Trong một lần tiếp xúc, Thượng tọa Thích Chơn Không – Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những vị tôn đức cũng có những ý tưởng xây dựng Việt Nam Quốc Tự theo hình thức một ngôi chùa cao tầng, đa chức năng và nhu cầu sử dụng Việt Nam Quốc Tự sau 50 năm vẫn chưa lỗi thời. Thượng tọa Thích Chơn Không sẽ trình bày ý kiến này qua một loạt bài phỏng vấn với tư cách của một tu sĩ có nhiều kinh nghiệm trụ trì và đã từng tu học tại Việt Nam Quốc Tự, vô cùng yêu quý Việt Nam Quốc Tự.
Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Bạch Thượng tọa (TT), trước tiên xin TT cho biết về việc tu học tại Việt Nam Quốc Tự và thời gian làm Phật sự trụ trì sau đó?
Thượng tọa Thích Chơn Không (TT TCK): Thầy tu học tại Việt Nam Quốc Tự từ năm 1970 đến 1972. Sau đó về tu học tại tu viện Quảng Đức, Thủ Đức, rồi Phật học viện Minh Đức – chùa Thiên Tôn Q5 hiện nay từ năm 1973 và chính thức trở thành trụ trì chùa vào năm 2006 đến nay.
Thời gian tu học tại Việt Nam Quốc Tự là thời gian thầy theo học Phật học viện Quảng Đức ở trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự. Vì vậy, có thể xem Việt Nam Quốc Tự là ngôi chùa xưa, thời tăng sinh của thầy. Thầy có lòng yêu quý đặc biệt đối với Việt Nam Quốc Tự.
CS MT: Bạch TT, hôm nay con mới được biết trong Việt Nam Quốc Tự có Phật học Viện Quảng Đức, vậy Phật học viện có quy mô ra sao? Ngoài ra, ở đó còn có các cơ sở nào của Phật giáo?
TT TCK: Trước năm 1975, Việt Nam Quốc Tự là một quần thể cơ sở Phật giáo đa chức năng, gồm có:
– Chùa tạm, với chánh điện là nhà tiền chế lớn, nhưng trông có vẻ rất đồ sộ kiên cố.
– Khu hành chánh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (khối Việt Nam Quốc Tự), gồm văn phòng hành chánh Viện Hóa đạo và văn phòng các Tổng vụ.
– Phật học viện Quảng Đức, có khoảng 200 tăng sinh gồm cả Nam Tông Khmer và Bắc tông.
– Có ba ngôi tháp bằng gạch, cao khoảng 6 mét được xây dựng vào khoảng năm 1965 và ngôi bảo tháp đang xây dựng dang dở vào năm 1972 (mô hình hoàn chỉnh như ta thấy ngày nay).
– Trung tâm từ thiện xã hội, với Lớp dạy nghề, có khoảng 60 bàn máy may, bên cạnh đó còn có các khóa đào tạo y tá và một Chẩn y viện khám bệnh phát thuốc miễn phí.
– Viện Đại học Phương Nam, quy mô ban đầu dự kiến khoảng 1000 sinh viên (1973).
– Cô nhi viện Quách Thị Trang (Đại đức Thích Nhật Thiện quản lý).
Tổng diện tích Việt Nam Quốc Tự lúc đó, theo các thông tin gần đây, khoảng 45.000m2, nhưng có nhiều khu chưa sử dụng, với một ao hồ dài rộng (dường như trước đây là một con kênh).
Nếu tính đến năm 2014, Việt Nam Quốc Tự đã trải qua 50 năm, từ năm 1964.
CS MT: Bạch TT, ngày 12-10 vừa qua Lễ Động thổ đại trùng tu Việt Nam Quốc Tự đã được tổ chức, với bản vẽ phối cảnh đã được công bố. Thầy có ý kiến thế nào với bản vẽ này?
TT TCK: Việt Nam Quốc Tự được đại trùng tu là niềm hoan hỷ vô biên của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Sau gần 40 năm, Phật giáo Việt Nam mới có một ngôi chùa với khuôn viên rộng lớn đến thế, ở một trong những khu trung tâm của Thành phố trên một đại lộ. Niềm hoan hỷ, tự hào về Việt Nam Quốc Tự của thầy gắn liền với yếu tố lịch sử. Việt Nam Quốc Tự là thành quả của công cuộc giải trừ Pháp nạn lịch sử 1963 của Phật giáo Việt Nam, là kết quả của hơn 40 năm Chấn hưng Phật giáo Việt Nam.
Việt Nam Quốc Tự là kiến trúc thể hiện diện mạo Phật giáo Việt Nam, tôn giáo có số lượng tín đồ hàng đầu tại Việt Nam, có bề dày lịch sử gần 2000 năm. Việt Nam Quốc Tự phản ánh quan điểm mới của chính quyền Miền Nam đối với Phật giáo, thấy rằng Phật giáo Việt Nam cần có một cơ sở lớn tại khu trung tâm để có sự hài hòa trong cục diện tôn giáo tại Việt Nam, cải thiện hiện trạng phần lớn chùa chiền ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Vì hầu hết các ngôi chùa đều ở trong đường nhỏ hoặc hẻm hóc.
Do diện tích Việt Nam Quốc Tự hiện nay chỉ khoảng một phần tư so với trước kia, để tăng diện tích sử dụng, theo thầy nên tăng chiều cao ngôi chùa, chánh điện đặt trên đỉnh cao tầng cuối cùng, có thể là mười tầng hoặc cao hơn nữa, dự trù khả năng đáp ứng yêu cầu sử dụng ít nhất trong 50 năm tới.
CS MT: Bạch TT, 10 tầng, là con số thật ấn tượng!
TT TCK: Đạo hữu ở thành phố Hồ Chí Minh mà sao lại lấy làm lạ. Khuôn viên Việt Nam Quốc Tự hiện nay là 10.913,5 m2.
Khắp Thành phố đâu đâu cũng mọc lên những tòa cao ốc 20, 30 tầng, ở quận 1 có nhiều tòa nhà cao trên 50 tầng, như vậy trong đó có không ít cao ốc không có sân rộng, như cao ốc Bitexco Financial (68 tầng, cao 262 mét) có sân bay trực thăng phải xây lùi vào chẳng biết bao nhiêu mét. Ở thành phố Hồ Chí Minh, bây giờ, có đất rộng vừa đủ tiêu chuẩn bắt buộc, thì xây cao ốc là chuyện bình thường, còn chỉ xây 3, 4 tầng mới là lạ!
Cần xây cao tầng vì lý do đơn giản là cần diện tích cho Tăng Ni Phật tử sinh hoạt, tu học. Chùa Thiên Tôn mà thầy trụ trì là một dãy nhà 3 tầng, từ lâu đã rất chật chội, Phật tử đến tụng kinh phải ngồi ngoài hành lang và ngoài sân. Dĩ nhiên, thấy vậy, sẽ có không ít Phật tử ngại đến chùa.
Thầy dự kiến khi xây dựng mới thì phải có 2 chánh điện là Đại hùng Bảo điện và Di đà Bảo điện, mỗi chánh điện 750m2, chiếm trọn hai tầng lầu, mỗi người cần 1m2 hành lễ. Trong dịp lễ lớn, 2 chánh điện gộp lại có thể đáp ứng 1500 người hành lễ. Phật tử tại Di đà Bảo điện sẽ theo dõi cuộc lễ tại Đại hùng bảo điện qua camera HD trực tiếp truyền hình nội bộ.
CS MT: Bạch TT, như thế kế hoạch xây dựng chùa Thiên Tôn ra sao, dự kiến bao nhiêu tầng?
TT TCK: Chùa Thiên Tôn ở trong hẻm, nếu xây dựng ngay thì khó được phép xây cao.
Vì vậy cần phải đưa chùa ra mặt tiền. Có 2 khả năng:
1. Chờ việc mở đường Nghĩa Thục theo quy hoạch.
2. Mua 1, 2 căn nhà mặt tiền liền kề với đất chùa, rồi xin hợp lại thành một thửa, xây dựng như một lô đất mặt tiền. Khi đó chùa có một lối vào riêng từ đường An Bình. Thầy sẽ xin phép xây dựng với số tầng tối đa, gồm cả nhiều tầng hầm, được phép xây bao nhiêu tầng thì xây bấy nhiêu tầng. Hiện nay, chùa Giác Ngộ, Quận 10 đang xây 1 hầm, 1 trệt, 7 tầng. Như thế thì rất tốt, nhưng càng nhiều diện tích thì càng nên xây cao hơn.
CS MT: Bạch TT, cơ sở cho ý tưởng chùa cao tầng là gì? Tại sao phải xây cao như vậy?
TT TCK: Hiện nay, mỗi năm, riêng thầy cũng quy y truyền giới cho khoảng 700 Phật tử, trong khi chánh điện hiện đã rất chật. Phật tử gia tăng, ít nhất theo mức gia tăng dân số, thì lấy đâu ra cơ sở đáp ứng cho việc hành đạo. Khả năng tạo lập chùa mới trong khu vực nội thành rất thấp, thực tế mấy chục năm qua cho thấy điều đó, đơn giản là vì cơ hội để có những thửa đất lớn thích hợp để xây chùa rất ít.
Trước năm 1975, chung cư chỉ 3, 4 tầng là đủ. Bây giờ, cũng trên nền những chung cư đó, những chung cư mới có 20, 30 tầng là chuyện rất bình thường. Ví dụ như chung cư Sư Vạn Hạnh được xây vào năm 1968 có 4 tầng, nay được xây lại với quy mô 20 tầng. Thực ra, xây chùa cao tầng chỉ là việc hiện nay, sau vài mươi năm là đã thấy chật, không đến 50 năm đâu. Chúng ta không lo cho chi thừa diện tích xây dựng để hành đạo, chỉ lo thiếu diện tích xây dựng thôi.
Ngày trước, Phật tử đi chùa lạy Phật tụng kinh rồi về. Bây giờ quý thầy mở ra các khóa tu, có khóa tu hàng tuần. Vì vậy, nhu cầu diện tích xây dựng là nhu cầu tất yếu của việc phát triển sinh hoạt tu học. Chùa Thiên Tôn bây giờ nếu mở khóa tu sẽ có vài trăm, thậm chí cả ngàn Phật tử ghi danh. Nhưng thầy không tổ chức khóa tu được vì không có cơ sở lưu trú. Bên cạnh nhu cầu hành lễ, tu học, việc xây dựng quy mô còn là để đáp ứng xu hướng Phật giáo nhập thế. Phật giáo đương nhiên sẽ mở rộng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như: hoằng pháp, giáo dục, văn hóa, y tế, từ thiện xã hội,… Xu hướng đó làm phát sinh nhu cầu rất lớn về cơ sở vật chất. Đã có vị tôn đức nhấn mạnh đến hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, thầy thấy rất hợp lý và bổ sung các lĩnh vực khác nữa.
Ngoài ra, nếu chưa dùng đến, một phần diện tích có thể dùng vào việc cho thuê, tạo nguồn gây quỹ cho giáo hội. Như vậy, cần phải kể thêm hoạt động tài chính. Ở vị trí trung tâm như Việt Nam Quốc Tự, thì việc cho thuê số diện tích chưa sử dụng đến sẽ tạo một nguồn thu đáng kể. Theo thầy biết giá cho thuê nhà cao ốc hiện nay là từ 15-22 USD/m2/tháng. Thí dụ như có 20.000m2 cho thuê nhân lên với con số tiền 15-22 USD, thì nguồn gây quỹ cho Giáo hội là rất lớn, ngân sách Giáo hội sẽ không phụ thuộc nhiều vào việc hiến cúng.
CS MT: Bạch TT, như vậy, người ta có thể phê phán quý thầy là “kinh doanh bất động sản” chăng?
TT TCK: Hiện nay, đã có công ty Thiện Tài trực thuộc Ban Kinh tế Tài chính của Trung ương Giáo hội. Nếu nghĩ rằng, Phật giáo không được kinh doanh để tạo nguồn kinh phí hoạt động là không phù hợp với chủ trương và thực tế hiện nay của Giáo hội. Một thực tế nữa là đã có không ít chùa cho thuê mặt bằng dùng vào những hoạt động kinh doanh phù hợp với nhà chùa, như làm quán ăn chay, nhà sách, vườn bán cây cảnh, cửa hàng văn hóa phẩm, trang phục Phật giáo, bán đồ thờ cúng, bán đồ thủ công mỹ nghệ, làm nhà tang lễ,… Việc cho thuê mặt bằng là giải pháp tạo nguồn thu nhập cho tôn giáo, mà người tu sĩ không bận rộn tâm trí và tốn nhiều thời giờ, không bị cuốn hút vào chuyện làm ăn.
Hiện có tôn giáo đang cho thuê với tổng số diện tích mặt bằng rất lớn để làm trường học.
Còn đối với Phật giáo, thu nhập từ cho thuê mặt bằng sẽ giải phóng Tăng Ni ra khỏi những hoạt động kinh tế tự túc khác rất vất vả cũng như ảnh hưởng đối với việc tu học, như: se nhang, ủ tương, làm tàu hủ, làm nước tương, làm chao, hay đi sản xuất nông nghiệp luân phiên. Cho thuê mặt bằng cũng là một dạng kinh tế tự túc nhà chùa, nhưng nó ưu việt ở chỗ nguồn thu cao, ổn định, không làm mất thì giờ, công sức Tăng Ni, từ đó Tăng Ni có nhiều thì giờ tu học. Thầy biết, một số Phật tử nhờ có mặt bằng cho thuê, thu nhập ổn định, không bận rộn vì sinh kế nên dành hết thời gian đi chùa, công quả, tham gia các khóa tu. “Nhưng nói chuyện cho thuê mặt bằng thì chỉ là giải pháp tạm thời, chứ Phật giáo chúng ta cất chùa là để hoằng pháp lợi sanh, phục vụ sinh hoạt tu học, tín ngưỡng của Tăng Ni Phật tử chứ nào phải vì mục tiêu kinh doanh bất động sản”.
CS MT: Bạch TT, ngoài ra, còn có so sánh nào cho việc xây chùa 4 tầng và xây chùa 10 tầng hoặc nhiều tầng hơn nữa?
TT TCK: Có, nhiều lắm, chúng ta sẽ nói đến dần dần.
Một ngôi chùa 4 tầng trong một đô thị có nhiều cao ốc thì sẽ trở nên thấp bé đi, khi những khu đất gần đó xây dựng cao ốc. Trường hợp Thiền viện Quảng Đức là một ví dụ, những cao ốc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã bọc lấy Thiền viện Quảng Đức làm ngôi chùa thấp đi theo quan sát chủ quan. Tháp chùa Vĩnh Nghiêm xây dựng đã lâu thì không nói, còn Thiền viện Quảng Đức mới xây dựng đây, là một trường hợp Phật giáo chúng ta nên rút kinh nghiệm về nhiều mặt trong việc kiến thiết.
CS MT: Bạch TT, vậy chùa ở gần nơi có khả năng xây cao ốc, thì chùa cũng phải xây cao lên?
TT TCK: Nếu chỉ xây thấp, thì không loại trừ vài chục năm nữa, thế hệ tiếp sau phải đập ra xây lại, vì bức bách về nhu cầu mặt bằng, cũng như không phù hợp về cảnh quan đã xảy ra rất nhiều nơi trong thời gian gần đây. Đạo hữu lưu ý, dùng từ nhiều tầng chính xác hơn, chứ không phải chỉ cao tầng. Trường hợp Việt Nam Quốc Tự, theo tôi thì nên gia tăng số lượng tầng hầm, để trước hết tính tới chuyện để xe về sau, khi số lượng phương tiện giao thông được sử dụng tăng đều hàng năm.
CS MT: Bạch TT, cách nhìn của TT là nhằm mục đích đem lại lợi ích cho Phật giáo, cả về trước mắt lẫn lâu dài. Nhưng không hiểu sao những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, dù được đại trùng tu gần đây cũng chỉ 3-4 lầu là tối đa.
TT TCK: Cũng dễ hiểu, vì chùa chiền ở Thành phố phần nhiều tọa lạc trong hẻm nhỏ, diện tích đất thường cũng nhỏ, khi cấp phép xây dựng, thì vẫn phải theo tiêu chí được quy định bởi vị trí, chiều rộng con đường, diện tích thửa đất… nên có muốn xây cao cũng không được, phải theo số tầng của những căn nhà trong đường hẻm, thường là 1 trệt, 1 lửng, 2 lầu, 1 sân thượng. Trong hẻm, dù có đất rộng cũng không xây cao được. Vì vậy, có vẻ xu hướng xây chùa là như thế. Chính vì nhiều ngôi chùa rơi vào thế kẹt như vậy, thì Việt Nam Quốc Tự cần được xây cao, xây nhiều tầng bù lại hạn chế chung của kiến trúc Phật giáo Thành phố.
CS MT: Thành kính đa tạ TT đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.
* Việt Nam Quốc Tự là kiến trúc thể hiện diện mạo Phật giáo Việt Nam, tôn giáo có số lượng tín đồ hàng đầu tại Việt Nam, có bề dày lịch sử gần 2000 năm. Việt Nam Quốc Tự phản ánh quan điểm mới của chính quyền Miền Nam đối với Phật giáo, thấy rằng Phật giáo Việt Nam cần có một cơ sở lớn tại khu trung tâm để có sự hài hòa trong cục diện tôn giáo tại Việt Nam, cải thiện hiện trạng phần lớn chùa chiền ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Vì hầu hết các ngôi chùa đều ở trong đường nhỏ hoặc hẻm hóc.