từ cách cho ăn, quấn tã, làm vệ sinh cho trẻ. Tuổi cao, sức không còn khỏe, sư thầy thường xuyên phải thức khuya dậy sớm để chăm sóc trẻ. Thế rồi trẻ bị bỏ rơi quanh vùng được người dân mang đến gửi gắm ở chùa ngày càng nhiều, có trẻ đến chùa từ khi chưa rụng rốn. Việc nuôi dưỡng nhiều trẻ nhỏ cùng lúc gặp không ít khó khăn, nhất là khi các cháu phải điều trị ở bệnh viện. Nhiều phật tử thấy sư bà quá vất vả đã đề nghị sư bà cho bớt trẻ đi làm con nuôi hoặc đưa vào trại bảo dưỡng. Dù vậy, sư thầy vẫn không nản. Chăm lo từ miếng cơm, manh áo cho trẻ, bà trồng rau sạch, chăn nuôi cải thiện đời sống, vận động phật tử hỗ trợ, bà tiết kiệm chi tiêu, tìm nguồn mua sữa bột từ gốc với giá rẻ để chăm sóc trẻ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ nhi khoa. Dù vất vả, sư thầy rất vui vì  những đứa trẻ vô tội bị bỏ rơi đã được bù đắp bằng tình thương của cả người tu hành và phật tử. Theo bà, đó là thực hiện giáo lý nhà Phật: Cứu người và khuyến tấn phật tử mở rộng lòng từ bi, bác ái.

Lâu dần, nhà chùa trở thành địa chỉ từ thiện. Nhiều phụ nữ lỡ làng chọn chùa làm nơi gửi gắm đứa con không mong đợi. Yêu thương lũ trẻ hết lòng, sư bà lặng lẽ chờ mong ngày mẹ đẻ của chúng nhận lại con của mình, bởi chỉ có tình mẹ con mới có thể bù đắp cho sự thiệt thòi của trẻ bị bỏ rơi. Chùa cũng là nơi cầu cạnh của người hiếm muộn. Sư thầy tìm hiểu kỹ lưỡng hoàn cảnh gia đình, tính tình, học vấn của cặp vợ chồng xin con rồi mới cho trẻ đi làm con nuôi. Cẩn thận hơn, bà luôn dõi theo cuộc sống trong gia đình mới của trẻ, bảo đảm chúng có tương lai tươi sáng.

Không phụ sự tận tụy chăm sóc của bà, lũ trẻ ngày càng khỏe mạnh, thông minh, học hành chăm chỉ. Cùng với sự lớn khôn của chúng, lòng nhân từ, trách nhiệm cộng đồng của sư bà Thích Đàm Khoa đã khiến phật tử, người dân quanh vùng cảm động, làm theo.