Trang chủ Blog chùa TT. Chân Quang thuyết giảng trong khóa tu thiền tại chùa Từ...

TT. Chân Quang thuyết giảng trong khóa tu thiền tại chùa Từ Tân

99

Nhiều năm nay, khóa tu Thiền chùa Từ Tân đã trở nên quen thuộc với các Phật tử yêu thích Thiền tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Phật tử các giới đến với khóa tu ngày càng đông, nhất là giới trẻ, giới trí thức. Tất cả đều tận dụng thời gian cho phép của mình một cách thích hợp để cùng mọi người thực tập thiền định, thúc liễm thân tâm, dưới sự hỗ trợ của quí thầy, quý sư cô chùa Phật Quang (BRVT) và TT. Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân.

Khóa tu được bắt đầu từ 18h00” ngày 27/09/2013 và kết thúc vào lúc 13h00” ngày 29/09/2013, với một nội dung chương trình tu học đảm bảo tính thiết thực, mang đến sự chuyển hóa nội tâm và hạnh phúc cho người Phật tử biết thực hành Phật pháp trong khi vẫn sống cuộc đời bình thường.

Đặc biệt, các Phật tử rất yêu thích giờ tham vấn của chương trình khóa tu do TT Thích Chân Quang chủ trì và giờ giảng giáo lý do TT Thích Viên Giác đảm trách, vì Chư Tăng đã cung ứng sự thông hiểu thấu đáo về một nền tảng tu hành và giải đáp thỏa mãn những vấn đề trong xã hội vật chất hiện đại mà họ vướng mắc. Do cuộc sống bận rộn ngoài xã hội, các Phật tử đâu đủ thời gian nghiên cứu giáo lý, chỉ có những phút giây được ngồi tu với đại chúng và được gặp Chư Tăng Ni hướng dẫn tu tập, họ mới có thể học được nhiều điều trước kia chưa biết. Có thể nói, những giờ phút được an trú nơi mái chùa là gánh nợ đời oằn oại đôi vai bỗng dưng biến mất. Nhiều Phật tử tâm sự “Điều làm cho họ hạnh phúc nhất là được tu học trong một môi trường tràn ngập tình thương yêu và đượm màu giác ngộ giải thoát của Chư Tăng. Vì vậy khóa tu kỳ nào mà họ vắng mặt thì là một thiệt thòi đáng kể của họ.

Điều đáng mừng là mỗi kỳ khóa tu, số lượng Phật tử mới tham dự tu Thiền lần đầu tiên dao động trên dưới gần 100 người và thanh niên Phật tử tham dự ngày càng đông hơn trước. Tuy nhiên, khóa tu nào cũng có một số Phật tử đến tham dự một thời gian rồi không còn thấy đến nữa, có lẽ tu Thiền rất khó nên những ai ngồi không yên định được mà không kiên trì, nhẫn chịu đau chân, khắc phục được hôn trầm, vọng tưởng thì dễ chán nãn, bỏ cuộc. Do đó, để tìm được sự an tịnh của nội tâm không phải là thứ ngọt ngào dễ nuốt. Song, nếu chúng ta không chịu khổ, không chịu cày xới tâm mình thì sẽ chẳng bao giờ gặt hái được thứ gì ngọt ngào. Vì vậy Cổ nhân có nói: Chẳng chịu một phen lạnh thấu xương; Sao đặng hoa mai thơm ngát hương. Điều này tức là những ai còn trì hoãn, giải đãi công phu thì sẽ không bao giờ thành công trong việc tu tập.

Ngược lại, đối với những Phật tử tinh tấn tu Thiền thì nhận định rằng: Khóa tu Thiền nơi đây đã mang lại kết quả tốt đẹp cho họ, vì họ nhận ra được giá trị đích thực của Thiền định có công năng gạn lọc, đào thải những tâm thức nhơ xấu, kiến tạo một tâm hồn trong sáng an vui”.

Lại nữa, đến với khóa tu Thiền chùa Từ Tân, trong chương trình của khóa tu còn có buổi thuyết Pháp do TT.Thích Chân Quang đảm trách là thu hút đông đảo Phật tử nhất, có thể trên 2000 Phật tử ngoài khóa tu đến tham dự. Từ sáng sớm vào ngày thứ ba của khóa tu, các đoàn Phật tử ở các tỉnh xa đã có mặt tại chùa Từ Tân để chờ nghe thuyết Pháp. Buồi thuyết Pháp của Thượng tọa thu hút rất nhiều giới trẻ, giới văn hào trí thức và điều hoan hỷ nhất là có sự hiện diện rất đông về hình ảnh nam giới. Nhìn một Hội chúng thính Pháp, ngồi chật kín cả khuôn viên chùa, bao gồm tầng Giảng đường và hai tầng Chánh điện với rất nhiều…rất nhiều gương mặt trẻ chăm chú vào màn hình xem gián tiếp vị Giảng sư thuyết Pháp, điều này cho chúng ta có cái nhìn lạc quan về tương lai đạo Phật, chỉ vì có nhiều người biết đến chùa học đạo lý để tìm kiếm một đời sống đạo đức toàn diện, thay vì vui chơi hưởng thụ ngoài đời trong những khoảnh khắc rảnh rổi.

Với 4 bài kệ của Kinh Pháp Cú kỳ này, tuy mỗi câu kệ ngôn có dụng ý nhắc nhở các vị Tỳ Kheo tu hành, nhưng trên nền tảng đó, Thượng tọa đã trình bày một cách có hệ thống về “Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt trong bộ Kinh Pháp Cú”.  Có thể nói đây là một bộ Kinh mang nhiều lợi lạc cho nguời đệ tử Phật, không kể là xuất gia hay tại gia. Kinh Pháp Cú cho chúng ta nhiều ý niệm tu tập quan trọng, nếu không muốn nói là mới mẻ, bởi vì đây là những gì đã đuợc nhắc đi nhắc lại rất là nhiều lần về con đuờng đưa đến giải thoát giác ngộ. Cho nên mỗi câu phật ngôn là một bài học luân lý, một câu châm ngôn không thể thiếu trong đời sống của người Phật tử.

Qua lối giảng giải vừa thực tế, vừa sống động, dễ nhớ và dễ hiểu, Thượng tọa đã đem đến cho thính chúng một tầm nhìn tu hành tích cực, khuyến khích các Phật tử tinh tấn tu Thiền, đẩy mạnh mọi người tiến mãi trên con đường tâm linh giác ngộ. Còn mọi tình cảm của người đời hết sức mong manh, không gì có thật và bền chặt, đó không phải là chỗ ta có thể dựa được. Phật dạy ta dựa vào cái vô thường là không khôn ngoan, không trí tuệ.

Ma Vương thì cứ chờ tâm ta động là nó chụp liền. Những ai có tâm luyến ái, sợ hãi, tự ái, kiêu mạn, tham vọng, mong muốn điều gì, e ngại điều gì… đều là những kẽ hở để ma vương thọc vô điều khiển ta. Vì vậy, tự mỗi người phải tinh tấn tu tập để hàng phục chấp ngã, ma chướng của mình. Và ý nghĩa sau cùng của bài kệ Kinh Pháp Cú đã thẩm định “Trong các dạng bố thí thì dạng nào cũng hay nhưng bố thí đạo lý là số một; Giá trị của đạo lý vẫn là cao nhất”. Trên đời không có niềm vui nào bền vững, chỉ có niềm vui trong Chánh pháp mới là bền vững.

Buổi thuyết Pháp kết thúc trên tinh thần hoan hỷ. Thân tâm của mỗi người trở nên tươi mát, vững chãi và có thêm bền vững đức tin, chuyên cần tu tập. Phải chăng! Chư Tăng thời nay biết ứng dụng lời Phật dạy vào vòng xoáy xã hội hiện đại để Hoằng pháp có hiệu quả là vậy./.

Dưới đây là một số hình ảnh về toàn cảnh khóa tu Thiền và buồi thuyết Pháp của TT Thích Chân Quang tại chùa Từ Tân: