Bạn đọc Trúc Pháp Đăng, trong phản hồi bài “Năm câu hỏi nêu ra với tác giả Minh Mẫn về số lượng tín đồ PGVN” có trách tôi im lặng trước câu hỏi của một số bạn đọc.
Tôi rất quan tâm đến các câu hỏi của bạn đọc và trả lời dưới nhiều hình thức: dạng một bài viết riêng biệt, một câu hỏi được trả lời trong nhiều bài viết, một bài viết trả lời chung nhiều câu hỏi… Xin quý bạn đọc chú ý điều này, dù không nhắc lại câu hỏi.
Với bài viết này, tôi xin đề cập đến vấn đề mà bạn đọc, xin tạm bỏ dấu là Nguyễn Trần Nguyên Uyên nêu ra, là tôi “lỡ lời” trong trường hợp “từng yêu cầu tất cả các chùa nên phóng to “tấm ảnh chụp nào đó” để treo lên lấy “điểm” vậy”.
Tôi nghĩ là qua nhiều phản hồi trao đổi ý kiến với nhau phía dưới bài viết liên hệ nói ở trên, nhiều bạn đọc đã hiểu được ý tôi muốn nói. Tuy vậy, rất tiếc, bạn đọc Nguyễn Trần Uyên Nguyên chưa hiểu. Vì vậy, tôi phải xác định lại.
Rằng tôi không hề lỡ lời. Và dưới đây là lời giải thích bổ sung của tôi.
Trong bài “Ý nghĩa của việc Tổng Bí thư chúc tết Đức Pháp chủ” tôi không những đề nghị phóng ảnh và phổ biến ảnh chụp sự kiện nói trên đến các chùa, mà còn đề nghị “Ban ngành có trách nhiệm của Giáo hội tổ chức biên tập xuất bản bộ sách ảnh về các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong quan hệ với Phật giáo (gồm cả quý vị tiền nhiệm). Bộ sách này sưu tập ảnh những cuộc gặp gỡ, thăm viếng của những nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước trong những năm qua. Sự kiện ông Tổng Bí thư thăm và chúc tết Đức Pháp chủ phải là một điểm nhấn đặc biệt.
Các ban ngành có trách nhiệm của Giáo hội trích tuyển hình ảnh từ bộ sách nói trên xuất bản một bộ ảnh triễn lãm khổ lớn, tương tự với những bộ ảnh triển lãm, do Nhà xuất bản Thông tấn, trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam, xuất bản nhằm mục tiêu trưng bày”.
Bạn đọc Nguyễn Trần Uyên Nguyên không hiểu đây là thiết kế một hoạt động truyền thông. Nay tôi xin giải thích thêm: làm như thế không phải để “lấy điểm” và tôi đã giải thích rõ trong bài trên, “không phải “nịnh” nhà nước”.
Đối tượng của hoạt động truyền thông này không phải chỉ là Tăng Ni Phật tử và tập trung vào cán bộ lãnh đạo nhà nước cấp tỉnh thành phố thuộc trung ương, cấp huyện cấp phường xã thị trấn.
Một trong những mục tiêu cơ bản và trước mắt của kế hoạch truyền thông này là phát tín hiệu đến các vị lãnh đạo địa phương (tỉnh, thành, quận, huyện, phường xã…) cho thấy khi cấp trên, trung ương, ông Tổng Bí thư đã đến thăm Đức Pháp chủ, ông Chủ tịch nước thăm Chủ tịch Hội đồng Trị sự…, thì theo hình mẫu đó, các cấp địa phương nên:
– Lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố thăm chùa Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.
– Lãnh đạo cấp quận, huyện thành phố thuộc tỉnh thăm chùa Ban trị sự Phật giáo quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh.
– Lãnh đạo phường, xã thăm các chùa ở địa phương mình.
Việc thăm viếng như vậy là điều lợi ích cho Phật giáo, làm tốt đẹp hợn, sâu sắc hơn, gần gũi hơn quan hệ giữa đôi bên. Và như thế, tạo thuận lợi cho Phật giáo trong việc hành đạo, hoằng pháp. Quan hệ tốt với chính quyền địa phương là chắc chăn 100% thuận lợi.
Hiện nay, hoạt động truyền thông được thiết kế như trên chưa được triển khai, nhiều lãnh đạo địa phương chưa thăm Ban Trị sự Phật giáo cấp tương ứng theo hình mẫu các cuộc viếng thăm của ông Tổng Bí thư, ông chủ tịch nước…
Đó là điều đáng tiếc cho Phật giáo chúng ta, đương nhiên không mang lại những thuận lợi tương ứng đối với các cấp Phật giáo.
Trả lời câu hỏi của bạn đọc, cũng là dịp chúng tôi nhắc lại kế hoạch truyền thông này, mong rằng nó được thực hiện.
Những chuyến thăm viếng trọng thị Phật giáo từ lãnh đạo các cấp, quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo với chính quyền, sự vun đắp tình cảm hai bên với nhau, đương nhiên trước hết có lợi cho Phật giáo, có lợi cho việc hóa đạo, hoằng pháp, có lợi cho việc mở rộng hoạt động Phật sự tại địa phương. Tôi không hiểu là tại sao có bạn đọc không tán thành, bác bỏ kế hoạch truyền thông với mục tiêu có lợi cho Phật giáo như vậy, coi là “lỡ lời”?.
Là người Phật tử thành tâm vì Đạo pháp, chúng ta hãy tìm mọi cách thức để thúc đẩy quốc vương, đại thần, tể quan… đến với Phật pháp.
Nếu có một vị lãnh đạo địa phương nào đó đến chùa không phải là để thăm viếng thân hữu như ông Tổng Bí thư, ông Chủ tịch nước đã làm, mà với ý khác, thì khi thấy hình ảnh ông Tổng Bí thư thăm tết Đức Pháp chủ, nguyên Chủ tịch nước thăm vấn an Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự và lễ Phật thành kính, thì đương nhiên họ cũng phải có sự ngần ngại, xem lại, cân nhắc, thay đổi. Đó chỉ là một trong những mục tiêu của kế hoạch truyền thông này.
Theo tôi là nên trưng bày cả ảnh các vị Chủ tịch nước qua các nhiệm kỳ khi thăm chùa đều lễ Phật, thì quý vị cán bộ lãnh đạo địa phương khi đến chùa cũng nên thắp hương lễ Phật, theo hình mẫu cách làm của vị Chủ tịch nước.
Trong truyền thông, có những lúc không thể dùng lời nói, dùng văn bản đề nghị, mà hình ảnh có thể gửi gấm rất nhiều tín hiệu. Hình ảnh có thể đóng vai trò một bức thông điệp trực quan, “thay lời muốn nói”.
Giải thích đến mức như vậy chắc chắn bạn đọc Nguyễn Trần Nguyên Uyên không thể không hiểu?
MT