Trang chủ Thời đại Truyền thông Truyền thông giá trị của Phật giáo Nam tông Khmer đến đông...

Truyền thông giá trị của Phật giáo Nam tông Khmer đến đông đảo công chúng

109

Vì vậy, vấn đề mà bài viết này đặt ra là truyền thông những giá trị của Phật giáo Nam tông Khmer đến với đông đảo công chúng. Cụ thể là làm sao để mọi người, gồm cả giới Phật tử và những người không tôn giáo, những người theo các tôn giáo khác, hiểu biết nhiều hơn về Phật giáo Nam tông Khmer, có điều kiện tiếp xúc cũng như tham dự nhiều hơn vào các hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer, tạo ra những mối liên hệ, giao lưu mật thiết hơn giữa Phật giáo Nam tông Khmer và toàn xã hội.

Mục tiêu như trên không những là cần thiết vì sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam mà còn phục vụ cho những lợi ích của sự nghiệp đoàn kết dân tộc. Hiểu biết nhiều hơn, sâu hơn và gắn bó hơn với Phật giáo Nam tông Khmer là tiền đề để ngày càng khẳng định Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ là một trong những giá trị quan trọng của Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Thật ra đây không phải là một nhận thức mới, mà nó đã có từ đầu thế kỷ XX trong phong trào chấn hưng Phật giáo, khởi đầu với sự khám phá những giá trị chung của Phật giáo nguyên thủy từ cả cộng đồng Phật giáo Campuchia, lẫn cộng đồng Phật giáo Khmer Nam bộ, dẫn đến sự hình thành của hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam thập niên 1950.

Mục tiêu được xác định ở đây là đưa sự tiếp nhận của toàn xã hội Việt Nam đối với những giá trị của Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam bộ lên một tầng nấc mới, trong đó, chú ý nhiều hơn đến những giá trị đặc thù của Phật giáo Nam tông Khmer gắn liền với những địa phương cụ thể tại Việt Nam ở vùng Tây Nam Bộ, như Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng…

Đạt được mục tiêu như trên là điều không phải dễ dàng. Tuy nhiên, đây là điều có thể thực hiện được, nếu có kế hoạch, phương pháp, bước đi thích hợp. Dưới đây là đề xuất về những phương án truyền thông cụ thể.

1) Lấy lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer làm đòn bẩy truyền thông

Với mục tiêu đã xác định như trên, điều cần thiết tiếp theo là xác định những bước đi cụ thể. Vấn đề là bắt đầu ở đâu, chọn lãnh vực nào, cần làm những gì và tiến hành ra sao.

Những trọng điểm được chọn phải có tác dụng tạo được sự quan tâm của toàn xã hội đối với Phật giáo Nam tông Khmer. Bên cạnh khả năng tạo được sự chú ý, cũng cần tính đến những thuận lợi trong việc tiếp nhận.

Chúng tôi cho rằng các lễ hội của Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ cụ thể là Chôn-chơ-nam-thơ-mây, Đôn-ta và Óoc-om-bok có thể thỏa mãn được 2 yêu cầu nói trên: thu hút được sự chú ý và tạo thuận lợi trong việc tiếp nhận những giá trị của Phật giáo Nam tông Khmer đối với toàn xã hội.

Ba lễ hội Chôn-chơ-nam-thơ-mây, Đôn-ta và Óoc-om-bok tự thân nó đã là 3 điểm nhấn thời điểm của Phật giáo Nam tông Khmer đối với toàn xã hội. Với sự phát triển của truyền thông, đặc biệt là truyền hình, thời gian gần đây, các lễ hội nói trên đã ngày càng thu hút được sự chú ý của toàn xã hội, tạo nên một bối cảnh thuận lợi cho việc quảng bá những giá trị của Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ.

Chúng tôi nghĩ rằng, để nhấn mạnh đến khía cạnh Khmer Tây Nam Bộ trong những lễ hội nói trên, thì gắn với yếu tố điểm nhấn thời gian lễ hội cần có những yếu tố điểm nhấn không gian lễ hội, là những địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ. Cụ thể, chúng tôi đề xuất:

–    Điểm nhấn thời điểm lễ hội Chôn-chơ-nam-thơ-mây gắn liền với điểm nhấn tỉnh Trà Vinh.

–    Điểm nhấn lễ hội Đôn-ta gắn liền với điểm nhấn tỉnh Kiên Giang.

–    Điểm nhấn lễ hội Óoc-om-bok gắn liền với điểm nhấn tỉnh Sóc Trăng (nơi có hoạt động đua ghe ngo lớn nhất).

2)  Những đề xuất cụ thể:

Gắn với mục tiêu tổng quát: truyền thông những giá trị Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ đến với công chúng rộng rãi (gồm cả giới Phật tử, người không tôn giáo và cả những người theo các tôn giáo khác) là mục tiêu cụ thể, gồm 3 thời gian cao điểm đi chùa Phật giáo Khmer ứng với 3 lễ hội truyền thống Khmer tại 3 địa điểm ở khu vực Tây Nam Bộ theo thứ tự lễ hội như trên trong năm, là Trà Vinh, Kiên Giang và Sóc Trăng.

Đối với người theo đạo Phật nói chung, thì đó là tạo ra 3 địa điểm hành hương mới đến các chùa Phật giáo Khmer, với thời điểm hành hương là lễ hội truyền thống Phật giáo Khmer Tây Nam Bộ.

Đối với người không tôn giáo và người theo các tôn giáo khác, thì thu hút họ đến với các lễ hội văn hóa truyền thống Khmer, gắn với hoạt động du lịch tập trung vào dịp lễ hội. Điểm đến chủ yếu vẫn là các chùa Phật giáo Khmer, nhưng ở đối tượng này thì thay vì hành hương tôn giáo, thì sẽ là du lịch văn hóa có kết hợp với các thắng cảnh địa phương, như bãi biển Ba Động, Ao Bà Om đối với tỉnh Trà Vinh, Phú Quốc – Hà Tiên đối với Kiên Giang…

Phương thức truyền thông cụ thể và chủ yếu là dùng truyền hình, báo in và internet.

Chịu trách nhiệm thực hiện chính là Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các bước thực hiện chủ yếu xin được đề xuất như sau: Nếu trước đây, các phương tiện truyền thông chỉ tập trung đưa tin về sự kiện, tức truyền thông hậu sự kiện, sau khi sự kiện đã diễn ra, thì nay, cơ quan có trách nhiệm sẽ trực tiếp tác động tới cơ quan truyền thông tổ chức truyền thông tiền sự kiện, tức quảng bá cổ động cho các lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer, mục tiêu cụ thể là thúc đẩy việc gia tăng số người đến tham dự các lễ hội nói trên lần lượt ứng với 3 tỉnh như đã trình bày.
Ngoài ra, việc quảng bá lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức tại các chùa Khmer tại Hà Nội, TPHCM cũng được quảng bá, truyền thông, cổ động rộng rãi hơn nữa.

Những việc cụ thể cần làm:

–    Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn gửi các cơ quan truyền thông tập trung vào các đài truyền hình, báo giấy, trang thông tin điện tử vào thời gian khoảng 1 tháng trước khi diễn ra lễ hội, đề nghị truyền thông cổ động lễ hội liên hệ.

–    Cơ quan thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà ở đây nhân sự thuộc hệ phái Nam tông Khmer chịu trách nhiệm chính, cung cấp cho cơ quan truyền thông nội dung cần thiết để tổ chức hoạt động truyền thông cổ động lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer gồm các file video, bài viết, hình ảnh.

–    Tổ chức thông báo rộng rãi chương trình lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer trên các phương tiện thông tin đại chúng khoảng 1 tuần trước khi diễn ra lễ hội.

–    Đồng thời, hướng các hoạt động như đã nói ở trên đến các công ty du lịch để sao cho hình thành cao điểm các tour về Trà Vinh, Kiên Giang và Sóc Trăng, đưa khách tham dự  lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer.

–    Các chùa Phật giáo Nam tông Khmer triển khai hoạt động hỗ trợ người về tham dự lễ hội lưu trú qua đêm và hỗ trợ ẩm thực (như một số cơ sở tôn giáo tín ngưỡng Tây Nam Bộ).

–    Đặc biệt lưu ý đến việc thông báo chính xác cụ thể thời gian diễn ra lễ hội để thu hút người tham dự vì lịch trình các lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer khó xác định theo dương lịch và âm lịch Trung Hoa, nên phần nào gây khó khăn trong việc thu hút người đến tham dự. Các chùa Phật giáo Khmer ở TPHCM, Hà Nội có thể thông báo bằng băng rôn khoảng 1 tháng trước lễ hội về lịch trình cụ thể của lễ hội.

–    Tổ chức biên soạn, xuất bản sách, tài liệu in, tờ gấp giới thiệu lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer.

–    Xét đến khả năng kiến nghị các địa phương liên hệ tính đến mục tiêu tổ chức các lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer thành những festival du lịch của địa phương, thúc đẩy để các lễ hội Phật giáo Nam tông Khmer vốn đã có tính quần chúng rộng rãi trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo của mỗi địa phương cụ thể.

Minh Thạnh – Chánh Khai

–    Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh