Tại đây, Thượng tọa Thích Viên Như đã trình bày về các vấn đề: Điều gì đã làm cho một dân tộc nhỏ bé như Việt nam mà kiên cường, bất khuất không bị khuất phục bởi những cường quốc quân sự, chắc chắn rằng đất nước nhỏ bé này phải có một gốc rễ rất sâu, sức mạnh đó chính là Văn Hóa. Một quốc gia, một đất nước có thể mất về địa lý, về lãnh thổ qua chiều dài những cuộc biến động chiến tranh nhưng không thể mất Văn hóa, vì Văn hóa là linh hồn của dân tộc, được tổ tiên đúc kết qua quá trình sống và lao động lâu dài. Hầu hết tất cả những nền văn minh trên thế giới đều hình thành từ văn minh nông nghiệp Lúa nước chứ không thể đến từ những dân du mục. Qua đó, Thượng tọa đã nói lên những tiếng lòng, những di sản mà tổ tiên để lại qua tám phần chính:
1. Một số khái niệm và vấn đề dịch học, tìm nguồn gốc dịch học Lạc Việt.
2. Giải mã Dịch Lý và Chữ Vuông của Người Việt trong Trống Đồng Ngọc Lũ
3. Dịch Lý trong Huyền Sử và Truyền Thuyết (truyện Hồng Bàng, truyện Thánh Gióng, truyện Lý Ông Trọng, sự tích Trầu Cau, sự tích Bánh Chưng Bánh Giày, sự tích Dưa Hấu, Truyện Sơn tinh Thủy tinh.”
4. Giải mã Dịch Lý và Chữ Vuông của người Việt trong Tranh Dân Gian (thông điệp trong các bức tranh Đông Hồ như “Lão Oa Giảng Đọc, Cóc Kiện Trê”.
5. Giải mã Dịch Lý và Chữ Vuông của người Việt trong truyện Ngụ Ngôn “Cóc Kiện Trời”.
6. Dịch Lý Trong Ca Dao – Tục Ngữ – Đồng Dao (tại sao ca dao lại được viết bằng thể thơ Lục bát, những câu ca dao như: “con cóc nằm góc bờ ao, lăm le nó muốn nuốt sao trên trời. Ông giăng mà lấy bà trời, mồng năm dẫn cưới mồng mười rước dâu. Thương thay thân phận con rùa, lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia. Con cò mà đi ăn đêm…)
7. Dịch Lý qua trò chơi dân gian (qua bài đồng dao “ chi chi chành chành, ô ăn quan, oẳn tù tì.”
8. Một số vấn đề liên quan đến nguồn gốc Dịch Lý của người Việt được biểu hiện đậm nét qua 2 chữ “Quê Hương”.
Tất cả những mật mã do tổ tiên Lạc Việt đã gửi gắm trong tất cả những sinh hoạt đời sống tưởng chừng như chỉ là cảm xúc, khát vọng, ước mơ của con người bé nhỏ, nhưng đó là những lời nhắn nhủ của tổ tiên gửi lại cho con cháu Lạc Việt mai sau. Một tiếng vỗ tay không thể làm cho âm thanh vang vọng xa, một tiếng chim kêu không thể nào làm cho đất trời thấu hiểu, chính vì thế Thượng tọa thành khẩn kêu gọi các bậc Thức giả trong và ngoài nước là con dân Lạc Việt hãy nói lên tiếng nói của tổ tiên, chứng minh cho thế giới, cho nhân loại biết được nguồn cội của dân tộc nhỏ bé này có một nền văn minh Đại Việt vô cùng to lớn, đó cũng chính là nỗi lòng của tác giả.
Buổi thuyết trình nhiệt thành của thượng tọa và say mê lắng nghe của các học giả được bắt đầu từ 8h00 và kết thúc lúc 12h30’. Với những câu hỏi và trao đổi trực tiếp từ các vị Thức giả có mặt. Đúc kết buổi thuyết trình: ông Nguyễn Khắc Mai trưởng ban tổ chức đã nói như sau: “Chúng ta đôi khi cũng cần phải bỏ qua những quan niệm và định kiến từ trước đến nay và cần phải nhìn nhận bản chất sự việc một cách sâu sắc để tiếp nhận những cái mới”, có như vậy mới không bị lệ thuộc bất cứ tư duy định kiến nào. Việc này như là tiếng trống đồng thức tỉnh lương tri dân tộc, nhắc nhở mọi người dựng lại nền văn hóa bản sắc dân tộc Đại Việt bị đánh tráo lâu nay.