Trang chủ Tuổi trẻ TT. Chân Quang giảng chủ đề: Tuổi trẻ và sứ mệnh của...

TT. Chân Quang giảng chủ đề: Tuổi trẻ và sứ mệnh của Tổ quốc

71

Bài Pháp thoại đã đưa ra những tiêu chuẩn mới về một đất nước thông minh, giúp các em có cơ sở đánh giá được mức độ thông minh của đất nước mình. Đồng thời, chỉ rõ trách nhiệm của các em trong việc kế thừa, gìn giữ, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, cố gắng phấn đấu, sớm đưa Việt Nam trở thành nước thông minh hàng đầu thế giới.

Trước khi vào bài Pháp thoại, Thượng tọa bày tỏ sự hoan hỉ khi thấy các em đến tham gia khóa tu rất đông và nương nhờ ánh hào quang của Tam Bảo. Đây là sự báo đáp lại tấm lòng của quý thầy, quý sư cô. Mặc dù đang mùa an cư, theo truyền thống của Đức Phật, Chư Tăng Ni phải thúc liễm tu hành, nhưng vì thương các em nên chùa mới tổ chức các Khóa tu, giúp các em có nơi tu dưỡng đạo đức trong mùa hè. Tấm lòng của Ban Tổ Chức thật tuyệt vời.

Sau khi hỏi han về việc sinh hoạt, học tập của các em, Người bắt đầu bài Pháp bằng cách nhắc lại lịch sử dân tộc 100 năm về trước. Nhìn lại trong quá khứ, dân tộc ta đã đi qua nhiều cuộc kháng chiến, ta làm cả thế giới kinh ngạc khi chiến thắng cả hai đế quốc hùng mạnh là Pháp và Mỹ. Tuy nhiên ngày hôm nay ta đã thua một trận rất lớn, đó là thua trên cuộc cạnh tranh về kĩ thuật. 

Trong khi kĩ thuật của các nước láng giềng trong khu vực Châu Á phát triển quá nhanh chóng thì nhìn lại nước mình, ta thấy mình chưa chế tạo được chiếc máy nào tinh xảo đặc biệt cả. Giữa một thế giới đang tiến bộ từng ngày, đang ganh đua nhau từng ngày như thế này mà tất cả những sản phẩm công nghệ cao ta đều phải mua của nước khác chứ chưa chế tạo ra được – như vậy là thắng hay thua, là nhục hay vinh? 


Hôm nay Thượng tọa nhắc về nỗi nhục này để các em biết trách nhiệm mà mình phải gánh trên vai là gì, biết mình phải làm gì để nước mình trở thành một đất nước đạo đức, nghĩa tình, thông minh và đóng góp được cho sự hòa bình thịnh vượng của thế giới. Cái lý tưởng đó phải trở thành ngọn lửa cháy trong tim các em, để các em cả đời phấn đấu và truyền lại cho những thế hệ mai sau của mình. Ta đừng nghĩ đất nước này là của riêng mình, sự hội nhập thế giới đang lan tỏa rộng rãi, nên lớp trẻ Việt Nam bắt đầu phải có cái nhìn ra cả thế giới. Yêu nước thì phải làm cho đất nước vinh quang trên trường quốc tế, hay ta còn gọi là hội nhập và đóng góp cho thế giới này.

Mà để hội nhập, đóng góp cho thế giới thì nước ta phải giàu về kinh tế và giỏi về kĩ thuật trước đã. Đồng thời, cũng phải có đạo đức. Các khóa tu mùa hè mở ra là vì lí do này. Qua đó, quý thầy cô đã truyền trao cho các em một sức sống, một lí tưởng. Sau đó, nó trở thành ngọn lửa cháy mãi trong tim, thôi thúc các em phấn đấu để đưa đất nước tiến lên, trở thành nước giàu mạnh, có công nghệ cao, chế tạo được mọi thứ. Ta mơ ước kĩ thuật của nước mình phát triển đến mức ngày nào đó Việt Nam có thể chế tạo được phi thuyền bay lên đến tận sao Hỏa. Nghe thì có vẻ không tưởng nhưng nếu ta có trách nhiệm, có ước mơ, có sự trăn trở và biết nhục thì ngày nào đó ta sẽ làm được. 

Nhìn sang Hàn Quốc, chúng ta thấy họ có những sản phẩm công nghệ được cả thế giới thán phục, chẳng hạn chiếc xe Kia của Hàn Quốc được đánh giá là chiếc xe ít lỗi nhất thế giới, hay những con chip điện thoại trong Iphone của Mỹ cũng là do hãng Samsung của Hàn Quốc sản xuất. Trong khi 40 năm trước Hàn Quốc bằng Việt Nam, nhưng tại sao ngày nay họ lại phát triển vượt bậc như vậy? vì biết nhục. 


Hàn Quốc và Nhật Bản cách nhau một bờ biển nhỏ, bên kia bờ biển là một nước Nhật văn minh tiến bộ, con người đối xử với nhau tinh tế sâu sắc kĩ lưỡng, kĩ thuật cũng phát triển vô cùng. Người Hàn trăn trở tại sao người Nhật lại tiến bộ như vậy. Chính cái lòng yêu nước sôi sục và quyết tâm đưa đất nước mình lên, quả nhiên 40 năm sau Hàn Quốc đã gặt hái kết quả, những sản phẩm của Hàn đã có thể cạnh tranh với sản phẩm của Nhật, thậm chí còn hay hơn.

Ta tự hỏi rằng những đất nước Châu Á có gene cũng rất gần với mình nhưng tại sao họ lại tiến bộ như vậy? Bởi vì họ biết nhục, cái nhục đó đạo Phật gọi là biết “tàm, quý”, tức là biết xấu hổ với những điều mình còn kém dở. Cái nhục của Việt Nam là hơn 40 năm độc lập, thống nhất rồi mà vẫn chưa sáng chế được một chiếc ô tô.

Nói người Việt Nam không thông minh cũng không phải, vì nếu không thông minh thì làm sao ta lại giành được rất nhiều giải cao trong các cuộc thi Toán, Lý của thế giới? Không thông minh thì sao ta lại giành được độc lập, thống nhất như ngày hôm nay? So với các nước, chúng ta không thua về yếu tố con người, nhưng lại thua về yếu tố kinh tế và kĩ thuật. Cho nên, để đánh giá một cá nhân, một tổ chức, một doanh nghiệp, một quốc gia có thông minh hay không Thượng tọa đưa ra 7 nấc thang:          

+Thứ nhất là học giỏi

+ Thứ hai là thi giỏi

+Thứ ba là làm việc giỏi

+ Thứ tư là tạo ra sản phẩm giỏi

+ Thứ năm là bán sản phẩm giỏi

+ Thứ sáu là có chính sách hậu mãi, bảo hành tốt

+ Thứ bảy là khi sản phẩm không còn dùng được nữa thì thu hồi sản phẩm lại để tái chế tốt (một xã hội thông minh là một xã hội không có rác thải, không có thứ gì bị vứt đi cả)


Nhìn chung người Việt Nam chỉ đạt được hai mức độ ban đầu là học giỏi, thi giỏi. Bằng chứng là trong các cuộc thi tranh tài quốc tế, ta luôn đạt kết quả cao. Giáo sư Ngô Bảo Châu là một nhân chứng sống. Ông đạt giải toán học danh giá, ngang như giải Nobel Toán học, khiến cả thế giới phải trầm trồ, đánh giáo cao. Còn đến mức thứ ba là ta bắt đầu lúng túng (người Việt làm việc chưa giỏi), huống hồ đến bước thứ tư là ta trắng tay rồi. 

Tạo ra sản phẩm chưa giỏi thì đừng nói đến bán hàng giỏi, không ai mua hàng thì cũng không có chuyện bảo hành. Tất yếu, hàng sản xuất ra lại tồn kho vì không bán được. Minh chứng cho điều này là việc sáng chế, sản xuất Bphone của Bách Khoa. Khi bán ra thị trường, ngay lập tức nó bị chìm liền vì giá cao mà lại nhiều lỗi. Như vậy, ta thất bại ngay từ lúc ra quân. Đây là một nỗi nhục rất lớn của tất cả người Việt Nam, chứ không chỉ riêng người làm ra chiếc Bphone. Do đó, ta phải nhớ và giỏi 7 nấc này rồi giảng dạy lại cho bạn bè và các thế hệ sau mình cùng biết.

