Hòa thượng Chơn Hiền, thế danh Dương Viết Trừng, sinh ngày 02 tháng 8 năm Kỷ Mão – 1939 tại làng Dưỡng Mong Thượng, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Song thân là cụ ông Dương Viết Trì và cụ bà Lê Thị Trác. Hòa thượng là con trai thứ tư trong gia đình gồm 6 anh chị em.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình chánh tín Tam Bảo, tự thân lại được thắm nhuần nếp sống tin yêu của tổ chức Gia đình Phật tử từ lúc còn ấu thời.
Năm lên 10, Hòa thượng đã là một nam oanh vũ ngoan hiền và từ đó thiện tâm lớn dần theo thời gian sinh hoạt trong lý tưởng từ bi trí tuệ vô ngã vị tha đã un đúc Hòa thượng nên con người rất mực hiếu kính với mẹ cha, kính nhường anh chị em, tận tình tận nghĩa với bà con lối xóm, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người và xót thương muôn vật.
Lúc thiếu thời, Hòa thượng đã sớm nhận thức cuộc đời là vô thường và khổ đau; giữa một quê hương đang bị chiến tranh, với bao cảnh đổ nát tang thương đã để lại trong lòng Hòa thượng bao nỗi khắc khoải u hoài, và đó chính là động lực thôi thúc Hòa thượng tìm cầu con đường giải thoát khổ đau. Sau bao lần khẩn khoản xin xuất gia học đạo, nhưng song thân còn lắm nỗi băn khoăn chưa đành lòng cho con cát ái từ thân. Trước trở ngại ấy, Hòa thượng càng quyết tâm hơn, dõng mãnh nuôi dưỡng tâm nguyện xuất trần bằng mọi nỗ lực tôi luyện tự thân, phát nguyện trường trai khổ hạnh, phát thệ lánh đời trần tục, ngày đêm lễ lạy Tam bảo cầu nguyện.
Thế rồi, hạt giống xuất trần đã nảy mầm. Năm 23 tuổi, Hòa thượng được song thân hoan hỷ cho phép rời gia đình xa quê hương đến Dương Xuân sơnTườngVân Tổ đình cầu xuất gia học đạo với đức Đệ nhất Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, được Ngài ban cho Pháp danh Tâm Thanh là đệ tử thứ 40.
Sở nguyện thành đạt, nên những chuỗi ngày hành điệu, Hòa thượng rất tận tụy chấp lao phục dịch với nguồn tâm an lạc, tinh cần tu học.
Năm 1966, Hòa thượng được Bổn sư truyền trao Sa di thập giới với Pháp tự Thích Chơn Hiền. Từ đây, Hòa thượng lại càng tinh tấn bội phần, ngoài việc trau dồi kinh luật xây dựng tự thân, Ngài thường ưu tư thương xót những người ngèo bệnh nên đã tham gia các lớp học châm cứu ở Sài Gòn với Hòa thượng Tâm Ấn, một danh y thời bấy giờ, để về sau giúp đỡ bà con bệnh tật. Khi nghe Giáo hội Thừa Thiên mở lớp Nội điển tại chùa Linh Quang, Hòa thượng đã vội vàng trở về xin theo học lớp Phật học Liễu Quán. Khi còn là Tăng sinh, một Sa di, Hòa thượng đã có tinh thần trách nhiệm cao, thiết tha với tâm nguyện phụng đạo giúp đời, hoan hỷ đón nhận gánh vác chu toàn mọi Phật sự được giao phó, bởi vậy Hòa thượng Thích Mật Nguyện, Giám đốc trường và là Chánh Đại diện Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế đã bổ nhiệm Ngài làm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Hương Điền lúc ấy. Tuy còn ở cấp bậc Sa di, song tấm lòng thiết tha phụng sự đạo pháp thì không giới hạn, nhờ vậy mà Hòa thượng đã vượt qua mọi khó khăn của tự thân, của ngoại cảnh, thành tựu nhiều Phật sự cho Giáo hội, vượt qua bao hiểm nguy trên các nẻo đường đầy bom mìn, đã đưa công tác từ thiện an sinh xã hội về tận những vùng xa xôi, nơi đồng bào đang lâm vào cảnh nghèo khó.
Đến năm 1969, Hòa thượng được Bổn sư cho phép thọ Tỷ kheo Bồ-tát giới tại Đại giới đàn Huệ Nghiêm ở Sài Gòn do Hòa thượng Vĩnh Tràng làm Đàn đầu. Từ trọng nhiệm của một Thích tử “ThừaNhư Lai sứ, hành Như Lai sự” được Hòa thượng chu toàn trong mọi lãnh vực và bao giờ cũng với tâm nguyện thiết tha và trịnh trọng.
