– Chùa cũ quay hướng Đông Nam, lưng dựa vào núi, mặt nhìn xuống suối trong. Hà cớ gì sư ông muốn xoay hướng Bắc, nửa chùa phải nằm trên chỗ đất mượn, đất mượn thì đất mượn, đã vào tay tôi thì bảo nó lún nó cũng không lún, nhưng nom thế chênh vênh?
Nhất Tâm cả sợ:
– Không được, không được. Sơn thuỷ soi nhau, âm dương hoà trộn ắt sinh tà dâm.
– Dâm hay không là ở người. Mà người không dâm, có hoạ là gỗ đá. Tôi ngần này tuổi đầu, cứ nói vã thế, vào đâu thì vào, xin sư ông đánh cho chữ đại xá.
Bị khích, sư Nhất Tâm cười nhạt:
– Thế gian nói: “Bẩy mươi tuổi có thể mắng vua mà không bị hặc tội”. Nhưng đùa với nhau thì đùa, chứ không đùa với phong thuỷ được đâu. Sư ông ngày xưa do không chịu nghe thầy địa lý, cậy mình rắn tâm mà rồi thân bại danh liệt.
Nói rồi sư kể câu chuyện mà tôi xin chép lại dưới đây. Xin nói ngay là sư Nhất Tâm tuổi ngoại năm mươi, một lòng tu hành, do lặn sâu vào giáo lý kinh kệ nhà Phật nên nói giọng dễ nghe mà lời lẽ khó hiểu, vậy xin cho phép tôi cứ mang nhời trần mà kể chuyện cửa Phật, thiện nam tín nữ xin đừng quở trách lại can bạn đọc 8X rất nên đắp tai cài trốc, không nghe chuyện này.
* * *
Thầy trò sư ông Thích Nhất Đàm xếp củi cao chất ngất ở giữa sân chùa, xong việc thì trời vừa tối, các vãi già chờ họ tắm rửa xong thì bưng cỗ chay. Hôm nay rằm tháng sáu, trăng sao vằng vặc. Nhìn mâm cỗ chay, sư ông bảo:
– Ta thèm ăn một miếng thịt gà, một bát canh cá rô rau rút, một miếng dồi chó.
Cả các vãi, cả thầy trò chú tiểu ngơ ngác nhìn nhau. Còn chưa dám hỏi lại thì nghe sư ông thở dài:
– Thác xuống âm phủ biết có hay không, dân gian bảo thế!
Nhất Đạm khẽ khàng:
– Thầy tự hoá thì thành Phật, sao có thể sa xuống hoả ngục ạ?
– Thấy bảo thế, chứ đã có ai từ cõi ấy trở về mà chắc thực hư. Cái chắc bây giờ là việc sắp làm đang làm ta run run, cần mượn rượu làm gió. Các con an lòng đi, lửa sẽ biến mọi vật thành tro bụi như nhau, không kể sang hèn, thô tục hay chay tịnh.
Thành thử bữa cơm cuối cùng của sư ông Thích Nhất Đàm xong xuôi thì trăng đã ngang đầu. Sư ông lấy từ trong bọc ra ba nén vàng, để trên mâm thau cùng với y bát, nói:
– Thiện nam tín nữ thập phương cúng dường, nhờ các con tằn tiện, còn từng này. Những muốn chờ có thêm thì xây lại chùa chứ để vậy mãi, e thế gian chê mình ăn hết của Phật. Nay thì không kịp nữa rồi. Thầy dặn con không được chuyển chùa sang phía Đông như ý con hằng muốn. Toạ sơn quan thuỷ là cách của cõi phàm, cõi Phật cứ hướng Tây mà đi, tuy vắng vẻ nhưng chuyện nhà Phật dục tốc thì bất đạt. Cứ từ từ.
– Bạch thầy, hay thầy cứ phát tâm khai móng, việc hoá chẳng hoá trước thì hoá sau, thầy chả vừa dạy cứ từ từ là gì?
– Không được. Phật dạy, kẻ tu hành muốn thành Phật được thì phải tự mình hoá mình; muốn tự mình hoá mình thì phải hoá trước sáu mươi tuổi, sau đấy thì sức yếu tay run, không dám tự mình hoả thiêu mình đâu. Không thành Phật được đã đành, đến quay lại làm người cũng không thành được, người thì phải có cha mẹ vợ con. Ta năm nay kém một ngày thì vừa sáu chục. Vả chăng, ta hồi trẻ giang hồ vùng vẫy, chưa mấy việc ác nào không dám làm, không của ngon vật lạ nào chưa nếm, gái non goá phụ đủ vành. May cơ duyên gặp thầy ta hoán cải, gần ba mươi năm tu hành chay tịnh, lòng đã không, ta phải tự hoá bây giờ may còn kịp.
Sư thầy Nhất Đạm sởn da gà, hốt nhiên bưng mâm y bát mà xá. Sương sa sa trước mặt, trên cao tiếng vạc ăn đêm gắt chói tiếng kêu, sư ông bất giác ngâm:
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tiếng ngâm chưa dứt, chỉ nghe rắc một tiếng, đã thấy lá bay gió cuốn; chớp mắt mở ra thì sư ông đang ngồi chễm chệ trên đống củi, tay cầm nậm rượu, tay cầm ngọn nến phần phật cháy. Nậm rượu tưới xuống, ngọn nến nghiêng xuống, lửa bùng lên mới đầu xanh lét rồi cứ thế đỏ dần, thâu đêm.
Đợi sáng rõ, Nhất Đạm mới bới đống tro tàn mà tìm xá lị, được chín mươi chín viên. Các vãi đang vừa hờ vừa tụng kinh siêu độ, thấy nói đến xá lị tranh nhau xem, trầm trồ không ngớt. Vậy là sư ông thành Phật rồi. Xá lị ngót trăm viên, sáng rực như hổ phách thế là thành Phật, nhỏ thôi nhưng vẫn là Phật. Nhất Đạm tuổi còn trẻ, nghĩ đến việc thành Phật lòng cứ hừng hực sục sôi. Bèn nhanh chóng bắt tay xây chùa. Lại muốn chấn hưng mở rộng cõi Phật, mới nghĩ rằng: Chùa nằm bên Tây núi, chúng sinh muốn vào chùa phải đi vòng, mất một thôi đường, chi bằng ta mang chùa sang phía Đông, gần đường đi lối lại, tiện cho khách thập phương mà cũng thoáng rộng hơn. Riêng có lời sư ông dặn về thế đất toạ sơn quan thuỷ khiến Nhất Đạm còn do dự. Vừa may có một đạo sĩ đi qua, bèn mời vào trai phòng trò chuyện rồi nhờ đạo sĩ sang chân núi phía Đông xem nền chùa mới. Đạo sĩ gật gù: Núi soi nước, nước ôm núi thế là sơn thuỷ hữu tình âm dương hoà hợp. Thuận theo âm dương thì trường tồn, nhà chùa đặt ở đây thì quá đẹp. Nhất Đạm bèn đưa cái thuyết nhà chùa cần thanh vắng, chay tịnh chứ âm dương hoà trộn thì dễ sinh tình mà sư thầy đã dặn trước khi hoá, để cân nhắc với đạo sĩ. Đạo sĩ nghe xong không nói gì, chỉ ha hả cười rồi phất tay áo đi mất.
Kể đến đây sư ông Nhất Tâm nghiêm mặt lại:
– Bọn đạo sĩ miệng nói vu khoát mà bụng chật dao. Nó khích sư Nhất Đạm của chúng tôi. Khổ thân vì sư còn trẻ, nhiệt huyết dư thừa nên không coi chướng ngại là gì, còn muốn gặp nhiều để mau chóng thành chính quả.
Nhất Đạm xây xong chùa mới hướng Đông, đổi thành Đông Lĩnh Tự, đặt trước sân ngọn bảo tháp bên trong đựng lọ xá lị sư thầy, từ ấy chuyên tâm ăn chay niệm Phật. Khách thập phương đi qua về lại đều ghé thăm chùa, còn dân làng gần đấy thì ngay cả đi cấy qua cũng ghé chân vào nghỉ nhờ bóng mát, chuyện nọ xọ chuyện kia cứ râm ran không dứt. Được mấy năm, xuất hiện dưới gốc bồ đề nhiều hàng quán, lúc đầu chỉ có hàng hương nến, sau thì hàng quà, hàng xén và còn có cả quán trọ dành cho khách phương xa. Liền sau đấy là quán xem bói, xem thẻ, viết sớ thuê. Sư ông lúc đầu phản đối, nghiêm cấm bói toán nhảm nhí, nói:
– Phật dạy con người ta ăn ở lành hiền, để cho tâm thanh thản, chứ có phải chỗ nhận lễ hậu để ban phúc lộc đâu? Các người dâng lễ xin lộc cầu phúc, nhỡ không được như ý rồi thì oán cả Phật.
Bèn nhờ ông lý sai trương tuần dẹp đám dị đoan nhảm nhí. Ông lý sai tuần đinh ra dong đám thầy bói, viết sớ ra đình; phạt mấy quan tiền rồi dán lệnh cấm mê tín dị đoan ngay dưới gốc bồ đề. Nhưng đám ấy là dân có chữ, mưu mẹo đầy mình nên chẳng lâu sau thì họ biết cách thu xếp để tuần đinh vắng mặt ban ngày; rồi sau đấy thì đến ông lý cũng đi vắng đúng vào buổi cần dẹp bọn nhảm. Chú tiểu đi khắp làng rạc cẳng tìm chẳng thấy họ đâu, nước mắt ngắn nước mắt dài về bạch sư thầy, Nhất Đạm phất tay cho chú tiểu lui rồi chợt gõ mõ to hơn, tụng kinh lớn giọng hơn, nhịp nọ đến nhịp kia gấp gáp hơn. Đấy là dấu hiệu sư phẫn.
Sư Nhất Đạm người to lớn, môi dày mũi thẳng, da dẻ hồng hào. Gặp buổi nhộn nhạo trước cửa chùa thì giận lắm, nhưng rồi cũng nguôi ngoai. Thầy mang Khoá hư lục của Thái thượng hoàng Trần Thái Tông ra làm sách tu tâm. Mặt trời mọc trở dậy, thở sâu rồi niệm:
Thiếu dương xua mụ đêm già
Cuốn đi nhơ nhớp để mà làu không
Mặt trời đứng bóng, lá cây heo héo ngồi xếp bằng trước mõ uể oải niệm:
Thái dương thong thả về chiều
Lưng trời vẳng tiếng sáo diều ngân xa
Sáo ngân mãi đến bóng tà
Khua trời quét đất cho ta sạch làu
Canh một, khi chú tiểu trải chiếu tung chăn, lại xếp bằng trước nến mà niệm:
Cõi trần là một cõi mơ
Sá chi mộng mị bâng quơ quấy rầy
Nguyện xin Đức Phật ra tay
Vén xua ác mộng bóng ngày nhanh lên
Niệm xong bài kệ, sư thầy đã thiu thiu ngủ. Nhưng đến nửa đêm con quỷ trong sư cứ nghền nghễn ngóc dậy, quấy rầy giấc thanh tao. Sư phải bỏ giường, ra sau chùa đi mấy bài quyền cho người ngập hết sương, rồi cởi bỏ hết quần áo mà giội nước oàm oạp. Phiền là không phải đêm nào nước giếng chùa cũng khiến thầy nhẹ nhõm ngay, Nhất Đạm cứ thư thái đi lại dưới bóng trăng loang loáng sáng, cho đến lúc lạnh lưng rùng mình mới vào nhà, mặc ngay cà sa rồi ngồi trước mõ. Và niệm:
Mấy mươi ba vạn sáu ngàn
Khổ đau là cõi trần gian mê cuồng
Ba ngàn thế giới mênh mông
Đợi ta ở cuối con đường chính tâm
Sáng tinh mơ là lúc tụng kinh niệm Phật chính trong ngày, Nhất Đạm không đọc kệ, sư miên man trong sách kinh rồi cứ thế mà ngồi thiền cho đến lúc mặt trời mọc thì vòng quay của ngày mới bắt đầu, cứ thế. Ngày nắng cũng như ngày mưa, sư thầy không bỏ buổi kinh và buổi kệ nào, chuyên tâm tu luyện.
* * *
Tưởng rằng nghiệp tu hành của nhà sư cứ thế hanh thông cho đến ngày thành Phật, nhưng sự đời còn oái oăm hơn là đường sang Tây Trúc, chỉ xin chép ở đây ba chuyện trong hàng trăm kiếp nạn mà sư trải qua.
Chuyện thứ nhất do đám con gái dưới làng gây ra. Làng Khê Hạ nhiều con gái đẹp, đến tuổi mà không lấy nổi chồng. Thời ấy giặc Ngô xâm lấn, triều đình cứ chờ cho con trai đủ tuổi là chộp lính, vậy nên mấy lớp gái già chồng đống lại, chẳng mấy chốc mà gái già thành vãi non. Họ bảo nhau đi chùa nghe kinh niệm Phật cho lòng nhẹ nhõm, lại ở chốn chay tịnh cho nó đỡ tơ tưởng. Khốn nỗi càng đi chùa càng hư đốn, sư ông đẹp trai quá, sư ông ngồn ngộn thế, có chay tịnh đâu nào. Vậy là họ gán ghép sư ông với cô này cô nọ, gán ghép suông, chỉ để rồi đến lượt mình cũng được gán ghép, vậy thôi, cho nó qua một đời. Khổ là, trong những vãi non ấy có một cô ngẩn ngơ, một đêm nọ vào chùa bắt đền sư, bảo là kệ sư ông, chị em chúng nó nhất định bảo sư có tình ý với em, chuyện đã nhất định thế rồi thì sư phải làm chồng em. Làm chồng ban đêm, ban ngày em về đi cấy đi gặt còn sư thì cứ tụng kinh gõ mõ, vậy là một công đôi việc. Kìa sư, sư làm chồng em đi. Sư hãi, cứ lầm rầm tụng niệm cho nó át tiếng rên rỉ của cô gái, cứ thế tiếng rên tiếng niệm to mãi lên, đến nửa đêm thì thành như cãi vã. Chú tiểu thấy to tiếng, tưởng có chuyện gì nguy vội bò dậy. Vừa dịp, sư bèn sai chú lôi cô gái ra ngoài. Cô gái phẫn, lấy thắt lưng hoa lý buộc cổ treo mình lên cây muỗm ngay trước cổng chùa, mãi sáng hôm sau nhà chùa mới biết thì người đã lạnh.
Đám vãi non biết ngay sự thể, lấy làm phục sư lắm. Nhưng có kẻ chưa chịu, bĩu môi bảo rằng ai biết được ma ăn cỗ, bèn rủ chúng bạn ghẹo sư xem chính hay tà, tà thì hạ nhục mà rỉa rói chơi. Vậy là cứ đêm thanh vắng họ rủ nhau lên chùa, lên chùa mà không vào cúng Phật dâng hoa, cứ túm tụm theo chân sư ông mà ỡm ờ.
– Các vãi đi đâu đấy?
– Bạch sư, chúng em đi lễ Phật cầu duyên.
– Các vãi đi lễ Phật cầu duyên sao không mang phẩm vật?
– Một mặt người bằng mười mặt của đấy sư. Chúng em thiện nữ kính tâm, sư cứ sai bảo làm gì chúng em đây cũng làm, sư chọn ai ở lại giúp việc nhà chùa chúng em cho ở lại ngay.
– Bạch sư, sư cứ kiêng cữ thế, thì mai sau lấy tiểu đâu thờ Phật?
Thế rồi một đêm nọ, nhà sư vừa đi xong mấy bài quyền, bèn cởi áo quần để tắm. Chưa giội xong gầu thứ nhất, sư đã thấy mình bị túm lấy, vầy vò. Sư tối tăm mặt mũi, chỉ thấy mùi thơm lá sả gội đầu thoang thoảng, thấy mùi da thịt đàn bà bốc lên ngầy ngậy, bất giác ôm choàng lấy tấm thân như muốn hút vào người. Nhưng chỉ chớp mắt, mới chỉ loáng thoáng nhận ra cô Măng nhà cụ Sặt, người vẫn nhìn sư đắm đuối ra mặt mỗi tư rằm mùng một; rồi sư vội buông. Chợt có tiếng cười rúc rích:
– Á à, bắt được quả tang rồi nhá, to tướng này nhá.
Đám con gái nấp ở đâu bấy giờ mới ùa ra, vây lấy sư không cho chạy, sư van nài mấy cũng không tha. Nhất Đạm túng thế, nhảy vút qua đầu các cô mà rơi tùm xuống giếng. Cả đám sợ xanh mắt, vội ném giây gầu xuống giếng, khóc lóc van xin sư buộc mình vào cho cả bọn kéo lên. Sư bảo phải ném quần áo xuống trước đã, rồi gọi chú tiểu dậy ra mà kéo thì sư mới lên, không thì nhất định chết.
Hôm sau, cả đám vãi non phải mang lễ ra chùa, xin một chầu kinh sám hối, nhân thể tát giếng chùa mãi sẩm tối mới xong. Chuyện này chỉ kể đến thế.
Chuyện thứ hai mang mầu sắc cao đạo hơn. Hồi ấy giặc Ngô tan rã, chạy từ kinh đô qua đây để về nước. Chúng vừa chạy vừa ăn cướp để lấy cái ăn, đêm ấy một bọn hơn mười tên tràn vào làng Khê Hạ, tuần đinh quần nhau với chúng ở thế giằng co. Ông lý sai người ra chùa nhờ thầy trò nhà sư giúp sức. Sư thầy nổi tiếng võ lâm, năm đói to có bọn cướp từ xa đến, hành hạ dân làng cơm rượu, sư ra bốc cái cối đá lỗ ném lên trời, rồi lại giơ tay đỡ, mặt không biến sắc. Bọn cướp hoảng hốt, cúi xin tha mạng rồi lặn một hơi. Bấy giờ nhân việc gấp, ông lý cho mời, sư đang tụng kinh, mô Phật rồi bảo nhà chùa không sát sinh, việc của tuần đinh tuần đinh cứ làm. Ông lý giậm chân kêu khổ, nói cái này không trách sư được, chuyện sư nhờ tuần đinh tuần đinh ham tiền của bọn thầy cúng, thầy sớ không giúp, vẫn còn làm sư giận. Chỉ đến khi tuần đinh có mấy người thiệt mạng thì ông lý mới văng tục mà chửi, câu này do tức khí nhất thời nói ra, không ghi lại làm gì cho rác tai bạn đọc.
Nhưng chính vì cơn giận của ông lý mà có chuyện thứ ba.
Trong số tuần đinh thiệt mạng bởi giặc Ngô, có con trai ông lý. Nó đủ tuổi đăng lính, nhưng ông lý nhất định bảo chưa, rồi cho nó làm tuần đinh, tập việc làng cho quen, để đến mai sau khi ông nghỉ thì cho con trai tranh phó lý, lý trưởng. Giận quá mất khôn, ông lý làm đơn kiện lên chùa tỉnh, hạch tội sư ông Nhất Đạm gian dâm với cô ngẩn ngơ, khiến nó nhục mà tự vận; lại tội sư thấy chết mà không cứu. Gộp cả hai tội, làng Khê Hạ xin đổi sư trụ trì. Nhà chùa tỉnh hạt nhận đơn, cử một sư ông về điều tra. Thanh tra ba tháng, bản dự thảo kết luận được đưa cho sư Nhất Đạm, nói có chuyện cô gái tự vận, có chuyện sư thấy chết không cứu. Sư Nhất Đạm đọc, toát mồ hôi, xin giữ Thanh tra ở lại tệ xá thêm ba tháng nữa thì bản kết luận được ghi khác đi: Có chuyện cô gái tự vận thật, nhưng do sư trụ trì kiên trinh giữ hạnh, cô ấy xấu hổ mà tự thắt cổ đấy thôi. Có chuyện thấy chết không cứu, nhưng bổn phận của nhà tu hành là ăn chay niệm Phật, không có trách nhiệm giết người, là việc của thế tục. Ông lý càng phẫn, bán nửa gia tài thuê viết đơn lên Quốc sư ở tận kinh kỳ. Quốc sư cho thanh tra về phúc tra. Phúc tra về Khê Hạ được ba tháng, thảo bản văn kết luận đưa cho sư trụ trì xem, nói có việc cô gái tự vận, có chuyện sư thấy chết không cứu. Sư Nhất Đạm đọc, mồ hôi vẫn toát, nhưng đỡ hơn là năm ngoái. Sư giữ phúc tra ở lại thêm ba tháng thì sự thật sáng tỏ, lại là: Có chuyện cô gái tự vận thật, nhưng do sư trụ trì kiên trinh giữ hạnh, cô ấy xấu hổ mà tự thắt cổ đấy thôi. Có chuyện thấy chết không cứu, nhưng bổn phận của nhà tu hành là ăn chay niệm Phật, không có trách nhiệm giết người, là việc của thế tục.
Tài sản của Đông Lĩnh Tự cho đến khi đó mới hao một phần, phần lớn còn lại mang hầu kiện bên quan mới hết nốt. Ông lý khi thấy chuyện sư bảo sư phải vãi nói vãi hay thì bán nghiệp đi kiện lên vua. Sau hơn hai chục năm sầm uất, Đông Lĩnh Tự giờ chỉ còn trơ một xác chùa, mà nghiệp chướng vẫn còn, sư Nhất Đạm được luân chuyển về chùa tỉnh hạt, giáng một cấp, năm ấy sư tròn năm mươi tuổi.
Bị gieo tiếng oan, sư Nhất Đạm đã toan tự hoá để về hầu Phật. Nhưng nghĩ tiếc công tu nhân tích đức hơn hai chục năm trường, giờ bỏ đi thì phí, bèn nhận lời với Thượng toạ chùa Tỉnh hạt, về Thiền viện chép kinh. Ăn uống kham khổ, suốt ngày mài mực biên chép, sư nhiễm vẻ u trầm của thư viện, có khi mấy tháng không thấy nói năng gì. Vẻ ngoài nhợt nhạt, xương cốt lộ dần, ra một người khắc khổ trầm uất.
Kịp khi Hoà thượng tuổi già viên tịch, người kế nhiệm muốn trẻ hoá các thầy ở Thiền viện, mới hỏi ý tứ Nhất Đạm thế nào. Nhất Đạm nói:
– Bần tăng ăn mày cửa Phật đã gần bốn mươi năm, mắc oan ở Khê Hạ, nay xin về giải oan ở đấy.
Tân Thượng toạ an ủi:
– Thầy nói phải. Ngã ở đâu đứng lên ở đấy, tiếng oan Thị Kính chỉ đến khi hoá thân mới giải xong. Lậy Đức Phật đại từ đại bi cho thầy chân cứng đá mềm.
Bèn trả lại chức sắc cho Nhất Đạm, ngay hôm sau sư lên đường về Khê Hạ.
Sư ngao ngán thấy vị trụ trì say rượu, giọng đã nhão nhoét còn cố cãi “không say”, các vãi đang đánh gió, chú tiểu xưa nay đã thành ông bõ già, ôm lấy sư mà khóc:
– Bạch thầy, sư ông Nhất Đàm gửi con cho sư là gửi cho bồ tát, nào ngờ đâu thầy mắc vòng oan khiên, đẩy con vào cảnh phải hầu hạ cái chão ré bấy lâu. Thầy xem, nói câu không say suốt từ trưa đến giờ, thì không gọi chão ré thì gọi là gì cho đúng?
Sư say đi rồi, Nhất Đạm bắt tay vào tu sửa chùa. Tiền hết gạo không, nơi thờ Phật không còn tượng Phật, sư say nói là mất, tiểu già bảo là sư đã đem bán cho vị đạo sĩ buôn đồ cổ đem sang Tàu, lấy tiền uống rượu; đến bộ cánh cửa gỗ lim cũng bán cho lão đạo sĩ già làm cửa am. Nhất Đạm phải dùng mẹo, dạy trẻ mục đồng hát vang cả làng: Của Bụt mất một đền mười/ Bụt vẫn còn cười Bụt chả nhận cho, câu hát còn truyền đến tận ngày nay có xuất xứ từ Khê Hạ. Lão lý xưa đã chết, lão lý mới đổi sang tu đạo với đạo sĩ Tàu, nghe trẻ hát thì giật mình phải cúng cho chùa bộ cánh cửa. Lại cho hương hào quyên góp làm tượng. Những ao chùa, ruộng nương y mua của sư say, mang giả lại hết.
Chùa sửa xong thì sư Nhất Đạm đã quá sáu mươi, sực nhớ lời thầy xưa mà hoảng sợ. Phật pháp tan hoang thế kia, mình có hoá bây giờ, sao có thể thành được Phật?
Cái gai trong mắt sư bấy giờ là lão đạo sĩ già. Lão vừa làm thầy phù thuỷ, vừa khuyên tín đồ cứ vui chơi thoải mái rồi mai sau chết thành Tiên, khiến người ta theo rầm rầm. Sư bèn đánh tiếng cho thầy cúng, thầy đồ viết sớ thuê được vào ngồi trong tam quan. Bọn buôn bán hàng quà cũng có chỗ trong chùa, ngay hàng thẳng lối. Sư cũng khuyên thiện nam tín nữ yêu thương nhau, bảo rằng Đức Phật tổ cũng từ bụng mẹ mà ra, miễn là phải lành mạnh chớ có lăng loàn truỵ lạc. Dân chúng lại nô nức đi chùa lễ Phật.
Thế rồi, ngày Tết nguyên tiêu sư nhận lời đấu pháp thuật với đạo sĩ, góp vui cho dân làng tổng. Hồi mới từ Tỉnh hạt về lại, lão đạo sĩ định chơi đòn phủ đầu thách sư đấu pháp thuật, sư bảo nhà chùa không được phép chơi trò dị đoan. Bây giờ thì sư lại bảo sẽ nhận lời, và lại bảo rằng giúp cho thế sự yên vui cũng là bổn phận nhà chùa. Trống thúc, cồng khua trợ sức cho hai vị tu hành đánh võ rồi lên đồng xiên lình, rồi lồng chân vào lưỡi cày nung đỏ mà đi bẩy bước, môn nào hai vị cũng một chín một mười, vẫn chưa ngã ngũ ai thắng ai thua. Chỉ đến môn tung cối đá lỗ lên cao, kẻ tung người đỡ, thì sư đỡ ngon lành còn lão đạo sĩ đỡ không nổi, bị cối đá văng vào ngực, nằm bất tỉnh nhân sự. Được ba tháng sau thì đạo sĩ chết, chi đạo tu tiên ở Khê Hạ cũng tan, người ta mới lại chuyên tâm lễ chùa.
Phật pháp chấn hưng còn chưa được như xưa nhưng sư Nhất Đạm tuổi đã ngoài bẩy chục, không nấn ná được nữa. Bèn gấp rút chuẩn bị cho lễ hoá thân. Lão bõ già sức yếu, củi thổi cơm cũng phải đi xin, lấy đâu đống củi lớn như ngày còn trẻ. Bèn phải nhờ các tín chủ, ai có củi gì cho nấy, nên khô ướt khác nhau. Thấy vậy, sư sai bõ già đi mua mấy bó nứa ngộ, bảo rằng làm nòm cho nó nhanh cháy. Rồi thì sắp xếp cũng xong.
Cũng lại là một đêm rằm tháng sáu, trăng sao vằng vặc. Cũng lại các vãi đang sửa soạn đàn tràng còn các tín đồ nam thì giúp sư chất củi, chỉ không có miếng thịt gà, bát canh cá rô rau rút và miếng dồi chó như năm mươi năm về trước. Lão bõ già vừa lầm rầm tụng niệm vừa rưng rức khóc, hỏi sư thầy có cần ăn không, ăn cho nó thêm hăng sức thầy ơi, nhưng sư bảo không, sư còn khoẻ lắm, chả ngại. Lại có con vạc ăn đêm bay qua kêu một tiếng chói gắt, sư hấp tấp tung người bay lên ngọn đống củi. Tĩnh toạ xong, Nhất Đạm mới cất giọng như chuông:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư hoàng hạc lâu
Thơ còn ngân nhưng lửa đã bốc. Chỉ nghe bó nứa ngộ dùng làm mồi đồng loạt nổ bục rất to, rồi ngọn lửa nhanh chóng liếm vào củi nỏ, càng lúc càng ngùn ngụt cháy.
Chờ đến sáng rõ, nhà sư kế nhiệm mới bới tro tìm xá lỵ. Bới đi bới lại, không thấy viên nào, lấy làm nghi hoặc. Nhưng vẫn nhặt lấy một lọ tro, đặt lên lâm sàng mà làm lễ cầu siêu suốt ba ngày ba đêm.
* * *
Hồn Nhất Đạm cưỡi mây bay về phía Tây, đang ngon gió thì chợt nghe tên mình, lại thấy khói hương nghi ngút cùng tiếng cầu kinh quen thuộc, bèn hạ xuống xem thế nào. Chỉ thấy chư vị Phật ngồi uy nghiêm trên toà, lại thấy một vị quen quen, định thần thì ra là sư cụ Nhất Đàm, bèn tiến lên vái mà hỏi:
– Con nghe nói ngài đã thành Phật, sao vẫn ngồi ở đây?
– Ta được bề trên cắt cử về đây đợi con.
– Đa tạ ngài. Vậy thì ta đi thôi, con muốn mau chóng biết bồng lai cực lạc nó là thế nào.
– Con đến chết vẫn nóng vội như xưa. Thiện tai, thiện tai! Con khôi ngô tuấn tú, cả một đời chuyên tâm mà lại lỡ làng, âu cũng là duyên vậy. Nghiệp chướng của con là ở chỗ nóng vội. Vì muốn nhanh chóng thành chính quả, con đã mắc tội giữ nghiêm giới luật cho mình mà không biết coi sự thành kính dâng hiến của cô gái làm trọng, để mặc cô ấy treo cổ lên cây. Phật không đứng riêng làm độc trụ. Phật chỉ được quý trọng ở chỗ Phật quý trọng tất cả, lấy nhu yếu của người no đầy làm nhu yếu cho mình. Phật dạy cứu một người phúc đẳng hà sa, con lại thấy chết mà không cứu. Phật thấy con nóng nảy khó bền, cho con vào thiền viện để tu tâm dưỡng tính; nhưng đến khi thấy Phật pháp rụi tàn, lẽ ra con cứ để vậy, có hưng thì có suy, suy mãi thì đến hưng, con lại nóng nẩy muốn hưng ngay rồi lại dùng ba cái mẹo vặt của cõi tục để ép người vào tin kính. Ép người vào tin kính nhảm là tội lớn nhất của những người ăn mày cửa Phật. Con hãy mau tu lại, ta vẫn kiên lòng chờ con ở đây