Hàng chục năm nay, Khóa tu Thiền tại chùa Từ Tân (số 90/153, Trường Chinh, Q. Tân Bình, TP. HCM) đã trở nên quen thuộc với các Phật tử yêu thích Thiền tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận. Đặc biệt những năm gần đây giới trẻ và các thành phần trí thức trong đó có người nước ngoài đến tham gia tu Thiền ngày một đông hơn. Đức Phật đắc đạo bằng con đường Thiền định, cả cuộc đời Ngài dạy về Thiền và toàn bộ kinh điển để lại đều nói đến Thiền. Tuy nhiên, do cách Phật đã xa, ngày nay có những tông phái tu tập đã rời xa mục tiêu vô ngã của Phật, Thiền định đã mai một, số người tu Thiền không còn nhiều. Cho nên, là đệ tử Phật, chúng ta phải biết về Thiền một cách sâu sắc, vững chắc để có thể nói và dạy lại cho người khác. Ngày nay, ai tu Thiền, tham gia các Khóa Thiền là người đang góp phần phát huy Thiền trở lại, là viên gạch xây dựng lại tòa nhà Phật giáo, vì vậy công đức rất lớn.
Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới bắt đầu phát triển Thiền trong đất nước họ như: Ấn Độ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, v.v.. Thậm chí, nhiều quốc gia còn đưa Thiền vào chương trình giáo dục, bắt học sinh, sinh viên của họ phải Thiền, bởi họ nhận thấy Thiền đem lại lợi ích lớn lao cho thân và tâm. Lợi ích mà Thiền định mang lại cũng được chứng minh qua thực tế tu hành của mỗi người, cũng như của khoa học hiện đại. Ai muốn tìm hiểu thêm về những lợi ích của Thiền mang lại thì hãy cố gắng tập Thiền để cuộc sống của chúng ta ngày một tốt hơn.
Đến với Khóa tu Thiền do TT.TS Thích Chân Quang hướng dẫn giảng dạy, các Phật tử dù cấp độ nào cũng hiểu được và thực hành đúng kỷ thuật Thiền mà ngày xưa Phật đã dạy từ căn bản đến đi sâu hơn vào pháp hành và cuối cùng đi đến đích là vô ngã.
Khóa tu mặc dù chỉ gói gọn trong 3 ngày nhưng thật ấm áp và chan hòa trong tinh thần lục hoà dưới sự hướng dẫn giảng dạy của HT.Thích Viên Giác, Trụ trì chùa Từ Tân cùng TT. TS Thích Chân Quang và quý thầy, quý sư cô trong Ban Hướng Dẫn Thiền. Lâu nay chùa Từ Tân luôn là điểm đến, điểm dừng chân nhiều ý nghĩa trong hành trình tâm linh của mỗi người. Gia tài lớn nhất mà các Thiền sinh có được qua sự thực tập là niềm an lạc nội tâm giữa những thử thách của cuộc đời, đồng thời từng ngày hoàn thiện đạo đức cho bản thân mình.
Một sự mong chờ khác trong Khóa tu là buổi thuyết giảng của 2 vị Giảng sư là HT Thích Viên Giác và TT Thích Chân Quang luôn đem đến hỷ lạc và nhiều lợi ích trong sự tu tập cũng lối sống đạo đức cho người Phật tử tại gia. Đặc biệt, buổi thuyết giảng của TT TS Thích Chân Quang luôn thu hút được sự tham gia của trên 3.000 – 4.000 Phật tử đến từ thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác.
Trong Khóa tu Thiền vừa qua, Thượng tọa đã thuyết giảng đề tài TẤT NHIÊN VÀ NGẪU NHIÊN, tiếp nối loạt bài Pháp số 2.
Theo Thượng tọa, trong cuộc sống, những điều xảy đến với chúng ta có khi tất nhiên, có khi ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên là chuyện ta không dự tính, đoán biết, sắp xếp trước; còn tất nhiên là những điều mà ta đã đoán biết, sắp xếp, có kế hoạch trước.
Nhưng thực tế, có những điều gọi là ngẫu nhiên bất ngờ lại là một hệ quả tất nhiên của một nguyên nhân nào trước đó. Chẳng hạn thấy con đường hư ta rất muổn sửa lại, ý muốn này như ngẫu nhiên nhưng cũng là tất nhiên, bởi nó là hệ quả của một tâm hồn hiền thiện vị tha, của quá trình tu dưỡng lâu ngày rồi. Kể cả việc ta đi chùa cũng không phải là ngẫu nhiên, mà nhiều khi vì duyên lành từ kiếp trước với người bạn đạo khiến kiếp này họ tìm đến rủ ta tu hành.
Trong cuộc sống, hai khía cạnh ngẫu nhiên và tất nhiên cứ đan xen nhau. Ta thường xem mọi chuyện như ngẫu nhiên bởi chưa tìm ra nguyên nhân, nhưng nếu thấy được nguyên nhân sâu xa rồi thì mọi điều ngẫu nhiên có khi lại là tất nhiên.
Đôi khi ta khởi tâm thích thú, thù ghét, thương mến… trước một đối tượng nào đó rồi quên đi, vậy mà cũng thành một cái duyên lơ lửng trong dòng luân hồi của mình, cho đến vài kiếp sau, vài chục hay thậm chí vài trăm kiếp sau sẽ thúc đẩy ta tạo cái nghiệp gì đó không lường được rồi thọ lãnh khổ báo, khốn đốn vô cùng.
Cũng có những ý niệm đưa cuộc đời ta đi lên. Chẳng hạn thấy một bậc chân tu ta khởi tâm kính ngưỡng, chỉ vậy thôi mà cái phước nảy nở trong tâm khiến ta tìm đến chùa tu tập, hiểu đạo dần, duyên lành tăng trưởng dần, đạo hạnh đạo lực lớn dần. Ta thấy, chỉ một ý niệm thoáng qua, không ngờ qua nhiều năm tháng lại thành quả báo rất lớn.
Có thể nói, những ý nghĩ trong tâm đã đan thành xâu chuỗi đường đi lâu dài của nghiệp báo, đôi khi mang lại quả báo đáng sợ, chúng ta không lường được. Vì vậy người tu hành sợ nhất là ý niệm ngẫu nhiên trong tâm mình, và ta phải chuẩn bị tâm hồn mình sao cho đừng để những yếu tố ngẫu nhiên bất lợi, tức là những niệm bất thiện xuất hiện trong tâm.
Để được như thế, cần khéo nhờ Phật lực gia hộ. Mỗi khi lễ Phật cầu nguyện, ta được hai điều lợi. Thứ nhất là hạnh khiêm tốn; thứ hai là nhờ Phật giữ gìn, định hướng tâm hồn mình. Tức là nhờ Phật lực lấp đầy giúp ta những cái ngẫu nhiên mà ta không lường trước được.
Dù nhân quả đã quy định nghiệp của mỗi người nhưng nhân quả cũng chừa rất nhiều kẽ hở cho ta chuyển nghiệp. Mà đầu tiên là trong ý nghĩ và trong sự cầu nguyện của mình, mỗi khi ta thành tâm lễ Phật cầu nguyện thì ta được gia hộ, dẫn dắt. Bên cạnh đó, cần phải khéo làm phước để chuyển nghiệp. Có những nghiệp xấu đáng lẽ phải đến nhưng vì ta đã có thời gian dài tu hành, làm phước nên dù quả báo vẫn xảy ra thì vẫn nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Cuối cùng, cần hiểu rằng sâu xa hơn ý nghĩ, ý niệm là tình cảm. Tất cả mọi hành vi ta làm trong đời đều do tình cảm thương, nhớ, yêu, ghét, kính trọng… chi phối. Tình cảm là khởi đầu của nghiệp thiện hay ác. Tình cảm là đạo diễn đằng sau những ý nghĩ bất chợt của ta, là động lực, là sức mạnh khiến ta tạo nghiệp thiện – ác.
Chẳng hạn thấy khúc đường hư lở ta muốn sửa lại, ý nghĩ đó thật sự cũng bắt nguồn từ tình cảm thương xót người qua đường, không muốn ai phải bị tẽ ngã. Vì vậy người tu phải lắng tâm trong Thiền, truy tìm những tình cảm dấy khởi trong tâm mình và điều chỉnh gạn lọc, bởi đó chính là đầu mối của nghiệp.
Chỉ những ai có bề dày tu tập thì mọi tình cảm khởi lên đều đúng đắn, vị tha, độ lượng mà thôi.
Thượng tọa cũng nhắc nhở thính chúng rằng bước vào đạo, ta bị lệ thuộc vào yếu tố ngẫu nhiên là vị thầy Bổn sư dẫn dắt ta vào đạo tốt xấu thế nào, lời dạy của vị đó đúng sai ra sao. Thực tế, vị Minh sư luôn cực kỳ khó tìm. Và cách Phật đã xa, lời Phật dạy đã bị hiểu lệch lạc đi nhiều. Mà sai một ly đi một dặm, nếu gặp những lý thuyết không chuẩn xác thì thật là bất hạnh, khiến ta hiểu sai đạo lý, không tạo được thiện nghiệp, tu hành không tiến. Vì vậy hãy khéo cầu Phật gia hộ cho mình gặp được Minh sư thiện tri thức và cho mình hiểu đúng với ý Phật, lời Phật dạy từ nghìn xưa dù là khó khăn.
Có thể nói, bài Pháp thoại được Thượng Tọa giảng giải bằng những ngôn từ đơn giản, dẫn chứng bằng nhiều ví dụ cụ thể có thực trong cuộc sống hằng ngày, dễ hiểu. Qua đó, mọi người nắm được rõ ràng những triết lý trong cuộc sống này thông qua khái niệm “tất nhiên & ngẫu nhiên”, rồi vận dụng một cách đúng đắn, khoa học, phục vụ hữu ích cho việc tu tập của bản thân.
Lại nữa, bài Pháp thoại không chỉ hướng đạo cho việc tu hành của Phật tử mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách và đạo đức, tạo dựng nên những con người chân-thiện-mỹ. Họ chính là những nhân tố, nguồn lực quan trọng để xây dựng nên một thế giới tốt đẹp.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận:
Thiền Tôn Phật Quang