Trang chủ Blog chùa TT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Linh Ẩn – Lâm...

TT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Linh Ẩn – Lâm Đồng

137

Ngày mùng 08 tháng 02 âm lịch hằng năm, nhân loại nói chung, các chùa khắp nơi nói riêng đều tổ chức một nghi lễ tưỏng nhớ, kỷ niệm ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia cầu đạo để trở thành Đức Bổn Sư Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật. Với ý nghĩa đó, tại chùa Linh Ẩn, Chư Tăng đã hướng dẫn các Phật tử một ngày tu học trong thanh tịnh và nghe thuyết Pháp. Đây cũng là dịp để những người con Phật suy nghiệm sâu sa hơn về sự kiện “Một cuộc ra đi làm nên lịch sử giác ngộ cho loài người”. Từ đó phản tỉnh bản thân, xem mình đã, đang và sẽ làm gì để xứng đáng là đệ tử của Đức Phật, cũng đạt được sự giác ngộ giải thoát, vì Phật dạy rằng “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”.

Chứng minh và tham dự buổi Pháp thoại có: Chư tôn thiền đức Tăng chùa Linh Ẩn; TT.Thích Linh Toàn – Trưởng Ban Từ Thiện PG tỉnh Lâm Đồng; Chư Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang, các Đạo tràng Phật tử Phật Quang và trên 500 Hội viên Chúng Liên Hữu và Đoàn Hộ Trì do TT. Thích Tâm Vị – Trụ trì chùa Linh ẩn khai lập.

Sau thời tụng kinh – niệm Phật kinh hành đầu tiên, lễ thỉnh Sư diễn ra trong âm vang trầm hùng của tiếng chuông trống Bát Nhã và sự thành kính của hàng ngàn người có mặt trong Pháp hội, chờ đợi đón nhận những lời pháp nhũ từ Thượng tọa Giảng sư Thích Chân Quang.

Bài Pháp thoại hôm nay có tựa đề AI ĂN NẤY NO – AI TU NẤY CHỨNG. Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa tản mạn những câu chuyện có liên quan đến quy luật nhân quả – quy luật cuộc sống để thấy rằng: Sống trong một cộng đồng, lúc nào chúng ta cũng hợp tác đóng góp với nhau, không ai được quyền sống riêng cho mình và tuyệt đối không nên có tâm ích kỷ. Vì nếu người nào sống với tâm ích kỷ, chỉ biết phần mình thì người đó bị loại ra khỏi cuộc đời, loại ra khỏi loài người. Ở mức độ nhẹ thì sống cô độc, nghèo khổ lang thang nơi rừng rú, còn nặng hơn (có ác tâm) thì đọa làm súc sinh, không được làm người nữa. Người sống ích kỷ quả báo rất nặng.

Vì thế bài học đầu tiên được dạy khi ta đến với đạo là phải sống vì người, vị tha, nhân ái, nghĩ đến bao nhiêu người chung quanh chứ không được lo cho riêng mình. Điều này đi ngược lại cái ích kỷ của ta từ khi sinh ra lớn lên, bươn chải cơm áo, cái ăn cái mặc, ta vì thói quen thôi thúc cứ phải gom về…lấy về cho mình. Cái cuộc sống ép ta trở thành con người phải đấu tranh, giành giựt, tham lam, ích kỷ, lo cho riêng mình như thế. Nhưng sự chuyển hóa từ cái tâm chỉ nghĩ cho mình sang thành cái tâm vị tha lo cho người là cả một quá trình lâu dài, khó khăn mà vĩ đại. Do đó, không một nền đạo đức nào gần gũi với con người hơn là sự hiểu biết nhân quả. Luật nhân quả đem đến cho con người đạo đức chân thật. Cho nên thế giới chúng ta đang cần rất nhiều những con người tin, hiểu Luật Nhân Quả để chuyển mình. 

Một ý nghĩa khác, Đức Phật dạy chúng ta phải sống vị tha, vì người, nhưng triết lý cuộc sống cũng có câu “Ai ăn nấy no – ai tu nấy chứng”, câu này giống như khuyến khích người ta quay lại sống cho mình, ích kỷ như trước đây. Để tránh nhầm lẫn cho người tu, Thượng tọa phân tích rất chi ly cái quan điểm “Ai ăn nấy no – ai tu nấy chứng” là không phải cổ động lối sống ích kỷ, mà đây là quy luật thôi. Chúng ta phải quan sát nhiều mặt để thấy trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và trách nhiệm đối với bản thân qua cái câu “Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”.  

Thật sự, câu “Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng” là câu của người bình dân nói với nhau chứ không phải là câu nói của người Bác học nhưng lại rất đúng với kinh, vì Đức phật có dạy “Này các Tỳ kheo, các ngươi hãy tự mình làm đảo cồn nương tựa cho chính mình”. Như vậy, nó có cái gì riêng tư, cá nhân, mà không ai xen vào đời ai được, không ai thò tay giúp đỡ ai được, mặt dù đạo lý dạy ta phải giúp đỡ lẫn nhau nhưng có một quy luật khác là có những điều không ai giúp ai được, mà chính ta phải tự làm.

Thượng tọa nhấn mạnh, trong cuộc sống này có những cái ta làm dùm cho người khác được nhưng có những cái tự mỗi người phải làm lấy. Chúng ta phải hiểu cả hai mặt của vấn đề là như vậy, tức là cái phần nào ta tử tế giúp nhau được thì giúp nhau. Còn có những điều không ai làm dùm ai được mà tự ta phải làm và những người bạn của ta cũng phải tự làm lấy cho chính cuộc đời họ. Điều căn bản nhất là không ai ăn mà người khác no được. Để làm sáng tỏ quan điểm này, Thượng tọa chứng minh bằng nhiều ví dụ thực tế và rút ra kết luận “Trong cuộc sống có những điều hổ tương qua lại nhưng có những điều cực kỳ độc lập mà không ai giúp được”.  

Đặc biệt, sự tu hành chứng ngộ thì càng không thể có chuyện người này tu – người kia chứng mà ai tu nấy chứng. Ví dụ chúng ta mở máy niệm Phật suốt ngày thì ai vãng sanh? Câu trả lời là không ai vãng sanh cả, vì bản thân phải là con người nhất tâm niệm Phật (có tâm linh), còn máy thì không có tâm linh dù phát ra được tiếng niệm Phật nhưng không bao giờ đắc đạo. Chính con người phải tu hành cực khổ mới chứng ngộ, mới giải thoát chứ chẳng ai tu dùm được. Và còn nhiều ví dụ khác nữa để khẳng định cho quan điểm “Trong cuộc đời này có những điều ta cho nhau được và có những điều không ai cho ai được”, chẳng hạn cái no bụng không cho được; cái phước không cho được; tuổi thọ, sức khỏe không cho được; cái chết không thay thế được, v.v…

Như vậy trong cái đạo lý Phật dạy, chúng ta thấy có 2 điều ngược nhau: Một điều là phải thương yêu, giúp nhau, hổ trợ nhau nhưng có một điều là mỗi người hãy tự mình làm đảo cồn nương tựa cho chính mình. Khái niệm này có cái gì đó vừa chung, có cái gì đó vừa riêng. Khi đến với Phật pháp tu hành, chúng ta hiểu cả hai điều này, tức là cái gì chung thì hết lòng giúp nhau; cái gì riêng thì tự nổ lực đi một mình.

Trong nhân quả, ai làm phước thì người đó hưởng, không ai cướp phước của ai được, nhưng có phước rồi thì có hai phần: Một là hồi hướng. Hai là chia bớt quả báo khi nó xãy ra. Có trường hợp người này làm phước người kia hưởng, nhưng phải là cha mẹ, con cái thì phước mới chạy qua. Đó là do có ân nghĩa thì mới hồi hướng được nhưng người hưởng chỉ được một phần nhỏ mà thôi (1/7).

Tương tự, trong luật pháp thì tội ai làm nấy chịu, không ai gánh cho ai được.

Mặt khác, cái quan trọng nhất của sự tu hành chính là tu dưỡng nội tâm mình. Chúng ta làm phước, ta sống tử tế với mọi người thì đó là cái bên ngoài nhưng trong sự tu hành, quan trọng nhất là làm sao nội tâm ta đừng phiền não, đừng loạn động và tràn đầy lòng từ bi. Thì cái nội tâm trong lòng ta như vậy, tuyệt đối không ai làm dùm được mà chính mình phải tu. Ví dụ trong lòng ta còn sân si, tham lam, kiêu mạn thì chính mình phải diệt trừ những tâm đó chứ không ai diệt dùm được. Cho nên, đối với sự tu hành thì cái diệt trừ phiền não hay nhiếp tâm trong thiền định là việc của mình, tức là một mình ta đi trên con đường hoang vắng.

Ta có thể đi chung với mọi người trên con đường đời, con đường đạo (đồng đạo) nhưng riêng sự tu hành của nội tâm, của đạo lý thì chỉ mình ta đi thôi. Trên con đường đó tuyệt nhiên không có bóng người thứ hai. Phật dạy ta, Thầy dạy ta, Tam bảo gia hộ cho ta nhưng đi thì một mình ta đi, không ai đi dùm được. Và trên con đường đó, giữa muôn trùng rừng rậm, gai góc, nhiều ngõ, tự ta phải tìm mà đi theo sự dạy dỗ của Đức Phật kính yêu và của Thầy ta. Ví dụ Phật dạy, muốn đối trị tâm sân thì phải khởi tâm từ bi. Ngang đây, Thượng tọa nhắc nhở: Khi tâm ta nổi lên phiền não thì ta dò dẫm con đường mà đi, giống như đứng trước ngã 5, ngã 6, ta tự biết con đường nào để đi tới chổ an lạc, chứ không đi bừa làm tâm sân nổi lên nhiều hơn. Nhưng để khởi tâm từ bi yêu thương thì chính mình phải quán chiếu, khởi tâm thương yêu chúng sinh chứ không ai khởi dùm ta được. Như vậy, chúng ta có mái chùa yêu thương, có thầy, có bạn đạo, có Đức Phật từ bi, có đạo lý nhiệm mầu, nhưng trong sự tu hành của nội tâm thì ta vẫn phải tự đi trên đôi chân của mình. Đó là lý do mà Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, các ngươi hãy tự mình làm đảo cồn nương tựa cho chính mình”, tức là Phật dạy ta rất nhiều nhưng không đi thế ta được mà ta phải tự đi.

