Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Truyền thông Phật giáo & Tái khởi động công cuộc chấn hưng...

Truyền thông Phật giáo & Tái khởi động công cuộc chấn hưng Phật giáo

98

Tôi viết bài này từ cương vị một bạn đọc thường xuyên của Phattuvietnam.net, ghi nhận những tiềm năng của trang web, để phục vụ một tiến trình, mà chúng tôi cho rằng hiện nay vẫn phải tiếp tục, và hơn nữa, cần được thúc đẩy mạnh mẽ, đó là chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Bài viết tập trung vào 2 vấn đề chính: sự đóng góp của báo chí đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo trong lịch sử, liên hệ đến vai trò của Phattuvietnam.net hiện nay và tìm hiểu xem hiện nay việc chấn hưng Phật giáo có còn cần thiết đối với Phật giáo Việt Nam.

 1   Sự đóng góp của báo chí đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong lịch sử

Báo chí Phật giáo nói riêng, truyền thông Phật giáo nói chung đã có một vai trò quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Nói riêng truyền thông bên cạnh báo chí là nói thêm đến việc xuất bản sách và tổ chức diễn giảng. Lúc đó, đầu thế kỷ XX các phương tiện truyền thông vẫn còn rất hạn chế.

Chấn hưng Phật giáo Việt Nam (đầu thế kỷ XX) là một cuộc vận động, một phong trào mang tính chất thúc đẩy, cổ động, việc tự nguyện, tự giác rất cao. Vì vậy, cần đến báo chí là điều đương nhiên, ắt phải.

Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX xuất phát từ chủ yếu giới tăng sĩ trẻ, giới cư sĩ trí thức, Phật tử công chức, quan lại. Đó không phải là một tiến trình mang tính chất mệnh lệnh do từ trên chỉ đạo xuống, các bậc tôn đức trưởng thượng phần lớn chỉ giữ vai trò chứng minh. Hơn nữa, tổ chức của Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX chỉ là tổ chức sơn môn. Các sơn môn có quan hệ với nhau, nhưng hoạt động tách biệt, độc lập, không có một sự chỉ đạo chung, thống nhất. Vì vậy, không thể nào có được một mệnh lệnh từ trên xuống.

Do là cuộc vận động từ dưới lên, nên nó không thể không cần đến báo chí. Bên cạnh tính chất tự nguyện tự giác, chiều vận động từ dưới lên cũng là một yếu tố quan trọng xác định vai trò quan trọng của báo chí trong công cuộc chấn hưng Phật giáo lúc đó.

Lịch sử công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam cho thấy công cuộc vận động chấn hưng Phật giáo đã được thể hiện bằng 2 kênh phương tiện: báo chí truyền thông và gặp gỡ vận động trực tiếp giữa chư liệt vị tôn đức và cư sĩ. Không thể nói phương tiện vận động nào là quan trọng hơn, nhưng điều chắc chắn là nếu không có sự đóng góp của báo chí Phật giáo, thì chắc chắn công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ XX đã không thể có được những kết quả lịch sử như chúng ta đã thấy.

Báo chí Phật giáo Việt Nam vừa là phương tiện thúc đẩy công cuộc chấn hưng Phật giáo, vừa lại là kết quả của công cuộc chấn hưng Phật giáo. Công cuộc chấn hưng Phật giáo càng được thúc đẩy mạnh mẽ, thì báo chí Phật giáo Việt Nam càng khởi sắc. Từ đó, báo chí Phật giáo Việt Nam lại càng tác động có kết quả hơn đến cuộc vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Tác động vòng tròn liên hoàn cứ như thế càng ngày càng làm cho Phật giáo Việt Nam phát triển.

Đi vào cụ thể, lịch sử chấn hưng Phật giáo Việt Nam gắn liền với những tờ báo Phật giáo và có liên hệ đến Phật giáo đương thời như Đuốc Tuệ, Viên âm, Khai hóa, Đông Pháp

Chuyên luận Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954), tác giả Lê Tâm Đắc, nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 2012, có đoạn viết về xu hướng vận động chấn hưng Phật giáo trên báo chí như sau:

“…Thích Tâm Lai có lẽ không phải là người đầu tiên có ý tưởng phải chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, việc vận động chấn hưng Phật giáo trên báo chí tạo thành một làn sóng dư luận rộng khắp cả nước, thì vị thanh niên tăng này là một trong những người tiên phong.

Đầu năm 1972, nhân xuống Hải Phòng thăm một số thiện tín ủng hộ việc tu tạo chùa Hang (Tiên Lữ Động Tự, làng An Thái, đồn điền Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) nơi ông đang trụ trì, biết chuyện đạo Cao Đài đã lan tới Hải Phòng (?!), đặc biệt được đọc bài Nên chấn hưng Phật giáo nước nhà của Nguyễn Mục Tiên trên Đông Pháp Thời Báo, số 529, ngày 5 -1-1927, sư Tâm Lai (trên mặt báo thường lấy bút danh là Tỷ khiêu tự Lai) đã “cảm động muốn phát phẫn” và khởi xướng một chương trình chấn hưng Phật giáo.

Chương trình chấn hưng Phật giáo mà Thích Tâm Lai đề xướng chủ yếu được đăng tải trên Khai hóa Nhật Báo trong năm 1927, nhất là trong sáu tháng đầu năm. Chương trình chấn hưng Phật giáo được ông cải sửa, bổ sung nhiều lần. Khởi đầu, chương trình chỉ gồm 3 điểm: lập đàn giảng trong các chùa, mở trường Sơ học Yếu lược và Trường Sơ đẳng Tiểu học bên cạnh các chùa, lập nhà nuôi kẻ khó và nhà bảo cô bên cạnh các chùa.

Sau khi được đọc bài viết của Thích Thiện Chiếu (ở miền Nam) đăng trên báo Đông Pháp, số 533, ngày 14-1-1927, trong đó chỉ rõ nguyên nhân sự suy vi của Phật giáo Việt Nam và đề ra chương trình chấn hưng ba điểm (lập Phật học Báo quán để truyền bá Phật lý, lập Phật Gia công Học hội để đào tạo những nhà truyền giáo đứng đắn, dịch kinh Phật ra chữ quốc ngữ để Phật giáo Việt Nam không bị thất nguyên), Thích Tâm Lai đã rất phấn khởi và cho rằng “chấn hưng thì cùng một ý, có cái thủ tục thì hơi khác”, từ đó ông đề ra chương trình chấn hưng Phật giáo mới với bảy điểm: năm điểm vốn được chia tách từ chương trình cũ, chỉ thêm hai điểm mới là lập thư viện trong các chùa và lập nhà phát thuốc bên trong hoặc bên cạnh các chùa”.

Các tài liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam liên hệ đến công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam đều nói đến làn sóng vận động khởi phát và liên hệ kéo dài trên báo chí, với nhiều bài báo, nhiều cuộc trao đổi ý kiến, thậm chí tranh luận. Cụm từ dùng trong những công trình nghiên cứu về sau là “làn sóng dư luận”.

      Công cuộc Chấn hưng Phật giáo có còn cần thiết phải tiếp tục?

Theo tôi, đây là một vấn đề mà bạn đọc có thể thảo luận trên báo chí, các trang mạng Phật giáo. Đối với Phattuvietnam.net việc hình thành một cuộc thảo luận rộng rãi như vậy sẽ là một đóng góp của trang mạng đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở miền Bắc, được coi là chấm dứt vào năm 1954 và ở miền Nam vào năm 1975 (xem Lê Tâm Đắc: Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954, nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 2012)).

Công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam không phải tự chấm dứt vì đã đạt mục tiêu đã được đề ra, mà chấm dứt vì hoàn cảnh lịch sử liên hệ. Công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam là một quá trình đang vận hành dang dở, trong đó có nhiều mục tiêu chưa thực hiện được, có nhiều mục tiêu chỉ mới đạt kết quả một phần.

Trong số những kết quả mà công cuộc chấn hưng Phật giáo đạt được, cũng có nhiều kết quả chưa triệt để, chưa vững chắc, có thể suy giảm tác động theo thời gian, có thể bị đảo ngược… Đây là những vấn đề mà bạn đọc có thể trình bày quan điểm của mình trong những bài viết, ý kiến phản hồi. Chúng ta cần cả những đúc kết về mặt lý luận lẫn những dẫn chứng cụ thể, đi vào chi tiết từng trường hợp một, với một loạt bài viết, ý kiến.

Do vậy, ở bài viết này, chúng tôi chỉ dừng lại ở thực tế chấn hưng Phật giáo là một quá trình dang dở, gián đoạn vì các nguyên nhân khách quan, còn nhiều mục tiêu chưa đạt được, cần phải được tiếp tục.

Nhận định như trên có tác dụng như một gợi ý đề dẫn, mà điều hướng đến, là những bài viết, những ý kiến về vấn đề này, để nhằm tạo nên một “làn sóng dư luận” mới đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo hiện đại. Do đó, sự ngắn gọn và sơ lược ở đây có tác động dành chỗ và chờ đợi ở rộng rãi bạn đọc.

Một trong những tài liệu đề nghị chúng ta cùng đọc lại để từ đó có ý kiến về vấn đề này là quyển 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Sài Gòn, 1970. Sách này, theo chỗ chúng tôi biết, có trên thư viện trực tuyến Hoa sen.

3)    Vai trò của trang tin Phattuvietnam.net

Nếu chúng ta hy vọng về một “làn sóng dư luận” mới đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam hiện đại, thì đương nhiên chúng ta phải hướng đến một trang thông tin có nhiều bạn đọc truy cập như Phattuvietnam.net.

Muốn nối tiếp sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, tái khởi động tiến trình chấn hưng Phật giáo Việt Nam, thì đều cần đến tất cả các cơ quan truyền thông Phật giáo.

Phattuvietnam.net có thuận duyên trước hết là một diễn đàn Phật giáo rộng rãi, tự do. Vì thế, nhu cầu chấn hưng Phật giáo hiện đại có thể được ghi nhận, trình bày toàn diện, đa dạng, nhiều chiều. Đặc biệt, có thể mạnh dạn đi vào việc phản ánh thực trạng những  vấn đề của Phật giáo Việt Nam hiện nay, thậm chí ở từng trường hợp cụ thể.

Thực tế, Phattuvietnam.net đã làm được điều này. Chỉ có điều là chưa xác định tập trung cao độ vào mục tiêu chấn hưng Phật giáo (trang tin Phattuvietnam.net đã có tiểu mục “Chấn hưng Phật giáo”). Nay chỉ cần tập trung hơn, đưa vấn đề lên một tầm cao mới, khái quát hơn, rộng rãi hơn, có chiều sâu hơn.

Nhờ vào sức lan tỏa mạnh mẽ, số lượng bạn đọc đông đảo, nếu chúng ta cố gắng hơn nữa thì việc hình thành một làn sóng dư luận cho công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam hiện đại là điều có thể nghĩ đến.

So với những phương tiện mà liệt vị tiền bối hữu công trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo Việt Nam, thì ngày nay chúng ta có dồi dào phương tiện hơn, và phương tiện có được có tác động mạnh mẽ hơn rất nhiều. Vấn đề chỉ cần tiếng nói đồng lòng của Tăng Ni Phật tử.

Chúng ta vẫn làm như liệt vị tiền bối hữu công chấn hưng Phật giáo Việt Nam đã làm, là đi từ vận động báo chí, trước hết tạo nên “làn sóng dư luận”. Đầu tiên là cùng nhau xác định đâu là những mục tiêu còn dang dở của công cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ trước, để từ đó, chúng ta tiếp tục sự nghiệp chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn mới, với những mục tiêu rõ ràng, cụ thể.

Phattuvietnam.net là trang tin có thể nói đã có những thông tin mang tính chất báo động nhiều hơn cả về hiện tình của Phật giáo trong nước, Phật giáo thế giới hiện nay. Đây là điều cần thiết, vì thấy có suy vong, thì mới thấy cần chấn hưng. Nếu không có vấn đề suy thoái thì nói chuyện chấn hưng cũng bằng thừa. Liệt vị tiền bối hữu công chấn hưng Phật giáo Việt Nam cũng xuất phát từ hiện trạng Phật giáo Việt Nam suy thoái cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX để giương lên ngọn cờ chấn hưng. Một bước đi như vậy là cần thiết, mà đòi hỏi bắt buộc là nói thật, nói đúng, nói chánh ngữ.

Chúng tôi nghĩ rằng, với Phattuvietnam.net, chúng ta đã sẵn sàng trong tay một phương tiện tốt. Điều còn lại là đóng góp của tất cả quý vị Tăng Ni Phật tử thao thức vì tiền đồ Phật giáo Việt Nam.

 MT