Trang chủ Tuổi trẻ TT. TS. Thích Chân Quang nói chuyện với hơn 4.000 thanh niên...

TT. TS. Thích Chân Quang nói chuyện với hơn 4.000 thanh niên tham gia công quả tại Đại lễ Vu Lan PL. 2567 – DL. 2023

328

Tối ngày 28/08/2023 (nhằm ngày 13/07/Quý Mão), Thượng tọa Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã có buổi nói chuyện với hơn 4.000 thanh niên, sinh viên đến từ khắp mọi miền Tổ quốc tham gia công quả phục vụ Đại lễ Vu Lan. Qua đó, Thượng tọa đã gửi gắm đến thế hệ trẻ về một lý tưởng sống cao đẹp rằng: sống trên cuộc đời, chúng ta cần phải có sự tương tác, kết nối, thương yêu, tôn trọng lẫn nhau thì chúng ta mới có thêm sức mạnh để thành công; đồng thời, không ngừng trau dồi, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thiện bản thân, tích cực cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội.

Mở đầu, Thượng tọa khen ngợi hơn 4.000 thanh niên có mặt công quả tại chùa nhân Đại lễ Vu Lan thực sự là những em rất có lòng với chùa, với đạo, bởi các em không chỉ biết sắp xếp lịch sinh hoạt cá nhân một cách linh hoạt mà còn biết dành thời gian  của mình để phụng sự, giúp đỡ mọi người. Quan sát các em trong những ngày vừa qua, có thể khẳng định các em đã rất vất vả để hoàn thành nhiệm vụ mà mình được phân công.

Từ những trải nghiệm của bản thân. Thượng tọa khẳng định, thời gian lao động vất vả là thời gian quý giá nhất của cuộc đời chúng ta. Rèn luyện trọng gian khó, cực khổ sẽ cho ta cơ hội hoàn thiện được bản thân về nhiều mặt. So với ngày xưa, các em hôm nay may mắn được sinh ra trong những gia đình có điều kiện khá giả, có cơ hội được tiếp xúc với các loại máy móc hiện đại nên không phải vất vả so với lao động thủ công. Nhưng bên cạnh cái may mắn đó, Người cũng tỏ ra quan ngại bởi không vất vả, các em sẽ không phát triển được tinh thần một cách đầy đủ như người xưa.

Thực sự, cực khổ coi vậy nhưng lại là một món quà quý giá của cuộc đời. Nếu cuộc đời ta có những lúc cực khổ thì ta nên cảm thấy may mắn, vui mừng bởi khó khăn, thiếu thốn, bất hạnh chính là một cơ hội tốt cho sự phát triển của tinh thần. Vượt qua giai đoạn đó rồi, tự nhiên tâm hồn ta thăng tiến, nảy nở. Nên nếu có dịp về chùa công quả, các em hãy cố gắng vất vả làm việc thiện (tích cực nhặt rác, trồng cây, phóng sinh, v.v..) mà không chấp công, vây mà khi rời chùa về nhà, các em sẽ thấy tâm hồn mình đã thay đổi, trưởng thành hơn rất nhiều.

Đi vào nội dung chính của buổi nói chuyện, Thượng tọa cho rằng: ngày nay khoa học phát triển, mọi thứ đều có thể tiến hành thuận lợi, dễ dàng. Tuy nhiên, dù ở thời xưa hay nay thì con người cũng không thể tồn tại một cách độc lập mà lúc nào cũng phải liên thủ, tương tác, hỗ trợ nhau.

Ví dụ, gần đây việc kẻ gian lợi dụng chùa có Lễ hội để trà trộn vào móc túi ngày càng nhiều. Để hạn chế tình trạng này cũng như nâng cao tinh thần cảnh giác, tương tác lẫn nhau giữa mọi người, chùa Phật Quang đã treo biển cảnh báo ở khắp khuôn viên chùa với nội dung: “Cùng cảnh giác cho huynh đệ không để kẻ gian móc túi”.

Thượng tọa cho biết, nhiều nơi chỉ cảnh báo rằng “đừng để kẻ gian móc túi” hay “ hãy cảnh giác vì có kẻ gian móc túi”. Cách cảnh báo này mang tính cá nhân, không hiệu quả. Vậy nên, thay vì khuyến khích cá nhân, Thượng tọa đã thay đổi nội dung cảnh báo, khuyến khích mọi người tăng sự tương tác. Việc hỗ trợ, tương tác với nhau trong việc bảo quản đồ đạc sẽ tạo hiệu quả tăng gấp 10 lần. Thực sự, kẻ gian rất lắm mánh khóe, chiêu trò, lại thêm sự manh động, liều lĩnh, nếu không tập đội hình bảo vệ lẫn nhau, cảnh giác cho nhau thì ta không thể đối phó được.

Sống trên đời này, nếu tự sống cho mình, tự yêu thương chính mình, ta sẽ thất bại, đổ vỡ. Nhưng nếu thiết lập được sự tương tác, hỗ trợ thì cuộc đời ta sẽ hạnh phúc, thành công. Do đó, ta phải trải lòng yêu thương, thiết lập sự liên kết với tất cả mọi người xung quanh. Việc rèn luyện, thiết lập sự tương tác cũng giống như một biển báo, cho ta một bài học lớn trong cuộc đời.

Quả thực, không ai thành công một mình, tất cả đều phải có sự hợp tác với nhau. Triết lý sống này cho ta nhiều sức mạnh, giúp tăng hiệu quả, năng suất trong lao động, học tập. Sau hôm nay, ta sẽ đem những gì được hướng dẫn, rèn luyện ở chùa để áp dụng vào lối sống. Từ đó, nâng cao chất lượng, giá trị cuộc sống mình lên.

Người cho biết, rất nhiều nhà làm giáo dục đã đánh giá rằng giới trẻ ngày nay rất bất cần. Đánh giá này rất chính xác. Đây thực sự là một thất bại lớn trong giáo dục bởi chúng ta không dạy được con trẻ tình yêu thương và sự kính trọng, khiến chúng trở nên ngang bướng, không còn biết nghe lời. Nguy hiểm hơn, chúng bất cần, không có mục đích, động lực để sống hay làm bất kì điều gì.

Chúng ta có mục tiêu, lý tưởng, động lực sống là bởi chúng ta có tình yêu thương, sự kính trọng. Từ nhỏ, ta cũng được gia đình dạy về tình thương yêu, sự kính trọng này bởi nó nằm trong văn hóa Việt Nam. Sự yêu thương, sự kính trọng và lý tưởng sống của ta càng lớn thì nhân cách của ta càng cao. Và văn hóa Việt Nam luôn đi tìm sự yêu thương, kính trọng này bởi đây thực sự là một văn hóa đẹp, được trải dài từ bao đời nay. Giờ đây gặp được đạo Phật, ta xác quyết củng cố, vun đắp những tình cảm, đạo đức tích cực này đến mãi về sau.

Thượng tọa nhắc nhở: sống trên đời ta phải biết yêu thương tất cả mọi người. Đây cũng là điều mà đạo lý Phật luôn nhắc nhở chúng ta. Thực sự cuộc sống này mà có người để ta yêu thương, kính trọng thì đây là một cuộc sống đẹp, ta cần phải duy trì, giữ gìn bởi chỉ khi có yêu thương, kính trọng ta mới có động lực để sống. Không yêu thương ai, chỉ đi làm kiếm tiền rồi tiêu xài cho hết thì cuộc sống thật vô nghĩa.

Ta yêu thương tất cả mọi người, sau đó đem đạo đức, ánh sáng giác ngộ đến cho tất cả chúng sinh là con đường gian nan, vất vả, nhưng ta phải đi cho hết để tu dưỡng bản thân, lấy kinh nghiệm chia sẻ lại cho mọi người.

Thêm nữa, yêu thương cũng là điều kiện để chúng ta thiết lập sự tương tác, hỗ trợ với nhau. Có thể môi trường, công việc của ta không có sự tương tác. Mọi người xung quanh ta cũng chưa phải là đệ tử Phật nên chưa có đạo lý sống, không cảm thấy sự quan trọng của tình yêu thương. Nhưng do ta yêu thương, muốn giúp họ, lại hiểu tầm quan trọng của sự tương tác, nên ta chủ động thiết lập tương tác với họ trước. Ta không khai thác sâu vào đời sống riêng của họ, cũng không cần biết mình muốn giúp họ nhưng hễ họ cần, ta sẵn sàng giúp đỡ.

