Trang chủ Thời đại Hoằng pháp TT. Minh Thiện: Chọn con đường gian khổ để đến đông đảo...

TT. Minh Thiện: Chọn con đường gian khổ để đến đông đảo PT sơ cơ

95

Trước thềm Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011 tại Bình Dương, PV Phattuvietnam.net đã có cuộc trò chuyện với TT Thích Minh Thiện – Phó ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Phó ban Thường trực Ban Trị sự THPG Long An về việc hoằng pháp tại địa phương.

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, xin Thượng tọa cho biết những nét chung về đặc điểm Phật giáo tại tỉnh Long An trước đây?

TT Minh Thiện: Tỉnh Long An là một tỉnh ven thành phố Sài Gòn. Tăng ni Phật tử ở tỉnh Long An trước đây tuy đông đảo, nhưng trình độ học Phật rất hạn chế.

Đại đa số Phật tử là người nông dân, học vấn không cao, nên ít đọc kinh sách nhà Phật, chỉ thành tâm cúng bái, có phần hơi thiên về mê tín, cầu khấn, các hoạt động như cúng sao giải hạn, xem ngày giờ, phong thủy… chi phối nhiều tín ngưỡng Phật giáo của người dân Long An.

Còn về tăng ni, thì trước năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phái Ấn Quang, tổ chức có trường lớp đào tạo tăng tài chính quy chỉ là hệ phái Phật giáo thiểu số tại tỉnh Long An, chiếm khoảng 10% số chùa chiền tăng ni. Còn lại 90% thuộc các hệ phái Phật giáo khác, đứng đầu là Phật giáo cổ truyền, với 40 – 50% chùa và tăng chúng, Phật giáo Thiên Thai Giáo quán tông, Khất sĩ, chùa tư gia tự xây dựng…

Phật giáo cổ truyền có nhiều vấn đề do lịch sử để lại. Khởi nguyên đây là phái tu do các chí sĩ phong trào yêu nước Cần Vương, sau khi phong trào thất bại chạy về các địa phương miền quê hẻo lánh lánh nạn (như ở các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa của tỉnh Long An).

Các vị có trình độ Nho học, Đạo học, Dịch lý, võ học, y học đông phương và Phật học. Khi về những vùng quê xa xôi, thì có lẽ, một phần đã có gia đình  sẵn, sinh nhai bằng công việc thiên về học thuật Đông Phương, như dạy võ, làm thầy bốc thuốc y học dân tộc cổ truyền, xem ngày giờ và đặc biệt là hộ niệm tang lễ. Từ đó quý vị lập chùa thờ Phật, vợ con cũng ở trong chùa.

Qua nhiều thế hệ, các chùa Phật giáo cổ truyền thừa theo phương thức cha truyền con nối, con của các vị hòa thượng mang hình tướng tăng, được cho truyền đạt kiến thức y học cổ truyền, nghi lễ hộ niệm…, và cũng theo truyền thống đã có, là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của người dân địa phương, quý vị tăng sĩ cổ truyền cũng lại có gia đình và gia đình đó tiếp nối việc giữ chùa, hành đạo trong nhiều thế hệ.

Một số người gọi chư tăng Phật giáo cổ truyền là thầy cúng, thầy pháp, có phần xem thường. Điều đó là vì họ chưa am hiểu lịch sử vấn đề. Tuy nói chung có trình độ Phật học không cao, vì chỉ tập trung vào nghi lễ hộ niệm, nhưng nhiều vị thầy Phật giáo cổ truyền vẫn được sự kính trọng và mến mộ của người dân địa phương, vì nếp sống bình dị, hòa đồng với đại chúng, làm tròn công việc đáp ứng sinh hoạt tâm linh của người dân.

Dù sao, thực trạng một số không nhỏ tăng sĩ ở Long An có gia đình trong chùa, công việc hóa độ chỉ giới hạn ở nghi lễ tụng niệm, thì mặt bằng trình độ Phật học không thể nào cao được. Tuyệt đại đa số tăng ni tín đồ Phật giáo tỉnh Long An trước đây là như vậy.

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa công cuộc chấn hưng Phật giáo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tiến hành trong mấy mươi năm trước năm 1975 có lẽ cũng có tác động phần nào giải quyết hiện trạng trên?

TT Minh Thiện: Tất nhiên là có, nhưng rất giới hạn.

Đó là vì phía Phật giáo cổ truyền không gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà lập Giáo hội riêng. Vì vậy, tác động của quý tăng ni trẻ có trình độ Phật học cao đẳng do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đào tạo cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 không có tác dụng lớn trong việc hóa độ, chấn hưng Phật giáo ở những vùng xa xôi hẻo lánh, chiến sự, mà lúc đó chỉ có những nhà sư người địa phương mới thích hợp với những thôn quê mênh mông bát ngát của tỉnh Long An.

Chùa chiền, tăng sĩ Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chỉ tập trung ở thị xã, các quận dọc quốc lộ, và như tôi đã nói, chỉ chiếm 10% tỷ trọng Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An. Giáo hội nào sinh hoạt theo cách của giáo hội đó, cho nên mọi việc chỉ có thể cải thiện đôi chút.

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, cho đến khi nào thì công cuộc hoằng pháp tại tỉnh Long An bắt đầu có sự chuyển biến?

TT Minh Thiện: Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, ranh giới ngăn cách giữa các giáo hội được xóa bỏ, thì sự nghiệp hoằng pháp của tỉnh Long An bắt đầu chuyển biến tích cực.

Những năm đầu, phía Phật giáo cổ truyền vẫn giữ sinh hoạt cũ, một số chùa có phần e ngại khi tổ chức thuyết pháp, mời quý thầy có quan điểm Phật học tiến bộ đến thuyết giảng, vì dẫu sau giữa hiện tượng tăng sĩ có gia đình và chấn hưng Phật giáo vẫn có khoảng cách.

Chúng tôi vạch ra chiến lược hoằng pháp tập trung vào đối tượng Phật tử sơ cơ vùng sâu vùng xa, vùng bưng biền hẻo lánh bằng quy trình ngược lại, là nhắm vào đối tượng thanh niên tăng con của quý vị tăng sĩ Phật giáo cổ truyền.

Ngay khi các trường sơ cấp, trung cấp được mở, tôi tích cực vận động đưa các vị tăng trẻ, có khi còn là chú điệu này vào học trường Phật học địa phương, tạo mọi thuận lợi, ưu đãi tối đa.

Một số lớn trong đối tượng tăng sinh này học rất tốt, đạt kết quả cao, tiếp tục học lên, một số thầy du học nước ngoài theo chế độ nghiên cứu sinh, học bằng tiến sĩ.

Được đào tạo chính quy, có trình độ Phật học, trở về chùa thân phụ mình trụ trì, các vị đại đức có trình độ Phật học đã hoằng pháp theo một cách hoàn toàn khác. Việc phổ cập giáo lý được chú trọng, nội dung kinh sách được đưa lên quan tâm hàng đầu, đổi mới phương thức tu tập.

Tuyệt đại đa số các vị đại đức trẻ xuất thân từ Phật giáo cổ truyền đã thành đạt này đều ý thức được yêu cầu lớn của việc chấn hưng Phật giáo, dù chịu áp lực từ truyền thống và quan niệm của người dân địa phương. Các vị đại đức trẻ vẫn đề cao quan niệm giữ giới, từ chối việc cưới vợ theo truyền thống Phật giáo cổ truyền.

Điều đó đưa lại những chuyển biến tích cực từ phía Phật tử và tăng ni xuất thân từ Phật giáo cổ truyền nói chung.

Đến nay, thì Phật giáo Long An đã tiến một bước dài trong việc hoằng pháp.

Các ngôi chùa cổ truyền trước kia chỉ biết đến việc tụng đám, cầu an, cầu siêu, thì nay đã có những đại đức cử nhân, tiến sĩ trụ trì, tổ chức thuyết pháp thường xuyên.

Những vị tăng sĩ trẻ đã tạo nên bước chuyển biến quan trọng trong hoạt động ở tỉnh Long An sẽ là những đại biểu của Phật giáo tỉnh tham dự Hội thảo hoằng pháp lần này.

Phattuvietnam.net: Như vậy, mục tiêu hoằng pháp tiếp theo của Phật giáo Long An là gì?

TT Minh Thiện: Vẫn cá biệt còn có số ít chùa vẫn theo tập quán cũ. Chúng tôi sẽ cố gắng chấm dứt hoàn toàn tình trạng này.

Về cơ bản, Phật tử đại đa số là nông dân Long An đã có ý thức về một đạo Phật khác, là đạo Phật trí tuệ, đạo Phật giáo lý thâm sâu. Bước tiếp theo là nâng cao trình độ người Phật tử bằng các phương thức thích hợp, mà có dịp chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với Phattuvietnam.net.

Tất cả hoạt động hoằng pháp của tỉnh Long An đều được thiết kế, xây dựng trên quan điểm hướng về những Phật tử nông dân sơ cơ, chiếm đại đa số Phật tử tỉnh Long An.

Hoằng pháp số đông Phật tử căn cơ trình độ Phật học chưa cao ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hẻo lánh vất vả khó nhọc hơn rất nhiều so với thu hẹp việc giáo hóa trong thiểu số Phật tử có trình độ.

Nhưng chúng tôi nhất quyết chọn con đường gian khổ, khó nhọc, vất vả, nặng nề và trách nhiệm đó.

Có dịp, quý độc giả hãy về thăm các chùa xuất xứ từ hệ phái Phật giáo cổ truyền ở những huyện vùng sâu, biên giới như Tân Thạnh, Mộc Hóa… để tận mắt chứng kiến việc thay da đổi thịt của Phật giáo Long An.

Phattuvietnam.net: Cảm ơn Thượng tọa và kính mong được thượng tọa tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp rất độc đáo và sáng tạo của Thượng tọa trong những buổi trò chuyện sau.