Trang chủ Tin tức TT. Huế: Kế hoạch tổ chức Đại Lễ Phật Đản đã hoàn...

TT. Huế: Kế hoạch tổ chức Đại Lễ Phật Đản đã hoàn tất

82

Về vấn đề tổ chức Đại Lễ Phật đản tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông và A Lưới, mọi công việc cơ bản đã được tiến hành thuận lợi nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Trị Sự, sự nỗ lực Ban Đại diện PG các huyện và sự hưởng ứng tích cực của quý Đạo hữu Phật tử, cũng như sự tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương.


Mỗi huyện đều thiết trí lễ đài, xe hoa, thuyền hoa, treo băng rôn, cờ đèn tại các cơ sở của Phật giáo đúng như kế hoạch. Ban Đại Diện Phật giáo các huyện đều tiến hành tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ theo đúng thời gian dự kiến, và đặt vòng hoa tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương có thiết trí lễ đại.


Đặc biệt, Ban Đại Diện PG huyện Phú Vang sẽ tổ chức lễ thắp hương, đặt vòng hoa tưởng niệm tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ – Phú Dương – Phú Vang – Thừa Thiên Huế.


Điều khó khăn chung của Ban Đại Diện các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Hương Thủy là việc treo cờ phướn tại đường quốc lộ và một số nơi công cộng chưa được chấp thuận của chính quyền huyện thì vì phải còn chờ ý kiến chỉ thị của Tỉnh.


Tại thành phố Huế, vật liệu trang trí các đường phố đã được thực hiện tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vì lý do lập thủ tục, phương án thiết trí hai cổng chào Bắc Nam thành phố sẽ được thay thế bằng hai Panô lớn, ở phía Bắc sẽ có một tháp Hoa sen cao khoảng 12m.


Các vấn đề treo lồng đèn trên cầu Trường Tiền, treo băng rôn trên các đường phố, địa điểm cụ thể và điện chiếu sáng tại 7 cổng chào trên đường rước Phật còn đang xúc tiến bàn thảo với các cơ quan ban ngành của chính quyền để đi vào thi công thực tế.


Đoàn rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm đang được tổ chức một cách kỹ lưỡng.


Lễ đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang thành phố và Đài Thánh Tử đạo sẽ được diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 08/4 Mậu Tý (12.05.2008).


Lễ khai mạc thả hoa sen trên sông Hương, trình diễn văn nghệ, cầu nguyện tại lễ đài Thương Bạc, triển lãm tranh tại Trung Tâm VHPG Liễu quán và đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, hội ẩm thực chay, diễn hành xe hoa, thuyền hoa, và Đoàn rước Phật sẽ được diễn ra trang nghiêm trọng thể, ngắn gọn và thích hợp với từng loại hình cụ thể.


Trong phần đóng góp ý kiến, doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, ủy viên Ban Tổ Chức Đại Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại TTH, cho rằng chủ trương tổ chức Đại Lễ Phật đản của Nhà nước rất rõ ràng từ Trung ương đến địa phương. Các cấp chính quyền nên xem Đại lễ Phật đản là một lễ hội tôn giáo, lễ hội văn hóa truyền thống của đất nước. Và đây cũng chính là cơ hội để các cấp chính quyền tiến hành Tiếp thị địa phương. Do đó, ngày đại lễ này có ý nghĩa rất lớn đối với Phật giáo và đất nước.


Sự tích cực liên kết giữa Ban Trị sự, Ban Đại Diện PG các huyện với các cấp chính quyền nên thực hiện trên cơ chế liên kết, chứ không phải xin cho, để tiến hành tốt các khó khăn còn tồn đọng.


Thứ nữa, trước tình hình kinh tế bất ổn hiện nay cũng như ngân quỹ thực tế của Ban Trị Sự, trong quá trình tổ chức nên có tinh thần tiết kiệm, và chú trọng đến những công tác từ thiện.


Tiếp đó, sau khi đã lắng nghe những thuận lợi và khó khăn cụ thể trong quá trình tiến hành công việc tổ chức Đại lễ Phật đản tại các huyện và thành phố, Đại diện chính quyền tỉnh, ông Dương Viết Hồng đã nhấn mạnh rằng chủ trương đăng cai và hỗ trợ việc tổ chức Đại Lễ Phật đản năm nay của Trung ương và chính quyền tỉnh là thống nhất.


Trong thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh, thành phố và các huyện sẽ họp bàn phương thức cụ thể nhằm cùng Giáo hội tháo gỡ những vướng mắc cò tồn đọng, như việc treo cờ tại một số huyện, vấn đề treo lồng đèn trên cầu Trường Tiền, vị trí thả hoa sen trên sông Hương…


Sự liên kết này chắc chắn đưa việc tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 – PL.2552 tại Thừa Thiên Huế đến thành công tốt đẹp.


Với những bàn thảo quan trọng trong giai đoạn cuối của quá trình tổ chức Đại lễ Phật đản này, Ban Trị Sự, Ban Tổ Chức đang hướng đến việc hoàn thành đúng như kế hoạch mà Ban Trị Sự đã đề ra.


Sự thành công của Đại Lễ Phật đản tại Huế đóng một vai trò lớn không những đối với Phật giáo xứ Huế, nhân dân và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn là một dấu son của cả nước.