Chùa Hồng Ân – Huế
Xuất thân từ một danh gia vọng tộc, gặp buổi giao thời giữa hai nền văn hoá cũ và mới, nên từ tấm bé Ni trưởng đã được hấp thụ một nền giáo dục dung hoà cả hai truyền thống Đông Tây. Thân phụ muốn cho du học Pháp quốc, nhưng Ni trưởng không đi. Chí hướng của Ni trưởng là khôi phục truyền thống Á Đông và nâng cao tinh thần phụ nữ. Bản hoài cao rộng đó thật khó mà thực hiện nếu không thoát ly đời sống gia đình nhỏ hẹp, bởi thế Ni trưởng đã nhiều lần xin cha mẹ xuất gia. Nhưng vào thập niên 1920, ở Huế chưa có chùa Ni, chỉ có các bà lớn tuổi mới được vào chùa Tăng làm dì vải giúp việc. Ni trưởng lại là con gái út của một vị đại thần đương triều, được nâng niu như cành vàng lá ngọc, cha mẹ không bao giờ cho phép. Trước trở ngại lớn lao đó, Ni trưởng đành ở nhà cho trọn hiếu, chờ dịp thuận tiện. Song thân mong Ni trưởng yên bề gia thất, cứ khuyến khích tham dự các tiệc tùng, dạ hội, nhưng Ni trưởng một mực nuôi chí xuất trần. Thế rồi năm 23 tuổi (1928), vì cảm từ tâm của song thân, Ni trưởng bằng lòng kết duyên với cụ Cao Xuân Sang để nuôi đàn con dại bơ vơ vừa mất mẹ. Thời gian không lâu ông qua đời. Từ đây duyên trần nhẹ gánh, vì đã nuôi con khôn lớn, vừa làm Phật sự của bổn phận của một Phật tử thuần thành nên Ni trưởng hết sức tâm đắc.
Năm 1932 (27 tuổi), Ni trưởng được Hoà thượng Giác Tiên Trụ trì Tổ đình Trúc Lâm cho xuất gia và sau đó truyền thập giới làm Sa-di-ni với pháp tự Diệu Không, nhưng vẫn để tóc để làm Phật sự. Lúc bấy giờ, Ni trưởng thường xuyên giao dịch với người Pháp trong chính quyền Bảo hộ với tư cách đại diện Hội An Nam Phật học mà Ni trưởng là một sáng lập viên.
Sau khi thọ thập giới 12 năm, vào mùa thu năm Giáp Thân (1944), Ni trưởng được thọ Tam đàn Cụ túc tại Đại giới đàn Thuyền Tôn do Hoà thượng Giác Nhiên, đệ nhị Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất làm Đàn đầu.
Khi đã thọ giới Tỷ-kheo ni, Ni trưởng bán tư trang và vay mượn thêm để xây cất Ni viện đầu tiên cho nữ giới có chỗ tu học, đó là Ni viện Diệu Đức. Ni trưởng còn góp phần sáng lập và trùng tu nhiều chùa Ni và tịnh viện khác tại Thừa Thiên, Huế như Diệu Viên, Khải Ân, Hồng Ân, Kiều Đàm, Định Huệ, Đông Thuyền, Hồng Đức, Liên Trì, Liên Hoa; Bảo Thắng (Hội An), Bảo Quang (Đà Nẵng), Tịnh Nghiêm (Quảng Ngãi), Ni viện Diệu Quang (Nha Trang). Tại miền Nam, Ni trưởng là người góp công thành lập Ni trường đầu tiên ở Sa Đéc, Ni viện Từ Nghiêm, Dược Sư, Diệu Giác, Diệu Tràng, Diệu Pháp tại Hố Nai (Long Thành). Ni trưởng còn góp công rất nhiều trong việc xây dựng Viện Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam là Đại học Vạn Hạnh, cùng với Cố Hoà thượng Thích Trí Thủ, Cố Hoà thượng Thích Minh Châu,… là những vị khai sáng đầu tiên. Ngoài ra, cơ sở Kiều Đàm tại đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cũng do Ni trưởng cổ động xây cất. Ngoài các cơ sở văn hoá và chùa, Ni trưởng còn góp công đắc lực khai sáng Cô nhi viện Tây Lộc – Huế và các Cô, Ký nhi viện trên khắp thành thị thôn quê miền Trung từ 1964 trở đi.
Năm 1952, Ni trưởng góp phần đắc lực trong việc sáng lập nhà in Liên Hoa để in kinh sách Phật giáo và nguyệt san Liên Hoa, do Hoà thượng Đôn Hậu làm chủ nhiệm, Hoà thượng Đức Tâm làm chủ bút, Ni trưởng làm quản lý và biên tập viên, là tờ báo Phật giáo sống lâu nhất tại miền Trung.
Ngoài công tác hộ trì Chánh pháp và làm từ thiện xã hội, Ni trưởng còn dịch thuật, trước tác và cộng tác với nhiều tạp chí Phật giáo như Viên Âm, Giác Ngộ, Từ Quang, Liên Hoa… Các bộ kinh luận quan trọng do Ni trưởng dịch gồm có Thành Duy thức luận, Du già sư địa luận, Lăng già Tâm ấn, Di Lặc hạ sanh kinh, Đại trí độ luận, Trung quán luận lược giải của Long Thụ Bồ-tát, Hiển thật luận của Thái Hư Đại sư.v.v… Ngoài ra, Ni trưởng còn sáng tác rất nhiều tập thơ văn khuyến tu và giáo dục phụ nữ, như Câu chuyện đạo lý, v.v…
Mặc dù Phật sự đa đoan, Ni trưởng luôn luôn học hỏi, tham cứu kinh sách đại tiểu thừa, và thường nhập thất tham thiền tại chùa Khải Ân, núi Châu Ê. Tuy mang thân nữ, Ni trưởng gần như không có thói nhi nữ thường tình mà Phật thường thống trách. Nguyện của Ni trưởng là đời đời mang thân nữ để độ cho nữ giới và không cầu sinh Tịnh độ: “Nguyện Phật chứng minh muôn vạn kiếp, con xin lăn lóc cõi Ta-bà”. Có lẽ do hạnh nguyện ấy mà đến đâu Ni trưởng cũng được phụ nữ đoanh vây, già trẻ lớn bé đều yêu mến. Và cũng có lẽ nhờ Ni trưởng am hiểu nhân tình, tuỳ cơ giáo hoá, có biện tài vô ngại. Nhưng trên tất cả, chính nhờ tâm hồn Ni trưởng bao dung quảng đại, bình đẳng đối với người thân cũng như sơ, xa cũng như gần. Câu thơ Ni trưởng làm “Lưới trời bao phủ một tình thương” đủ nói lên chính xác tâm hồn Ni trưởng vậy.
Mặc dù là vị hộ trì đắc lực cho chư Tăng tu học, mặc dù được đặc cách học chung với chư Tăng trong các lớp giảng đầu tiên tại Huế, Ni trưởng không vì vậy mà xao lãng Bát kỉnh pháp. Ngược lại, đối với chư Tăng, Ni trưởng luôn luôn kính nể dù là một vị Tỷ-kheo tân thọ giới hay chỉ một chú tiểu, Ni trưởng cũng đối xử lễ độ và hết lòng nâng đỡ.
Đối với Ni chúng, Ni trưởng là bạn của tất cả mọi người, ai gần Ni trưởng cũng kính mến như bậc Thầy do bởi bản tính bình dị, uy nghi khả kính. Tính bình dị của Ni trưởng quả là một tấm gương cho Ni giới: Xuất thân từ nơi phú quý, mà khi vào chùa, Ni trưởng đã sống một cuộc đời hoàn toàn buông xả, đối với bốn vật cần dùng là ẩm thực, y phục, sàng toạ và dược phẩm, Ni trưởng không chú trọng, có gì tốt đẹp đều đem cúng dường bố thí. Trước khi ngoạ bệnh, nơi thường trú của Ni trưởng tại chùa Hồng Ân chỉ là một gian nhà thấp u tối, nhưng Ni trưởng không hề quan tâm sửa chữa, vì tâm hồn Ni trưởng luôn luôn để vào những chương trình rộng lớn hộ trì Tam Bảo, phục vụ chúng sinh đương thời và mai hậu.
Năm 1978, sau một cơn bệnh, Ni trưởng đã tắt thở, được chư Tăng vây quanh tiếp dẫn. Nhưng khi thời kinh hộ niệm chấm dứt, Ni trưởng Bảo Châu đau đớn khóc thét lên, Ni trưởng bèn giật mình tỉnh dậy vì bi nguyện độ sanh. Kể từ đấy, Ni trưởng thường dạy: “Khi đã thấy cảnh Tịnh độ rồi thì tôi xem cảnh đời này toàn là giả.” Có lẽ nhờ thấy giả mà Ni trưởng kham nhẫn được mọi sự. Gần 5 năm già yếu ngoạ bệnh, Ni trưởng luôn luôn hoan hỷ với mọi người.
Mặc dù già bệnh, tinh thần Ni trưởng luôn minh mẫn cho đến giây phút cuối, mỗi khi ai có việc quan trọng đến thỉnh ý, Ni trưởng đều dạy những lời khuyên hết sức sáng suốt. Cách nay 2 tháng, Ni trưởng còn phát tâm cúng dường cơ sở Hồng Đức cho Giáo hội để sử dụng trong việc đào tạo Tăng tài (cơ sở đó nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế).
Như một trái cây đã chín muồi, như cuộc hành trình đã đến đích, Ni trưởng an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 2 giờ khuya ngày 22 tháng 8 năm Đinh sửu, tức 23 tháng 9 năm 1997, hưởng thọ 92 tuổi đời với 53 Hạ lạp.
Hôm nay, dưới sự chứng minh tham dự của chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni chúng chùa Hồng Ân cùng chư Tôn đức Ni trong tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận cùng toàn thể Phật tử cử hành lễ tưởng niệm để ôn lại cuộc đời tu học và hành đạo của Ni trưởng là một tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo. Ni trưởng đã vun trồng hạt giống từ bi, cho đàn hậu học, thắp sáng ngọn nến cho cả nhân sinh và nỗ lực đóng góp sức mình cho sự nghiệp chung của Ni giới.
Sự ra đi của Ni trưởng là một sự mất mát lớn lao cho Giáo hội, cho Ni bộ và Ni chúng Thừa Thiên cũng như môn đồ pháp quyến và Phật tử khắp nơi. Vì luật vô thường hễ có sanh là có tử, nhưng sanh tử trong Chánh pháp, đến đi trong Chánh pháp mà Ni trưởng đã làm chủ, đó là một điều hết sức cao cả.
Xin giới thiệu hình ảnh buổi lễ
Môn đồ Pháp quyến tác bạch cung thỉnh chư Tôn đức quang lâm cử hành buổi lễ
Hòa thượng Thích Tánh Tịnh, sám chủ lễ Tưởng niệm
chư Tôn đức Tăng Ni cử hành Lễ Tưởng niệm
Phật tử các giới
Môn đồ Pháp quyến