Sẵn sàng giúp đỡ người khác là một điều kiện rất quan trọng giúp tâm ta lúc nào cũng khỏe mạnh, thoải mái, nên ta lúc nào cũng phải quan sát, để ý mọi thứ để yêu thương, tôn trọng được tất cả mọi người. Sau đó, sự tương tác từ nơi ta sẽ lan tỏa rộng khắp. Khi thiết lập được sự tương tác, giúp đỡ mọi người thì Nhân quả cũng bắt đầu khởi động. Kết quả là ta cũng được người khác quan tâm. Không biết tại sao nhưng khi thấy mình, họ bị Nhân quả thúc đẩy nên quay lại quan tâm ta.

Tức là, khi ta khởi động một điều tốt thì nhân lành sẽ quay trở lại. Ta cứ lặng lẽ quan tâm, giúp đỡ người khác, điều tốt đẹp này sẽ lây lan ra cuộc sống. Trùng trùng điệp điệp Nhân quả này khởi động, cuộc đời sẽ từ từ đẹp lên. Như vậy, yêu thương, hỗ trợ nhau chính là nền tảng để mọi người cùng nhau xây dựng thế giới trở nên văn minh, hiện đại.

Hiện tại, có thể ta không làm được việc gì lớn trên cuộc đời nhưng cứ tác ý hễ nơi nào mình có mặt, mình sẽ cố gắng thiết lập sự tương tác, hỗ trợ mọi người, góp phần đem lại hạnh phúc cho cộng đồng. Và dù có bất kì chuyện gì, ta cũng sẽ mãi giữ vững lập trường đó, lúc nào cũng sống vì mọi người, không bao giờ sống cho riêng mình.

Tuy nhiên, sống vì người khác không có nghĩa là ta không có những lúc tuyệt đối riêng tư. Tuyệt đối riêng tư trong cô độc là một trạng thái cần thiết cho thể xác, tâm hồn. Giống như ta cần đi qua những giai đoạn vất vả để có cơ hội thăng tiến trong tâm hồn, nhưng cũng cần có những lúc cuộc sống tiện nghi, thoải mái, dễ chịu để thể xác, tinh thần ta phát triển. Nghĩa là, thiết lập sự tương tác, hỗ trợ với mọi người sẽ tạo nên một cộng đồng hiệu quả, hạnh phúc, thành công, nhưng cũng có những lúc ta cần cô độc. Ví dụ như lúc thiền định ta cần cô độc tuyệt đối để nhìn rõ được chính mình. Chỉ có hoàn toàn cô độc ta mới không bị xao nhãng bởi ngoại cảnh, có thể buông hết mọi bổn phận, quay lại nhìn được cái vô minh, chấp ngã, tội lỗi của mình.

Sau đó ôm lấy cái đau khổ để sống, an trú trong thiền định. Khi tâm yên tĩnh, ta vẫn biết trong cái bề sâu của yên tĩnh đó vẫn là tội lỗi nên không dám hưởng thụ. Ngoài thiền, trong cuộc sống vẫn còn nhiều lúc ta cần cô độc. Nhưng nhìn chung, điều ta mơ ước vẫn là có người hỗ trợ, tương tác, phối hợp để cuộc sống này hiệu quả, hạnh phúc, thành công hơn.

Quay lại công việc phụng sự của các em, Thượng tọa nhấn mạnh: mỗi dịp Vu Lan, mọi người về chùa để tu học, dâng trọn lòng tôn kính lên Đức Phật, tiếp xúc với Chư Tăng Ni, gặp huynh đệ đồng đạo. Tất cả đều nằm trên một nền tảng yêu thương, tôn trọng. Nếu ngoài cổng chùa có rất nhiều điều phức tạp thì trong chùa, ta chỉ cố gắng giữ lại tình yêu thương và sự tôn trọng với nhau. Mấy ngày ngắn ngủi ở chùa nhưng ta sẽ có một hành trang thật lớn để mang theo suốt cả cuộc đời.

