Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay TT Chơn Không: Hướng dẫn Phật tử thống nhất, Việt hóa nghi...

TT Chơn Không: Hướng dẫn Phật tử thống nhất, Việt hóa nghi lễ Phật giáo

138

Phattuvietnam.net: Bạch thượng tọa, nhân dịp bản kinh Nhật tụng hoàn toàn tiếng Việt sắp được phát hành, xin Thượng tọa có đôi lời về sự kiện này, nhìn từ Phật sự hướng dẫn Phật tử, và từ góc nhìn của người đã xúc tiến soạn dịch kinh tụng?

Thượng tọa Thích Chơn Không (TT TCK): Một bản Kinh Nhật tụng hoàn toàn bằng tiếng Việt và thống nhất dùng cho cả nước là điều mà Tăng Ni Phật tử ao ước lâu nay.

Riêng tôi, do rất quan tâm đến Phật sự này, nên từ 2005, tôi đã biên soạn Kinh Tam bảo Thông dụng – Dịch nghĩa từ việc tập họp các bản dịch phổ biến nhất của 9 Kinh bộ tụng thông dụng, các bài sám văn gồm các kinh như Kinh A Di Đà, Bốn mươi tám lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, Sám hối Hồng danh, Kinh Vu Lan bồn, Kinh Báo hiếu công ơn cha mẹ, kinh Thập thiện nghiệp đạo, Kinh Thi Ca La Việt lễ sáu phương, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Phẩm, Phổ Môn, Kinh Kim Cang Bát  Nhã Ba La Mật

Bản Kinh Tam bảo Thông dụng – Dịch nghĩa do tôi soạn dịch dày 416 trang, là một trong bản kinh tụng tiếng Việt hiện đang lưu hành, đã in lần thứ 2.

Tất nhiên, đây chỉ là cố gắng tạm thời đáp ứng trước mắt nhu cầu tụng kinh tiếng Việt trong khi chờ đợi một bản kinh thống nhất do Ban Nghi lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam biên soạn.

Từ việc biên soạn, tổ chức in ấn, phát hành, vận động Phật tử tụng bản Kinh Tam bảo Thông dụng – Dịch nghĩa, tôi có một số ý kiến như sau đối với việc phát hành Kinh Nhật tụng hoàn toàn tiếng Việt:

– Đây là một Phật sự cần được đẩy nhanh tiến độ. Nhu cầu tụng kinh hoàn toàn tiếng Việt của Tăng Ni Phật tử là nhu cầu lớn, cần nhanh chóng đáp ứng.

– Bên cạnh Tăng Ni, người Phật tử đóng vai trò quan trọng không kém trong việc phổ biến bản kinh tụng hoàn toàn bằng tiếng Việt. Vì ngoài việc tụng kinh ở chùa, còn có việc tụng kinh ở tư gia. Do đó, phải hướng đến mục tiêu Việt hóa và thống nhất nghi lễ Phật giáo ở khu vực tư gia Phật tử. Ở đây, chúng ta thấy trách nhiệm của Phật sự hướng dẫn Phật tử.

– Sau khi đã có văn bản Kinh Nhật tụng hoàn toàn tiếng Việt thống nhất cả nước, việc kế tiếp là phải tổ chức in ấn với số lượng lớn bản kinh đã có. Đây là trách nhiệm của Giáo hội, của Tăng Ni, của các tu viện, tư viện, mà đồng thời cũng là phận sự của đông đảo Phật tử. Cần tập trung vận động Phật tử vào cả hai hoạt động in kinh và tụng bản kinh thống nhất.

Đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động phát hành. Cần có song song 2 hình thức bán để Phật tử thỉnh và tổ chức ấn tống.

Đa dạng hóa hình thức bản kinh phát hành. Nên có 2 loại (hoặc nhiều loại), loại bìa cứng, giấy trắng, chi phí, chất lượng in ấn cao dành cho người có nhu cầu bản in cao cấp và loại bìa mềm (có thể chia ra làm nhiều loại giấy, in 4 màu, 2 màu, 1 màu) phục vụ phổ biến rộng rãi, chú trọng số lượng, sao cho phát hành đến mức cao nhất.

Phattuvietnam.net: Bạch thượng tọa, Ban Hướng dẫn Phật tử có tổ chức vận động Phật tử ấn tống và tụng bản kinh thống nhất?

TT TCK: Ban Hướng dẫn Phật tử chú trọng đến Phật sự này nhưng sẽ giữ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, vận động chung. Các đơn vị trực tiếp thực hiện Phật sự sẽ là các tu viện, tự viện, đạo tràng.

Mục tiêu của Ban Hướng dẫn Phật tử là làm sao để đông đảo Phật tử quan tâm đến Phật sự thống nhất và Việt hóa nghi lễ Phật giáo Việt Nam, tham gia việc in kinh, tụng kinh, vận động mọi người cùng tụng kinh thuần Việt và thống nhất.

Kinh nghiệm riêng của chúng tôi là khi đã vận động được đông đảo Phật tử tham gia ấn tống kinh, thì việc vận động Phật tử tụng kinh hoàn toàn tiếng Việt sẽ rất thuận lợi. Có được bản kinh sẵn sàng trước mặt, thì tiến đến việc tụng bản kinh đó chỉ là một bước nhỏ nữa mà thôi. Vì vậy, trọng tâm của Phật sự này chính là việc in kinh, phát hành kinh. Bán hay biếu tặng, bìa cứng hay bìa mềm, đó là tùy duyên, nhưng cốt làm sao nhà nhà đều có kinh, người người đều tụng kinh.

Theo tôi, thống nhất nghi lễ phải có nghĩa bản kinh tụng thống nhất phải được phổ biến rộng rãi. Từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng lên cao nguyên, từ thành phố đến thôn quê, mọi ngôi chùa, mọi nhà riêng Phật tử đều có, có đủ, có nhiều bản Kinh Nhật tụng tiếng Việt và thống nhất do Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN biên soạn, thì mới gọi là thống nhất nghi lễ được. Vì vậy, đây là một Phật sự lớn lao, nặng nề, cần sự chung tay góp sức của toàn thể Phật tử gần xa.

Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, tập quán xưa nay là hễ in kinh thì thường là phải in giấy trắng tốt, bìa cứng, mạ chữ vàng, để tôn cao giá trị quyển kinh. Nay, ý thượng tọa là có nhiều mức chất lượng in ấn, phát hành. Điều này có trái với thông lệ in kinh không?

TT TCK: Đây là kinh nghiệm của riêng tôi và chùa Thiên Tôn trong quá trình tổ chức ấn tống Kinh Tam bảo thông dụng – Dịch nghĩa. Đa dạng hóa hình thức in ấn phát hành thì tiện lợi hơn trong việc phổ biến rộng rãi. Tôi đã nhấn mạnh đến vấn đề số lượng, cốt yếu là ở chỗ này. In bìa mềm, cùng một chi phí chúng ta sẽ có được số lượng nhiều kinh hơn bìa cứng. Tôi cũng nói đến sự tùy duyên. Tôi vận động Phật tử có nhân duyên ấn tống với hình thức nào thì cúng dường hình thức đó. Cứ theo nhân duyên mà làm Phật sự.

Đạo hữu cũng biết là trong lịch sử truyền thông, thì việc xuất hiện sách bìa mềm là một bước tiến lớn trong lãnh vực xuất bản. Theo tôi, nếu trình bày đẹp, sách bìa mềm vẫn có giá trị về mặt hình thức.

Lâu nay, kinh tụng Phật giáo vẫn được in với hình thức bìa mềm, có điều ít hơn bìa cứng. Tôi nghĩ đây là một hạn chế, nếu xét từ góc nhìn số lượng phát hành. Thí dụ, bộ Đại Tạng kinh xuất bản vào thập niên 1990, bây giờ tìm rất khó, vì chỉ in bìa cứng giá thành cao, số lượng phát hành hạn chế. Cho nên, những bộ A hàm mới được dịch lại, xuất bản gần đây phát hành với cả hai dạng bìa cứng, bìa mềm là một ưu điểm trong tổ chức xuất bản.

Đa dạng hóa hình thức còn có thể ngoài hình thức cỡ chữ lớn, bản chữ đậm thường dùng cho kinh tụng, quyển kinh dày, có thể có hình thức cỡ chữ nhỏ hơn, không đậm, quyển kinh mỏng để dễ mang theo người, tụng đọc khi đi xa chẳng hạn.

Phattuvietnam.net: Xin cảm ơn thượng tọa đã dành cho cuộc phỏng vấn. Kính chúc thượng tọa Phật sự viên thành.

MT (thực hiện)