Ngày hôm nay nhiều quốc gia văn minh đã đạt được đến nấc thang thứ sáu (có chính sách hậu mãi tốt). Tuy nhiên chưa nước nào đạt được đến nấc thứ bảy, mà nếu bước được đến nấc thứ bảy này thì ta bước ngay đến nền văn minh của vũ trụ, tức là làm nên một hành tinh không có rác thải, tất cả những sản phẩm sau khi được sử dụng rồi đều được mang đi tái chế. Ở những hành tinh văn minh hơn ta họ đạt được mức độ thứ bảy này, không có gì trở thành rác thải cả.

Hôm nay dù nước mình chỉ mới ở nấc thứ hai, nhưng tại sao chúng ta lại nói đến tận nấc thứ bảy? Bởi ta muốn vạch ra hướng đi, vạch ra con đường để dân tộc ta từ từ đi tới. Chỉ sợ không có đường thôi, khi có đường rồi không sợ không đi được. Giờ chúng ta sẽ phân tích kĩ về từng nấc.

Thông qua phần hỏi đáp sôi nổi, Thượng tọa đã tổng hợp và rút gọn ý kiến của các em Khóa sinh để mọi người dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hành. 


– Đầu tiên là học giỏi. Để học giỏi thì đòi hỏi phải vừa thông minh, vừa chăm chỉ, không thể thiếu yếu tố nào cả. Về sự chăm chỉ thì nếu có ý chí ta sẽ đạt được, còn thông minh thì đến từ đâu? Trên thế giới không có phương pháp nào biến người ngu ngơ trở thành thông minh cả, bởi thông minh là yếu tố được quy định trong gene di truyền. Tuy nhiên trong đạo Phật có bí quyết làm cho con người trở nên thông minh hơn, đó là dựa vào Luật Nhân Quả. Hãy nhớ rằng sự thông minh là cái gì đó tự nhiên chứ không phải do sự cố gắng, ta chỉ cố gắng gieo nhân cho đúng, rồi thông minh sẽ tự thành tựu theo đúng nhân quả. 

Trong Luật Nhân Quả, ai từng ủng hộ, ca ngợi, thán phục người thông minh thì người đó sẽ trở nên thông minh hơn. Mà ai là người thông minh nhất thế giới để ta ca ngợi, thán phục, lễ kính? Đó là Đức Phật. Vì vậy khi lễ kính Phật với lòng thiết tha tôn kính là ta đang gieo cái nhân thông minh cho chính mình.  

Vì sao Đức Phật là người thông minh nhất thế giới? Bởi khi đã đắc đạo rồi thì trí tuệ của Ngài là tuyệt đối, trùm phủ khắp cả vũ trụ này. Nhưng khi chưa đắc đạo, lúc còn là thái tử thì Ngài đã học một biết trăm, biết nghìn. Khi ấy những giáo thọ sư được vua Tịnh Phạn mời đến dạy cho Thái tử đều rất đỗi kinh ngạc vì Thái tử khi được nghe giảng điều gì rồi là giảng lại, phân tích lại cho các giáo thọ sư nghe, sâu sắc kĩ lưỡng hơn gấp trăm nghìn lần. Phi thường như vậy. Nên khi ta ca ngợi, ủng hộ, kính trọng những người thông minh trí tuệ, nhất là lễ kính Phật thì tự nhiên trí tuệ của mình cũng dần dần sáng ra.

– Nấc thứ hai là thi giỏi. Ai cũng biết rằng muốn thi đạt kết quả cao thì phải học, tuy nhiên ông bà ta đã nói “học tài thi phận”, tức là luôn có những sự xui xẻo đột ngột làm ảnh hưởng đến kết quả thi cử. Nên đừng ai chủ quan cả, trước khi thi mặc dù ta chuẩn bị hết sức cẩn thận chu đáo nhưng cũng đừng quên yếu tố tâm linh, hãy thành tâm lễ Phật cầu sự gia hộ. 


– Nấc thứ ba vô cùng quan trọng, đó là làm việc giỏi. Sau khi thi đỗ, ra trường rồi thông thường ai cũng phải đi làm, chỉ trừ người thất nghiệp. Chúng ta tạm cắt ngang đây để nói về tình trạng thất nghiệp một chút. Hiện nay Việt Nam đang có khoảng hai mươi mấy nghìn cử nhân thất nghiệp, và nếu không khéo sau này chính các em cũng rơi vào hoàn cảnh này. Vậy làm sao tránh được, làm sao thoát khỏi cảnh thất nghiệp?

Điều gì trên đời cũng đều có cái nhân quả của nó, kể cả việc thất nghiệp. Trong nhân quả, những người lúc bé thường lười biếng tránh né việc nhà hoặc việc của trường lớp, không xông xáo, gánh vác thì sau này trời đất không giao việc cho nữa, tức là không có việc làm nữa. Cho nên nếu ai thuở bé đã lỡ gieo cái nhân không yêu quý công việc như thế rồi thì phải tạo lại cái nhân quả mới bằng cách siêng năng làm những việc công ích như đào mương, đắp đập, dọn vệ sinh môi trường, đắp đường, đến chùa công quả chấp tác, v.v… Người gieo cái nhân yêu việc làm như thế thì vài tháng, một năm sau sẽ tìm được việc. 

Khi có việc làm rồi ta mới bắt đầu thực hiện nấc thứ ba đó là làm việc giỏi. Đây là tương lai của các em, mà cũng là tương lai của đất nước, bởi nếu làm việc không giỏi thì ta kéo cả đất nước đi xuống. 

Khi được hỏi “làm sao để làm việc giỏi”, rất nhiều ý kiến được các em nêu ra, ý kiến nào cũng có điều đúng. Tuy nhiên, theo Thượng tọa, để làm việc giỏi thì khi làm xong điều nào rồi cũng hãy tự nhắc mình rằng “việc này mình còn có thể làm tốt hơn nữa”. Đó là bí quyết của cả thế giới về sự tiến bộ.

Ngoài ra, làm việc giỏi là làm cho chu đáo, tận tụy, có hiệu quả bất cứ công việc nào chứ không chăm chăm tìm việc mình thích rồi mới làm giỏi. Đã là đệ tử Phật thì phải làm việc gấp 10 người khác. Hơn nữa, đừng làm việc mình yêu mà phải yêu việc mình làm. Trời đất đưa ta vào hoàn cảnh nào thì ta đều cố gắng làm giỏi ngay hoàn cảnh đó, đừng có kén chọn. Ví dụ dù ta rất giỏi vi tính, nhưng nếu được phân công quét dọn nhà vệ sinh thì cũng phải làm rất chu đáo hiệu quả. Còn nói làm việc mình thích thì mới tâm huyết, có trách nhiệm, nhưng không phải lúc nào trời đất cũng giao cho ta việc mà ta thích. Nên tâm thế của ta là phải yêu thích công việc tới tay chứ đừng chọn lựa.


Hầu hết lớp trẻ khi ra trường tìm việc đều nghĩ đến đồng lương đầu tiên, nhưng chính điều đó khiến các em không làm việc giỏi được. Phải biết rằng lương là do nhân quả đem đến, còn ta cứ làm việc với tinh thần phụng sự cống hiến cao nhất, với cái lý tưởng xây dựng cho xã hội, cho thế giới này. Thực tế trên thế giới đã có rất nhiều người làm việc với tinh thần đó, từ những buổi đầu họ làm mà không tính đến đồng lương, vậy mà khi nhân quả đến rồi, họ trở nên giàu có, thành công vang dội. Còn buổi đầu làm việc chỉ tính đến tiền thì vĩnh viễn sẽ không bao giờ có thành công lớn. 

Sang nấc thang thứ 4 là sáng tạo ra sản phẩm giỏi. Lý do nào khiến người ta tạo ra sản phẩm tốt? Nước Đức có 80 triệu dân nhưng sở hữu 2300 thương hiệu kĩ thuật nổi tiếng thế giới, đây là con số mà không nước nào có được. Một vị Tổng giám đốc kĩ thuật lớn của Đức đã nói rằng: “Có được con số này là bởi vì chúng tôi làm việc với tinh thần rất cao, chúng tôi chăm chút đến từng chi tiết nhỏ mà không ai nghĩ ra được”. Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở các em học sinh phải khắc cốt ghi tâm câu trả lời này. Đây chính là lí do tai sao mà các sản phẩm của Đức luôn được ưa chuộng trên thế giới, cũng bởi họ đã quá tinh tế. Những cái lỗi mà không ai phát hiện được thì người Đức phát hiện được, nên khi mua sản phẩm của họ rồi thì ta không chê vào đâu được. 

Người Nhật cũng có sự tinh tế như vậy. Người sáng tạo ra chiếc xe Honda đầu tiên chế tạo ra chiếc máy nổ, khi gắn lên xe chạy được rồi, mắt thường thấy tốt rồi ông vẫn không vừa ý, bèn lấy kính hiển vi soi lên 1000 lần để phát hiện những cái lỗi còn ở trong đó và khắc phục. Cho đến ngày nay Honda đã trở thành hãng rất uy tín trong sản xuất xe máy, đến mức họ bắt đầu chế tạo ra máy bay luôn, cũng bởi vì sự kĩ lưỡng tinh tế ngay từ ban đầu như vậy. Mà thời gian tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm tốt thì không ai trả lương cả, không có gì đền đáp cả, đó quả là sự hi sinh vĩ đại. Nhờ vậy mới tạo ra sản phẩm cho thế giới này, rồi khi bán ra ai cũng phải mua. 

Chúng ta cũng vậy, các em phải làm việc giỏi, làm với tinh thần phụng sự, không kể đến đồng lương, làm với sự tinh tế kĩ lưỡng từng chút như thế thì mới sáng tạo ra sản phẩm tốt để bán cho mọi người. Còn nếu không có sản phẩm tốt thì nước ta sẽ mãi mãi là một nước nghèo nàn, ta mang nỗi nhục của một đất nước thông minh mà không có sản phẩm công nghệ cao nào bán cho thế giới. 

Do không đủ thời gian nên những nấc thang tiếp theo là bán hàng giỏi, bảo hành giỏi và tái chế giỏi thì các em sẽ tiếp tục được quý Thầy giảng dạy trong những buổi học sau.


Riêng nấc thứ bảy là thu hồi, tái chế Thượng tọa đặc biệt nhấn mạnh điều này, bởi đây là cái độc đáo, nếu làm tốt thì ta có thể vượt hơn các nước khác. Tuy nhiên, muốn đưa đất nước đi lên, phát triển bền vững thì phải bảo đảm là làm tốt được cả bảy nấc thang này.

Một lần nữa Thượng tọa nhắc nhở: tất cả các bước đi trong cuộc đời ta đều có yếu tố “phước” âm thầm chi phối phía sau, chính cái phước sẽ mang lại sự thành công, còn nếu thiếu phước thì dù có tài giỏi, thông minh cách mấy vẫn thất bại. Vì vậy khi về nơi mái chùa để được tu, được học về nhân quả tội phước, các em là những người rất may mắn, bởi nhờ đó mà suốt cuộc đời còn lại các em lúc nào cũng cố gắng gây tạo nhiều công đức lành. Mà công đức chính là yếu tố bí mật phía sau sẽ dẫn đường, nâng đỡ cho các em bước lên, thành công, mang lợi lạc đến cho cuộc đời này.

Tóm lại, bằng cách nêu vấn đề rồi để các em tự đưa ra ý kiến, quan điểm của mình, Thượng tọa đã tạo nên một buổi học hết sức sôi nổi, vui vẻ. Không chỉ giúp các em biết suy nghĩ, Người còn giúp các em tự tin hơn, dám đứng lên bày tỏ và bảo vệ quan điểm của mình. Đây là một lợi ích rất lớn mà các em tiếp thu được sau giờ học.


Thêm nữa, bài Pháp đã đưa ra một cái nhìn rất sâu sắc về đất nước Việt Nam cũng như thế giới trong tương lai. Thật khó có thể đạt được một bước tiến dài, đưa Việt Nam ngay lập tức từ một nước nông nghiệp nghèo lên thành nước phát triển, thông minh. Nhưng một ngày nào đó không xa, nước ta sẽ đạt được điều đó. Thượng tọa đã chân thành, gửi gắm trách nhiệm thiêng liêng này lên vai các em. Và người tin, chỉ cần cố gắng, chắc chắn các em sẽ làm được điều đó./.