Trang chủ Tu học Phổ thông Tứ ân trong giáo lý nhà Phật

Tứ ân trong giáo lý nhà Phật

98

Tứ ân là bốn công ơn. Phật dạy các hàng đệ tử cần phải có bổn phận báo đáp bốn công ơn đó. Đó là ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn nhà nước và ơn chúng sinh.


1. Công ơn cha mẹ


Cha mẹ sinh thành, nuôi dạy con cái, công ơn ấy rất lớn, rất rõ rệt. Đó là nguyên do mà tất cả các nhà luân lý xưa nay đều khuyên dạy loài người phải biết báo đền công ơn cha mẹ.


Theo đạo Phật, con người ta đầu thai vào nhà này hay nhà khác không phải là không có nhân duyên, và những nhân duyên ấy đã được tạo ra từ các kiếp trước.


Chỉ riêng trong đời hiện tại, lòng yêu thương của cha mẹ đối với con cái đã là rất to lớn, đến nỗi có thể vì con cái mà hy sinh tất cả. Lòng yêu thương vô bờ bến ấy, sự chăm sóc vô điều kiện ấy là một nguyên do quan trọng để những người làm con có bổn phận báo hiếu cha mẹ.


Báo hiếu bằng sự cung dưỡng về vật chất, báo hiếu bằng sự thương yêu, kính trọng về tinh thần. Trong Nho giáo có Hiếu kinh, đặc biệt trong Phật giáo có Vu Lan kinh, thuyết rất sâu về đạo hiếu đó.


Cao hơn nữa, cách báo hiếu của người theo đạo Phật là còn tìm mọi cách khuyên nhủ cha mẹ học hỏi, tu tập theo Phật pháp để được giải thoát. Vì thế mà người xuất gia, mặc dầu thoát ly gia đình, mà vẫn có thể báo hiếu thiết thực.


2. Công ơn thầy bạn


Cha mẹ chủ yếu nuôi ta về vật chất còn thầy bạn chủ yếu nuôi ta về tinh thần. Ơn ấy rất lớn.


Trong chúng bạn, có bạn lành và bạn ác. Chỉ có những bạn hiền, giúp ta hiểu biết điều hay lẽ phải, bỏ ác làm lành thì mới là ân nhân của ta.


Báo ơn thầy bạn, đối với người theo đạo Phật chủ yếu là báo ơn Tam bảo Phật Pháp Tăng.


– Báo ơn Phật bảo bằng cách tận tâm, tận lực cứu độ chúng sinh, phục vụ chúng sinh. Phụng sự chúng sinh tức là làm vui lòng chư Phật. Báo ơn chúng sinh tức là báo ơn Phật, vì Phật với chúng sinh là cùng một thể tính. Chúng sinh là vị lai chư Phật. Cho nên có câu “phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật”.


– Báo ơn Pháp bảo bằng cách làm lưu thông và tuyên dương Chính Pháp. Bổn phận của Phật tử, đặc biệt là những bậc xuất gia là phải thuyết pháp độ sinh.


Thuyết Pháp có nhiều phương tiện, không chỉ là nói bằng lời. Đức Phật khi còn trụ thế đã phải khô môi đắng miệng thuyết Pháp cũng bởi như thế.


– Báo ơn Tăng bảo bằng cách củng cố và phát triển đoàn thể đệ tử Phật trên tinh thần Lục hòa: Thân hòa cùng ở, lời hòa không tranh cãi, ý hòa cùng vui, giới hòa cùng tu, thấy hòa cùng hiểu, lợi ích cùng chia sẻ. Là Phật tử thì cần phải đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tu học, cùng tuyên dương Chính Pháp.


3. Công ơn Nhà nước


Nhà nước duy trì an ninh trật tự trong nước và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chống ngoại xâm để cho Phật tử có điều kiện yên ổn mà sinh sống tu hành và dân sinh có thể an lạc. Công ơn ấy cần được báo đáp bằng cách thực hiện tốt các nghĩa vụ và bổn phận của người dân.


Trong các chế độ xưa, Quốc vương là tiêu biểu cho nhà nước, nên chư kinh thường dạy là phải báo ơn Quốc vương.


Xét cho kỹ, thì chỉ có những nhà nước tích cực bảo vệ chủ quyền đất nước và lợi ích của Dân tộc, hết lòng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là nhân dân lao động, những người cùng khổ thì mới thật có công ơn.


Đối với những nhà nước thật sự vì nước vì dân như thế, người Phật tử cần phải góp phần thi hành triệt để mọi chính sách Quốc gia, tận tâm tận lực giúp đỡ nhà nước, để họ có thể phục vụ tốt hơn nữa lợi ích của nhân dân. Đó là cách nhìn và cách làm mà người Phật tử phải biết để báo đền công ơn của Nhà nước.


4. Công ơn chúng sinh


Nếu kể từ vô lượng vô số kiếp thì tất cả các chúng sinh đều có ơn và đều cần phải báo ơn tất cả các chúng sinh. Nếu kể riêng về đời hiện tại thì báo ơn chúng sinh tức là báo ơn nhân loại cần lao nói chung và báo ơn xã hội, đồng bào lao động nói riêng.


Chúng ta nên xét từ thức ăn, đồ mặc, nhà ở, cho đến các món ăn về tinh thần đều do nhân loại cần lao, gần hơn là đồng bào lao động cung cấp cho chúng ta. Không có sự cung cấp ấy thì chúng ta không thể sống được, không thể tu tập được. Đó là một công ơn rất lớn, cần báo đáp.


Báo đáp bằng cách tận tâm tận lực bảo vệ đời sống hòa bình cho nhân loại, phục vụ nhân dân lao động trong nước, thiết thực biết ơn và phục vụ nhân dân lao động, cố gắng làm tròn chức nghiệp và nhiệm vụ của mình.


Là Phật tử, nhất là các chúng xuất gia cần biết trân trọng, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các phẩm vật tịnh tài, tiền bạc mà nhân dân vì kính ngưỡng Tam bảo mà dâng cúng. Nhà Phật hay nói đến chữ tùy duyên, phương tiện nhưng vẫn lấy khổ hạnh làm căn bản. Đó là một cách thiết thực để báo đền công ơn của xã hội, của nhân dân.


Chỉ có những người thực sự yêu nhân dân lao động mới là thiết thực yêu Tổ quốc, yêu Dân tộc và kính ngưỡng Tam bảo.