Trang chủ Tu học Pháp thoại TT. Chân Quang thuyết giảng tại khóa tu mùa hè TV Bát...

TT. Chân Quang thuyết giảng tại khóa tu mùa hè TV Bát Nhã

142

Được biết, Tu viện Bát Nhã là ngôi chùa vùng sâu vùng xa của thành phố Bảo Lộc nhưng đây là lần thứ IV Tu viện Bát Nhã tổ chức khóa tu dành cho thanh thiếu niên, số lượng các em đăng ký năm 2013 lên đến gần 1000 em, nhiều hơn số lượng năm trước 300 em. Nơi đây, các em được thực tập thiền, tụng kinh, nghe thuyết Pháp, nghe thuyết trình, vấn đáp, giao lưu với người nổi tiếng, học văn thể mỹ, sinh hoạt ngoại khóa. Thông qua chương trình tu học đó, các em được dịp cọ xát với thực tế để bộc lộ các kỹ năng sống, rèn luyện đạo đức, nâng cao lý tưởng sống, biết cách làm chủ những cảm xúc, biết phân biệt đúng sai rõ ràng… để rồi khi về lại gia đình các em tiếp tục phát huy và làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của chính mình vào cộng đồng thanh thiếu niên. 

Và trong suốt bảy ngày của khóa tu, tất cả các em đều cố gắng chấp hành tốt nội quy, tham gia đầy đủ thời khóa, hy vọng các em sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp để làm hành trang cho cuộc sống của mình thêm ý nghĩa hơn. Đây cũng chính là mục đích chủ trương của Phật giáo Việt Nam với tuổi trẻ ngày nay mà khóa tu nơi đây và nhiều ngôi chùa khác trong cả nước đang được triển khai mỗi khi hè về. 

Do vì lứa tuổi thanh thiếu niên là tuổi ước mơ và sống vì lý tưởng, cho nên TT Thích Chân Quang luôn hướng dẫn các em một lối sống tích cực, lành mạnh, mang đậm tính nhân văn, nhất là về mặt đạo đức và lối sống. Qua đó góp phần định hướng tương lai cho giới trẻ trong thời đại mà ranh giới giữa các quốc gia dường như đang bị phá vỡ. 

Mở đầu bài Pháp thoại, bằng những lập luận, phân tích, so sánh, Thượng tọa đã khái quát hóa một cách rõ nét sự khác biệt giữa các ranh giới văn hóa phương đông và phương tây là thế nào; đồng thời cũng nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của các văn hoá với nhau ra sao, trong đó văn hoá nào lôi cuốn được nhiều người thì văn hóa đó chiếm ưu thế. Cái ranh giới văn hóa nó không còn những điều tốt, nó không chiếm được thế giới này, ngược lại điều xấu lại dễ lây lan khắp nơi trên mạng internet, trên phim ảnh, trong cuộc sống, trên ngỏ ngách cuộc đời và xâm chiếm thế giới, nên rất nguy hiểm. 

Cái giá trị mà cha ông ta giữ gìn bao lâu nay là nét văn hóa truyền thống gia đình bền vững, và người tây phương biết yêu quý tâm linh, yêu quý văn hóa Á đông thì họ khâm phục đất nước Việt Nam vì điều này, trong khi ở Việt Nam ta điều quý giá đó lại đang mất dần. Thượng tọa khen gợi những em thanh thiếu niên ý thức được truyền thống văn hóa gia đình – một nét đẹp cần giữ gìn và phát huy mà đến chùa tu học để đi tìm lại cội nguồn tâm linh của dân tộc và nhắc nhỡ trách nhiệm của các em rằng “Đã một lần các con đặt chân lên chùa, ghi một dấu ấn văn hóa Phật giáo rồi thì phải mãi mãi giữ gìn trong tâm hồn để chống lại sự xâm lược của những luồng văn hóa ngoại lai đã phá vỡ cái đẹp của thế giới này. 

Sắp tới, thế giới mỗi ngày mỗi tiến bộ, chúng ta thấy công nghệ thông tin điện thoại, intenet ngày càng phát triền, cho nên thế giới không còn ranh giới, cái gì cũng biết được hết nhưng để biết nhiều như vậy có làm tâm hồn chúng ta tốt lên hay không. Tâm hồn ta tốt không phải nhờ vào kỹ thuật mà chính là nhân cách đạo đức con người ở xã hội bây giờ. Đối với văn hoá Việt Nam  dù bố mẹ đánh đau ta vẫn không được giận nhưng văn hoá Mỹ thì không được, cha mẹ bất lực với con cái, trẻ con lớn lên thích làm gì thì làm, họ không được đánh con họ tùy ý như ở Việt Nam. 

Cái quan điểm “Bị đánh đòn đau mà không được quyền giận, phải vâng lời” làm bản ngã biến mất. Và người như vậy khi sống ở môi trường nào cũng biết cung kính, khiêm nhường, yêu thương người khác, từ đó đạo đức ngày một tăng trưởng, cái phước lớn theo, do đó chúng ta làm gì cũng dễ thành công. Người bản ngã nhỏ dễ trở thành người tốt giữa cuộc đời này. Ngược lại với người mà cái “Tôi” lớn quá, khi thấy ai giỏi hơn thì đâm ra đố kỵ, ganh ghét, khó chịu, nói xấu người khác, những điều đó làm cho phước của ta bị hao tổn và kết quả là đổ vỡ, thất bại, v.v… 

Trong khóa tu mùa hè này, các con học được một tinh thần Phật giáo mà cái quý giá cực độ nhất chính là làm cho cái tôi mình nhỏ đi và thậm chí đến chổ không còn cái tôi nữa. Hể thấy ai hơn thì mình vui mừng, ngược lại thấy ai kém thì mình thương yêu và tìm cách giúp đỡ họ. Các con phải tu cho được những điều này và đi qua cuộc đời thật bình an, hạnh phúc. Đây là điểm khác nhau rất đặc biệt giữa đạo Phật và các tôn giáo khác. Và đây cũng là điều quý giá nhất mà đạo Phật tặng cho chúng sinh. Đức Phật đắc đạo là Người vượt khỏi cái tôi, thoát khỏi chấp ngã và trở thành một đấng giác ngộ thiêng liêng cho đời đời chúng sinh phải kính ngưỡng. Và cái đạo lý vô ngã tuyệt vời đó cứ truyền đời mà lưu truyền. Bao nhiêu người vì cái “Vô ngã” đó mà cúi đầu trước Đức Phật. 

Tuy chỉ với thời gian 7 ngày tham dự khóa tu nhưng các con được ghi cái dấu ấn trong cuộc đời mình là biết suốt cuộc đời còn lại, các con sống trong môi trường nào, ví dụ ở gia đình, trường học, hay làm việc tại cơ quan, hoặc là người chỉ huy thì nên nhớ “Lúc nào cũng kiềm chế cái “Tôi” của mình cho nhỏ xuống, không thấy có cái Tôi. Nhân đây, Thượng tọa giải thích và minh họa bằng nhiều ví dụ sống động trong cuộc sống để các em Tu sinh hiểu “Cái Tôi nhỏ” nghĩa là thế nào và kết quả của cái tôi nhỏ đó là gì. 

Nhận thấy, với phương pháp trình bày vấn đề một cách logic, ngắn gọn, chuẩn xác, súc tích dễ hiểu và hấp dẫn, Thượng tọa đã khiến các em tiếp nhận bài học một cách hào hứng, sôi nổi. Điều đó được thể hiện bằng thái độ mạnh dạn giơ tay phát biểu. Trước Pháp hội, các em không ngần ngại bày tỏ ý tưởng của mình về vấn đề đã đặt ra và đa số các em trả lời gần đúng với đáp án, được sự khen ngợi của Thượng tọa Giảng sư và Thượng tọa Viện chủ Tu viện Bát Nhã.  

Tiếp theo, Thượng tọa nêu bật về ý nghĩa dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo” để nhắc nhở các em nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm Thầy trong xã hội này – những người đang ngày đêm dạy bảo các em những điều hay lẽ phải, và truyền đạt cho các em những tinh hoa tri thức nhân loại. Biểu hiện “Kính trọng thầy cô” là giữ gìn cho tâm hồn các em và giữ gìn cho thế hệ con cháu mai sau, Thượng tọa khuyên răn các em đừng để mất điều này dù công nghệ giáo dục trong thời đại sau này có thể thay đổi rất nhiều. 

