Vừa qua, trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra từ ngày 8 -10/03/2023 (nhằm ngày 17/02 – 19/02 Âm lịch) tại chùa Quan Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), chiều ngày 10/03/2023 (19/02 âm lịch), nhận lời mời của HT Thích Huệ Vinh – Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP Đà Nẵng, Phó Ban tổ chức Lễ Hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023, TT Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã quang lâm hướng dẫn Thiền và thuyết giảng cho hàng nghìn Phật tử cùng khách hành hương tham dự Lễ hội.
Ngôi chùa Quán Thế Âm nằm dưới chân ngọn Kim Sơn thuộc dãy núi Ngũ Hành Sơn từ lâu đã trở thành nét đẹp riêng của thành phố Đà Nẵng.
Nhiều năm qua, Lễ hội Quán Thế Âm tại chùa Quán Thế Âm đã được HT Thích Huệ Vinh tổ chức thành công. Với không gian thoáng đãng, non nước hữu tình và nhiều hoạt động văn hóa phong phú đa dạng trong lễ hội như: Triển lãm tranh – ảnh về du lịch, thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và ma nhai Ngũ Hành Sơn; Triển lãm mỹ thuật, tranh ảnh, thư pháp, đá cảnh; Giao lưu thơ – nhạc; Hô hát bài chòi; Pháp đàn Quán Thế Âm; Hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước; Hội cờ làng, kéo co; Hội đua thuyền truyền thống; Trình diễn khinh khí cầu; Khai trương thư viện Vạn Hạnh (với hơn 30.000 ấn phẩm liên quan đến Phật giáo), v.v.. cùng các chương trình biểu diễn nghệ thuật đến từ các nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ đã thu hút hàng vạn lượt người đến tham dự. Có năm, lượng người về đây lên đến hơn 50 nghìn người. Hoạt động ý nghĩa này nhằm cầu quốc thái dân an, phục hồi văn hóa dân tộc, gắn kết cộng đồng rộng rãi.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước năm 2.000; và năm 2.021 được Bộ VH-TT-DL cộng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tuy nhiên, giữa không khí Lễ hội rộn ràng, Hoà thượng Trụ trì vẫn cảm nhận rằng cần phải có thời khóa tu để làm cốt lõi, làm trái tim của Lễ hội. Trong chương trình lễ hội Quán Thế Âm, Hoà thượng đã dành một buổi để xây dựng sự tu tập về Thiền định. Tuy đây là một trải nghiệm tu học trong nội bộ giữa thầy với trò, thấy có vẻ đầm ấm, nhỏ bé, nhưng ẩn chứa trong đó một điều rất lớn là ta tạo thành sức mạnh nội tại về Thiền cho Phật giáo. Vì khi Phật giáo của ta va chạm, tiếp xúc với Phật giáo nước ngoài, hay những Phật tử nước ngoài thì ta chỉ có một con đường để cùng giao lưu, trao đổi, đàm đạo với họ là Thiền.
Hơn nữa, Đức Quán Thế Âm có liên quan tới pháp môn Thiền chứ không phải Ngài chỉ làm việc cứu độ không, nếu Ngài Quán Thế Âm không lắng nghe được tự tính, không chứng đắc được tâm không của Bát Nhã, thì nếu ra cứu độ e rằng sẽ bị chìm đắm trong chúng sinh và nhân loại, chứ không thể có năng lực cứu độ được.
Vì vậy, hàng năm Người đã thỉnh mời TT TS Thích Chân Quang về hướng dẫn Thiền, cũng như chia sẻ đạo lý cho các Phật tử vào mỗi chiều ngày 19/02 (AL) vì Thượng tọa chuyên giảng thuyết, chuyên dạy cho Phật tử tu tập Thiền định, và Người cũng từ trong nghiên cứu Thiền mà ra.
Có thể nói bao năm qua, bằng những nỗ lực không ngừng, TT TS Thích Chân Quang luôn giảng dạy về Thiền, tổ chức những khóa tu Thiền khắp nơi với ước mong đền ơn Phật, đồng thời giúp mọi người cảm nhận được một cách trực tiếp sâu sắc về con đường Thiền đúng lại từ thời Đức Phật dạy. Từ đó, các Phật tử thêm nỗ lực, kiên trì trước mọi khó khăn, tiếp tục duy trì việc tu Thiền để hoàn thiện nội tâm, đóng góp năng lượng cho Phật giáo được hưng thịnh, trường tồn.
Theo đó, trong khuôn khổ lễ hội, đúng 14h00” ngày 19/02/ năm Kỷ Mão, hàng nghìn Phật tử được hướng dẫn thực hành thiền định.
Tiếp đến, TT TS Thích Chân Quang chia sẻ Pháp thoại với sự tham dự và chứng minh của: HT Thích Huệ Vinh – Phó Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm, trụ trì chùa Quán Thế Âm (TP Đà Nẵng); TT. Thích Giác Minh – Trụ trì chùa Phong Hòa (tỉnh Đồng Tháp); TT. Thích Nhuận Trí – Phó Ban Trị Sự GHPGVN (tỉnh BRVT); Ni trưởng Thích Nữ Từ Nhu – trụ trì chùa Từ Đức (Thừa Thiên Huế); Sơ Maria Hòa – Dòng thánh Phaolo (TP. Đà Nẵng); cùng chư Tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra còn có đại diện các Ban điều hành Đạo tràng và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, cùng hàng nghìn Phật tử, các Chúng thanh niên, sinh viên trên khắp mọi miền tổ quốc về tham dự và công quả.
Mở đầu, HT Thích Huệ Vinh chia sẻ về nguồn gốc xuất hiện của Lễ hội Quán Thế Âm. Đồng thời nhấn mạnh chùa Quan Thế Âm đã có văn hóa, tâm linh, giờ cần nhất là tập trung vào việc đưa phương pháp tu tập vào để khai mở trí tuệ cho đại chúng. Mà nói về đạo Phật, phương pháp tu tập quan trọng nhất chính là Thiền bởi đó là cốt lỗi của đạo Phật.
Sau một thời gian dài theo dõi quá trình cũng như các bài giảng trên mạng xã hội của TT TS Thích Chân Quang, Hoà thượng thực sự rất khâm phục trí tuệ uyên thâm, sự hiểu biết sâu rộng của Thượng tọa; khâm phục đệ tử của Thượng tọa quá thuần thành, lúc nào cũng tận tụy phục vụ đạo Pháp, dân tộc trên tinh thần vô ngã, vị tha. Do vậy, Người quyết định thỉnh Thượng tọa về hướng dẫn cho Phật tử Đà Nẵng tu tập Thiền. Người khẳng định, đây là một nhân duyên đặc biệt và nhân duyên này đã hiện diện nơi Lễ hội năm nay.
Được biết, trước kia cố HT Thích Huệ Hướng – nguyên Trụ trì chùa Quán Thế Âm (Đà Nẳng) là vị Thiền sư đắc đạo, đã viên tịch năm 1995. Cố Hoà thượng là đại sư huynh của HT Thích Huệ Vinh đương kim Trụ trì chùa Quán Thế Âm. Cho nên, bây giờ chùa Quán Thế Âm phục chấn thiền phong cho tu Thiền trở lại cũng là hợp lý.
Trước tâm huyết của HT Thích Huệ Vinh đối với tiền đồ Phật giáo hiện nay, TT TS Thích Chân Quang thực sự vui mừng và xúc động. Người vui mừng vì sau bao nhiêu năm, một lễ hội có ý nghĩa cực kì quan trọng với đời sống tâm linh con người đã được phục dựng thành công, được cộng đồng xã hội đón nhận rộng rãi. Lại thêm, nơi đây có những người thầy rất có tâm, có tầm, biết quan tâm đến đời sống tu hành của các Phật tử.
Đi vào nội dung bài Pháp thoại Thượng toạ làm rõ giữa 2 vấn đề mà rất nhiều người còn khúc mắc, đó là: Luật nhân quả thì công bằng sòng phẳng, ai gieo nhân nào gặt quả nấy trong khi các vị Thánh trên cao lại luôn theo dõi, cứu giúp, hỗ trợ chúng sinh lúc khó khăn. Liệu 2 điều này có quá mâu thuẫn, đi ngược lại với nhau không?