Trong môn phái Tổ đình, Ngài luôn luôn hiếu kính với chư Tôn đức, phụng hành mọi chỉ giáo; chư huynh đệ đồng môn. Ngài lúc nào cũng kính quý bao dung, luôn quan tâm giúp đỡ; với Phật tử bao giờ cũng thân mật đầy ưu ái với tâm bình đẳng. Khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, Hòa thượng đã Y chỉ với sư huynh là Hòa thượng Pháp Huynh, đương kim Trú trì Tổ đìnhTườngVân lúc này. Để không xáo trộn nếp sống tu hành của Tổ đình, Hòa thượng Pháp Huynh Trú trì Thích Minh Châu đã họp môn phái và cử Hòa thượng giữ chức vụ Tri sự Tổ đình. Thế là Hòa thượng đã nhận chức vụ Tri sự Tổ đình giữa lúc xã hội còn nhiều trắc trở, tình hình kinh tế vô cùng khó khăn; nhưng với lòng nhiệt thành đầy từ tâm, Ngài đã có nhưng hy sinh lớn, với trách nhiệm cao nên đã dần dần khắc phục những khó khăn đưa đời sống kinh tế nhà chùa đi vào ổn định. Ngoài việc lo đời sống cho chùa, Ngài còn quan tâm đến việc học hành của chúng điệu và trùng tu xây dựng phát triển cơ sở.
Hòa thượng đã sắp xếp, quy hoạch lại mồ mã trong khuôn viên chùa, làm hàng rào bao quanh chùa, làm lại cổng Tam quan cho trang nghiêm bề thế hơn, xây dựng sữa chữa hậu điện, liêu Tăng nơi thờ đức Tăng Thống là Bổn sư của mình; làm và tu sửa nhà bếp, phòng chúng ở. Kinh tế tự túc trong giai đoạn khó khăn, Ngài đã dẫn chúng về đất ruộng của Chùa ở Thần Phù để làm lúa hầu lo cho chúng khỏi thiếu cái ăn và lo dạy dỗ trong chùa. Công lao lớn và âm thầm ấy Hòa thượng một mình biết và không bao giờ than vãn cùng ai.
Đối với Giáo hội đương nhiệm, Hòa thượng là ủy viên nhiệt tình, tích cực của Ban Trị Sự Tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, luôn chu toàn mọi Phật sự mà Giáo hội giao phó.Các ngày lễ lớn hay hội nghị của Giáo hội, Ngài không nề hà công việc được giao. Khi thì trưởng ban trật tự, khi thì trưởng đoàn cứu trợ, khi được điều động trưởng ban tụng kinh, chủ trì các lễ đài các quận huyện. Hình ảnh năng động phục vụ không biết mệt mỏi của ngài là tấm gương cho lớp đàn em noi theo. Khi được Giáo hội giao phó giữ chức Chánh Đại diện tại Huyện Quảng Điền, không một đơn vị Niệm Phật đường nào mà không in dấu chân hoằng pháp của Hoàng thượng, mọi gia đình Phật tử trong huyện đều được Hòa thượng ưu ái quan tâm; ngoài ra bất cứ Đạo tràng, Khuôn hội hay đơn vị Gia đình Phật tử nào có nhu cầu, Hòa thượng cũng giúp đỡ tận tình.
Phật sự mà Hòa thượng đóng góp cho Tổ đình, cho Giáo hội, cho quần chúng Phật tử đã khẳng định sự nghiệp phụng sự đạo pháp, giúp đỡ cuộc đời của Ngài, điểm nổi nét là Hòa thượng đã biến con đường phụng sự đạo pháp thành pháp môn tu tập của chính mình, bởi vậy cần gánh vác nhiều Phật sự, Ngài càng giản dị hơn, từ bi hỷ xã hơn, càng kham nhẫn hơn và nhất là dễ thân gần hơn. Hòa thượng đã có một đời sống cống hiến cho Đạo pháp, Hòa thượng đã trở thành niềm tin của Phật tử, là nơi nương tựa, là nơi an ủi vỗ về cho bao lớp Phật tử các giới.
Những tưởng con đường hóa độ của Hòa thượng còn dài, ngờ đâu cơn vô thường đã đến sau cơn bệnh đột ngột, Ngài đã nhẹ nhàng xả báo thân, thu thần thị tịch vào lúc 19 giờ ngày 26.11 Canh Thìn (2000) trước sự hộ niệm đông đủ của Tăng Ni Phật Tử, hưởng thọ 61 tuổi đời và 31 Hạ Lạp.
Chùm ảnh của buổi lễ
Chân dung Hòa thượng Thích Chơn Hiền
Hòa thượng Thích Chơn Tế niêm hương bạch Phật
Đảnh lễ Tổ sư
Niêm hương tưởng niệm Hòa thượng Thích Chơn Hiền
Chư Tôn đức cử hành lễ tưởng niệm húy nhật
Đông đảo Phật tử các giới
Ban Nhạc lễ
Đông đảo Phật tử đứng ở trước sân vọng bái
Cổng Tam quan Tổ đình Tường Vân