Chùa Đức Sơn được xây dựng từ năm 1968, tọa lạc trên ngọn đồi nhỏ ở thôn Cù Chánh, xã Thủy Bằng (huyện Hương Thủy), là nơi nuôi dưỡng 198 trẻ em khuyết tật, mồ côi.
Tình thương cảm hóa những số phận
5h30 ngày chủ nhật, chúng tôi cùng hai võ sư phân đường Nghĩa Dũng đến lớp võ trước cổng chùa Đức Sơn. Hơn 40 võ sinh nhí trong bộ võ phục Karatedo màu trắng đã xếp thành ba hàng ngang đứng khởi động. Những giọt mồ hôi lấm tấm rơi trên khuôn mặt những “tiểu thiên thần” nhỏ bé, xua tan cái lạnh của tiết trời mùa đông.
Luyện võ dưới tiếng chuông chùa buổi sớm. |
Năm 1992, trong một lần lên vãn chùa, cảm động trước những mảnh đời bất hạnh, võ sư Nguyễn Văn Dũng (trưởng phân đường Karatedo Nghĩa Dũng) nảy ý định dùng tinh thần võ thuật để “truyền lửa” cho các em vượt qua mặc cảm số phận. “Bên cạnh việc rèn luyện sức khỏe, võ thuật dạy các em nhân cách và ý chí của một người võ sĩ. Học võ để rèn đức, tu tâm”, thầy Dũng tâm sự.
Gần 20 năm trôi qua, dù nắng hay mưa, thầy Dũng và những học trò của mình cũng vượt hàng chục cây số đến truyền dạy những bài quyền thế cước cho trẻ em chùa Đức Sơn.
Nhớ lại ngày đầu mở lớp, sư cô Minh Tú cảm động: “Lớp võ chỉ vẻn vẹn 10 em, ai cũng gầy gò, ốm yếu và ngại tiếp xúc với người lạ. Thầy Dũng và tôi phải đến từng phòng động viên, nhắc nhở các em kiên trì tập luyện. Hơn một tháng sau, các em mới quen dần với kỷ luật và chế độ luyện tập”.
Những trận đấu của các “nữ võ sĩ” cũng không kém phần gay cấn, quyết liệt. |
Không có sân tập và võ phục, các sư cô tận dụng những mảnh vải thừa, vải chế cặm cụi khâu vá áo quần suốt đêm. Mảnh đất nhỏ trước cổng chùa trở thành “xới võ” cho các em luyện tập. Gian khổ là thế, nhưng thầy trò vẫn quyết tâm vượt qua và số lượng võ sinh cứ tăng dần theo thời gian.
Vừa trải qua một trận “quyết đấu”, Ngô Thiện Bảo Chân (8 tuổi) hào hứng khoe: “Học võ vui lắm! Tụi em được lên sàn thi đấu, được biểu diễn quyền. Em sắp thi lên đai xanh rồi đấy”. Bảo Châu mồ côi cha mẹ từ thuở lọt lòng, em được các sư nhặt về dưới gốc cây Bồ Đề trước cửa chùa. Thể trạng yếu lại mắc chứng teo cơ bẩm sinh nên Bảo Châu thường xuyên phải ngồi ngoài “chiếu tập”.
Những trận đấu giữa các “võ sĩ nhí” luôn gay cấn và quyết liệt chẳng kém những bậc đàn anh. Thiện Hà, nữ “võ sĩ nhí” thích thú: “Em không sợ tụi con trai bắt nạt nữa. Các thầy dạy em cách tự vệ và phản công khi bị ức hiếp”. Dù chỉ mới học võ chưa được hai tuần nhưng Thiện Châu vẫn hăng hái lên biểu diễn bài quyền nhập môn cho chúng tôi xem.
Phút thăng hoa của những “đấu sĩ” trên võ đài. |
Đôi mắt đầy cương nghị và có hồn khiến những thế quyền thêm phần dũng mãnh. Thiện Châu sinh ra trong một gia đình người Vân Kiều ở miền tây Thừa Thiên Huế, mẹ mất, cha bỏ đi biệt xứ, một mình em trôi dạt về thành phố. Trong một lần lang thang xin ăn nơi cửa chùa, Thiện Châu được sư cô Minh Tú nhận về nuôi dưỡng. Hiện em đang học lớp 3 trường tiểu học Thủy Bằng.
Lên đây từ những ngày đầu mở lớp, võ sư Nguyễn Trí tâm sự: “Trước khi vào đây, phần lớn các em bị nhiễm phải những thói hư tật xấu bên ngoài. Nhiều em cũng từng là đàn anh, đàn chị trộm cắp khét tiếng. Chúng tôi phải dạy bảo, khuyên răn rồi áp dụng nội quy, kỷ luật để các em dần từ bỏ cái xấu”.
“Bảo mẫu” của 198 cô nhi
Không chỉ dạy võ cho các em, những thầy cô võ đường Nghĩa Dũng còn là “bảo mẫu” của 198 cô nhi trong chùa. “Từ những ngày đầu mở lớp, mỗi tháng, võ sinh ở tất cả các câu lạc bộ của phân đường Nghĩa Dũng đóng góp từ một đến hai lon gạo, tập trung lại cũng được 300 kg đến 400 kg, đỡ đần nhà chùa nuôi dưỡng các em”. Thầy Dũng cho biết.
“Bảo mẫu” của những tiểu thiên thần. |
Vào những ngày mưa bão, các anh huấn luyện viên tổ chức góp tiền mua mì tôm, gạo, áo quần…, không ngại đường sá xa xôi, lụt lội mang đến cho các em, giúp các sư chằng chống nhà cửa. Các anh thực sự trở thành những người cha, người anh thân thiết của các em nhỏ.
Trận lụt lịch sử năm 1999, nước to và lên cao đến nỗi lực lượng cứu trợ của võ đường cũng không thể tiếp cận chùa. Sư cô Minh Tú kể lại, “nhờ học võ mà trận lụt này chẳng có em nào ốm đau gì cả, lại còn mang vác gạo giúp các sư”.
Từ dưới mái chùa này, nhiều thế hệ cô nhi đã lớn lên mạnh khỏe và đang theo học ở các ĐH, CĐ. Hành trang vào đời của các em luôn mang theo tinh thần “võ đức” và tình thương của những người thầy, người mẹ.