Lý giải điều này, Thương toạ cho rằng “Luật nhân quả” là định luật công bằng của cả vũ trụ. Nhân quả thì công bằng sòng phẳng đến mức gần như tàn nhẫn, ai đã gieo nhân xấu phải chịu quả báo không thể nào trốn được, không ai gánh giúp cho được đó là sự thật. Giống như ta siêng năng bố thí, cúng dường, đắp đường, phóng sinh thì mặc định quả báo kiếp sau sẽ trở thành người giàu có, thành công.
Tuy nhiên, Nhân quả không phải là nguyên nhân để ta quay lưng lại với người khác mà ngược lại, nó là động lực để ta yêu thương, giúp đỡ mọi người. Nghĩa là khi thấy ai khổ sở, tự dưng có gì đó thôi thúc mình phải giúp đỡ họ. Ai bỏ mặc chúng sinh trong lúc khó khăn thì đó là sai. Họ làm điều ác, lỡ tạo nghiệp xưa, giờ đành chịu quả báo, không có cách nào khác. Nhưng với vai trò là người trong cộng đồng, cũng là vai trò của bậc Thánh, chúng ta cũng có trách nhiệm phải đưa tay ra giúp đỡ họ.
Thực sự, ở thời điểm chúng ta gặp đau khổ, ai cũng mong có một bàn tay Thần Thánh chìa ra để bám víu. Tức là ta cần một vị Bồ tát đủ yêu thương, từ bi, thần lực giúp ta vượt qua đau khổ. Đây cũng là lí do trong đạo Phật xuất hiện một vị Bồ tát Quán Thế Âm rất đặc biệt. Đây là một vị Bồ tát trong Phật giáo Đại thừa. Trong Phật giáo Đại thừa, Ngài là vị Bồ tát siêu phàm luôn lắng nghe mọi lời cầu nguyện của chúng sinh để yêu thương giúp đỡ, và ai niệm danh hiệu Ngài đều được sự cảm ứng vi diệu.
Chúng ta thấy một bên là Luật nhân quả vô tình, một bên là những vị Bồ tát từ bi sẵn sàng cứu độ chúng sinh, hai điều này như trái ngược nhau. Tuy nhiên, chỗ này cần hiểu kĩ, hiểu rõ cả hai thì ta mới có được chánh kiến trong đạo Phật.
Theo Thương toạ, nếu ta chỉ biết có Luật nhân quả mà không biết có sự linh thiêng, thần lực nhiệm mầu của các vị Bồ tát; hoặc chỉ biết có các vị Bồ tát cao siêu đầy thần lực cứu giúp chúng sinh mà không biết đến Luật nhân quả thì ta cũng tà kiến. Chánh kiến là phải hiểu cả hai khía cạnh.
Nói về Nhân quả, Thượng tọa khẳng định Nhân quả rất màu nhiệm và khoa học. Kiến thức về Nhân quả mênh mông, vô tận, dù học từ lớp 1 đến khi có học hàm Giáo sư vẫn không biết hết được những kiến thức có trong đó. Và các kiến thức, đạo lý đó là những điều hiển nhiên, không cần chứng minh. Ai đòi chứng minh những điều hiển nhiên thì đó là ngu si. Ví dụ, theo Nhân quả, nếu ta làm người khác đau khổ thì ta cũng chịu quả báo đau khổ; nếu ta đem hạnh phúc, lợi ích đến cho người khác thì sau này ta cũng được hạnh phúc, may mắn. Đây là điều hiển nhiên của cuộc sống, của vũ trụ, mà ngay cả Thần Thánh trên cao cũng phải chấp nhận.
Tuy nhiên, Nhân quả không chỉ đơn giản là như vậy. Có những điều ta nghĩ là thiện nhưng thực chất lại là ác. Có những điều ta nghĩ là ác nhưng nó lại thiện. Tuỳ vào trí tuệ, sự chứng ngộ khác nhau mà mức hiểu Nhân quả cũng khác nhau. Như với người chưa đắc đạo, họ nhìn tất cả sự việc sau đó dùng suy nghĩ của mình để phán đoán. Nhưng với người đắc đạo, họ có thể thấy rõ Nhân quả là nguồn gốc, chi phối lên mọi sự vật, sự việc. Chỉ có những bậc tu hành, chứng ngộ cao siêu mới hiểu rõ mọi điều về Nhân quả.
Thực sự, nội cái Nhân quả thôi cũng rất phức tạp, khó hiểu. Hơn nữa, trong Nhân quả không chỉ có Nhân quả của từng cá nhân, mà còn có Nhân quả của cả cộng đồng, quốc gia, thế giới. Trong đó, Nhân quả của cá nhân sẽ ảnh hưởng đến nhân quả của cộng đồng, quốc gia thế giới. Ví dụ, nếu con người cứ tàn sát động vật, chặt phá rừng, vứt rác bừa bãi thì một ngày nào đó, sự sống trên hành tinh này sẽ chấm dứt. Nghĩa là một ngày nào đó, thế giới sẽ tận diệt, tận thế. Ngược lại, nếu con người biết bảo vệ môi trường, trồng cây gây rừng, phóng sinh,.. thì thế giới sẽ tiếp tục phát triển hưng thịnh.
Hay trong sự lãnh đạo chung, hành động của từng cá nhân cũng sẽ ảnh hưởng đến cái tâm của người lãnh đạo. Nếu toàn bộ người dân, ai cũng biết tu hành điều thiện, tự nhiên điều thiện đó đi vào tâm người lãnh đạo. Nhờ đó, họ có những quyết định đúng đắn, đem lại lợi ích, hạnh phúc đến cho mọi người. Nhưng nếu ai cũng ích kỉ, độc ác thì toàn bộ tâm đó sẽ quyện vào tâm của người lãnh đạo. Lúc ấy, tự nhiên họ trở thành người vô tâm, độc đoán.
Nói về sự từ bi, yêu thương, cứu độ của các vị Bồ tát trên cao với chúng sinh, Thượng tọa khẳng định, các vị thương nhưng không có chiều. Bởi vậy, đôi khi các vị cũng cho ta những thử thách để chúng ta trưởng thành hơn. Bồ tát xuất hiện giữa thế gian, bằng thiên nhãn siêu việt của mình, biết hết tất cả chúng sinh nhưng các vị ấy chỉ tập trung quan tâm đến những ai khởi được tâm thiện, có căn tu. Nên muôn được các vị ấy chú ý, cứu độ, chúng ta phải khởi được tâm thiện, làm nhiều việc tốt, siêng năng tu hành. Có vậy, lời cầu nguyện của ta mới được linh ứng.
Ngoài ra, còn một điều hết sức quan trọng là ta phải tin, phải lễ bái đúng nơi, đúng người. Nhiều người đến đâu cũng vái xin, gặp vị nào cũng nghĩ là Thánh, coi vậy lại không đúng. Thường Thần Thánh có 3 loại:
– Một là Thần Thánh có thật, từng xuất hiện trong lịch sử loài người và bây giờ họ vẫn đang ở cõi trên.
– Hai là Thần Thánh hư cấu, do ai đó tưởng tượng, bịa đặt rồi lan truyền ra.
– Ba là Thần Thánh có thật nhưng không trụ được giữa cuộc đời nên đã đi đầu thai ở kiếp khác.
Vậy ta lễ bái, tôn kính vị Thần Thánh nào thì sẽ nhận được sự linh ứng, cứu độ, gia hộ? Đó phải là một vị Thần Thánh có thật, còn tồn tại. Họ đã đắc quả Thánh cao siêu, có thần lực lớn, công đức lớn. Tin vào Thần Thánh có thật thì ta được nhiều công đức bởi tâm chứng và cái phước của các vị từ vô lượng kiếp rất lớn. Còn Thần Thánh hư cấu không có thật nên cũng không có giá trị. Tin vào những Thần Thánh hư cấu đó ta ta chỉ tốn công, tốn của mà không có phước. Có khi còn mắc quả báo xấu.
Do biển phước mênh mông của Bồ tát mà ai đảnh lễ, tôn kính các Ngài đều tăng trưởng phước, tức là gặp may mắn, được bình an, vượt qua khổ nạn. Và chỗ quý nhất của tăng trưởng phước là ta kiểm soát được thân tâm mình nên bớt dần nghĩ bậy, bớt làm bậy, tâm ta đạo đức hơn trí tuệ hơn, tránh được điều sai, chỉ làm điều đúng. Đây mới là tài sản vô giá ta có được nhờ đảnh lễ tôn kính bậc Thánh.
Rất nhiều người nghĩ bậy, làm bậy chỉ vì suốt đời họ không biết tôn kính Thần Thánh. Cũng có người giữ mình đàng hoàng trong sạch bởi vì có công đức lễ kính bậc Thánh. Đây mới là cái phước quý nhất.
Lòng tôn kính chư Phật, chư Bồ tát không chỉ giúp ta tránh sai làm đúng mà giúp ta đi vào thiền định – tâm vững chắc, an định dần để sau này chứng Thiền, chứng Thánh quả. Từ nội tâm loạn động mà vào được nội tâm an định rất khó nhưng khi biết tôn kính bậc Thánh, lễ bái Bồ tát ta lại làm được, thật mầu nhiệm. Vậy nên, chưa nói nhập Thiền cao siêu, ngay trong đời sống bình thường ta cũng phải cố gắng bảo vệ tư tưởng, suy nghĩ của mình cho đúng đắn; siêng năng lễ kính Phật, Bồ tát để kiểm soát thân tâm, tăng trưởng cái phước cá nhân.
Ngoài đạt được nội tâm thanh tịnh, cái tâm vững vàng, suy nghĩ đúng đắn còn giúp ta không bị các vong xấu nhập vào. Ngược lại, khi ma gặp mình họ còn phải kính trọng, nhường đường, nhường chỗ. Khi nhìn ta, họ thấy tâm ta như có hào quang tỏa ra. Hào quang này người đời không thấy nhưng ma thấy. Nên mình đi đến đâu, họ nép qua một bên, có khi là tránh đi rất xa, không được phép lại gần. Nếu bị vong nhập, nghĩa là ta có ý nghĩ sai, phải sám hối rất nhiều.
Một lần nữa Thượng toạ nhắc nhở: Luật nhân quả thấy như khô khan, song phẳng và những vị Thánh từ bi, tế độ, yêu thương nhìn có vẻ ngược nhau nhưng thực chất, lại có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ. Dù tu gì, làm gì chúng ta cũng phải biết rõ điều này. Nhân quả có khô khan thế nào, ta cũng phải hiểu cho thấu đáo. Các vị Thánh trên cao, dù ta không gặp nhưng phải hết lòng tôn kính. Nếu lỡ gây nghiệp trong quá khứ, tới lúc gặp nạn ta phải gánh cái nạn đó. Nhưng nếu biết cung kính bậc Thánh, các vị sẽ dùng thần lực của mình để chặn hoạn nạn, sau đó cho ta thêm thời gian để tu hành, làm điều phước lành bù lại, trả nợ cho các Ngài.
Cho nên việc tôn kính Thần Thánh không chỉ để ngăn chặn hoạn nạn trước mắt mà mang lại vô số công đức lành. Trong rất nhiều công đức đó, điều quý giá nhất chính là nội tâm được thanh tịnh, sáng trong, thánh thiện dần và đi vào thiền định, chứng Thánh quả cao siêu.
Tóm lại, Nhân quả; sự từ bi, độ lượng của Thần Thánh; lễ kính bậc Thánh có lẽ là những đạo lý rất quen thuộc với hàng Phật tử. Các đạo lý này xuất hiện hầu hết trong tất cả các bài giảng của TT TS Thích Chân Quang. Nhưng đây là một bài Pháp đề cập đến mối quan hệ biện chứng, tưởng chừng đối nghịch nhau nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhờ sự sâu sát, mới mẻ này, các Phật tử lại có thêm những kiến thức mới, sự hiểu biết mới. Từ đó, biết áp dụng vào cuộc sống mình để được thêm nhiều lợi ích.
Đây thực sự là một bài Pháp rất khó. Để hiểu được hết những đạo lý này, ngoài việc tham dự Khóa tu đầy đủ, lắng nghe một cách chăm chú, nghiêm túc, chúng ta còn phải áp dụng, thực hành nó thường xuyên vào cuộc sống của mình. Chỉ khi đạo lý được ứng dụng vào thực tế, ta mới thấy rõ vai trò, ý nghĩa của đạo lý đối với cuộc sống của mình. Đồng thời, có được phước báu quý giá, vừa giúp ta xây dựng nội tâm, chuyển hóa nghiệp báo, vừa hỗ trợ ta tiến sâu vào Thiền, nhập được định, chứng ngộ cao siêu.
Xin giới thiệu hình ảnh ghi nhận:
Tâm Trụ