Trang chủ Thời đại Truyền thông Truyền thông hiện đại góp phần vì một đạo Phật không khoảng...

Truyền thông hiện đại góp phần vì một đạo Phật không khoảng cách

77

Vấn  đề “cục bộ hóa Phật giáo”

Tiến trình cục bộ hóa Phật giáo có thể nói là bắt đầu từ sự phân chia các bộ phái Phật giáo, sau đó là sự phân chia các tông phái.

Tự thân sự phân chia Phật giáo thành những bộ phái, tông phái không thể coi là tiến trình cục bộ hóa. Nhưng sự khép kín cô lập, thậm chí là phát sinh mâu thuẫn giữa các bộ phái, tông phái có thể coi là tiến trình “cục bộ hóa”.

Cụm từ  cục bộ hóa không có nghĩa là chia rẽ, phân ly, mà được dùng theo cách hiểu sự cô lập giữa các đơn vị cơ sở với đơn vị cấp cao hơn cấp cơ sở, và giữa những đơn vị cơ sở với nhau.

Ở Việt Nam “cục bộ hóa” diễn tiến từ tông phái, hệ phái…, rồi đến tổ đình, chùa, đạo tràng, chúng… Cấp thấp nhất của diễn tiến “cục bộ hóa” Phật giáo ở Việt Nam, theo chúng tôi là cấp “bổn sư”.

Mỗi tăng ni, có thể cùng tu học dưới một mái chùa, hình thành chung quanh mình một số bổn đạo. Nhóm bổn đạo đó chỉ biết bổn sư mình, theo bổn sư mình mà thôi.

Các cấp cao hơn là cấp chúng (nhiều chúng trong một chùa), rồi cấp chùa. Phật tử chùa nào chỉ biết tu học theo chùa đó, hình thành một nhóm bổn đạo chùa khép kín, tách biệt. Thỉnh thoảng, nhóm bổn đạo chùa đó có thể đi chùa khác, nhưng chỉ là thăm viếng, hành hương, quan hệ như những đơn vị tách rời nhau.

Khoảng cách giữa những đơn vị cục bộ như vậy là  rất lớn.

Không cần bàn luận nhiều, đó rõ ràng là điều không hay cho Phật giáo.

Khi hỏi thăm  được biết một người nào đó là Phật tử, câu hỏi tiếp theo đó sẽ là “Phật tử chùa nào?”. Chú ý, “Phật tử”, chứ không phải “theo đạo Phật”, vì “theo đạo Phật” được hiểu là một năm đi chùa đốt nhang vài lần, vào dịp tết, Vu lan chẳng hạn, không tu tập, hành trì gì cả!

Phật tử  “chùa nào?”, “thầy nào”, tại sau phải như vậy? Kết quả là chúng ta có một đạo Phật Việt Nam như đã có.

Phật tử  mỗi chùa tu một kiểu, ngày càng có tính chất  “phân cực”. Điều đáng nói là không hiếm trường hợp chùa này bất đồng chùa kia, Phật tử chùa này, thầy này có ý kiến tiêu cực về chùa kia, thầy kia.

Người ta còn cố làm cho khoảng cách của các đơn vị  “cục bộ” đó rõ nét hơn bằng huy hiệu riêng từng chúng, đồng phục riêng từng đạo tràng, nghi thức riêng từng chùa.

Có nơi người ta thay đổi cả màu áo lam và áo tràng, bằng một kiểu áo có màu khác, thoạt nhìn tưởng là một tôn giáo mới, hay “tôn giáo bạn” nào đó.

Khi Phật tử trong những đơn vị đó nói chuyện với nhau, thì chỉ nói về pháp môn của chùa, của chúng, của đạo tràng, của bổn sư, còn các pháp môn khác thì không đề cập đến, hay có nhắc đến thì coi là sơ cơ, hạ cấp, không đáng quan tâm.

Hiện nay,tiến trình cục bộ hóa đó vẫn đang phát triển, dù ý thức ngăn chặn, hóa giải nó cũng có. Tăng ni, Phật tử có trách nhiệm, thao thức với tiền đồ Phật giáo tất nhiên là không tán thành.

Đại đa số chư tôn đức chắc chắn cũng không muốn thấy Phật giáo tại Việt Nam phát triển theo hướng cục bộ hóa như vậy (ở đây chỉ giới hạn khái niệm cục bộ hóa ở pháp tu, không đề cập đến vấn đề tổ chức).

Truyền thông hiện đại góp phần vào tiến trình giải cục bộ hóa

Sự phát triển của kỹ thuật truyền thông hiện đại đã thu nhỏ trái đất lại thành một ngôi làng. Truyền thông đã xóa nhòa mọi thứ biên giới. Không còn biên giới sóng truyền hình, sóng phát thanh…. Internet là mạng toàn cầu. Phát thanh truyền hình đã là phát thanh truyền hình toàn cầu (chẳng hạn ở Mỹ có thể xem chương trình Đài Truyền hình Việt Nam phát qua vệ tinh, nghe đài Tiếng nói Việt Nam, các đài địa phương ở Việt Nam qua mạng internet không cần tiếp vận, tiếp sóng mặt đất gì cả).

Ngày nay, báo in cũng không phải chuyên chở đến các địa phương để phát hành. Một tờ báo trong nước có thể có bản in ở các thành phố châu Âu, bản in ở các thành phố Bắc Mỹ. Người đi siêu thị có thể lựa chọn in tờ báo mình muốn có ngay tại các máy in tự động.

Nếu như  truyền thông hiện đại có thể xây dựng một thế giới mới không khoảng cách, thì việc thúc  đẩy ứng dụng truyền thông hiện đại cũng có thể góp phần xây dựng một đạo Phật toàn cầu, một đạo Phật không khoảng cách , không còn ranh giới cục bộ, bất chấp một số ít người vẫn còn muốn giữ gìn và tạo ra những khoảng cách, những ranh giới giữa các tông môn, hệ phái, chùa, chúng hay đạo tràng…

Chẳng hạn, đối với người viết bài này, từ nhỏ, qua các tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, vẫn hình dung “Lạt ma giáo” là một tôn giáo riêng biệt, chỉ phần nào ảnh hưởng Phật giáo. Còn các tu sĩ Lạt ma giáo vừa có võ thuật, vừa có pháp thuật bí ẩn, ngang dọc giang hồ như những nhà sư Thiếu Lâm. Ngộ nhận đó đã bị tức thì vứt bỏ khi chúng tôi tiếp xúc với Phật giáo Tây Tạng qua những trang web tiếng Anh có video, mà chủ trì là những nhà sư Tây Tạng. Và tôi, cũng như nhiều người khác, qua những trang web đó, có thể tiếp xúc, học hỏi, tu tập hành trì theo Phật giáo Tây Tạng, dù chưa một lần diện kiến một nhà sư Tây Tạng nào cả. Ranh giới ngăn cách giữa một Phật tử Việt Nam và Phật giáo Tây Tạng hầu như đã xóa bỏ.

Chúng tôi cũng được biết là tại Việt Nam có rất nhiều Phật tử tu tại gia qua trang web, hành trì theo những pháp môn của Làng Mai (thậm chí “thọ giới” qua điện thoại hay qua webcam), sinh hoạt như một Phật tử của Làng Mai.

Nếu hoạt  động khai thác các phương tiện truyền thông hiện  đại ứng dụng đều khắp ở tất cả các tu viện, tự viện, các đạo tràng, các chúng…, việc tận dụng các phương tiện truyền thông cổ điển như sách in, báo in được đẩy mạnh, thì nó có tác dụng tương hỗ lẫn nhau, tạo ra một không gian Phật giáo hoàn toàn mới.

Truyền thông sẽ phá vỡ hàng rào ngăn cách những “đơn vị” của Phật giáo, như tông phái, quốc gia, sơn môn, đạo tràng, tự viện. Một Phật tử tại Việt Nam có thể hành trì những pháp môn Tây Tạng, một Phật tử Bắc tông ở miền Trung có thể nghe những bài pháp của Phật giáo Nguyên thủy thuyết giảng tại chùa Kỳ Viên Sài Gòn…

Truyền thông, theo các nhà nghiên cứu và lý luận, có tác động hai giai đoạn. Giai đoạn một là nó truyền thông điệp đến người nhận. Giai đoạn hai là những người đã nhận ra thông điệp giao lưu, trao đổi ý kiến với nhau về thông điệp.

Thí dụ, nếu tối hôm trước TV có một chương trình hay, sáng hôm sau nhiều nhân viên tại một công ty chẳng hạn sẽ liên tục bàn bạc về chương trình đó, thì tác động giai đoạn hai của truyền thông chính là sự kiện bàn bạc chương trình đã phát vào buổi tối, có thể giữa người đã xem với cả những người chưa hề xem chương trình truyền hình đó.

Truyền thông hiện đại, nếu được ứng dụng rộng rãi, mạnh mẽ trong Phật giáo, cũng sẽ tất  yếu có giai đoạn hai và cũng chính giai đoạn tác động thứ hai này sẽ góp phần vào tiến trình giải “cục bộ hóa” ở đạo Phật. Truyền thông hình thành hai lần các mối quan hệ mới nơi công cộng của nó. Chính những quan hệ đó sẽ góp phần xóa bỏ những khoảng cách cục bộ.

Khi những bức tường đã được trổ nhiều cửa, thì tác dụng ngăn cách của bức tường đã dần dần hạn chế.

Những cánh cửa đó chính là các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông hiện  đại.

MT