Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả TT. TS.Thích Nhật Từ ra mắt bộ sách về Thiền Vipassana

TT. TS.Thích Nhật Từ ra mắt bộ sách về Thiền Vipassana

1904

Thiền là một trong 3 trụ cột tâm linh của Phật giáo Ấn Độ. Tại Ấn Độ, dòng thiền chính thống do Đức Phật truyền bá goi là Thiền Minh Sát (Vipassana) còn gọi là Thiền Như Lai. Mục đích của thiền Minh Sát hướng đến khai mở trí tuệ, qua 4 nền tảng chánh niệm. Các hành giả có thể thực tập Thiền tứ niệm xứ hằng ngày, an trú tâm vào các đề mục thiền chỉ hoặc thiền quán, rũ bỏ mọi chấp mắc trong lòng.


Thiền Tổ Sư là dòng thiền của Trung Quốc. Trong quá trình hình thành, truyền bá Thiền Tổ Sư từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 8, các vị Tổ Sư Trung Hoa đã phát triền thành 5 tông phái thiền (ngũ gia thiền) gồm thiền Lâm Tế, thiền Tào Động, thiền Vân Môn, thiền Qui Ngưỡng và thiền Pháp Nhãn. Về bản chất, thiền tổ sư giống với thiền chỉ nên đạt được Định, hay còn gọi là Thiền Định. Thiền minh sát của Đức Phật giúp hành giả đạt trí tuệ.


Cuốn “thiền chỉ, thiền quán và lợi ích của thiền” giới thiệu 5 lợi ích của thiền minh sát: 

– Giúp cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, tinh thần thoải mái, trị liệu các bệnh thần kinh, tâm thần.

– Giúp tăng trưởng cảm xúc từ đau khổ trở thành hạnh phúc, hoan hỉ và thản nhiên, bình thản.

– Chuyển hóa và kết thúc các hạt giống xấu, phát triển hạt giống thiện ở tâm

– Quan hệ, tương tác xã hội trở nên tích cực, người thực tập thiền không để bụng, cố chấp với người khác, luôn nói lời từ ái, chia sẻ giá trị tích cực.

– Đạt được trí tuệ và giải thoát.


Đỉnh điểm của quá trình thực tập thiền và chuyển hóa đạo đực, trí tuệ là đạt được giác ngộ và giải thoát. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các hành giả thực tập thiền bắt đầu quá trình chuyển hóa bản thân, trí tuệ, trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội.

Sách “Thiền Vipassana: Bốn nền tảng chánh niệm” phân tích kinh tứ niệm xứ thuộc Kinh Trung Bộ – Kinh Đại Niệm Xứ thuộc Kinh Trường Bộ – Pali như: 

– Hướng dẫn kĩ năng quản trị thân thể

– Kĩ năng quản trị cảm xúc

– Kĩ năng quản trị tâm

– Làm chủ ý niệm


TT. Thích Nhật Từ khuyên tùy theo tình trạng tâm lý, sức khỏe, tính cách, người tu thiền có thể chọn lựa chuyển hoá thân, tâm một phù hợp để khép lại khổ đau.

Trong tọa đàm, TT Nhật Từ phân tích sự khác nhau giữa thiền Phật giáo và thiền Yoga. Thiền Yoga hình thành dựa theo bộ kinh Yoga Sutra của Patanjali, thế kỷ 4, hướng dẫn người thực tập hợp nhất với thượng đế và dẻo dai về sức khỏe. Như vậy, về bản chất và phương pháp luyện tập yoga hoàn toàn khác với thiền của Đức Phật, hướng đến giải phóng khổ đau. Chỉ nên tập Yoga như một môn thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh.


Không chỉ giới thiệu về 4 tập sách mới về Thiền Vipassana, TT Nhật Từ còn giải thích về sự vượt trội của thiền Phật giáo so với thiền nhân điện, thiền trường sinh học, Pháp Luân Công và thôi miên trị liệu… Các giải thích này giúp các Phật tử và hành giả có được kiến thức chính xác, tránh mơ hồ, hiểu nhầm từ thông tin sai lệch, qua đó nhận thức được giá trị của thiền của Đức Phật.

Hiện nay, thiền đã vượt qua khái niệm tôn giáo, bất cứ ai cũng có thể thực tập thiền để tăng cường sức khỏe, làm chủ cảm xúc và mở mang trí tuệ.


Việc ra mắt bộ sách 4 cuốn sách về Thiền Vipassana của TT. Thích Nhật Từ như một con đường sáng, dẫn lối cho các Phật tử và hành giả thực tập thiền. Hy vọng, quý Phật tử sẽ nhận ra được chân lý, giá trị đích thực của phương pháp Thiền Vipassana của Đức Phật.

Nhận sách thiền do Quỹ Đạo Phật Ngày Nay ấn tống tại Chùa Giác Ngộ – 92 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM.