Tối ngày 10/08/2022, (nhằm ngày 13/07/ năm Nhâm Dần), trong không khí hân hoan chào mừng Đại lễ Vu Lan PL 2566 – DL 2022, TT TS Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền tôn Phật Quang (Núi Dinh, ấp Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu) đã có buổi nói chuyện thân mật, ấm cúng với gần 2.000 giới trẻ bao gồm Chúng Thanh niên Phật tử Phật Quang 3 miền và các sinh viên tại các trường Đại học đang tham gia công quả phục vụ cho Đại lễ về chủ đề BỐN GIAI ĐOẠN TRONG CUỘC ĐỜI CỦA MỘT CON NGƯỜI.
Thông qua buổi nói chuyện, các em biết được những điều mình cần trang bị, trau dồi và thực hiện trong mỗi giai đoạn của cuộc đời. Từ đó, có hướng tu tập đúng đắn, sống yêu thương, có ích một cách trọn vẹn trong từng phút giây.
Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa khẳng định cảm giác hưởng thụ sung sướng khi được khen ngợi, vinh danh là tâm lý chung của con người. Người không biết tu thì dành cuộc đời mình để đi tìm cảm giác hưởng thụ này, còn người biết tu lại xem đây là trách nhiệm với đời, với đạo. Họ gạt bỏ hết cảm giác vui sướng qua một bên, chỉ giữ lại trách nhiệm để chặt đứt tâm kiêu mạn, hạ được mình xuống để yêu thương, phục vụ, chăm lo cho mọi người.
Người nhấn mạnh, con người ai cũng như ai, đều có ham muốn, yêu thích. Tuy nhiên,vì biết tu, biết rõ đặc điểm, cách xử trí của 4 giai đoạn trong một cuộc đời mỗi con người khác nhau nên họ có hành động, suy nghĩ đúng. Còn chúng ta, không biết rõ nên thường xử lí sai dẫn đến bị thiệt thòi, tổn phước.
Để mọi người hiểu rõ hơn về 4 giai đoạn này mà có cách hành xử cho đúng, Thượng tọa đã đi chi tiết vào từng giai đoạn một. Đầu tiên là giai đoạn thiếu nhi. Đây là giai đoạn các em cần được rèn luyện về: đạo đức, thể chất, trí tuệ. Có vậy, các em mới phát triển tốt suốt cuộc đời mà không bị phá hỏng giữa chừng. Vậy nhưng, hầu hết các bậc cha mẹ không biết được điều này.
Nói về đạo đức, một đứa trẻ khi sinh ra đã mang tập khí từ kiếp trước nên có đứa ngoan, đứa hư. Cho nên, việc huân tập, uốn nắn đạo đức cho trẻ ngay từ nhỏ là điều hết sức cần thiết. Các bậc cha mẹ không biết điều này bởi thực sự bản thân họ cũng chưa biết tu dưỡng đạo đức sâu sắc. Nếu biết lộ trình tu dưỡng đạo đức cho trẻ từ nhỏ, thế giới sẽ có rất nhiều người thiện lành. Tiếc là người biết điều này ít nên rất nhiều người không định hình được đạo đức trong suốt cả kiếp sống.
Sức khỏe cũng vậy. Nếu trẻ em được định hình việc rèn luyện sức khỏe kĩ lưỡng thì sẽ có đà phát triển khỏe mạnh đến hết cuộc đời. Phương pháp rèn luyện cần đúng đắn, khoa học. Phương pháp sai ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, nó còn gây tác động xấu đến tâm lý của các em. Đây là lí do ta cần kết hợp cả nội công của Đông phương và những kiến thức rèn luyện cơ bắp của Tây phương trong việc rèn luyện sức khỏe cho trẻ.
Thiếu nhi cũng là giai đoạn phát triển trí thông minh mạnh mẽ nhất. Qua giai đoạn này, trí thông minh gần như phát triển rất ít. Vậy nhưng, cha mẹ thường bỏ mặc con cho nhà trường, không có phương pháp kích thích trí thông minh của con. Bởi vậy mà cả đứa trẻ và thế giới đều phải chịu thiệt thòi. Nếu được rèn luyện kĩ lưỡng theo phương pháp đúng đắn, đứa trẻ sẽ thông minh vượt gấp mấy lần, thế giới nhờ đó cũng nhiều người tài hơn.
Giai đoạn thứ 2 là giai đoạn Thanh niên, bao gồm những người từ 13 đến 30 tuổi. Đây là giai đoạn tâm hồn ta mở ra để đón lý tưởng, khát vọng sống – một tâm lý rất quan trọng. Nếu không được định hình một lí tưởng sống cao đẹp, họ sẽ trở thành một con người tầm thường. Đến tuổi trung niên chỉ còn những điều thực dụng vật chất và lợi ích cá nhân. Nhiều khi, nó gây thành tội lỗi, tạo nhiều mầm họa cho xã hội, cộng đồng. Vậy nên, Thượng tọa hy vọng những người có trách nhiệm làm sao để thắp được lý tưởng sống tốt đẹp cho tầng lớp Thanh niên.
Không chỉ ngoài xã hội, các quý Thầy cô trong chùa cũng phải cố gắng thắp lên lý tưởng sống cho Chúng Thanh niên bằng Phật pháp. Nói theo phương châm của GHPGVN là Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội. Nói đơn giản, ta sống theo lời dạy của Đức Phật, tập lòng yêu thương tất cả chúng sinh, hướng về vô ngã, giác ngộ tuyệt đối để sống từng giây, từng phút, tất cả vì chúng sinh. Đây là lý tưởng cao tột, sáng chói, bao trùm cả vũ trụ. Tức là ta chỉ sống vì chúng sinh, nghĩ cho chúng sinh chứ không sống vì bản thân mình nữa.
Có thể nói, Chúng Thanh niên rất may mắn vì đang trong giai đoạn này. Vậy nên hãy đón nhận, giữ gìn lý tưởng cao đẹp đó, đi tìm sự vô ngã, để yêu thương được tất cả vạn hữu.
Trong giai đoạn thanh niên này, có 2 điều ngược nhau mà mọi người cần phải chú ý. Một là ta cố gắng xây dựng lý tưởng sống cao đẹp. Hai là ta bắt đầu xây dựng cơ nghiệp, sự nghiệp cho cuộc đời mình. Cơ nghiệp chính là cái nghề để ta kiếm tiền, thực hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình. Khi đi tìm cơ nghiệp, bản thân ta giống như buông bỏ lý tưởng sống cao đẹp bởi đi tìm lý tưởng sống cao đẹp, ta không còn tâm trí, thời gian lo cho cơ nghiệp nữa. Vậy nhưng, sống trên đời, yêu cầu phải có 2 điều này cùng một lúc. Đây là việc rất khó.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục, hội đoàn, nhất là Tôn giáo đang giữ cho chúng ta song song được 2 điều này. Tôn giáo dạy ta phải siêng năng làm phước. Khi thích làm phước, có nhiều phước rồi, chúng ta sẽ may mắn có được cơ nghiệp. Đồng thời, ta được thắp lên lý tưởng sống cao đẹp. Như vậy, phước là cái trung gian giúp 2 điều đối nghịch có thể tồn tại, thành tựu cạnh nhau. Vậy nên, chúng ta phải tích cực làm phước từ những việc nhỏ nhất để dung hòa, thành tựu được cả sự nghiệp và lý tưởng sống cao đẹp.
Gia đoạn 3 là giai đoạn trung niên, từ 30 đến 60 tuổi. Đây là tuổi củng cố, phát triển, thừa hưởng mọi thứ từ sức khỏe, đạo đức, trí thông minh và cũng là lúc trách nhiệm của ta bắt đầu nhiều. Cũng bởi bị nhiều trách nhiệm nặng nề ràng buộc nên ta thường đánh mất lý tưởng cao đẹp đã có từ thời Thanh niên. Nguy hiểm hơn, những người thời thanh niên không có lý thưởng sống cao đẹp, đến chừng này cực kì tầm thường, lúc nào cũng chỉ hướng về lợi ích cá nhân. Ngoài ra, cuộc đời không còn gì khác.
Thời thanh niên nếu may mắn được xây dựng một lý tưởng sống cao đẹp thì đến Trung niên, trước trách nhiệm với gia đình, ta vẫn kiềm chế, giữ được lý tưởng để điều chỉnh cuộc sống của mình cho hài hòa. Bên cạnh việc chăm lo cho gia đình, ta còn biết san sẻ, làm phước, giúp người, giúp đời. Nghĩa là, bên cạnh những phần trách nhiệm phải có, ta vẫn biết cố gánh thêm trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Thế giới tồn tại, phát triển được cũng nhờ chính những người biết tự nguyện gánh trách nhiệm như thế này.
