Khi chiều xuống, màu huỳnh y của chư tăng sáng lên huyền ảo trong sắc hoàng hôn. Quíù thầy đi chậm rãi bên xe hoa như thể thiền hành; phía sau là dòng suối áo lam của Phật tử, tay cầm cờ, miệng không ngừng hát vang liên khúc mừng Phật đản. Phía sau nữa là quần chúng ngưỡng vọng, hiếu kỳ nối đuôi theo. Hai bên đường rất nhiều gia đình treo cờ Phật giáo và thiết ảnh tượng đản sinh. Những ngọn lồng đèn hình hoa sen đủ kích cỡ màu hồng đỏ lung linh tỏa sáng.
Lễ diễu hành thiêng liêng và trang trọng. Dòng người trôi chầm chậm trong lòng phố, niềm hân hoan dâng tràn…. Ðến các ngả đường lại gặp thêm xe hoa của nhiều quận huyện khác nữa, cùng nối đuôi nhau hòa vào niềm vui lan tỏa. Khuôn viên Việt Nam Quốc Tự người đông chật cứng. Màu vàng của chư tăng, màu lam của phật tử và muôn màu sắc khác của những người tham dự. Cờ, hoa, lồng đèn, bong bóng rợp trời. Tất cả như bừng lên lung linh trong ánh sáng của muôn vàn ánh điện. Tiếng chuông, tiếng trống, lời kinh cất lên rộn rã cả bầu trời lồng lộng. Dưới bến Bạch Ðằng người ta cùng nhau thả hoa đăng, ánh sáng lập lòa bập bềnh theo từng dợn sóng. Trên bầu trời, phía xa kia, ánh trăng rằm vành vạnh đang cố nhô lên khỏi mấy từng nhà để chứng kiến một mùa đản sinh mầu nhiệm.
Chơn Thanh cảm thấy lòng hân hoan quá đỗi. Ðó là mùa Phật Ðản để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời của chú. Chú như thấy được sức sống tiềm tàng mà mãnh liệt của Phật giáo trong lòng người dân Việt. Năm tranh đấu 1963, chú còn nhỏ nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe sư phụ kể về những cuộc biểu tình bất bạo động, những cuộc tuyệt thực, tự thiêu của chư tôn đức và phật tử, nhất là câu chuyện về quả tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Ðức. Lúc đó, trong lòng chú cũng trào dâng lên một niềm tự hào, tuy mơ hồ nhưng không kém phần mãnh liệt. Bây giờ, tận mắt nhìn thấy sức sống của Phật giáo qua mùa lễ, sau những máu và nước mắt của người con Phật đã đổ xuống bởi sự độc tài, tàn ác của chế độ Ngô Ðình Diệm, Phật giáo vẫn không tàn lụi, vẫn bùng lên mạnh mẽ, niềm tự hào ấy trong lòng chú như được nhân lên. Trước tượng Ðản Sinh, chú thầm khấn nguyện, sau này, nhất định chú sẽ làm được một cái gì đó cho công cuộc chấn hưng và xiển dương Phật pháp.
Mùa hè năm đó, Chơn Thanh cùng với các huynh đệ sa di được tùng chúng nhập hạ. Nhưng đó là một mùa hạ không bình yên cho lắm, mặc dù trường lớp và các thời khóa vẫn được duy trì đều đặn, nhưng thỉnh thoảng lại dấy lên các cuộc biểu tình, các phong trào tranh đấu cho sự tự do, bình đẳng của Phật giáo. Nhiều hôm, các thầy đi tranh đấu, tuyệt thực tại Việt Nam Quốc Tự, các chú ở nhà tụng kinh và quả đuờng như thường lệ. Chơn Thanh không thích tham dự vấn đề chính trị, nhưng những việc liên quan đến sự tồn vong của Phật giáo, ít nhiều cũng khiến cho chú ưu tư, trăn trở. Cuối năm, trong lần về chùa ăn tết, chú bày tỏ với sư phụ về những suy nghĩ của mình. Thầy nhìn chú, yên lặng hồi lâu rồi nói: “Công việc của con bây giờ là tu và học. Tu cho thật tốt và học cho thật giỏi, vậy thôi nghen!”.
Năm 1965, trường Trung Ðẳng Phật học chuyên khoa được đổi tên thành Phật Học Viện Huệ Nghiêm và nhận thêm khoảng 300 tăng sinh nữa vào tu học. Vì vậy, khi hay tin mình trúng tuyển vào ngôi Phật học viện tuy mới thành lập nhưng có nhiều vị thầy danh tiếng, đức độ và uyên thâm giáo điển như vậy, Chơn Thanh cảm thấy rất đỗi vui mừng. Cùng trúng tuyển với chú sau khi kết thúc chương trình Sơ Ðẳng tại Phổ Quang còn có huynh Thiện Tri, huynh Minh Huệ, Chơn Hòa và nhiều huynh đệ khác nữa. Mấy huynh đệ lại chuẩn bị hành trang cho một hành trình mới, khó khăn hơn và đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực hơn.
Huệ Nghiêm nằm trong khu An Dưỡng Ðịa rộng lớn. Xung quanh la liệt mồ mả với một cái lò thiêu cũ kỹ. Phía sau là cánh đồng trải dài. Chánh điện khá rộng. Một ngôi nhà tăng lợp tole và mấy cái cửa sổ lúc nào cũng mở. Khuôn viên rộng với những chậu hoa cảnh, mấy cây dừa, đặc biệt là dăm đụn rơm cao cao phía gần bờ rào, nơi mấy thầy, mấy chú trẻ thường hay “ẩn thân”… đọc truyện. Ðó là ấn tượng đầu tiên về Phật học viện Huệ Nghiêm qua cái nhìn còn ít nhiều ngơ ngác của Chơn Thanh.
Toàn bộ học tăng trong lớp Sơ Trung 2 của Chơn Thanh được quí thầy xếp vào một chúng: Chúng Long Thọ. Bên cạnh chúng Long Thọ còn có các chúng: Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân, Huyền Trang, Vạn Hạnh, Hư Vân…. Hơn sáu chục huynh đệ ở chung trong một căn “nhà thiếc”. Căn nhà chỉ toàn tole là tole, tole “đậy” bốn bề! Có hai cửa chính và sáu cửa sổ. Phòng lớn, sắp bốn dãy đơn dài, nhưng chỉ có ba ngọn đèn ne-on sáu tấc sáng nhờ nhờ. Mỗi đơn còn có một bóng đèn trái ớt, hai đơn đấu đầu lại một, có một cái thùng gỗ dính chung, hai nắp, ngăn làm đôi; toàn bộ “gia sản” của mỗi người đặt hết trong đó, chỉ là áo quần, sách vở. Ðường đi chỉ đủ để đặt khép nép hai chân. Hơi nóng cộng với hơi người hầm hập. Cửa sổ vì vậy mở suốt cả đêm lẫn ngày.
Buổi sáng, sau giờ công phu khuya, Chơn Thanh ít khi trở lại phòng vì ngại thứ hơi nóng ngột ngạt. Chú thường cùng huynh Thiện Tri ra ngoài tập thể dục – những bài tập mà ngày trước sư phụ chú từng bắt tập sau mỗi buổi công phu. Ban đêm, nhiều khi mấy huynh đệ cùng ra khu mộ ngồi đọc sách dưới ngọn đèn mờ mờ từ cây trụ đèn hắt xuống. Ðêm yên bình cho những ước mơ lang thang đây đó. Có lần Chơn Thanh hỏi huynh Thiện Tri rằng mai mốt huynh có thích trụ lại đây để hoằng pháp không? Sư huynh cười, bảo hoặc là huynh sẽ lên núi, hoặc là huynh sẽ vào chợ, không ở đây đâu! Chơn Thanh thì không nghĩ thế, chú cảm thấy ở đây có một điều gì đó rất quan trọng đối với chú. Ðiều gì thì chú chưa biết, nhưng chú mơ hồ cảm thấy mình rất gắn bó và thân thiết với nơi này.
Ðó là những tháng ngày cực mà vui. Khó khăn là môi trường tốt nhất để người ta tự rèn luyện tâm chí. Ăn uống thiếu thốn. Tuần hai buổi, thầy Thiện Phát thường lái chiếc Lambeta chở thêm một vài chú nữa ra chợ An Ðông, Cầu Muối, Bà Chiểu… xin thức ăn về, chủ yếu là những loại rau cải héo úa. Mỗi bữa cả chùa dùng hết một tạ gạo, tức mỗi ngày nhà kho phải xuất đến ba bao chỉ xanh gạo. Tăng sinh được phát cho mỗi người một cái chén, một cái muỗng và một đôi đũa, mất thì tự sắm lấy. Chúng học tăng chia nhau trị nhựt. Rửa chén phải ít nhất bốn nước, huynh đệ sắp một dãy thau dài, người này rửa xong thì chuyền cho người kia chuyền cho tới chỗ úp chén, rất nhịp nhàng, đều đặn.
Chúng trưởng Long Thọ là sư huynh Bửu Thành. Huynh hiền lắm. Chúng trưởng mà cắt việc cho huynh đệ chấp tác, mấy chú không làm thì huynh âm thầm làm lấy. Trong chúng cũng có những người rất nghịch, như Tâm Thanh, Tâm Hòa, Thiện Hữu… Ðơn Tâm Thanh nằm đối đầu với đơn Chơn Thanh. Một tối, trước giờ thiền, Tâm Thanh hỏi xin Chơn Thanh một cuộn dây. Chơn Thanh hỏi: Chú làm gì vậy? Tâm Thanh cười: Bí mật!… Lát sau, đang giờ thiền, cả phòng chìm sâu vào sự yên lặng, bỗng đâu một tràng chuông reng… reng… reng… vang lên, khiến ai nấy đều giật nẩy mình. Ðây đó có tiếng cười rúc rích. Chơn Thanh nhìn qua phía bên kia, thấy huynh Tâm Thanh ngồi bật dậy, khoanh chân kiết già ngay thẳng như không có việc gì xảy ra. Chơn Thanh thấy mắc cười quá. Thì ra huynh này lém! Huynh lấy một thanh thép nhỏ, nẹp vào lon sữa bò rồi quấn sợi dây thun, cột thanh thép vào sợi dây giăng ngang đường làm chuông cảnh báo, huynh Bửu Thành đi tuần chúng, vướng dây, kéo sợi thun nhả ra, quay thanh thép đập lia lịa vào hộp lon, tạo ra tiếng chuông reo. Nhờ vậy mà khi toàn thể huynh đệ đang ngồi thiền thì huynh ngon lành nằm ngủ, lúc nghe tiếng chuông reo thì mới bật dậy ngồi… trình! Ðến khi xả thiền, huynh Bửu Thành đi điều tra, nhưng không ai khai báo hết. Huynh liền gọi Chơn Thanh lại – vì so với mấy huynh đệ khác, chú nhỏ hơn, lại hiền lành hơn – huynh hỏi, Chơn Thanh nói khéo: “Mấy thầy dạy ngồi thiền là phải nhất tâm, không được mở mắt láo liên dòm ngang ngó dọc, sao huynh lại hỏi em?”. Sư huynh Bửu Thành bó tay, không biết phải làm gì, tủi thân ấm ức…bỗng òa lên khóc lên ngon lành. Mấy chục huynh đệ ai nấy nhìn nhau ngơ ngác, vừa buồn cười, vừa thấy thương huynh quá.
