Trang chủ Tu học Pháp thoại TT. Thích Thiện Thống chia sẻ pháp thoại tại Hạ trường Bình...

TT. Thích Thiện Thống chia sẻ pháp thoại tại Hạ trường Bình Dương

1525

Sáng ngày 28- 06- 2018 (nhằm ngày 15- 05 -Mậu Tuất), Ban Tổ Chức trường hạ tỉnh Bình Dương đã long trọng cung đón Thượng Tọa Thích Thiện Thống, Phó Chủ Tịch HĐTS GHPGVN đã đến thăm và chia sẻ cho các hành giả an cư tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật Niết bàn (chùa Hội Khánh), đường Chùa Hội Khánh, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Cuộc sống hằng ngày thường xảy ra sự xung đột trong các mối quan hệ như: giữa thầy với Phật tử, tình thầy trò, chồng vợ, anh em, bạn bè, tình huynh đệ pháp lữ… vậy làm sao chúng ta tìm ra một cuộc sống tốt đẹp, bình an và hạnh phúc?. Để đạt được điều đó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải tu tâm, phải xả bỏ tất cả cái bản ngã của chính mình và phải biết lắng nghe ý kiến mọi người xung quanh. Chúng ta là những hạt ngọc, nhưng đôi khi cũng khô ráp, xù xì. Xung đột và áp lực cuộc sống chính là tờ giấy nhám để đánh bóng những viên ngọc ấy.

Tại hội trường, toàn thể đại chúng được lắng nghe TT. Thích Thiện Thống, Phó Chủ Tịch HĐTS GHPGVN chia sẻ thời pháp thoại với chủ đề “Hóa giải xung đột”, đây là vấn  đề thường  gặp trong cuộc sống, giữa cá nhân với cá nhân, giữa tổ chức Giáo hội hoặc trụ trì các tự viện với Tăng Ni cũng dễ dẫn đến xung đột trong một vấn đề nào đó.

Xung đột  là một trạng thái đối kháng giữa tư duy với hai con người,  giữa tổ chức Giáo hội với trụ trì hoặc với cá nhân Tăng Ni, để lại một hậu quả nhất định. Xung đột gồm có xung đột tích cực và xung đột tiêu cực. Xung đột tích cực sẽ làm phát triển tư duy, phát triển tình bạn, tình pháp lữ và ngược lại, xung đột tiêu cực thì nó sẽ làm triệt tiêu tất cả tư duy, tình bằng hữu, sự tôn sư trọng đạo. Hằng ngày chúng ta thường tiếp xúc rất nhiều trong các mối quan hệ cha mẹ, vợ chồng, con cái, thầy trò, bạn bè,…làm sao khỏi tránh sự xung đột lẫn nhau.

Điều tốt nhất là chúng ta nên giữ hòa hợp đừng bao giờ xảy ra sự xung đột. Nhưng khi lỡ xảy ra xung đột giữa các mối quan hệ thì tự mỗi người lắng lòng lại, tự suy xét sự việc ẩn khuất chỗ nào?. Nguyên nhân gây ra mối bất hòa từ đâu? Và khi tìm ra nguyên nhân, rồi từ đó ta tìm cách hóa giải vấn đề, nếu không không giải quyết được thì dễ gây nên sự thù hận. Cho nên Đức Phật có dạy: “Oán thù chúng ta nên giải không nên kết!”.

Nếu chúng ta nổi sân hận ôm giữ vào tâm tự mình làm khổ mình, tha thứ cho đối phương đó việc làm rất cần để hàn gắn tình thương yêu, và giải thoát những bực tức trong lòng của mình, chúng ta thử nghĩ xem khi bực tức nổi giận dẫn đến mất ăn mất ngủ có phải chúng ta tự làm khổ cho chính mình không? Muốn thực hiện hành động tha thứ thì chúng ta, không nên truy tìm vấn đề đúng sai. Bởi vì giữa cái đúng và cái sai  tùy theo quan điểm chủ quan của mỗi người: mình đứng trên phương diện này cho là đúng, đứng trên quan điểm khác lại cho là sai. Vậy giữa cái đúng và cái sai đều giả tạm. Ai ai cũng cố chấp cho quan điểm của mình là đúng do đó tạo ra sự xung đột lẫn nhau, làm mất đi sự bất hòa trong các mối quan hệ lẫn nhau, tạo ra sự sứt mẻ tình cảm. Chúng ta là hàng phàm phu, là hành giả đang tu tập, đừng bao giờ đi tìm cái hoàn mỹ để sống! Chúng ta cần nên tìm cái tương đối để sống, biết chia sẻ thông cảm và sẵn sàng tha thứ cho nhau.

Vậy cho nên, khi chúng ta có lỗi biết nhận lỗi, ăn năn sám hối và không bao giờ tái phạm – đó là điều đáng quý. Trên đời có hai hạng người đáng tôn kính là một người chưa bao giờ phạm phải lỗi lầm và một người phạm lỗi biết ăn năn hối cải. Biết xin lỗi là một hành động để thăng hoa trong cuộc sống, nó giúp chúng ta mỗi ngày hoàn thiện về đạo đức, bản tính nhu hòa, khiêm nhường và bình an trong cuộc sống. Chúng ta học theo gương sáng của đức Phật. Ngài là đấng toàn năng toàn Giác, là bậc Giác ngộ thế nhưng vẫn có người ganh tỵ, tìm mọi cách để hại Ngài.

Điển hình như Đề Bà Đạt Đa đã tìm mọi cách hại Phật nhưng đức Phật lại lấy oán kết bạn hiền để hóa giải thù hận. Ngài bảo Đề Bà Đạt Đa chính là thiện tri thức của Ngài. Tôi cũng tin chắc một điều rằng: để hóa giải sự xung đột trong các mối quan hệ lẫn nhau, để có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc đòi hỏi chúng ta phải sống với nhau bằng trái tim Từ bi và cái tâm chân thật!

Hằng ngày, mỗi cá nhân cần phải trồng hạt giống từ bi nơi tâm, để xây đựng một xã hội tốt đẹp và hoàn mỹ. Chúng ta hãy sống bằng trái tim của lòng từ, khi gặp người hoạn nạn sẵn sàng giúp đỡ với khả năng của mình. Hãy quán tưởng những người đó như là Cha, Mẹ, con cái, nhiều đời nhiều kiếp. Có như thế tình thương mở rộng phạm vi ra ngoài tính ích kỷ tham ái. Tham ái là nguồn gốc của khổ đau và chỉ có từ bi mới là tình thương đích thực mang lại hạnh phúc cho con người xã hội và thế giới.

Qua đó, Thượng tọa đã sách tấn và nhắc nhở chư hành giả an cư mỗi người là một thành viên của Giáo hội, đồng thời cũng đã đưa ra những giải pháp để GHPGVN nói chung và Phật giáo Bình Dương nói riêng phát triển và đạt được những thành tựu tốt đẹp hơn trong thời kỳ hội nhập của thế giới. Thượng Tọa cũng đã trao cho chư hành giả an cư chìa khóa làm thế nào hóa giải sự xung đột và tạo nên cuộc sống hạnh phúc tốt đẹp như đóa sen thoát lên chốn bùn nhơ tỏa ngát hương cho đời.

Hóa giải xung đột là phương pháp đưa đến đời sống hòa hợp, đoàn kết trong tinh thần lục hòa cộng trụ của Tăng đoàn, nhằm giúp cho Giáo hội được trang nghiêm, vững mạnh.

Bởi lẽ, Giáo hội không của riêng ai, không có một lợi ích nào khác chỉ có một lợi ích duy nhất là vì sự phát triển, phồn vinh của GHPGVN. Trước khi kết thúc thời pháp thoại, Thượng Tọa kính lời vấn an sức khỏe đến toàn thể chư Tôn Đức và Ban Tổ chức  hạ trường Phật giáo tỉnh Bình Dương một mùa an cư vô lượng sức khỏe, vô lượng an lạc, trao dồi trí tuệ, giữ gìn kỷ cương bằng ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mình đối với đạo pháp dân tộc.

Sau thời pháp thoại của Thượng tọa Phó Chủ tịch, trong giờ sinh hoạt Giáo hội, HT. Thích Thiện Duyên, Phó thường trực BTS Phật giáo tỉnh Bình Dương, đãi lao cho Hòa thượng Trưởng BTS Phật giáo tỉnh.

Tiếp theo, ĐĐ. Thích Thiện Hưng, Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh đã báo cáo công tác chuẩn bị cho Khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ hành chánh và Thông tin Truyền thông do Trung Ương phối hợp với BTS Phật giáo tỉnh tổ chức.

Buổi sinh hoạt khép lại với lễ bố tát của chư hành giả an cư trong niềm hoan hỷ vô biên.

Bài, ảnh: Hương Đạo