Thượng tọa nhấn mạnh, trên đời có 2 phần trách nhiệm. Một là trách nhiệm bị ràng buộc bởi luân lý, đạo đức, pháp luật. Hai là những nhiệm cộng đồng ta tự nguyện gánh. Giống như làm phước, là ta tự nguyện bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để giúp người, giúp đời. Đây cũng là hành động giúp ta gieo được vào lòng mình những lý tưởng sống cao đẹp từ nơi Đức Phật. Nhờ đó, ta biết tự mình gánh trách nhiệm để lo cho cuộc đời.
Qua 60 tuổi, là giai đoạn Lão niên. Ở giai đoạn này, khă năng đóng góp, xây dựng cho cuộc đời giảm. Nhiều người thậm chí về hưu, sức khỏe yếu, không tự chăm sóc mình, tự nhiên thành vô dụng, rất tội nghiệp.
May mắn là con của Phật, tuy già nhưng ta vẫn còn được đi tu tập. Rủ được thêm người đi tu cùng là ta đã đóng góp được cho cuộc đời, cũng có phước rồi.
Cái giỏi của tuổi lão niên là có rất nhiều kinh nghiệm. Giai đoạn thanh niên mà được trang bị một lý tưởng sống cao đẹp, đến giai đoạn trung niên biết củng cố lý tưởng đó bằng cách gánh vác trách nhiệm với cuộc đời thì qua tuổi lão niên, chúng ta sẽ trở thành những vị thần sống trong cuộc đời. Mỗi một lời nói đều là khuôn vàng thước ngọc. Mỗi một lời nói, cử chỉ đều là những bài học quý báu cho các thế hệ sau. Vậy nhưng, năng lực, trí nhớ, lý tưởng bắt đầu giảm. Nếu giai đoạn thanh niên không có một lý tưởng kiên cường như kim cương thì đến giai đoạn lão niên sẽ mất sạch.
Có những vị thầy vĩ đại trong thế giới này đều ở tuổi lão niên nhưng mỗi lời nói là một cái tiêu biểu cho nhân loại muôn đời. Bởi khi còn trẻ, họ đã xây dựng một lý tưởng cao đẹp, kiên cường trong tim mình. Giờ đây, nó trở thành một cái lõi như khối vàng ròng trong tâm họ.
Ngược lại, tuổi thanh niên mà không có một lý tưởng cao đẹp, qua trung niên bị trách nhiệm gia đình kéo xuống thành một con người tâm thường thì tới tuổi lão niên, ta không còn sức mạnh để kiềm chế cái xấu trong tâm, dẫn đến dễ làm sai, làm bậy, rất nguy hiểm.
Rất may, giờ chúng ta đã sớm có khóa tu để củng cố, định hướng lý tưởng sống cho các em thiếu nhi. Vậy nên, Thượng tọa yêu cầu các em sau khóa tu phải nuôi dưỡng, gìn giữ lý tưởng đó. Đồng thời, Đạo tràng, Chúng Thanh niên cũng phải sát sao quản lý, không được bỏ mặc các em. Có vậy, mới nung nấu, bổ túc, nuôi dưỡng lý tưởng sống tốt đẹp cho các em mãi mãi tới thời thanh niên.
Đến tuổi trung niên, dù có nhiều trách nhiệm với cuộc đời nhưng khi đó có khả năng về tài chính, ta thường là những người đóng góp nhiều nhất cho cuộc đời. Đến tuổi lão niên, ta sẽ là ánh mặt trời, là ngọn hải đăng cho cộng đồng mình noi theo. Được vậy, khi từ bỏ thân này qua cõi khác, ta yên tâm là sẽ có Chư thiên đón mình. Khi tái sinh qua cõi khác, ta bắt buộc phải là con người rất vinh quang. Nếu không tái sinh, ta phải lên cõi trời. Đây là điều chắc chắn.
Như hôm nay, các em về chùa phục vụ, huân tập thái độ yêu thương, tôn trọng mọi người. Với những người mới đến chùa, chưa có đạo tâm, chưa tin kính Phật, chưa hiểu Nhân quả thì ta càng phải chú trọng đến họ, làm sao trong thời gian ta chia sẻ, dẫn dắt, làm họ yêu mến, không muốn rời chùa; để họ tìm được một niềm vui, ý nghĩa cuộc sống; để họ thấy đến chùa được yêu thương không điều kiện.
Nghĩa là trong thời gian ở đây, chúng ta cố gắng thực hiện lý tưởng cao đẹp mà Đức Phật trao cho mình, yêu thương, phụng sự chúng sinh để ai đến chùa cũng được vui vẻ, thoải mái. Yêu thương, phụng sự này phải trong tâm thế vui vẻ, tự nguyện mãi mãi, không ngừng nghỉ, còn những thứ khác tự nhiên trời đất sẽ an bài. Đây chính là sự mầu nhiệm của Nhân quả, của các bậc Thánh trên cao. Nếu ta thật lòng sống chân chính, các Ngài sẽ không bỏ ta.
Sau bài Pháp này, Thượng tọa yêu cầu chúng Thanh niên phải làm cho mọi người đến chùa đều có niềm tin vào đạo đức, Phật pháp, biết yêu thương nhau vô điều kiện. Sau đó, mang theo lý tưởng cao đẹp đó đến hết cuộc đời này. Yêu thương, phục vụ chúng sinh có rất nhiều vất vả, cực nhọc nhưng ta không thấy áp lực bởi trong tâm đã có nguồn năng lượng vô tận, sức mạnh màu nhiệm. Đó là lòng từ bi, tình yêu thương không điều kiện.
Một bài Pháp thoại rất đơn giản, dễ hiểu nhưng cực kì quan trọng. Nhờ đó, mọi người nhìn rõ quá trình phát triển, tu học của cuộc đời mình. Những gì đã được rèn luyện, cần phát triển, gìn giữ; những gì chưa được rèn luyện, cần bổ sung đã hiện hữu trong tâm trí mỗi người. Sự tự đánh giá này sẽ giúp con đường đi phía trước của Chúng Thanh niên trở nên rõ ràng, cụ thể, chính xác. Từ đó, mọi người có thể trang bị thêm kiến thức, sức khỏe, hoàn thiện đạo đức cho bản thân.
Đặc biệt, bài Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc trang bị, định hướng lý tưởng sống đúng đắn, tốt đẹp cho giới trẻ. Lý tưởng sống này vừa là ánh sáng soi rõ con đường đi phía trước, vừa là mục tiêu, động lực giúp mọi người vượt qua được những cám dỗ vật chất, thú vui bình thường để sống một cách đầy trách nhiệm, yêu thương, tử tế được với tất cả mọi người. Nhưng để giới trẻ ai cũng có lý tưởng sống đúng đắn, thì trách nhiệm này thuộc về tất cả bậc thầy cô, cha mẹ, nhưng người đi trước. Làm sao để bản thân mình cũng thật hoàn hảo, trách nhiệm, sống yêu thương tử tế, trở thành tấm gương, là mô phạm cho con trẻ học hỏi, noi theo.
Được biết, trước giờ thuyết giảng, toàn thể đại chúng Thiền Tôn Phật Quang và Ban Điều Hành Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang 3 miền đã mở đầu tiết mục đồng ca bài hát “NGƯỜI THẮP SÁNG NIỀM TIN” do Đại chúng sáng tác để kính dâng lên Sư Phụ TT. TS. Thích Chân Quang.
Tiếp đó là trao quyết định bổ nhiệm cho các Phật tử Ban Điều Hành Chúng thanh niên (CTN) gồm: 10 Thủ lĩnh và 20 Phó thủ lĩnh tại các khu vực của hai thành phố Hà Nội và HCM; Thủ lĩnh CTN Ninh Thuận; Phó Thủ lĩnh CTN Thái Nguyên; Chúng trưởng, Chúng phó Đạo tràng Phật Giáng tỉnh Ninh Thuận; Hội phó Hội Yêu Rác khu vực miền Bắc, miền Nam; Trưởng Ban Truyền Thông cả nước, Phó Ban Truyền Thông miền Trung và miền Nam.
Sau cùng là chương trình văn nghệ chào mừng đại lễ Vu Lan 2022 đã diễn ra trong không khí sôi động. Sự tĩnh lặng của ngôi chùa cùng khung cảnh yên bình giữa núi rừng giờ đây đã biến mất, không khí trước Lễ đài Vu Lan sôi động và náo nhiệt hẳn lên với những tiếng vỗ tay vang động. Tất cả cùng hướng về sân khấu để lắng nghe những ca khúc Phật giáo, ca khúc hát về quê hương, đất nước… dễ đi vào lòng người, gây được ấn tượng bởi những ý nghĩa sâu sa của nghệ thuật và của đạo lý mà người sáng tác và người biểu diễn muốn truyền tải đến thính giả.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận:
Tâm Trụ