Khi bước vào đời, ta sẽ gặp nhiều người ích kỉ, nhỏ mọn, hơn thua đủ thứ nhưng tim ta đã được rèn luyện trong sự yêu thương, tôn trọng, hạnh phúc nên có sức chịu đựng với cuộc đời nghiệt ngã. Nếu đạo đức của ta đủ lớn, để có thể cảm hóa, làm họ tin rằng đạo đức, sự yêu thương là điều có thật… rồi tâm họ sẽ thay đổi.

Xuất hiện giữa cuộc đời, ta cố gắng để xung quanh mình chỉ là những điều thiện lành, tốt đẹp, yêu thương, tử tế mà thôi. Nên trong những ngày ở chùa, ta cố gắng phụng sự để ai về chùa cũng cảm thấy mình được yêu thương, tôn trọng. Phật tử về đây cũng mong mình được lễ Phật, tụng kinh, nghe Pháp với những huynh đệ biết yêu thương, tôn trọng nhau thôi.

Giới trẻ ngày nay được tiếp xúc với văn hóa phương Tây, sớm có tư tưởng dân chủ, cá nhân. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển về nhân cách, đạo đức của các em cũng như việc giáo dục trong gia đình và nhà trường. Rõ ràng, thế giới đang tiến đến trạng thái mở nhưng các em lại dần thu mình lại, chỉ quan tâm đến cá nhân, sống cho cá nhân, nghĩ cho cá nhân, không còn hứng thú với các đội nhóm, cộng đồng, khiến cộng đồng xã hội ta dần bị suy yếu, thu hẹp.

Việc nhân cách, đạo đức của các em phát triển lệch lạc, không toàn diện ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của đạo Phật và đất nước bởi các em chính là những người kế thừa, xây dựng, phát triển đạo Phật, cũng như đất nước. Vậy nhưng hiện nay chưa ai nhìn ra điều này. Chúng ta chỉ nghĩ lo đầy đủ cho các em mọi điều kiện về vật chất thì các em sẽ có cơ hội phát triển toàn diện về tinh thần, trí tuệ mà không biết điều này cũng gián tiếp khiến các em trở thành người yếu đuối, ích kỉ. Bản thân các em, những người luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân, coi trọng cái tôi lại càng không bao giờ nhìn ra những sai trái của mình.

Hạnh phúc thay, hôm nay các em gặp được đạo Phật, được nghe những đạo lí về tình yêu thương, tôn trọng, tinh thần đoàn kết, tương thân, hỗ trợ hết sức nhân văn, ý nghĩa. Lại thêm, các em được gặp, được tiếp xúc, được học hỏi từ quý Thầy cô, huynh đệ hết sức mẫu mực, từ bi, trí tuệ. Nhờ đó, tâm hồn các em như được gột rửa, làm mới lại. Các em bắt đầu có những nhận thức mới về tình yêu thương, sự kính trọng; bắt đầu biết quan tâm, để ý, hỗ trợ cho những người xung quanh.

Thật vậy, những cái bắt đầu này rất trân quý, kịp thời, mở ra một cánh cửa mới cho tương lai của các em cũng như tương lai của đạo Phật và đất nước.

Tiếp nối chương trình là Lễ bổ nhiệm Tân Hội trưởng Hội Từ Thiện Thiền Tôn Phật Quang cho cư sĩ Nhật Chiếu Ngộ – Chúng trưởng Đạo tràng Phật Hào (Đồng Nai).

Dịp này, Thượng tọa thượng Chân hạ Quang cùng Quý Thầy Cô tại Bổn tự và đại diện Ban Điều hành Tổng Đạo Tràng Phật Quang đã có những lời chúc mừng, động viên tới cư sĩ Nhật Chiếu Ngộ. Mong rằng cư sĩ Nhật Chiếu Ngộ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới và luôn khắc ghi tinh thần “làm từ thiện mà không chấp công” theo đạo lý Phật dạy để hoạt động từ thiện xã hội nào đều bảo đảm được ý nghĩa, mục đích tốt đẹp.

Sau đây là hỉnh ảnh ghi nhận:

Thực hiện: Tâm Trụ