Để giới thiệu Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 tại Bình Dương từ góc độ này, phóng viên Phattuvietnam.net đã có cuộc phỏng vấn Thượng tọa Bửu Chánh, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương. Thượng tọa là một vị tôn đức Phật giáo Nam Tông Kinh, có nhiều đóng góp trong hoạt động hoằng pháp của hệ phái này.
Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, xin TT cho biết một số suy nghĩ về Hội thảo Hoằng pháp năm 2011, từ quan điểm Phật giáo Nam tông Kinh?
TT Bửu Chánh: Tăng ni Phật tử Nam tông đều hoan hỷ hướng về Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 tổ chức tại Bình Dương.
Theo tôi, Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 là sự kiện đánh dấu thành quả liên tục mà Ban Hoằng pháp nhiệm kỳ hiện tại, trong chiều hướng đi lên thấy rõ.
Thành công của Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 sắp tới sẽ đặt toàn thể tăng ni Phật tử Việt Nam ở thế phải hướng về phía trước và ngày càng tinh tấn hơn nữa.
Khi đã có một hội thảo Hoằng pháp năm nay thành công rực rỡ, thì năm sau, khó mà không tổ chức một hội thảo hoằng pháp quy mô vượt trội hay ít ra là tương đương với Hội thảo Hoằng pháp năm nay.
Vì vậy, qua Hội thảo Hoằng pháp năm 2011, tôi nhận thấy một tương lai phát triển ngày càng mạnh mẽ của Ban Hoằng pháp Trung ương trong các năm sau.
Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 cũng là dịp chư tăng, tu nữ, Phật tử Nam tông gặp gỡ với quý tăng ni Phật tử Bắc tông trong hội trường hội thảo, trong các hoạt động hội thảo và sinh hoạt bên lề hội thảo.
Có thể nói, Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 này sẽ là một trận mưa pháp tạo thuận duyên cho hoạt động hoằng pháp đâm chồi nảy lộc thạnh mậu xanh tươi.
Một điều nữa mà chúng tôi muốn chia sẻ, là ở các nước Phật giáo Nam tông, nhà nước luôn luôn giữ vai trò hộ pháp, ủng hộ sự phát triển của Phật giáo. Tình huống đó, nay đã thấy ở Việt Nam, qua việc chính quyền tích cực ủng hộ các Phật sự, mà cụ thể là qua Hội thảo Hoằng pháp lần này. Tôi thành tâm tán thán công đức hộ pháp đó.
Phatuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, chư tăng, tu nữ và Phật tử Nam tông sẽ tham dự Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 ra sao?
TT Bửu Chánh: Số lượng chư vị tăng sĩ và tu nữ Phật giáo Nam tông tham dự Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 là khoảng 100 vị.
Số Phật tử tham dự theo các chùa Nam tông lớn là hơn 1000 vị. Ngoài ra còn một số đông đảo Phật tử, hoằng pháp viên tham dự theo đơn vị địa phương của Giáo hội.
Tại tỉnh Bình Dương, Phật giáo Nam tông có 2 chùa là chùa Thanh Long tại thị xã Thủ Dầu Một và chùa Kim Quang tại huyện Thuận An.
Chư tăng và Phật tử các chùa trên đang tích cực góp phần chuẩn bị hội thảo.
Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, hoạt động hoằng pháp Phật giáo Nam tông có các đặc điểm gì nổi bật và có thể chia sẻ kinh nghiệm gì tại Hội thảo Hoằng pháp năm 2011?
TT Bửu Chánh: Hoằng pháp là một hoạt động mà Phật giáo Nam tông hết sức chú trọng, mà cụ thể, là trong bất cứ cuộc lễ nào của Phật giáo Nam tông cũng đều có thuyết pháp, từ sám hối (ngày 14, 30 Âm lịch) lễ bái Tam bảo (thường vào ngày rằm, mồng một), trai tăng…
Tóm lại, có Phật tử tập họp về, dù ở chùa hay tại tư gia Phật tử, tôi đều tổ chức thuyết pháp trong nội dung nghi lễ ở mức 100%.
Tùy theo buổi lễ, mà thời lượng buổi thuyết pháp có thể từ 30 đến 90 phút.
Nếu không có thuyết pháp, thì bất cứ buổi lễ nào cũng đều mất hết phân nửa ý nghĩa.
Bởi vì được nghe thuyết pháp thường xuyên như vậy, cho nên Phật tử Nam tông, tuy ít, nhưng nắm giáo lý rất vững.
Nhiều Phật tử nói vui là đi chùa Nam tông thì phải “chịu” “nhồi nhét” thuyết pháp.
Chúng ta đều nhận thấy rằng người đi nhiều nhưng người nghe pháp chỉ có một phần nhỏ.
Vì vậy phấn đấu chúng tôi đề ra công thức để phấn đấu:
Người đi chùa = Người nghe pháp
Và các bước tiếp theo là từ đó nâng cao số Phật giáo hiểu pháp/nghe pháp, tu đúng pháp/hiểu pháp, tu có kết quả/tu đúng pháp.
Đây là một kinh nghiệm mà chúng tôi muốn chia sẻ.
Phattuvietnam.net: Bạch thượng tọa, thuyết pháp ở 100% các buổi lễ định kỳ và đột xuất như vậy phải chăng tất cả chư tăng Nam tông đều có khả năng thuyết pháp?
TT Bửu Chánh: Đây là mục tiêu hoằng pháp mà chư tăng Nam tông hướng đến nhưng thực tế chưa thể đạt được.
Tuy nhiên, hầu hết chư tăng trụ trì đều có khả năng thuyết pháp. Một chùa có hơn một vị có khả năng thuyết pháp thì vị thứ hai đó sẽ được phái đến những chùa khác khi có yêu cầu.
Trong các dịp lễ lớn, Phật giáo Nam tông cung thỉnh quý tôn đức trong đoàn giảng sư thuyết pháp trước đông đảo Phật tử, như các vị Hòa thượng Thiện Tâm, thượng tọa Viên Minh, Giác Chánh, Pháp Tông, Giới Đức, Bửu Chánh, Giác Giới, Thiện Nhân…, quý Đại đức Thiện Minh, Tuệ Quyền, Chánh Minh…
Trong những năm gần đây, Phật giáo Nam tông cũng đẩy mạnh việc phổ biến các chương trình thuyết pháp ghi hình, ghi tiếng.
Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, hướng phát triển hoằng pháp sắp tới của Phật giáo Nam tông là gì?
TT Bửu Chánh: Chúng tôi tham khảo rất kỹ kinh nghiệm hoằng pháp của chư tôn đức truyền đạt tại các hội thảo Hoằng pháp.
Yêu cầu hoằng pháp cho Phật tử vùng sâu vùng xa, chúng tôi xúc tiến nhiều kế hoạch. Chẳng hạn, xây dựng Thiền viện Thiện Minh đang xây dựng trên Cù Lao Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, chùa Phổ Quang tỉnh Đắc Lắc, chùa Tứ Phương Tăng tại Hớn Quản, tỉnh Bình Phước…
Đây không phải là ngôi chùa tịnh tu, mà trước hết là những trung tâm hoằng pháp địa phương.
Chúng tôi cũng đã xuất bản thành công tạp chí “Phật giáo Nguyên thủy”. Nhiều công trình nghiên cứu Phật học lớn đang được tiếp tục.
Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, truyền thống Phật giáo Nam tông rất coi trọng vị pháp sư, với pháp tòa rất trang nghiêm trong chính điện. Như thế, liệu khó khăn trong việc vận dụng tổ chức đội ngũ hoằng pháp viên cư sĩ, một hoạt động được các hội thảo hoằng pháp chú trọng đặc biệt?
TT Bửu Chánh: hoằng pháp viên, tức người cư sĩ đóng vai trò hoằng pháp, là một truyền thống của Phật giáo Nam tông.
Cụ Phạm Kim Khánh, vị cư sĩ với nhiều tác phẩm Phật học phiên dịch và biên soạn, hoạt động hoằng pháp đến hơi thở cuối cùng ở tuổi ngoài 90 là một ví dụ điển hình về hoằng pháp viên Nam tông, nói theo cách nói bây giờ.
Nhiều vị cư sĩ Phật giáo cũng hoạt động hoằng pháp như cụ Phạm Kim Khánh, khiến tủ sách Phật học Nam tông hiện giờ rất phong phú.
Trong sinh hoạt Phật học Nam tông còn có sinh hoạt cư sĩ luận đạo, thường được tổ chức trong các buổi phát nguyện đầu đà, thức trắng đêm. Ở đó, người cư sĩ cùng nhau nói về Phật pháp cho nhau nghe, là một hình thức hoằng pháp rất đặc trưng của Phật học Nam tông.
Vì vậy, việc nâng cao khả năng hoằng pháp của người cư sĩ, thông qua hoạt động tập huấn hoằng pháp viên tại Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 là hết sức cần thiết đối với người cư sĩ Phật giáo Nam tông.
Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, TT còn có điều gì muốn gửi gấm đến bạn đọc Phattuvietnam.net nhân Hội thảo Hoằng pháp năm 2011?
TT Bửu Chánh: Tôi muốn tâm sự về một thể nghiệm của riêng tôi trong hoạt động hoằng pháp và khá thành công. Đó là truyền đạt tư tưởng Phật học thông qua việc phân tích các tác phẩm văn học nghệ thuật mà mình yêu thích và khám phá chân lý đạo Phật được đề cập trong đó.
Theo cách như thế, tôi đã thuyết những bài pháp thông qua việc phân tích 2 bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là “Cát bụi” và “Một cõi đi về”, nhấn mạnh đến lẽ vô thường sinh diệt, được Phật tử thính pháp hoan nghênh.
Tôi đang chuẩn bị một bài giảng pháp thông qua tác phẩm “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”.
Mong rằng cách làm này có thể được quý tăng ni cư sĩ theo đuổi sự nghiệp hoằng pháp tham khảo và ứng dụng.
Tư tưởng đạo Phật là chân lý muôn đời của cuộc sống và có mặt ở khắp mọi nơi.
Hoằng pháp chính là phát hiện sự hiện diện vô cùng đó của tư tưởng Phật giáo.
Tôi cũng xin tâm sự đôi điều về trách nhiệm của người có tâm nguyện hoằng pháp.
Tôi là một bạn đọc thường xuyên của Phattuvietnam.net và qua trang web này tôi rất băn khoăn vì hiện tượng cải đạo tín đồ Phật giáo.
Tôi mong rằng những người có trách nhiệm hoằng pháp hãy cố gắng nhiều hơn nữa, làm việc gấp nhiều lần, chịu cực chịu khổ vì sự hưng thịnh của Phật pháp.
Trở về chùa sau Hội thảo Hoằng pháp lần này, người con Phật của chúng ta hãy hoằng pháp, hoằng pháp nhiều hơn, tích cực hơn nữa, có kết quả hơn nữa.
Phattuvietnam.net: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa về những suy nghĩ và lời chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Thượng tọa.
MT – NL