Kỷ luật Phật học viện khắc khe lắm. Hễ ai bỏ thiền hay không tụng kinh một bữa là hôm sau phải lạy sám hối và quì một hương, lần thứ hai thì ba thời sám hối và quì ba hương, lần thứ ba thì cho biệt chúng – tức “được” ăn riêng, ở riêng, nhưng phải chấp hành thật tốt mọi thời khóa, bao giờ ban Lãnh chúng thấy có sự thực tâm hối cải mới cho trở lại cùng chúng sinh hoạt. Trong những ngày sống tại Huệ Nghiêm, hầu như Chơn Thanh chưa phải quì đến ba hương lần nào. Chú sống hòa mình vào đại chúng, tham gia tích cực mọi sinh hoạt của đại chúng; cũng… vi phạm nội qui nhưng chưa bao giờ đi quá đà. Nhiều khi chú cũng “có phước”, thoát khỏi bao phen bị phạt. Có lần huynh Hạnh Nghiêm mượn của ai đó về một bộ truyện kiếm hiệp, mỗi tối sau giờ thiền, mấy huynh đệ rủ nhau chui vào bụi rơm sau vườn và với một ngọn nến “tiện tay tiện tay” lấy trộm trên chánh điện, cả đám say sưa đọc. Chơn Thanh mê truyện lắm, cũng theo mọi người đọc từ đêm này sang đêm khác. Vậy mà đúng ngay cái hôm Chơn Thanh nghỉ vì bị bệnh thì mấy huynh đệ bị thầy Quản chúng phát hiện, sáng ra bị bắt quì hương, sám hối, chỉ có Chơn thanh là thoát.
Từ ngày đến Huệ Nghiêm, ngoài hai vị sư huynh Thiện Tri, Minh Huệ ra, Chơn Thanh còn thân thêm huynh Trí Hải nữa. Huynh tính tình rất dễ thương, khéo tu đến độ dường như trong chúng không ai là không quí.
Chơn Thanh quen huynh trong một dịp khá đặc biệt. Ðó là lần Phật giáo xuống đường năm 1966 để yêu cầu tự do tôn giáo. Lần xuống đường này, huynh Minh Huệ bị trúng lựu đạn cay, ngất xỉu tại dinh Gia Long, được phật tử đưa về dưỡng đường Lê Văn Miên điều trị. Chơn Thanh ở chùa, hay tin liền vội vàng đến thăm. Hai mắt sư huynh vẫn còn cay xè, không mở ra được. Ngồi bên giường là huynh Trí Hải, huynh không theo đoàn xuống đường nhưng huynh thường có mặt tại những “điểm nóng” rất kịp thời để chăm sóc cho những người bị nạn. Lần này cũng vậy, chính nhờ sự săn sóc tận tình của huynh mà huynh Minh Huệ bớt khổ sở phần nào. Huynh tất bật đến từng giường bệnh, hỏi han, chăm sóc hết người này đến người khác. Chơn Thanh theo chân huynh, phụ giúp một tay. Từ đó chú trở nên gần gũi với huynh. Chú cảm thấy nể phục hạnh nguyện Dược Vương của huynh lắm, bởi không phải ai cũng thành tựu được hạnh nguyện đó.
Chúng ở đông, vì vậy không khỏi xảy ra những chuyện xích mích lặt vặt. Nhưng Chơn Thanh tính tình ôn hòa, không va chạm với huynh đệ. Vì vậy, trong chúng hầu như ai cũng mến chú, ai cũng có thể trở nên thân tình với chú. Trong số huynh đệ, Chơn Thanh gần gũi, trò chuyện nhiều nhất với ba vị sư huynh Thiện Tri, Minh Huệ và Trí Hải. Mấy vị sư huynh mỗi người một đặc điểm nổi bật, đều học giỏi, đức hạnh, tài năng…
Huynh Thiện Tri nổi tiếng là người nghiêm trì giới luật – đặc biệt là sau khi huynh thọ giới tỳ kheo. Huynh sống khắt khe và cẩn mật, đến mấy thầy lớn cũng có phần “cả nể”. Huynh Minh Huệ thì nhanh nhạy và có phần… hào hoa. Huynh Trí Hải hiền lành, vị tha và điềm đạm. Huynh là mẫu người mà quý thầy lớn vẫn thường ngợi khen trước chúng. Ðặc biệt, cả ba sư huynh đều học giỏi và thương quí Chơn Thanh. Bốn huynh đệ đều cảm thấy gần gũi, cảm thông và sẻ chia những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống cũng như những kiến giải trong tu học. Không nói ra nhưng cả nhóm mặc nhiên xem nhau như anh em ruột thịt. Thiện Tri thường được gọi thân thiện là “anh hai”, Minh Huệ là “anh ba”, Trí Hải là “anh tư” và Chơn Thanh là “chú út”. Ðời sống tu tập hẳn nhiên là có nhiều khó khăn và cũng thật nhiều cám dỗ, không ai có thể tự phụ cho rằng lúc nào mình cũng xử sự đúng đắn. Một lời góp ý đúng của chư huynh đệ, đôi khi có giá trị chuyển hướng cả một bước đường tu hành.
Huệ Nghiêm như một mảnh đất thân yêu, từng ngày từng ngày nuôi dưỡng những mầm xanh vươn lên, cứng cáp và trưởng thành. Chơn Thanh cũng tự thấy mình học hỏi được rất nhiều điều từ những sư huynh, những vị thầy nổi tiếng, đặc biệt là quí ngài: Thiện Hoa, Thiện Hòa, Bửu Huệ, Thiền Tâm, Thanh Từ, Trí Tịnh, Hoàn Quan, Từ Thông, Huyền Vi, Quảng Ðộ…
Tại Phật Học viện, có ba vị Hòa thượng mà bất kỳ tăng sinh nào cũng kính nễ. Ðó là hòa thượng Bửu Huệ – giám viện, hòa thượng Thiền Tâm – giáo thọ, hòa thượng Thanh Từ -quản viện. Ba vị hòa thượng, mỗi người một sở tu, sở đắc, nhưng đều là những bậc thầy đạo hạnh và uyên thâm giáo điển, cùng chung một sở nguyện chung lo cho đàn hậu tấn.
Ðể có được ba vị hòa thượng làm trụ cột cho Huệ Nghiêm, trước hết phải nhắc đến công đức của hòa thượng Thiện Hoa, hòa thượng Thiện Hòa. Năm 1957, hòa thượng Thiện Hòa mua lại mảnh đất của một phật tử, xây dựng Huệ Nghiêm, đến cuối năm 1962 thì hoàn thành. Năm 1964, hòa thượng Thiện Hoa, trưởng ban Hoằng pháp, quyết định dời Phật học viện vào An Dưỡng Ðịa, lập trường Trung đẳng Phật học chuyên khoa – tiền thân của Phật học viện Huệ Nghiêm.
Hòa thượng Thiện Hoa là một bậc danh tăng lỗi lạc. Ngài rất thấu hiểu tâm lý lứa tuổi tăng sinh. Một lần, có vị thầy tuổi trung niên mới xuất gia, thường làm ra vẻ đường đường Tăng tướng, dung mạo khả quan, đến phàn nàn với hòa thượng rằng tăng sinh Phật học viện của ngài quậy quá, ham giỡn nhiều hơn chăm lo thiền định. Hòa thượng cười, bảo: “Mấy chú tu từ nhỏ, quậy một chút cũng không sao, chớ hơn bốn mươi năm qua, ông “quậy” quá trời, có ai nói gì đâu, ông phải biết thông cảm với mấy chú chớ”! Nhiều khi ngồi nghĩ lại, Chơn Thanh kính nể quí thầy quá. Quí ngài hầu như ai cũng phát nguyện sau khi học xong thì nhập thất mười năm để thực chứng những gì mình đã học. Vậy mà vì sự nghiệp chung, đành phải hy sinh mình, đứng ra đỡ đầu, dìu dắt đàn hậu tấn. Chú đọc trong kinh Di giáo, Ðức Phật dạy chư đệ tử rằng: một vị thầy mà chăm lo nhiều đồ chúng quá thì cũng giống như cây đại thụ có nhiều chim chóc đến đậu vậy, chẳng mấy chốc cành lá sẽ xơ rụi. Chú hiểu, vì tâm nguyện tiếp dẫn hậu lai, quí ngài đành phải chấp nhận mối nguy hại đó nên càng kính trọng thâm ân của quí ngài nhiều hơn. Các ngài đã để lại trong lòng Chơn Thanh một ấn tượng mà sau này dù có làm gì, đi đến đâu, chú cũng không thể nào quên được.
Hòa thượng Bửu Huệ rất hiền, lại ít nói. Nhưng chính sự uy nghiêm của ngài lại làm cho chúng vô cùng kính phục. Trước khi đến Huệ Nghiêm làm giám viện, hòa thượng đã tịnh tu gần mười năm. Chơn Thanh nghe kể lại: năm 1964, khi hòa thượng đang tịnh tu trong thất Nam Tuyền tại Tân Hương, Long An, còn một tháng nữa là tròn mười năm thì từ sự nhất trí đề cử của hòa thượng Thiện Hòa và hòa thượng Thiện Hoa, hòa thượng Thanh Từ đã đến cung thỉnh ngài về Sài Gòn để chung lo Phật sự. Sau đó, ngài Thanh Từ còn tiếp tục về Bến Tre để thỉnh hòa thượng Thiền Tâm xả thất cùng đến Huệ Nghiêm. Nhờ vậy mà Phật học viện mới có tam sư thường trực đức độ, uy nghiêm, nhiếp chúng với tinh thần vô ngã, vị tha.
Trong ba vị, hòa thượng Thanh Từ nổi tiếng nghiêm khắc. Ngài ít nói nhưng hễ đã nói là làm, nhất nhất không sai chạy. Có lần ngài thực thi kỷ luật, đuổi khỏi viện hai vị học tăng gây gỗ nhau nảy sinh sân tâm, có hành vi không biết kềm chế. Hòa thượng họp chúng, tuyên bố tẩn xuất. Mặc cho hai vị đắp y sám hối và ban Lãnh chúng ngỏ lời xin tha, hòa thượng vẫn không thay đổi quyết định.
Tối hôm đó, trong khi hai sư huynh xếp sách vở, áo quần vào va li, các huynh đệ cùng đến an ủi, Chơn Thanh ngồi xuống bên cạnh, phụ hai huynh xếp đồ. Chú hỏi một trong hai vị: “Huynh có giận Hòa thượng không?”. Huynh ấy im lặng một lát rồi lắc đầu: “Không đâu! Hòa thượng chỉ chiếu theo nội qui Phật học viện. Tôi nhớ ngày trước, khi còn làm điệu, mỗi khi có lỗi, dù lỗi không nặng nhưng vẫn bị sư phụ cho ăn đòn, sư phụ thường nói rằng một đứa bị đau nhưng tránh được nhiều đứa sau này khỏi bị đau. Hòa thượng đuổi chúng tôi khỏi viện chắc cũng vì lý do ấy. Tôi chỉ giận mình, tu lâu rồi mà không làm chủ tâm được”. Sáng hôm sau, hai huynh đệ tách bạch từ giã đại chúng.
Năm 1966, khóa học đầu tiên kết thúc, hoàn thành tâm nguyện, hòa Thượng Bửu Huệ, hòa thượng Thiền Tâm, hòa thượng Thanh Từ tiếp tục con đường tịnh tu của mình. Toàn thể tăng chúng tiễn đưa quí ngài, bùi ngùi không sao cầm được nước mắt. Chơn Thanh cảm thấy Phật học viện như mất đi những cây cao bóng cả, nghiêm khắc anh minh và bao dung từ ái.
Hòa thượng Bửu Huệ trở lại tịnh thất Nam Tuyền, tiếp tục nhập thất chuyên tu. hòa thượng Thanh Từ thì ẩn thân trên núi; sau hơn một năm dài, ngài về Vũng Tàu thành lập tu viện Chơn Không, khơi mở cội nguồn cho dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Hòa thượng Thiền Tâm thì về Ðại Ninh lập tịnh thất Hương Nghiêm ròng chuyên tịnh mật trong một vùng hoang sơ đầy rắn. Nơi đó, ngài ở chung với những “đạo hữu không chân” vẫn thường đến để nghe ngài trì chú, niệm Phật. Thỉnh thoảng, Chơn Thanh cùng mấy sư huynh lên thất thăm và giúp Hòa thượng một số công việc. Thấy cảnh hoang sơ ấy, Chơn Thanh cảm thấy rất thương ngài và kính nể ngài gấp bội. Thì ra, trong thời mạt pháp này, vẫn còn đó những cội tùng vững chãi, những tấm gương đạo hạnh sáng ngời. Trong cái sương lạnh của núi rừng, Chơn Thanh cảm thấy lòng mình chợt như ấm lại…
Ba vị Hòa thượng ra đi để lại một nỗi trống vắng lớn lao cho Phật học viện. Ðể tiếp tục duy trì kỷ cương tu học và nề nếp sinh hoạt, một ban giám đốc mới đã được thành lập, gồm: Thầy Phước Hảo – giám đốc, thầy Tâm Thanh – tổng thư ký, thầy Ðức Pháp – giám học, thầy Từ Hóa – thủ quỹ. Ðó là một ban giám đốc còn khá non trẻ, vì vậy giáo hội Tăng già thỉnh chư tôn đức, mỗi ngày một vị, ra Phật học viện để trông coi toàn bộ sinh hoạt của tăng chúng: Hòa thượng Minh Châu, hòa thượng Thiện Hoa, hòa thượng Thiện Hòa… Nhờ cái bóng của quí ngài mà mọi sinh hoạt của tăng chúng trở nên ổn định. Nhưng tình hình không thể duy trì như thế mãi. Năm sau, hòa thượng Thiện Hoa lại đích thân xuống thất Nam Tuyền, một lần nữa, cung thỉnh hòa thượng Bửu Huệ trở về làm giám đốc Phật học viện. Tăng chúng Phật học viện từ đó lại được an tâm tu học dưới bóng cao râm mát của ngài…
Mấy huynh đệ, như thường lệ, mỗi cuối năm, lại về chùa thầy tổ, phụ giúp thầy chăm sóc vườn tược, quét dọn đồ đạc chuẩn bị đón xuân. Ngày tết, mấy chú cũng phải chia nhau xuống bếp phụ rửa chén, dọn cơm. Không như một số chùa khác, “treo” chuông mõ từ hôm đưa ông táo về trời, mấy ngày tết ở Phước Lâm vẫn kinh kệ ngày bốn thời đều đặn. Cũng như ngày trước, thầy ngồi dưới phòng lắng tai nghe, hễ không thấy rõ tiếng tụng kinh của chú nào là y như rằng ngay sau buổi lễ chú đó liền bị thầy kêu lên phòng quở mắng.
Ðó là mùa xuân năm 1969. Thời khắc giao thừa. Niềm vui bùng lên trong tiếng pháo mừng rộn rã. Bảy hồi chuông trống Bát Nhã ngân vang. phật tử lần lượt kéo nhau lên chùa dự khóa lễ đầu năm, cầu nguyện cho một năm yên mới yên bình, nhân dân thoát khỏi nạn binh đao, máu lửa.
Sau khóa lễ, chư huynh đệ vẫn y áo chỉnh tề, bưng khay trầm sang phòng mừng tuổi sư phụ. Thầy mặc hậu vàng, trông rất nghiêm trang. Nhìn chúng đệ tử, thầy cảm thấy lòng dâng lên một niềm hoan hỷ. Ít ra thì một số đệ tử của thầy cũng đã trưởng thành. Chơn Thanh, Chơn Hòa tuy còn Sa di nhưng cũng đã được trui rèn nhiều năm tại các Phật học viện. Tính đến năm nay, hai chú vừa tròn hai mươi tuổi. Ðã đến lúc phải cho các chú thọ giới cụ túc.
Sau khi chúng đệ tử chúc tết xong, thầy lì xì mỗi chú một chiếc bao giấy đỏ, rồi thầy cho phép mấy chú ngồi xuống quanh thầy. Giọng nghiêm trang nhưng thân tình, thầy nói:
– Năm nay Huệ Nghiêm mở đại giới đàn, thầy định cho Chơn Thanh và Chơn Hòa thọ Cụ túc giới, mấy chú lớn nghĩ sao?
Chơn Hiền nói:
– Thưa thầy, con thấy Chơn Thanh, Chơn Hòa đã đủ tuổi thọ giới. Với lại các chú ở Phật học viện bốn năm rồi, trình độ Phật học chắc cũng đủ…
Thầy cười:
– Ừ, thì mấy chú thấy được là được rồi!
Im lặng một lát, thầy tiếp:
– Mai mốt đến kỳ Phật tử thọ bát, Chơn Thanh, Chơn Hòa lên tập giảng coi sao.
Chủ nhật, tuy vẫn còn “mùng”, nhưng sư phụ Thiện Thọ cũng tổ chức cho Phật tử thọ Bát quan trai giới. Bảy giờ rưỡi sáng, Phật tử tề tựu đầy đủ ở chùa, đợi thầy lên truyền giới. Nguyên ngày hôm đó, phật tử chuyên ròng kinh hành, niệm Phật, nghe giảng, quả đường… nghiêm cẩn y như quí thầy đang mùa An cư kiết hạ vậy.
Buổi chiều, sau giờ chỉ tịnh xong, quí phật tử đã thiết pháp tòa đâu vào đó. Pháp tòa là một chiếc bàn nhỏ trải khăn xanh với một bình hoa cúc vàng trông khá nổi bật. Pháp sư Chơn Thanh mặc một chiếc hậu lam, không khác gì chiếc áo tràng của Phật tử mấy, chỉ có ống tay áo là rộng và dài hơn, chuẩn bị “đăng lâm pháp tòa”. Chơn Thanh cảm thấy run quá, vì đây cũng là lần đầu tiên chú đứng giảng trước rất nhiều Phật tử. Kỳ thực, ở Phật học viện, học tăng được học khá vững về kỹ năng thuyết giảng. Bên cạnh sư huynh Thiện Tri, Minh Huệ thuyết giảng rất vững và đi giảng nhiều đạo tràng ra, thì Chơn Thanh cũng là một trong những người có nhiều triển vọng nhờ chất giọng tự nhiên, vui và có phần tươi trẻ. Ðề tài Chơn Thanh tâm đắc phần nhiều gần gũi với đời sống tu tập của phật tử, nên chú cảm nhận rằng nếu mình thực sự ra giảng thì chắc cũng tạo được ít nhiều ích lợi cho những người bước đầu học Phật, tập tu. Mỗi lần huynh Minh Huệ đi giảng đâu đó, Chơn Thanh cũng đều xin theo, phần để học hỏi kinh nghiệm, phần cũng nhằm trợ lực, gây cảm hứng cho huynh bằng những câu hỏi thú vị nhưng không kém phần hóc búa.
Bây giờ, ngồi trên pháp tòa, phía dưới là hàng trăm con mắt đang đổ dồn về phía mình, Chơn Thanh không khỏi cảm thấy mất tự chủ. Toàn là người quen. Họ biết chú từ khi chú mới về chùa, thậm chí đã từng thỉnh thoảng thấy chú bị phạt quì hương chung với mấy chú khác vì tội nghịch ngợm. Những cặp mắt hướng về phía chú vì tò mò nhiều hơn là chờ đợi nghe pháp. Mèn ơi, cái chú Bé hôm nào đây mà, đi học mấy năm về thấy chững chạc dữ ha? Hỗng biết có giảng được không đây? Chơn Thanh như đọc được những câu nói đó trong mắt của các phật tử. Chú thầm niệm Phật cầu gia hộ rồi điều hòa hơi thở như lúc tập ngồi thiền. Chú đưa ánh mắt nhìn khắp đạo tràng, lòng thầm nhủ: mình phải xem họ như những ngươi thân rất gần gũi với mình, có sự giao cảm ấy thì người nói người nghe mới không có khoảng cách nặng nề làm mình lo âu, ngượng ngập. Rồi chú từ tốn bắt đầu: “Kính thưa quý phật tử trong Ðạo tràng Bát quan trai giới, nhân dịp đầu năm, chắc hương vị tết vẫn ít nhiều phảng phất trong lòng quí phật tử, vì vậy, hôm nay, chúng tôi xin nói với quí phật tử về hạnh nguyện của ngài Di lặc, Ðức Phật tương lai của chúng ta…”. Nói xong câu mào đầu, Chơn Thanh cảm thấy tự tin hẳn. Chú bắt đầu giảng một cách trơn tru, sinh động. Những cặp mắt tò mò dần dần ánh nên niềm ngạc nhiên, thích thú. Ðó là một trong những bước rèn luyện để chú cảm thấy vững chân bước vào đại giới đàn thọ giới để trở thành một tỳ kheo.
Mùa Hạ năm 1969, Phật học viện Huệ Nghiêm khai Ðại giới đàn miền Quảng Ðức. Chơn Thanh, Chơn Hòa và hàng trăm huynh đệ các lớp Trung đẳng Phật học được chư tôn đức cho phép thọ Ðại giới, chính thức dự vào hàng Tam Bảo.
Hơn một ngàn giới tử tựu về Phật học viện Huệ Nghiêm, gồm giới tử nội viện lẫn giới tử ngoại viện. Giới đàn cung thỉnh Hòa thượng Hải Tràng làm Ðàn đầu Hòa thượng. Ngoài ra, Tam sư, Thất chứng, có các vị Hòa thượng như: HT. Trí Tịnh, HT. Hành Trụ, HT. Phước Cần, HT. Thiện Hòa, HT. Thiện Thành, HT. Huệ Hưng… Tất cả đều là những vị danh sư. Chơn Thanh cảm thấy rất hãnh diện khi được quí ngài truyền trao giới pháp. Bởi vì, thọ giới, không những là bước ngoặc quan trọng trong suốt cả cuộc đời tu hành, mà còn kiến tạo năng lực hộ trì tam nghiệp cho việc tiến tới quả tu giải thoát. Chơn Thanh rất hiểu điều đó, nên trong lòng chú không ngừng rung lên những xúc cảm mãnh liệt.
Những giới tử nội viện vượt qua kỳ khảo hoạch một cách khá dễ dàng, vì đa số những câu hỏi đều nằm trong các bài giáo lý căn bản mà mấy huynh đệ đã được học rất kỹ trong suốt mấy năm qua.
Khi lễ truyền trao giới pháp chính thức được cử hành, một cảm giác rất lạ đột ngột dâng lên trong lòng Chơn Thanh. Chú ngước nhìn chư vị Tam sư, Thất chứng. Quí ngài trông uy nghiêm quá! Một trong những giờ phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời của một người tu là đây. Khi cúi đầu hướng về phương Bắc đảnh lễ cha mẹ lần cuối cùng, nước mắt Chơn Thanh chợt trào ra. Kể từ giờ phút này, chú trọn lòng với đạo pháp, dứt hết những hệ lụy của cuộc đời. Trong trí tưởng của chú hiện lên rõ mồn một hình ảnh ba má ngày tiễn chú đi xuất gia…
Lời của Hòa thượng Ðàn đầu cắt ngang dòng suy tưởng của Chơn Thanh. Ngài khai đạo giới tử: “Các giới tử lóng nghe! Ba đời chư Phật đều do xuất gia mà được thành đạo; lịch đại Tổ sư truyền Phật tâm ấn đều là bậc sa môn, do nghiêm trì giới luật thanh tịnh mới có thể hoằng truyền chánh pháp. Cho nên tham thiền học đạo, giới luật làm trước. Nếu không tránh lỗi ngừa quấy, thì làm sao mà thành Phật tác Tổ được. Bởi thế, người thọ trì giới này, giữ đủ luật nghi của Phật, sẽ được Phật thọ dụng…”
Giới tử bước lên thọ lãnh giới pháp được chia làm nhiều đàn, mỗi đàn ba vị. Chơn Thanh, Chơn Hòa và Chơn Tánh cùng một đàn. Ba vị cúi lạy chư vị hòa thượng để thọ lãnh giới pháp từ quí ngài. Ðây là bốn pháp Ba la di, đây là mười ba pháp Tăng tàn, hai pháp Bất định, ba mươi tội Xả đọa, chín mươi Tội đọa, bốn tội Hối quá, một trăm pháp Chúng học, bảy pháp Diệt tránh – tổng cộng thọ lãnh 250 giới. Này là y An đà hội, này là y Uất đa la tăng, y Tăng già lê; này là bát; này là tọa cụ; này đãy lọc nước. Tất cả vật dụng của một vị tỳ kheo thường phải mang theo bên mình cũng đã được truyền trao. Kể từ giờ phút này, Chơn Thanh chính thức gia nhập hội chúng Tăng già, trở thành một thầy Tỳ kheo. Như một luồn điện chạy dọc xống lưng, Chơn Thanh nghe như có một sức mạnh hộ trì lan tỏa khắp người. Mình đã đắc giới! – Chơn Thanh nghĩ – mình không còn là một Sa di nữa mà đã là một tỳ kheo. Một Tỳ kheo, ngoài việc nghiêm trì giới luật, còn phải xả thân hành đạo, phải luôn luôn sống vì lợi ích của số đông. Tỳ kheo thì phải có trọng trách với Ðạo pháp, với sự hưng suy của Ðạo pháp. Phải xoa đầu để luôn luôn tự nhắc nhở mình: mình là một Tỳ kheo! Này là điều nên làm. Này là điều không nên làm. Này là con đường đưa đến an lạc, giải thoát. Này là con đường đưa đến sự ràng buộc, khổ đau…
Những lời giáo huấn của Ðức Phật mấy ngàn năm trước như đang vang vọng trong lòng Chơn Thanh. Mình khoát ba y, tay ôm bình bát, thầy nghe lòng mình lắng dịu sâu sắc một nỗi niềm an lạc lạ kỳ.
Sau khi thọ giới, thầy cùng nhiều huynh đệ khác thường được Ban lãnh chúng cử đi thuyết giảng các nơi. Khi thì Bình Long, Tiền Giang, khi thì Trà Vinh, Vũng Tàu… Ðối với thầy, thuyết giảng là một Phật sự quan trọng. Nhờ những chuyến đi xa, thầy cảm nhận rất rõ niềm khao khát chánh pháp mãnh liệt của phật tử. Thầy hiểu những bài pháp của mình tuy chưa sâu sắc, tuy chưa có nền tảng thực chứng như quí hòa thượng, song, trong chừng mực nào đó, đây cũng chính là những liều thuốc quí, có công năng hóa giải bớt những nỗi khổ đau, mất mát, đem lại nguồn sống tươi mới cho một số người.
Cảm nhận sâu hơn trọng trách của mình, thầy tâm nguyện được dấn thân vì đạo pháp. Nhiều lần thầy đến giảng tại các vùng sâu, vùng xa, phương tiện đi lại khó khăn, đôi khi kẹt lại ở đó đến vài ngày. Gian khổ nhưng vui, niềm vui rất thật – vui vì đem chánh pháp đến cho người. Những lúc ấy, thầy thường nhớ lại và nhẩm đọc bài học thuở nhỏ sư phụ Thiện Thọ vẫn bắt đọc mỗi buổi sáng trước khi tập thể dục: “Nơi nào Chánh pháp cần, con đến; nơi nào chúng sanh cần, con đi. Không quản gian lao, không nề khó nhọc…”
Ðó là quãng vào những ngày sau tết năm 1971. Thầy cảm thấy mình đã cứng cáp, tự tin hơn nhiều trong những lần thuyết giảng. Thầy nhận thấy những vị thầy của mình ở trường, ngoài việc rất uyên thâm giáo điển ra, mỗi vị còn có một “chiêu thức” riêng để thu hút thính chúng. Hòa thượng Huyền Vi thì độc đáo bởi vốn ngoại ngữ sâu rộng, ngài có thể chú nghĩa các thuật ngữ Phật học bằng tiếâng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali. Hòa thượng Từ Thông thì đặc sắc bởi khiếu vẽ – với một viên phấn và vài nét phác họa, một con cò hay một bụi trúc hiện ra trông hết sức sống động. Thầy không có những nét độc đáo như quí ngài, vì vậy, thầy chọn cách tạo cho mình không khí tự nhiên, gần gũi, thân mật đối với thính chúng. Bài giảng của thầy thường là những vấn đề thiết thực với cuộc sống của mọi người, nên tuy còn trẻ, thầy vẫn được rất nhiều phật tử quí kính.
Thầy và các huynh đệ đã bước qua kỳ thi tốt nghiệp Trung đẳng, ráo riết ôn luyện chuẩn bị cho việc dự tuyển vào kỳ thi Cao đẳng Phật học cam go sắp tới.
Hàng ngày, tăng chúng tu viện rất ít khi ra ngoài, phần vì ít nhu cầu thế sự, phần vì qui luật của Phật học viện khá khắt khe, phải đi thưa về trình qui củ; vì vậy, mỗi khi có việc quan trọng, mấy huynh đệ mới xin ra ngoài. Trong thời gian này, thầy gần như chỉ chú tâm vào việc học. thầy cảm thấy bể học thức sâu rộng, chỉ riêng tri thức Phật học thôi cũng không thể nào chiếm lĩnh hết được. Nhưng kinh điển rất hiếm, không phải lúc nào cũng có sẵn để đọc. Nhiều quyển kinh sách chỉ chư vị giáo thọ sư mới có, nên mỗi buổi học tại lớp, học tăng phải ghi chép rất nhiều. Vì vậy, Phật học viện quyết định thành lập một ban ấn loát, gồm: thầy Phước Tài làm trưởng ban và các thành viên gồm Thiện Tri, Chơn Thanh, Chơn Phát… Ban ấn loát có trách nhiệm viết lại các bản kinh, đặc biệt là kinh chữ Hán, quay roneo làm tài liệu phát cho huynh đệ học tập.
Sau kỳ thi tốt nghiệp Trung đẳng Phật học của tăng sinh, Phật học viện vẫn sinh hoạt như thường lệ, nhưng các thời khóa như được giãn ra. Học tăng chuẩn bị thi vào Cao đẳng Phật học được hưởng một số ưu tiên so với các huynh đệ khác trong những sinh hoạt thường ngày. Một số vị xin phép về trụ xứ để tập trung ôn bài; một số khác ở lại, một mặt duy trì các thời khóa, một mặt chuyên tâm cho việc học hành.
Không khí tại Phật học viện như trầm lắng xuống. Trong khung cảnh quen thuộc với những sinh hoạt thường ngày, không phải lúc nào cũng khiến cho người ta có thể chú tâm vào việc học được, nhiều lúc việc học có thể bị phân tán do những chuyện không đâu. Do vậy một hôm, huynh Trí Hải đề nghị với các huynh đệ: “Ở đây khó chú tâm cho việc học quá. Hay là mình xuống chùa Long Khánh học đi!”. Ý kiến của huynh được mọi người hưởng ứng ngay lập tức. Bởi trong mấy huynh đệ, dường như ai cũng đã từng có lần xuống chùa Long Khánh. Chùa Long Khánh nằm cạnh một con sông nhỏ với vườn cây xanh mát, nhất là phía vườn cau, không khí trong lành và thật yên tĩnh. Sư cô Mỹ Duyên là trụ trì ở đây. Cô là người thân của huynh Trí Hải, từng lo lắng, chăm sóc huynh lúc huynh còn làm điệu “ba chóp”. Tính sư cô khá thoáng, lại rất quíù những học tăng chăm chỉ học hành. Cô không nhận ni chúng, vì vậy, Long Khánh là một nơi khá lý tưởng cho các huynh đệ “trú quân” trong khoảng thời gian dùi mài kinh sử.
Chiều chiều, sau khi cơm nước xong, bốn huynh đệ, thêm thầy Minh Thanh và thầy Thiện Phát nữa, cùng nhau đạp xe xuống chợ Ðệm. Mấy huynh đệ được sư cô giao cho một căn phòng khá rộng, đèn đóm đầy đủ. “Mấy thầy muốn học lúc nào thì học, muốn ngủ lúc nào thì ngủ!” – sư cô nói. Thỉnh thoảng, cô lại đem bánh, sữa, mì gói xuống cho mấy huynh đệ “bồi dưỡng”. Nhiều khi, mấy huynh đệ ở lại Long Khánh đến vài ba ngày, tự phân công nhau đi tụng kinh, nấu cơm, rửa chén… phụ với sư cô. Nhiều khi thức khuya quá, sợ ảnh hưởng đến chùa, lại gặp lúc đêm trăng sáng, mấy huynh đệ liền kéo nhau ra vườn cau ngồi học dưới ánh trăng, rồi cùng nhau khảo bài, ai không thuộc thì sẽ bị phạt…
Rồi mùa thi cũng đến. Hội đồng thi tại Viện Ðại học Vạn Hạnh – do hòa thượng Minh Châu làm Viện trưởng – rợp màu áo nâu. thầy cũng hòa vào mảng nâu ấy, nhận thấy mình khá nhỏ nhoi giữa hàng trăm tăng ni sinh dự tuyển. Tuy vậy, thầy cũng thấy tự tin bởi đã ôn bài khá kỹ, cộng với những lần đi thuyết giảng cho phật tử, thầy nghĩ vốn giáo lý và vốn sống đạo của mình chắc tạm đủ để có thể vượt qua kỳ thi này.
Kết quả danh sách thí sinh dự tuyển được dán trên một chiếc bảng lớn tại trường. Ngay buổi sáng công bố kết quả, đã có nhiều tăng ni sinh đến xem. Tăng riêng, ni riêng, mỗi bảng danh sách lại được niêm yết thành hai bảng nhỏ: bảng danh sách thí sinh thi đậu và bảng danh sách thí sinh thi rớt. Danh sách thi đậu được xếp theo thứ tự điểm số, từ cao đến thấp. Chưa kịp lướt mắt xuống, Chơn Thanh đã vội dừng ngay lại ở dòng tên đầu tiên: thủ khoa, không ai khác, chính là sư huynh Thiện Tri, tiếp theo, thứ nhì là Chơn Thanh, thứ ba là Minh Ðạt. Á khoa! – Thầy thầm nghĩ – mình đã đậu cao hơn nhiều huynh đệ khác! Ðó như là một sự may mắn vì thầy biết có nhiều huynh đệ chăm học và còn có khả năng hơn thầy. Tuy vậy, thầy rất vui, thầy nghĩ đây cũng là một quả tốt cho việc đèn sách cần cù của các thầy.
Trong năm này, có một sự kiện đáng nhớ, đó là Phật học viện Huệ Nghiêm được đổi tên thành Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, do Hòa thượng Trí Tịnh làm viện trưởng, hòa thượng Bửu Huệ làm viện phó đặc trách học vụ, Hòa thượng Quảng Ðộ làm Tổng Thư ký, Hòa thượng Thiện Hòa làm Giám Luật. Viện Cao đẳng được chia làm ba cấp: bốn năm đầu học cử nhân, hai năm sau học cao học, hai năm sau nữa học tiến sĩ. Chơn Thanh lại tiếp tục cuộc hành trình tu học, mà với thầy, vẫn còn rất xa rộng phía trước…