Bài Pháp thoại AI ĂN NẤY NO – AI TU NẤY CHỨNG bao hàm ý nghĩa: Có những điều chúng ta nổ lực làm chung với mọi người như rủ nhau làm từ thiện, rủ nhau đi chùa, đó là những cái đi chung rất đẹp. Nhưng có những cái phải đi riêng lặng lẽ, âm thầm và cũng rất nổ lực.  Cả hai cái đều phải nổ lực: chung cũng nổ lực mà riêng cũng nổ lực. Tuy nhiên hai cái nổ lực này khác nhau, không có cái này làm dùm cái kia được. Do đó có cái chung mà trong cái chung đó cũng có những cái rất riêng. Hiều điều này chúng ta phải biết nổ lực chứ không được ỷ lại.

Để hiểu rõ “nổ lực” là sao? Thượng tọa giải thích: Khi giai đoạn công quả để hổ trợ cho huynh đệ tu ta phải nổ lực làm hết mình nhưng phần riêng là lặng lẽ nhiếp tâm trong thanh tịnh, ta phải nổ lực chứ không ai làm dùm ta điều đó. Trong cuộc sống muôn trùng này, cũng như trong đạo lý tu hành có những điều rất chung và có những điều rất riêng. Những cái rất chung đó để ta tạo phước (ta thương nhau, giúp nhau, tạo thành cái phước). Ví dụ chùa tổ chức khóa tu, ta tham gia làm công quả, đó là cái rất chung, tức hổ trợ cho huynh đệ tu thì được phước rất nhiều, nhưng người ta tu thì người ta đắc, còn ta không tu thì không đắc, vì nội tâm là điều rất riêng. Nói chung, cái diệt trừ phiền não hay khai mở tâm linh là điều rất riêng, không ai làm thay cho ai được.

Thượng tọa sách tấn: Hôm nay ta nói nhau ý nghĩa này để hiểu rằng: Ta đừng có nổ lực lầm (Cái chung mà ta tưởng là cái riêng). Phần tu chứng là một chuyện riêng, phần tạo phước là một chuyện riêng. Hai điều này chúng ta không được nhầm lẫn. Công việc thì làm dùm được nhưng sự tu hành thì vẫn không làm dùm ai được.

Kế đến, Thượng tọa đưa ra nhiều ví dụ và phân tích cho thấy có những cái sai lầm dẫn đến mê tín mà ta phải tránh. Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa nhắc lại những điều cơ bản nhất:

– Trên đời có những điều giúp nhau được, mà có những điều không giúp nhau được, mỗi người phải tự làm.

– Trong sự tu hành cũng vậy, có thể giúp nhau về đạo lý, khuyến tấn nhau được nhưng việc tu hành nội tâm thì tự mình phải nổ lực, không ai làm dùm được.

– Ta hiều có những điều rất chung (giúp nhau được) và có những điều rất riêng (Không giúp nhau được), mặt dù điều chung hay riêng ta đều phải nổ lực chuyên cần.

– Nhờ hiểu biết cái chung, cái riêng nên ta biết khi nào đây là cái chung giúp nhau được, còn đây là cái riêng tự mình phải đi, để tu mà không bị nhầm lẫn.

– Cuối cùng vẫn là vị tha, vô ngã. Ăn no xong phải giúp đời. Tu chứng xong rồi phải độ đời.

Thời pháp thoại nhẹ nhàng mang ý nghĩa nhân sinh giáo dục và hơn hết là thông qua những triết lý về cuộc sống, về sự tu hành được gửi gắm qua câu nói AI ĂN NẤY NO – AI TU NẤY CHỨNG, cho chúng ta thời gian để trải nghiệm. Đặc biệt là hành thiền để trải nghiệm được chân lý sâu xa hơn và sự hiểu biết đó. Có thể những quan điểm trên, từ những triết lý sâu sắc của cuộc sống, từ sự tu dưỡng nội tâm mà Thượng tọa đã phân tích, lý giải cho đến tận cùng ý nghĩa của nó, sẽ tạo nên động lực vi diệu, làm thăng hoa cuộc sống tu hành trong mỗi chúng ta.   

Sau cùng, một vị Đại đức – đại diện cho Chư Tăng, đã dâng lời cảm tạ và vật phẩm cùng dường, bày tỏ lòng biết ơn to lớn của toàn thể các Phật tử Hội viên Chúng Liên Hữu và Đoàn Hộ Trì chùa Linh Ẩn, đối với Thượng tọa Giảng sư đã không quản ngại đường xá xa xôi, đến với Đạo tràng để tuyên thuyết một bài Pháp hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc./.

Tin – Ảnh : Tâm Trụ

Một số hình ảnh của buổi thuyết giảng: