1. Nghi lễ?
Sau khi bài “Đốt Phật” của chúng tôi được đăng tải trên trang Phật tử Việt Nam, báo Giác Ngộ số 761 đã đăng bài “Nhiều ý kiến về việc “phần hóa”- đốt thánh tượng tại chùa Viên Giác” của các tác giả Diệu Nghiêm, Quảng Hậu, Như Danh.
Bài viết có chiều dài đặc biệt, hơn 3 trang báo, sau khi dẫn lại ý kiến mà tôi đã nêu trong bài “Đốt Phật”, như “phản cảm”, “không thể chấp nhận”…, đã dành một phần ghi lại ý kiến của Thượng tọa Thích Đồng Văn, trụ trì chùa Viên Giác, dưới tựa nhỏ “Ý kiến của người trong cuộc”.
Đây là việc làm đáng quý, vì đã tạo cơ hội cho người trong cuộc trình bày ý kiến, điều mà chúng tôi không làm được trong bài viết của mình. Vì vậy, bài trên báo Giác Ngộ đã làm sáng tỏ hơn nữa vấn đề.
Trong phát biểu của mình, thượng tọa Thích Đồng Văn đã dẫn một quyển sách cổ chứng minh rằng đây là một nghi lễ, việc đốt tượng Phật, mà thầy gọi là “phần hóa” chỉ là làm một lệ xưa.
Đọc kỹ đoạn văn ghi lại lời phát biểu của Thượng tọa Thích Đồng Văn, chúng tôi thấy rằng ý kiến của mình và thượng tọa hầu như không khác gì nhau. Trong bài viết của mình, chúng tôi đã coi đây là một nghi lễ, căn cứ vào ảnh chụp ghi nhận thái độ thành kính của Phật tử đứng xung quanh.
Vấn đề mà tôi đặt ra không phải là nhằm vào chính nghi lễ như ở một bài viết của một tác giả khác, mà chỉ nhằm vào việc truyền thông đối với nghi lễ này.
Nghi lễ và việc truyền thông nghi lễ là 2 việc khác nhau, chúng ta cần phân biệt.
Báo Giác Ngộ đã đặt đoạn văn sau đây trong box nền màu xanh dương: “Đối với hầu hết người Phật tử bình thường, hình tượng Đức Phật, chư vị Bồ tát, Thánh Tang… là đối tượng của tín ngưỡng, lễ lạy cầu nguyện. Đó là những hình tượng thiêng liêng, bất khả xâm phạm, nên khi thấy hình ảnh một vị tăng châm lửa đốt tượng, hầu hết đều tỏ ra bức xúc, cho đó là “phản cảm”, không thể chấp nhận được, nhất là nó được diễn ra trong một ngôi chùa thuộc GHPGVN”.
Ở đây, chúng ta đọc thấy cụm từ “khi thấy hình ảnh”. “Khi thấy hình ảnh” là kết quả của một hoạt động truyền thông.
Như vậy, nếu đây là một nghi lễ, thì vấn đề theo cách nhìn của chúng tôi không phải ở nghi lễ, mà chính là ở khâu truyền thông về nghi lễ.
2. Truyền thông về nghi lễ “phần hóa”
Cụ thể, việc truyền thông ở đây là tổ chức đông người tham dự chụp ảnh, quay phim, đưa lên mạng internet.
Việc truyền thông như vậy đã biến cuộc lễ trong nội bộ một ngôi chùa, có thể coi là việc riêng của ngôi chùa đó, thành việc chung, một sự kiện mà công chúng truyền thông trong và ngoài nước đều biết.
Thượng tọa Thích Đồng Văn cũng xác nhận điều này: “Tất cả những việc tôi làm, cả về quy cách tạo tượng, nghi thức phụng tống Phật thánh… không phải tự tôi bày ra mà đều có căn cứ theo các sách xưa như Thích Ca hành táng, Bảo đảnh hành trì… Điều khác là về thời gian cử hành và có sự tham dự của Phật tử”.
Chính “điều khác” đó đã tạo nên sự cố. “Điều khác” đó đã biến một nghi lễ thành một sự kiện truyền thông. Mà sự kiện truyền thông thì không thể theo chủ quan của người tổ chức nghi lễ nữa.
Trong hoạt động truyền thông, các khác thường mới là tin tức, mới trở thành sự kiện truyền thông. Việc chùa an vị Phật, tu bổ Phật… không phải là tin tức. Nhưng tượng Phật cháy là tin tức. Hơn nữa, chính một vị tăng “châm lửa đốt tượng” mới là tin nóng. Ở phương Tây, người làm báo đều nắm rõ định nghĩa sau đây về tin: Chó cắn người không phải là một tin, nhưng người cắn chó là một tin!
Ở trường hợp đốt Phật, thì chính những hình ảnh vị tăng châm lửa đốt tượng Phật, tượng Phật cháy bùng, hủy hoại thành tro tàn được đưa lên mạng mới là nguyên nhân gây phản ứng. Nó là một cái boomerang truyền thông, một thứ công cụ khi tung ra thì nó sẽ quay lại người làm cái việc tung ra đó.
Tôi nghĩ, có lẽ thượng tọa trụ trì chùa Viên Giác không lường được tác động của việc truyền thông sự kiện đốt tượng Phật, nên đã tự gây ra phiền phức, trở thành tâm điểm của sự chỉ trích, phê phán. Vì chính thầy đã tạo nên một hoạt động truyền thông quá hot: tăng sĩ châm lửa tượng Phật, tượng Phật bùng cháy phừng phừng.
Tôi vẫn thường nói người Phật giáo chúng ta quá ngây thơ, chất phác, dễ dãi, thì đây chính là ví dụ. Thượng tọa Đồng Văn chỉ nghĩ là làm một buổi lễ theo “lệ xưa”, sách cũ, mà không nghĩ đến tác hại của sự kiện truyền thông đốt tượng Phật, gây bùng phát phản ứng trong cộng đồng Phật tử.
Nếu một cuộc lễ như vậy, không phải đốt 2-3 tượng Phật mà dù đốt cả chục tượng, chỉ diễn ra trong nội bộ nhà chùa, hạn chế Phật tử (như lễ tụng giới) không chụp ảnh để rồi đưa lên mạng, thì chắc chắn, nó không thành một sự kiện truyền thông, không tạo ra phản ứng truyền thông bất lợi.
Trường hợp như tôi cũng chỉ là công chúng truyền thông, phản đối nhưng không phải phản đối nghi lễ, mà chỉ phản đối vào việc truyền thông nghi lễ, tức là nhằm vào hình ảnh được phổ biến trên mạng.
Vì vậy, giới Phật giáo chúng ta càng hết sức cẩn trọng với truyền thông, “phàm làm việc gì cũng nghĩ đến hậu quả của nó”, nên nghĩ tới những phản ứng ngoài ý muốn đối với những sự kiện được đưa lên truyền thông.
Hơn nữa, ngoài việc tự cẩn trọng còn phải đề phòng những người cố ý tập kích truyền thông vào Phật giáo, như việc họ chạy theo chụp hình một ni sư đi xe tay ga để đưa lên báo trong hoàn cảnh bình phẩm rất cay độc. Thực ra, tu sĩ có đi xe tay ga thì cũng chẳng có gì lạ, nhưng khi truyền thông hâm nóng nó lên bằng bối cảnh thì lại là việc khác.
Như vậy, cần cẩn trọng ở cả 3 việc: tự mình truyền thông, người khác truyền thông, và người khác khai thác truyền thông theo ý đồ của họ.
Đọc những lời thượng tọa Đồng Văn giải bày, chúng ta có thể hiểu thầy, nhưng truyền thông nghiệt ngã như vậy đó. Truyền thông vô cùng nhạy cảm và thiên biến vạn hóa.
Tôi nghĩ là vạn bất đắc dĩ có “phần hóa”, thì dù là nghi lễ, thì cũng nên kín đáo, tổ chức riêng tư, không cho quay phim chụp ảnh, thì chắc chắn sự việc chỉ là nghi lễ, không thành một sự kiện truyền thông, một “breaking news” và sẽ không tạo nên những tác động ngoài ý muốn nào như trường hợp chúng ta đang nói tới đây.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.