Lại nữa, một văn hóa khác rất thiêng liêng đối với người Việt Nam mà chúng ta không bao giờ bỏ mất, đó là lòng yêu nước. Nếu chúng ta không có lòng yêu nước thì không đáng làm người vì tình yêu nhân loại lớn quá, vượt ngoài tầm tay của ta và không thực tế. Còn tình yêu gia đình thì quá nhỏ bé làm ta hẹp hòi ích kỹ. Nên cái ngưỡng ở giữa tình yêu nhân loại và tình yêu gia đình đó là tình yêu nước. Yêu nước làm cho tâm hồn ta lớn lên, không ích kỷ và ta có lý tưởng để sống trên đời. Cho nên các con phải un đúc cho mình, bắt mình phải yêu nước. Sau này, vào thế kỷ nào đó, các ranh giới giữa các quốc gia có thể sẽ mờ nhạt nhưng ngày nào các ranh giới đó còn, chúng ta có bổn phận phải yêu thương đất nước mình. Khi yêu thương được đất nước mình tha thiết thì các con có lý tưởng sống, không cho phép mình sống tầm thường, hèn hạ, ích kỷ, ham vui, và hư hỏng, đó là do các con còn trách nhiệm xây dựng đất nước này. 

Ngoài ra, Thượng tọa cũng nêu các đặc điểm tiến hóa cao về lĩnh vực đời sống tâm linh, và dự đoán về loài người tương lai tức là một loài người có cuộc sống tâm linh phong phú. Tuy nhiên, để có thể bước vào đời sống tâm linh như thế, con người phải có phương pháp ngồi thiền, nhiếp tâm, tinh tấn tu tập. Và ngày hôm nay ai nhanh chóng tiếp cận thì đó là người ưu việt của nhân loại. Là người mở đường để tạo thành một giống loài mới cho thế giới này. Đó là người vừa thông minh; vừa đạo đức. Chúng ta khôn ngoan đi tắt đón đầu sự phát triển của nhân loại chứ đừng lẻo đẽo theo sau.  

Cái sợ nhất của con người là sự tự mãn (thấy mình đủ rồi, được rồi, tốt rồi). Nếu trong tâm các con có tư tưởng thầm kín này thì đời mình coi như đóng lại, tương lai mất hết. Vì vậy, để có thể tiến bộ mãi thì ai nấy phải diệt trừ tâm tự mãn. Mà nếu diệt được tâm tự mãn, biết mình còn dở thì phải bước tới nữa vì phía trước vẫn còn thênh thang. Ngang đây Thượng tọa nhấn mạnh “Tuy chúng ta phấn đấu để tiến bộ nhưng không được tham vọng cá nhân, đó mới là đạo đức”. Và lời dặn dò sau cùng dành cho các em, Thượng tọa đặt lên vai các em một trọng trách, đó là “Với vô số những điều đạo đức mà các em phải giữ gìn chuẩn mực cho xã hội, dù sau này xã hội có tiến đến đâu, dù sau này có nhiều luồng văn hoá đánh vào đất nước mình, nhưng các em chính là những người chiến sĩ kiên cường giữ gìn chuẩn mực văn hóa cho đất nước và cho thế giới này.       

Qua bài Pháp thoại đây, các em Tu sinh đã học tập được nhiều điều bổ ích từ lời Phật dạy để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, mang lại niềm an lạc cho bản thân và luôn ghi nhớ ngôi chùa là nơi đến của các em, những người tuổi trẻ nên biết về sự tu tập tâm linh sớm chừng nào thì càng lợi ích chừng nấy. Nếu được vậy, chính các em là người mở đường cho nhân loại đi lên thành một loài người mới./.   

Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận về toàn cảnh Khóa tu và buổi thuyết giảng của TT Thích Chân Quang tại Tu viện Bát Nhã dành cho thanh thiếu niên thuộc khóa tu mùa hè 2013 có chủ đề “Phật giáo và Tuổi trẻ”: