Tới cổng từ bi chiêm bái Tổ đình nơi đất Bắc
Vào chùa giải thoát hoằng dương Phật pháp tại miền Nam
Đó là hai câu đối nơi cổng tam quan dẫn vào chùa Vĩnh Nghiêm – ngôi Tổ đình của các tự viện thuộc Phật giáo miền Bắc. Từ những ngày đầu được thành lập, Vĩnh Nghiêm được xem là nơi quy tụ của những người con xa quê, bởi ngôi chùa hình thành nhằm để lưu giữ những giá trị văn hóa Phật giáo đất Bắc. Đã từng một thời, Vĩnh Nghiêm được chư tôn đức lãnh đạo đặt tên cho một miền – miền Vĩnh Nghiêm – với hệ thống các tự viện theo hệ miền Bắc trực thuộc. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, xã hội và con người ít nhiều thay đổi, Vĩnh Nghiêm vẫn là nơi đi – về của những người con đất Bắc lập nghiệp ở miền Nam.
Đối với sinh hoạt Phật giáo, mỗi chùa đều có những nét văn hóa sinh hoạt riêng. Với Tổ đình Vĩnh Nghiêm cũng vậy, một nét văn hóa rất riêng, nhưng không tách biệt hẳn với cái chung của Phật giáo. Ngôi chùa từ ngày đầu thành lập, kiến trúc tuy hiện đại, nhưng tổng thể vẫn mang dáng dấp của chùa Bắc, đã tạo cho mọi người khi đến viếng cảm thấy thân quen như chính ngôi chùa làng quê thôn Đoài hay làng Kinh Bắc. Nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, ẩm thực… vẫn giữ lại nét truyền thống bản sắc riêng.
Từ khi Giáo hội được thành lập, Tổ đình Vĩnh Nghiêm cũng hòa mình vào vận hội mới. Riêng truyền thống an cư hàng năm, Tổ đình được chư tôn đức chọn làm điểm an cư kiết hạ cho chư Tăng của thành phố hoặc của quận 3. Với không gian thoáng rộng nên các mùa an cư thường tập trung chư Tăng với số lượng lớn trên dưới 100 vị. Khi Đại lão HT.Thích Thanh Kiểm còn sinh tiền, ngài vẫn lưu tâm đến vấn đề giáo dục hàng hậu tấn. Đặc biệt vào mùa an cư, ngài thường khuyên chư Tăng tinh cần trong tu tập và các khóa lễ sám. Những truyền thống được thọ học tại các Tổ đình nơi đất Bắc được ngài lưu giữ trong sinh hoạt hàng ngày; kỷ cương giới luật được ngài khuyên nghiêm trì, xử phạt triệt để. Vì thế, từ lâu trường hạ Tổ đình Vĩnh Nghiêm có một nét đặc sắc riêng.
Từ năm 2000 trở đi, khi Đại lão HT.Thích Thanh Kiểm viên tịch, một đàn hậu tấn học trò tiếp nối Tổ nghiệp là những vị Đại đức trẻ, làm đầu tàu cho các tự viện tiếp tục phát huy. Và hàng năm, Tổ đình Vĩnh Nghiêm vẫn được Ban Đại diện Phật giáo quận 3 chọn làm nơi an cư kiết hạ cho chư Tăng trong quận. Năm nay, Tổ đình đã có trên 120 vị về an cư, trong đó có trên 80 vị an cư chính thức. Với cơ sở phòng ốc được xây dựng thêm trong thời gian gần đây, nên việc phân bổ liêu thất phù hợp số lượng Tăng chúng nhập hạ.
Vì đây là Tổ đình đặc trưng cho văn hóa Phật giáo miền Bắc nên các sinh hoạt tu học cũng có những nét đặc thù riêng biệt. Có lẽ với chư Tăng đến Tổ đình an cư lần đầu tiên sẽ có ít nhiều bỡ ngỡ về lề lối sinh hoạt, nghi thức lễ sám… Nhưng một thời gian ngắn cũng dần thích nghi và hòa nhập với đại chúng. Với chủ trương cho Tăng trẻ tham học nội điển lẫn ngoại điển, việc sắp xếp các thời khóa cũng linh động hơn. Buổi sáng chư Tăng thức chúng lúc 3g45 và bắt đầu với thời niệm Phật thay vì công phu khuya như các chùa khác. Tuy nhiên vẫn có thời kinh công phu khuya tại chánh điện; vị nào muốn tụng kinh có thể tham gia, còn lại đều tập trung ở thiền đường niệm Phật. Điều đặc biệt ở đây là các khóa niệm Phật đều bắt đầu bằng bài cảnh sách của các thiền sư như Tịnh nghiệp đường cảnh sách, Lão đường cảnh sách, Chuy tố cảnh sách, Bệnh đường cảnh sách… Đây là một nét đặc biệt chỉ có ở những chùa theo truyền thống này, tuyên đọc các bài cảnh sách để nhắc nhở đại chúng tinh tấn trên đường tu học. Riêng khóa lễ đại chúng được sắp xếp chỉ hai thời kinh cho hai buổi sáng và chiều. Tất cả hành giả an cư nếu không đi học hoặc có Phật sự bên ngoài đều phải tham gia các khóa lễ. Buổi chiều, văn Chuy tố cảnh sách của Hòa thượng Thảo Đường được đọc và đại chúng niệm Phật ba tràng hạt trước khi thọ dược thực. Buổi tối trước khi lâm thụy chỉ tịnh, đại chúng tập trung về thiền đường để nghe tuyên kệ Vô thường và niệm Phật. Vào ngày mùng 8 và 23 hàng tháng, Ban chức sự đều yêu cầu tất cả hành giả an cư tham gia khóa lễ sám pháp và kinh hành. Đây cũng là khóa lễ có sự tham gia của các Phật tử tu Bát quan trai giới tại Tổ đình.
Về thời khóa học hạ, Ban chức sự trường hạ đã mời các giảng sư và giáo thọ để phụ trách các môn học Kinh – Luật – Luận như: HT.Đức Nghiệp dạy Đạo đức học Phật giáo, HT.Giác Toàn dạy kinh Tăng Nhất A Hàm, TT.Minh Thông dạy Luật, ĐĐ.Chí Thiện dạy Thắng pháp tập yếu luận… Ngoài ra, để bổ trợ kiến thức cho các vị chuẩn bị thi tuyển vào Học viện Phật giáo, ĐĐ.Thanh Phong, trụ trì Tổ đình còn mời ĐĐ.Chí Thiện ôn tập, hệ thống lại kiến thức Phật học và các thầy cô dạy ngữ văn vào các buổi tối. Lớp học này không chỉ có chư Tăng an cư tham gia, mà còn có những vị từ các chùa khác đến học.
Có thể nói, với Ban chức sự là những vị còn trẻ, năng động nên đã phần nào hiểu được tâm lý của chư Tăng trẻ. Ban chức sự đã uyển chuyển, linh động để chư Tăng có thể an cư mà không lỡ việc trau giồi kiến thức. Vào các buổi tối khi có những việc cần thông báo đến đại chúng, Đại đức trụ trì cũng đều khuyên huynh đệ trẻ “chúng ta là những anh em đến từ nhiều nơi, cần sống trong tinh thần lục hòa, bỏ qua những dị kiến, phân biệt vùng miền để tương thân tương ái cùng nhau tu học trong suốt ba tháng an cư…”.