Trang chủ Văn hóa Nghi lễ TT. Thích Bảo Nghiêm: Trai đàn chấn tế tại Sóc Sơn được...

TT. Thích Bảo Nghiêm: Trai đàn chấn tế tại Sóc Sơn được tổ chức theo lề lối cổ truyền miền Bắc

91

PTVN: Xin Thầy cho biết, tới giờ này, công việc chuẩn bị cho Trai đàn đã như thế nào?

TT Thích Bảo Nghiêm: Tới trước giờ Khai đàn mọi việc sẽ đảm bảo hoàn hảo. Giờ này cơ bản đã hoàn tất, chỉ còn trang trí thêm cho hoàn mỹ thôi. Tất cả đã sẵn sàng. Trai đàn Chẩn tế tại Sóc Sơn lần này, được tổ chức theo lề lối cổ truyền ở Miền Bắc. Tinh hoa và thao tác của nó tới nay vẫn được duy trì và sống động trong sinh hoạt Phật sự, nhất là ở các tỉnh trung châu như Hà Tây, Thái Bình, Hà – Nam – Ninh (cũ), ở những tổ đình nền nếp. Chủ yếu là truyền thừa trực tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, rất bài bản, nhân văn và sâu sắc. Thực hiện trang trí, hành lễ lần này là do các vị rất thâm hậu và giàu kinh nghiệm. Đây cũng là một dịp để phát huy truyền thống của tổ tiên.

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Ban thường trực Ban Trị sự THPG Hà Nội.

 

PTVN: Xin Thầy cho biết Trai đàn Chẩn tế lần này có gì khác với các Trai đàn thường vẫn được làm ở nước ta lâu nay?

TT Thích Bảo Nghiêm: ở nước ta nói chung, miền Bắc nói riêng, Đàn chẩn tế, còn gọi là đàn Mông sơn thí thực, hay cúng cháo không có gì là xa lạ cả. Đó là việc thường nhật của chúng tôi. Nội dung của nó thì đã bao hàm hết sức đầy đủ trong văn cúng, chẳng hạn như trong Văn tế Thập loại cô hồn. Tôi tin chắc rằng, xưa đến nay chưa từng có sự phân biệt bên bỉ thử, giới tính, sống chết, chính kiến, v.v, trong chẩn tế ở bất cứ đâu. Sự bình đẳng là tuyệt đối và nhất quán. Nếu có giải thích thì chỉ là sự hiện đại hoá ngôn từ mà thôi.

Tại Trai đàn này, nếu có cái mới thì đó là sự có mặt của Tăng ni mang các Quốc tịch khác nhau, được thông tin bài bản và rộng rãi hơn. Do vậy, có thể quy mô lớn hơn, rầm rộ hơn. Đó cũng là điều rất đáng trân trọng từ Thiền sư và Làng Mai.

 

PTVN: Xin Thầy cho biết  ở Trai đàn Chẩn tế này có ghi danh và có thể được đọc lên. Vậy những đối tượng không có tên ở đó thì sao? điều đó có ảnh hưởng gì đến chữ “bình đẳng” không?

TT Thích Bảo Nghiêm: Việc có ghi danh hay không ghi danh ở trai đàn này không có sự phân biệt. Vấn đề là cái tâm của thân nhân và bản thân “vong linh” có chí thành, chí thiết không? Nếu có, thì được siêu độ; không có thì vẫn đọa. Ghi danh chỉ là phương tiện, cũng như Trai đàn là thuyền, uy lực của chư Tăng là người chèo đò,  khách có xuống để sang sông hay không lại là chuyện của họ, làm sao được?

Do vậy tính chất vẫn là bình đẳng tuyệt đối. Bình đẳng về cơ hội siêu sinh. Cửa rộng vô biên, thuyền rộng vô lượng. Có vào, có sang hay không còn tuỳ thuộc vào nhiều điều khác. Trong kinh sách, chư Phật, chư Tổ có giảng rất rõ.

 

PTVN: Bạch Thầy, Việc tổ chức Phật sự này ở đây, địa hình, vị trí có khó khăn, cản trở gì tới công việc chuẩn bị Trai đàn và sinh hoạt của Phật tử, đặc biệt là Tăng thân Làng Mai  hay không?

TT Thích Bảo Nghiêm: Cho tới nay, mọi việc đều diễn ra theo kế hoạch đã định, trong khả năng thời gian, nhân lực, cơ sở vật chất và tài chính của chúng tôi.

Học viện Phật giáo tại đây là một môi trường sư phạm và tu tập của Tăng ni sinh cần được duy trì và bảo vệ, điều đó cũng tức là trang nghiêm Giáo hội và tốt cho Trai đàn cả về danh tiếng và thực chất. Còn việc bố trí mọi mặt của Làng Mai với tư cách là Tăng thân Quốc tế, theo tôi được biết, thì đều do Làng Mai chủ động. Nếu khi có đề nghị phối hợp, giúp đỡ nào đó chính thức của Làng Mai, thì chúng tôi, trong khả năng cụ thể của mình, luôn hoan hỉ.

PTVN: Xin thành kính tri ân Thầy. PTVN xin được cùng Đại chúng cầu chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ gia hộ cho mọi Phật sự đều được thành tựu viên mãn.