…. Sau đó các chú đi bộ đến trường làng để học. Buổi chiều ở chùa thầy dạy. Sợ nhất là môn học Huấn Mông, mỗi ngày học từ ba đến bảy chữ tùy theo đứa học trước học sau. Mỗi tuần thầy đều bắt viết lại để kiểm tra, cứ sai một chữ là bị phạt một roi. Cây roi mà sư huynh Chơn An đặt tên là Ðả Thần Tiên hầu như không tuần nào là không “viếng thăm” mấy cái mông các chú.
Mỗi khi thầy đi vắng là cả đám điệu được nghỉ buổi học Hán văn, tha hồ vui chơi tự do, thoải mái. Hôm nay trời mưa, không ra ngoài chạy giỡn được, không biết làm gì, mấy chú tụ tập lại chơi trò vật tay, chơi ăn gian rồi cải nhau ỏm tỏi. Sư huynh Chơn An đang nằm học kinh, thấy vậy bèn gọi:
– Ðứa nào nghe kể chuyện Tề Thiên hông?
– N..g..h..e..! – Cả đám reo lên mừng rỡ, chạy ào lại, xô vào người sư huynh. Chơn An bật dậy, dàn xếp đám nhốn nháo:
– Ngồi im đàng hoàng, huynh kể. Bữa hổm tới đâu rồi?
– Tới chỗ Tề Thiên khoe cái áo cà sa với Kim Trì trưởng lão…
– Ừa, Lão viện chủ thấy áo quí quá bèn sanh tâm chiếm đoạt. Lão mượn áo cất đi rồi sai đệ tử trong chùa nửa đêm chất củi đốt phòng thầy trò Ðường Tăng. Tề Thiên thấy những người này dã tâm ác quá nên tương kế tựu kế, bày trò gậy ông đập lưng ông, bèn đằng vân lên trời mượn cái tháp chắn lửa, đem về che một mình thầy Tam Tạng lại, còn thì để cho đám người kia đốt phòng chơi, cháy một phòng chưa đã, Tề Thiên liếng khỉ thổi thêm gió phù phù… cho lửa cháy lan hết cả chùa. Lửa cháy phừng phừng không dập tắt nổi, lão viện chủ và đám đệ tử chạy quắn đít!
– Ha … ha… Ðáng đời! Cháy cho chết mấy lão tham lam, ăn cắp…ha.. ha…
Cả đám nhảy lên cồng cồng, reo hò vật nhau ngã lăn lóc. Bỗng Chơn Phước nói lớn:
– Hay mình chơi trò đóng giả Tề Thiên đi.
Cả đám nhao nhao:
– Phải rồi, phải rồi, chơi đi…
Vậy là phân công: Chơn Ðức làm Tề Thiên, Chơn Hòa làm Trư Bát Giới, Chơn Hậu làm Sa Tăng, và Chơn Thanh làm Tam Tạng, còn Chơn Nghĩa làm con ngựa. Con ngựa lấy bốn cái miễng vùa, xỏ lỗ cột vô tay chân làm móng. Ngựa Chơn Nghĩa bò bằng miễng vùa nghe lộp cộp, cõng “Ðường Tăng” Chơn Thanh trên lưng. Ngựa ngẫu hứng hất thầy văng ngã lăn cù, cả bọn cười ầm ĩ rồi la hét rân trời! “Ðạo diễn” Chơn An mệt hết hơi vì đám diễn viên phá bĩnh cứ diễn những trò không có trong “kịch bản”.
Sư huynh Chơn An đi học, những ngày nghỉ huynh thường về chùa thăm thầy. Huynh có rất nhiều chuyện để kể. Có lần huynh kể chuyện Thạch Sùng. Huynh kể hay đến nỗi cả đám đều thấy ghét Thạch Sùng, ghét đến mức nảy ra “sáng kiến”: diệt thằn lằn! Vậy là cả bọn lấy dây thun đi tìm thằn lằn mà bắn. Tội nghiệp mấy chú thằn lằn trong chùa hôm ấy gặp phải nạn kiếp, lớn nhỏ cả bầy – dù thằn lằn xám ở nhà bếp hay thằn lằn vàng trên chánh điện – đều bị săn lùng ráo riết. Hầu hết từ bị thương đến ngắc ngoải, đuôi không rụng thì cũng móp mỏ, oằn lưng… Hôm đó, thầy gọi cả đám vào phòng, bắt đứng thành hai hàng rồi nói:
– Các con bắn giỏi quá ha?
Thầy tréo hai tay sau lưng, đi tới đi lui trước hai hàng “tội phạm”, gương mặt thầy có vẽ “bí hiểm” làm sao! Cả đám nghe thầy “khen” mà tim đập thình thịch! Thầy dừng lại trước mặt từng đứa, hỏi:
– Con bắn trúng ở chỗ nào?
Mỗi đứa lần lượt trả lời, đứa bắn trúng đầu, đứa bắn trúng cổ, trúng lưng, trúng đuôi.v..v… Sau đó thầy bảo cả đám cởi hết quần áo ra, đứng áp vô tường ôm cột như con thằn thằn, rồi bắt từng đứa thay phiên nhau, đứa này lấy thun bắn đứa kia ba chục cái thật mạnh vào đúng vị trí mà đứa đó đã bắn trúng thằn lằn. Phải kéo căng sợi thun, bắn hết ga kêu cái bụp vào người đau điếng nhảy dựng mới kể, bắn nhẹ là không tính, đếm lại. Chơn Thanh thưa với thầy là chỉ bắn dọa chớ không bắn trúng. Thầy bảo chú khỏi quay mặt vô tường mà quay mặt ra, đứng nhìn cảnh các bạn chịu hình phạt, xong rồi thầy đích thân cầm cọng thun đi lại kê ngắm thẳng vào mũi chú, nhưng bắn cái chóc vào vách tường sát bên lỗ tai. Nảy giờ nhìn “thảm cảnh” rùng rợn, chú đã sợ thất kinh hồn vía, mồ hôi chảy ròng ròng, da gà da vịt nổi cứng cả người, giờ tới lượt mình, nghe tiếng dây thun xé gió nả cái chát vô tường, chú điếng hồn nhắm mắt lại khóc thét! Thầy ngừng tay hỏi:
– Không trúng mà sao khóc?
– Dạ… con sợ… – chú mếu máo.
– Sợ nhiều không?
– Dạ… sợ dữ lắm! Sợ dữ lắm thầy ơi… – giọng chú run lập bập líu cả lưỡi.
– Con sợ sao thì thằn lằn nó cũng sợ vậy. Mai mốt còn bắn thằn lằn nữa thôi?
– Dạ thôi, dạ thôi, con hổng dám vậy nữa! – Chú nức nở.
Cả đám đỏ cả lưng, sưng cả đít, đầu cổ bỏng rát, không dám khóc lớn, dắt nhau lủi thủi theo sư huynh Chơn Hiền đi xức dầu vô chỗ bị bắn. Sư huynh vừa xức dầu cho cả đám vừa khịt khịt mũi cố kềm cái sống mũi cay cay…! Lúc mặc áo cho Chơn Thanh, thấy áo chú bị rách một lỗ, huynh đi lấy kim chỉ ra vá lại cho chú rồi mới mặc vào. Vỗ về cả đám:
– Mai mốt đừng chơi dại vậy nữa nghen!
Mà nào có “đừng” được. Vài hôm sau thầy đi vắng, cả đám lại bài ra trò đi đào dế đá. Trận đó lại cũng bị thầy phạt kiểu như trước, mấy cái đầu trọc sưng vù vì phải làm dế đá nhau!
Ở Phước Lâm, vui nhất là ngày có ba ở quê lên thăm. Ba đi với chú sáu – ba của Chơn Ðạt. Thời chiến tranh, đường xá lại xa xôi, từ quê lên phải đi mấy chặng xe. Hai người cha xách lên nào bắp, nào khoai, nào bánh tét nhưn chuối.v..v… Cầm đòn bánh tét do má gói, chú bật khóc. Má thương chú nhiều lắm, lần nào cũng đòi đi, nhưng nhà không thể đi hai người vì sợ tốn tiền xe. Má dành dụm, gói ghém tất cả những món gì chú thích, gởi theo ba kèm những giọt nước mắt. Có lần má lên thăm, hỏi chú có bị thầy đánh đòn không, chú nói có. Nghe con trả lời một cách nhẹ nhàng mà lòng má đau thắt, nước mắt tự nhiên tuôn ra không lau kịp! Chú hoảng hồn, không ngờ là má lại khóc dữ như vậy. Chuyện bị đòn ở đây là thường. Chơn Ðức đứng gần đó, thấy má chú khóc, bật nói: “ Ở đây đứa nào không bị đòn mà thím khóc? Ðứa nào hổng bị đòn là thành Phật rồi! ”. Chơn Ðức kéo má lại nói nhỏ: “Ðố thím ở đây quần áo tụi con rách chỗ nào trước?” Má lắc đầu, Chơn Ðức nói: “ Rách đít! Bị roi cạp liền liền, mau rách lắm!”. Má bật cười, lau nước mắt và kéo Chơn Ðức vào lòng, định giở lên coi thử, nhưng Chơn Ðức vùng chạy trớt, để lại một tràng cười ngất: “Bộ thím tính đi tìm kho báu hả? Cái mông của con là cái bản đồ kho báu quí lắm, bí hiểm vô cùng, đường dọc đường ngang rối còn hơn ổ tám chục đời con nhện nữa đó!”… Nói xong, chú thoắt cái tót lên ngọn cây bưởi. Chơn Thanh an ủi má: “Chú Ðức phá trời thần, lại làm biếng học nên mới bị đòn nhiều, con ít bị đòn lắm, má đừng lo cho con”. Nghe chú nói vậy, má mới yên bụng.
Ba lên thăm ở chơi đôi ba ngày, những ngày ấy chú càng cố gắng học thật tốt, thật ngoan để không bị sư phụ nhắc nhở.Chú sung sướng nhất là lúc ba hỏi thăm về chú, thầy gật gật đầu: “nó cũng được…” Chỉ bấy nhiêu lời thôi mà chú hãnh diện lắm, chú nghĩ mình đã làm cho ba vui. Chú đem những quyển tập học ra cho ba coi, toàn những điểm và lời phê tốt. Ba vỗ vỗ vào lưng chú, rồi ôm lấy chú, nói: “Con ráng học giỏi, ở tu với thầy, đừng có quậy, bị đòn đau lắm nghen con…”. Nói là nói vậy chớ ba thừa biết là chú rất ngoan hiền. Ở nhà ba má chưa từng bao giờ đánh chú một roi.Tan học ở trường là chú chạy thật nhanh về để có thời gian ở bên ba nhiều nhiều một chút. Thà không lên thăm thì còn nhớ ít, ba lên thăm về rồi là mấy ngày sau chú còn ngẩn ngơ. Ðưa ba ra bến xe lam về quê, chú đứng nhìn theo cho đến khi đám bụi khói sau xe tan hết mà nước mắt vẫn còn rớt. Vậy mà khi về chùa, sư huynh Chơn Hiền hỏi nhỏ: “Có muốn theo ba về quê, nghỉ tu luôn hông?” thì chú đáp: “Em nhớ má nhớ ba lắm, nhưng em nói là em theo thầy tu rồi, dù gì đi nữa cũng không bỏ tu mà về.” Chơn Hiền cười, vuốt đầu chú và nói: “Giỏi! Nhớ vậy nghen”. Rồi hai huynh đệ ngoéo tay, cười toe toét. Không hiểu từ lúc nào thầy đã đứng bên cánh cửa, nhìn ra thấy cảnh đó, chắc thầy cũng đoán được anh em chú thì thào với nhau điều gì. Gương mặt thầy xúc động và lộ rõ sự hài lòng. Thấy chú quay qua bắt gặp, thầy im lặng đi vào phòng. Nhìn theo dáng thầy, không hiểu sao trong lòng chú trổi lên một niềm thương kính kỳ lạ. Chú nghĩ bụng: không bao giờ chú bỏ thầy.
Năm 1964, học xong chương trình gia giáo, tinh thông hai thời công phu và bốn quyển Luật bằng chữ Hán, thầy quyết định đưa chú xuống học lớp Sơ đẳng Phật học ở chùa Phổ Quang. Những ngày hành điệu ở Phước Lâm đã qua, lưu lại trong chú biết bao là kỷ niệm. Làm sao quên được những đêm gần tết nhớ nhà “khóc phong trào”, một đứa thút thít là cả dãy sùi sụt. Có lần, sau một trận khóc tập thể, đám trẻ ngủ say vùi, đạp rớt cả Chơn Ðạt – chú nhỏ nhất – xuống đất, Chơn Ðạt lồm cồm bò lên, bộ ván cao, vừa té đau giật mình nên cứ leo lên rớt xuống, chú bật khóc hu hu… cả đám thức giấc, nghe tiếng lại tưởng là có… khóc đợt hai, bèn hưởng ứng (!). Lần này vì người khởi xướng khóc hơi lớn nên dàn đồng ca cũng theo đà nâng cao âm lượng, sư huynh Chơn Hiền từ bộ ván bên kia giật mình thức giấc, hỏi: “Chuyện gì vậy?” Chơn Ðạt bệu bạo: “Mấy ảnh đạp con té xuống đất đau quá sư huynh ơi!” Cả đám vỡ lẽ, nín khóc, lại quay qua rúc rích cười!…
Rồi những ngày học bài chưa thuộc, ham chơi, bị thầy đánh đòn. Cây đả thần tiên của thầy sao mà nó đau chết điếng! Những buổi tụng kinh lễ Phật lắng vào tiềm thức, thành thói quen. Mái chùa Phước Lâm trở nên thân thuộc, đi vào ký ức tuổi thơ của chú còn đậm nét hơn cả ngôi nhà nơi chú sinh ra. Hình ảnh vị thầy lưu dấu rất rõ trong tâm tưởng. Thầy đã cho chú những bài học quí giá nhất mà sau này đi xa, lớn lên, thu nhận đệ tử rồi chú mới hiểu được hết.
Thầy là người quê Ðồng Tháp. Xuất gia năm bảy tuổi. Người dong dỏng cao, gầy gò, gương mặt nghiêm trang, cương nghị. Thầy chủ trương thu đệ tử là những chú nhỏ cùng quê để dễ hiểu tính tình, dễ thông cảm, dạy dỗ. Thầy dạy đệ tử rất nghiêm. Từng cách đi dáng đứng, từng cử chỉ oai nghi đều được thầy chi li giảng giải và áp dụng thực hành nghiêm nhặt, sai là phạt không nương tay. Thầy dạy kỹ càng từ việc nhỏ đến việc lớn, từng động tác tụng kinh, gõ mõ: khi đánh mõ lắc tay ra sao cho tiếng kêu chắc gọn, dứt khoác; đánh chuông thế nào cho tiếng ngân vang xa mà chuông không bị lắc lư. Ở tuổi ăn tuổi ngủ, tuổi hồn nhiên vô tư, các chú điệu đánh mõ mà để mõ “đi” khỏi tầm tay, dùi gõ xuống nền gạch là chuyện bình thường; chuông nhỏ nhỏ thì đánh lật cả chuông là chuyện không lạ. Thầy thường đem những trường hợp như vậy ra “rao” trước, ai phạm phải sẽ bị hình phạt như thế nào. Bao giờ cũng vậy, khi dạy đệ tử, thầy luôn dẫn chứng những tình huống có thể xảy ra để học trò biết và tránh trước. Cách dạy dỗ của thầy sâu sát chi li, thực tế. Thầy không quản khó nhọc. Có lần, thầy gập người, chịu cho muỗi cắn, núp cả dưới gầm bệ Phật nghe đệ tử tụng kinh, để xem khi không có mặt thầy, các đệ tử có đọc tụng rõ ràng không. Thầy lắng nghe rất kỹ, ai đọc sai, đọc lệch, đọc lướt một chữ là thầy đều biết. Sau buổi tụng kinh, ai phát âm không chính xác từ nào, thầy bắt đứng đọc lại hoài mỗi chữ năm phút. Thầy rất thẳng tính, nghiêm khắc. Sai đâu là sửa đó liền, không cho qua, dễ dãi. Ở chùa, ngày thường thầy không để phật tử vào chùa nấu cơm. Mấy chú thay nhau làm trị nhật. Khi mấy chú bận học, thầy đích thân xuống bếp nấu cho cả chùa ăn. Ðối với mấy chú điệu, thầy phân công một chú phụ trách phần ghi chép báo cáo tất cả những “hoạt động” của các “tiểu hòa thượng”. Người ghi báo cáo mà ghi không đủ, giấu diếm là bị phạt nặng. Ghi người, không ghi mình bị phạt còn nặng hơn. Chơn Hậu là người được thầy chỉ định cho công việc ghi chép báo cáo. Dẫu rất sợ thầy, sợ bị phạt nhưng lứa tuổi mà ngoài đời gọi là “nhất quỉ nhì ma…” thì có hình phạt nào ngăn cản được dài lâu những trò tinh nghịch. Chơn Hậu không hề vì “địa vị” của mình mà kém nhiệt tình với các trò chơi, chú cũng bày trò không kém ai. Do vậy, đôi khi ghi chép cũng biết “châm chước”, biết “quên” những chi tiết không nhớ xuể. Vì thế nên thầy “anh minh” phái thêm một “đạo hữu” ngoài chùa, đó là thằng bé Quân trong xóm. Tên điệp viên này rất lợi hại. Sau một trò chơi có nó tham gia, nếu nó hài lòng thì thôi, nếu các chú ỷ đông, phe nhà…chùa có ăn gian chút đỉnh thì y như rằng sau khi “tòa” xử, nó còn khiếu kiện bổ sung. Không bao giờ thầy thưởng kẹo bánh cho nó ngay sau khi nó méc, sau đó vài ngày thầy mới kêu nó lại cho. Thầy làm như vậy là có chủ ý, thầy không thưởng cho nó vì chuyện mách lẻo, mà “trả lương” cho nó vì công tác làm gián điệp. Thầy không dạy dỗ ra miệng, nhưng trong mỗi hành xử, thầy đều có hàm ý giáo dục. Cách mách lẻo của thằng Quân cũng rất đặc biệt. Thường là nó lựa khi thầy đang nằm trên võng, nó mon men lại nằm phía dưới bộ ván, đưa võng nhè nhẹ cho thầy. Cái bàn tay nhem nhuốc đất cát của nó ban đầu thì nắm đầu võng chỗ chân thầy, sau vài lượt đưa, bàn tay nó lần lần nắm xuống gần chân thầy hơn, cho đến khi đụng chân thầy thì nó khều nhẹ nhẹ vào ngón cái rồi bắt đầu ngồi dậy nói, bao giờ cũng điệp khúc câu hỏi lung khởi mào đầu: “Thầy, thầy biết… tại sao… ai… cái đó?…” Những chi tiết bổ sung của nó đều được thầy thẩm tra và ghi vào cáo trạng, lần sau tái phạm là giở “tiền án” ra mà nghị tội cộng thêm vô. Có lần, sau khi sư huynh Chơn An kể chuyện Tề Thiên, như thường lệ, cả đám liền tổ chức một phái đoàn đi thỉnh kinh. Chơn Ðạt và Chơn Tâm nhỏ nhứt đám, lần nào cả đám bày trò chơi thì hai chú cũng bị phân công canh gác, thấy thầy về tới là báo động. Cũng có hôm Chơn Thanh tự nguyện gát thay để hai chú nhỏ có dịp được chơi. Hôm ấy hai chú “biểu tình” đòi chơi, nhưng không ai chịu ra gác thay, Chơn Thanh mắc làm Tam Tạng, không thể đi gác thay cho hai chú. Vai Tam tạng không ai đóng được vì tiêu chuẩn “tư cách đạo đức” gắt gao, chỉ có Chơn Thanh là được mọi người tạm hài lòng đồng ý cho làm Tam Tạng bởi tính tình chú rất nhu hòa,hiền lành, lại thông minh học giỏi, không bao giờ gây gổ bạn bè. Chú lại là người đạt danh hiệu người có thân hình “sạch sẽ” nhất (ít có lằn roi dọc roi ngang) nên đóng Tam Tạng là oai nghi nhất. Hôm đó Chơn Ðạt và Chơn Tâm phụng phịu ra gác, hai chú tức mình, tự đóng làm yêu quái với Tề Thiên. Tề Thiên rượt yêu quái chạy xa tuốt trong xóm, quên luôn nhiệm vụ canh gác. Thầy về, không ai báo động, cả đám vãn hát không kịp, bị bắt tại trận đang như đám giặc chòm inh ỏi cả chùa. Thế là thiết bảng của Tề Thiên quay lại đánh luôn cả Tề Thiên. “Hậu Tây Du” kết thúc, cả đoàn đi Tây Trúc – dù xuất thân Ðại Ðường nhưng đều trở thành “Ðại Mông” (sưng đít) hết! Vậy mà thằng Quân còn chưa hả dạ, mấy lần trước chơi trò này nó luôn bị phân vai đóng tiểu yêu, ma quỉ, đối tượng để Tề Thiên đánh đấm tha hồ. Ðôi khi nó “bức xúc” quá, nổi loạn xin đổi vai đóng làm Tam Tạng, được cỡi ngựa một chút, nhưng mấy chú cắc cớ bảo nó phải cạo đầu thì mới cho làm. Nó ức lắm, ôm mối căm hờn nhưng không thể méc thầy vì nó vẫn muốn duy trì trò chơi, dẫu toàn bị đóng vai chịu đòn nhưng ít ra thỉnh thoảng cũng phản công ngoài lề được vài cái, đỡ hơn lộ ra, thầy không cho chơi nữa thì cũng buồn. Lần này lộ rồi, nó thả giàn luôn, chuyến này cho thầy quánh cả đám một trận “tốc xả mê đồ” luôn! Nó chờ thầy lên nằm trên võng, liền bắt đầu điệp khúc:
– Thầy, thầy… thầy có thấy cái Y của thầy bị dơ không?
– Ðâu? Sao vậy? – thầy bật ngồi dậy hỏi.
Hồi nảy… – thằng Quân nhìn trước nhìn sau, chợt nó thấy sư huynh Chơn An vừa bưng thuốc vô cho thầy, nó khôn ngoan lấp liếm, nói lớn: – Hồi nảy sư huynh có la rồi, chú Chơn Hậu đem vô trả lại mà làm rớt xuống đất, chỗ gần lu nước nên bị dơ…
Sư huynh Chơn An nghe vậy, vội nói đỡ:
– Dạ, thưa thầy, hồi nảy mấy chú có lấy Y của thầy ra để làm cà sa cho Tam Tạng, nhưng vừa lấy ra, con thấy, đã rầy mấy chú rồi, Mấy chú sợ lắm, đem vô trả lại nhưng lỡ tay làm rớt nên bị dơ chút xíu, con định lát nữa sẽ đem giặt…
Thầy nóng nảy quát:
– Hết biết tụi con rồi! Dám đem Y của thầy ra mà chơi. Kêu hết mấy đứa vô đây!
Chơn An quay qua liếc thằng Quân, nó lấm lét tụt xuống khỏi bộ ván chạy ù về nhà. Mấy lần trước, sau khi báo cáo thành tích gián điệp, nó thường được thầy nhìn và gật đầu: “ừa,ừa..” rồi biểu nó đi chơi đi, vậy thôi, thầy ghi sổ đó, lần sau mới cộng tội. Thầy rất khéo trong việc “dùng người”, thầy biết tánh trẻ con mau quên, thầy không muốn cho nó cũng như cả mấy chú thấy được “hậu quả” của việc nó mách lẻo, để không ai giận nó, nhờ vậy nên nó mới còn cơ hội chơi chung với “quân ta” mà tiếp tục hành nghề. Thế mà không hiểu sao lần này thầy giận dữ vậy. Nó hối hận quá, vừa chạy vừa lo.
– Thầy ơi, thầy uống thuốc đi rồi hãy nói…
Chơn An bưng chén thuốc Bắc lên, hai tay đưa cho thầy. Thầy bị bệnh tim và bệnh gan nên tính dễ xúc động và nóng nảy. Biết là chuyện nghiêm trọng nên Chơn An lo lắm, sợ mấy chú nhỏ lại bị đòn nặng.
– Các con nghe cho kỹ đây – Thầy bắt đầu nói khi cả đám xếp hàng quì gối vòng tay trước mặt thầy – Y Hậu không phải là cái có thể đem ra chơi được. Y Hậu là vật góp phần làm nên oai nghi của một thầy tu. Chỉ được đắp y khi hành lễ trước Phật, trước Bồ Tát. Tăng chúng đi đâu xa chùa qua đêm phải đem theo Y Hậu, đó là vật rất quan trọng trong đời sống Tăng Già….
Thầy nói nhiều, nhiều lắm nhưng các chú không thể nhớ hết, chỉ lơ mơ hiểu rằng đó là điều rất quan trọng. Tự dưng chưa bị đánh mà theo từng lời nói của thầy, cả đám cùng khóc hết. Có lẽ nhìn những gương mặt non nớt đang tỏ ra lo sợ, hối hận thực sự, dù chưa hiểu hết nhưng cũng ý thức được lỗi lầm của mình, thầy cảm thấy nguôi giận. Cả đám được tha sau khi lên chánh điện lễ lạy sám hối thành khẩn.
Thầy là vậy. Rất nghiêm khắc nhưng tất cả cũng vì muốn đệ tử trưởng thành, Mỗi lần sau khi mấy chú bị đòn đau, thầy thường cho kẹo bánh, hoặc đích thân xuống bếp nấu nướng, làm bánh cho cả chùa ăn. Thương yêu nhưng không nuông chiều, Phương pháp dạy dỗ của thầy có phần hơi nặng nhưng thầy nói: làm người tu phải kinh qua gian khổ, phải tập tính kiên nhẫn, chịu đựng. Cũng như con cá chép, muốn vượt vũ môn hóa rồng phải qua bao gian nan, thân thể gầy ốm nhưng chắc khoẻ mới tung mình nhảy nổi, con cá mập mạp lừ đừ nuôi trong chậu cảnh không thể làm nào làm được việc gì! Cả chùa đứa nào đứa nấy ốm nhom, mỗi lần chuẩn bị dẫn các chú về thăm gia đình là trước đó cả tháng thầy mua thuốc “Ðại bổ ngũ tạng tinh” của nhà thuốc La Vạn Linh cho cả đàn nhóc uống, “tân trang” chu đáo trước khi cho về. Sắp về thăm nhà, đứa nào cũng cố gắng ngoan, không dám nghịch phá, vì hễ phá, bị phạt đánh đòn có dấu roi là thầy không cho về, sợ người nhà thấy, xót ruột. Thầy nói: Người đời không thấu lẽ thiệt hơn, dễ nhìn hình thức mà xét nội dung, thầy không lừa dối gia đình các con nhưng các con muốn trở thành một thầy tu tốt thì không thể giáo dục theo kiểu gia đình được. Ðại chúng không thể hiểu như một đại gia đình. Ðại gia đình tuy cùng chung tổ tiên giòng tộc, nhưng cái tôi được tôn trọng, mỗi người một chí hướng, một mục tiêu phấn đấu, quan niệm sống khác nhau. Ðại chúng thì ngược lại: cái tôi phải biến mất, tất cả cùng chung một chí hướng, một mục tiêu tu hành, một cách sống như nhau. Ðại gia đình một trăm người là một trăm người, không ai đại diện cho ai được. Ðại chúng trăm người là một, một là một trăm. Tóm lại, hai từ “xuất gia” mang ý nghĩa vô cùng sâu xa là vậy. Không thể đem tiêu chuẩn dạy dỗ kiểu gia đình áp dụng vào nhà chùa được. Do vậy, các bậc cha mẹ thương con thiếu trí tuệ sẽ không hiểu được cách dạy dỗ của thầy, sẽ phiền trách, làm chao đảo tâm các con, vì thế, có những chuyện riêng tư ở chùa tuyệt đối không đứa nào được kể lại cho gia đình biết.
Thầy chuẩn bị, làm công tác tư tưởng và dặn dò kỹ lưỡng như thế mỗi lần đưa đệ tử về thăm nhà. Các chú cũng rất ngoan, rất quí thương thầy, và có lẽ trên hết là cái duyên với đạo khiến những cánh chim non nớt ấy vẫn chập chững bay lên cho đến ngày có thể sải cánh tự tin trên bầu trời cao rộng.
Khi các chú lớn lên, đi học ở chùa Phổ Quang, mỗi lần về thăm chùa, thăm bổn sư là thầy hỏi han rất kỹ việc học tập. Học đến đâu, học thế nào, học những gì? Có điều gì chưa rõ, trình kiến giải thầy nghe để kịp thời chỉnh lý. Rồi thầy đứng ra tổ chức những buổi thực tập diễn giảng cho mấy chú thực tập dạy thử, tổ chức rất chu đáo chớ không qua loa. Thầy quan tâm dõi theo từng bước trưởng thành của đệ tử, kịp thời uốn nắn ngay những biểu hiện sai lệch. Khích lệ, động viên, mở lối cho những ước mơ làm tốt đạo đẹp đời. Lúc còn nhỏ, thầy nghiêm khắc dạy dỗ cứng rắn là thế, nhưng khi lớn lên thầy lại nhẹ nhàng thân cận gần gũi, khiến đệ tử nào khi có vấn đề gì cũng tâm sự, giải trình với thầy. Thầy chia sẻ với đệ tử tất cả tâm nguyện của mình và đặt hết kỳ vọng vào đệ tử.
Sau này, khi thầy sắp tịch, thầy gọi tất cả đệ tử về. Dù thân mang trọng bệnh, thầy cũng ráng cho người dìu ra chánh điện, để được tận mắt lần cuối nhìn thấy hàng đệ tử của mình Y Hậu nghiêm trang tụng kinh lễ Phật. Thầy khẻ nở nụ cười nhìn các đệ tử giờ đã trưởng thành. Thầy tin chắc rằng trong đội ngũ ấy, rồi sẽ có người không phụ công dạy dỗ của thầy, tiếp tục thay thầy hoằng dương chánh pháp.
Năm Chơn Thanh 15 tuổi, thầy cho chú và Chơn Hòa xuống học lớp Sơ Ðẳng ở trường Phật học Phổ Quang.
Trường Sơ Ðẳng Phật học Phổ Quang là cơ sở sinh hoạt của phái Lục Hòa Phật Tử Việt
– Mấy chú học thuộc hai đường công phu và bốn quyển luật Trường Hàng chưa?
Chơn Thanh lí nhí đáp:
– Dạ rồi!
Thầy bắt bí:
– Vậy nhập chúng đệ mấy?
Chơn Thanh nhìn sang Chơn Hòa, thấy bạn chưa có phản ứng gì, chú đáp luôn:
– Mô Phật, đệ tứ.
Thầy nhìn vào Chơn Thanh hỏi tiếp:
–Phàm tại xứ, thụy bất tại nhân tiền, khởi bất tại nhân hậu, mấy chú hiểu không?
Chơn Thanh lễ phép:
-Mô Phật! Ở Phật học viện, ngủ không được trước người, dậy không được sau người…
Ðộc đáo ở chỗ chữ “phàm tại xứ” lẽ ra phải dịch là “phàm ở chốn này”, chú lại nói là “ở Phật học viện”, vừa phù hợp với bối cảnh, vừa tỏ ra hiểu ý thầy giám viện muốn răn dạy. Những điều này, khi còn ở Phước Lâm, mấy chú được sư phụ dạy rất kỹ. Nhất là trước hôm lên đường, sư phụ còn dạy nhiều kinh nghiệm ở chúng. Ở chúng không đơn giản như ở chùa một thầy vài ba trò sống với nhau. Ở chúng đòi hỏi mình phải tự ý thức nhiều hơn. Phải biết thức khuya, dậy sớm, chăm lo kinh kệ, học hành, sống sao cho vui lòng huynh đệ, phải biết học tập những cái hay, cái tốt của mọi người. Thầy còn chu đáo mời các vị thầy lớn về, tổ chức một đàn tràng thật trang nghiêm cho các chú được thọ phương trượng sa di giới trước khi rời chùa đi học để khỏi mặc cảm với huynh đệ rằng mình chỉ là một sa di đuổi quạ, và cũng để cho các chú ý thức được rằng mình đã lớn, xa thầy thì phải biết tự lực mà tu học. Bổn sư Thiện Thọ được mệnh danh là ông thầy giáo Tân Uyên nổi tiếng dạy học trò nghiêm cẩn.
Nghe Chơn Thanh trả lời suôn sẻ và thông minh, thầy giám viện mỉm cười tỏ vẻ hài lòng. Thầy với tay lấy cái linh (chuông nhỏ) để trên bàn rồi rung lên mấy cái. Hồi linh vang lên lanh lảnh, Chơn Thanh hiểu là thầy đang gọi chú thị giả vào. Lệ ở chùa, khi thầy trò chuyện, nhiều khi thị giả được phép ở lại vừa hầu nước, vừa nghe chuyện để học hỏi, nắm bắt công việc, nhưng cũng có lúc thị giả phải đi ra ngoài để giữ phép, đến khi nghe thầy rung linh thì mới chạy vào. Ở Phước Lâm, sư phụ Thiện Thọ cũng có một cái linh như thế. Mỗi khi sư phụ rung linh, thì y như rằng Chơn Hậu dù đang làm bất kỳ việc gì cũng để lại đó, ba chân bốn cẳng chạy vù lên phòng thầy.
Thị giả là một chú sa di còn khá trẻ, nhỉnh hơn Chơn Thanh độ ba, bốn tuổi, là thị giả của sư ông viện chủ, kiêm luôn việc hầu thầy giám viện, tên chú là Minh Huệ. Minh Huệ bận chiếc áo vạt hò màu lam sạch sẽ, dáng người dong dỏng cao và gương mặt trông rất lanh lợi. Chú chắp tay khẽ cúi chào khách rồi cung kính đứng sau lưng thầy giám viện. Thầy dạy:
– Ðây là thầy Thiện Thọ, đến xin cho hai chú nhỏ được nhập chúng để theo học lớp Sơ Ðẳng Phật học. Chú đưa thầy lên gặp sư ông, luôn tiện để hai chú đảnh lễ sư ông trước khi xuống đảnh lễ đại chúng.
Minh Huệ cúi đầu xá thầy Thiện Thọ, thỉnh thầy đi trước, rồi nhường lối luôn cho Chơn Thanh và Chơn Hòa, chú đi sau cùng. Khi đi ngang qua con đường nhỏ có bờ râm bụt bên phải chánh điện, Minh Huệ bước lẹ lên ngang với Chơn Thanh, hỏi nhỏ: “Lúc nãy thầy giám viện có nói chỗ cho mấy chú nghỉ chưa?”. Chơn Thanh ngơ ngác lắc đầu, vì chú không biết rằng như vậy là thầy giám viện đã đồng ý cho hai chú nhập chúng. “Chắc là thầy quên đó, để lát nữa tui chỉ chỗ cho” – Minh Huệ thân thiện nói.
Ngôi thất nơi sư ông Hải Tràng ở gọn nhỏ. Ðồ đạc lại có vẻ cũ kỹ nhưng ngăn nắp. Một cái đơn gỗ thấp, hai chiếc tủ kinh, một cái bàn làm việc. Giữa phòng là một tấm thảm màu xanh thẫm trải ngay ngắn trước bàn Phật, nơi sư ông vẫn thường xuyên lễ lạy. Khách đến ngồi trên tấm nệm mỏng đặt phía cửa sổ, bên chiếc bàn trà thấp. Sau khi các chú đảnh lễ, sư ông dạy: “Mấy chú còn nhỏ, hãy ráng tu học, giữ gìn nội qui và phải sống cho hòa hợp chúng, nghe!”. Nói xong, sư ông đưa tay xoa đầu hai chú. Sư ông dáng người cao đậm từ hòa, gương mặt phúc hậu, bàn tay sư ông như có một sức ấm nóng lạ kỳ, lan tỏa khắp người.
Gởi chú xong, thầy ra về. Trước khi ra cổng, thầy dừng lại, đặt tay lên vai chú thị giả Minh Huệ và nói, giọng cảm động: “Chú Minh Huệ à! Chú ở đây trước, Chơn Thanh và Chơn Hòa mới đến, hai đứa có gì chưa biết, chú hoan hỷ chỉ vẽ giùm…”. Giọng thầy chân thành, xúc động. Hồi còn ở trên Tân Uyên, chú và Chơn Hòa hay sợ và tránh thầy, vậy mà lúc đó bỗng hai chú thấy lưu luyến, cứ luấn quấn bên thầy, sợ thầy đi mất! Chú theo sát chân thầy ra đến cổng, bất ngờ thầy quay qua ký lên đầu chú một cái, rồi nói:
– Thôi, ở lại ráng học nghen!
Thầy nắm hai vai quay chú trở vô, rồi vội vả bước nhanh. Chú lặng người xúc động trước cử chỉ ấy của thầy. Ngày còn bé, chưa bao giờ thầy xoa đầu chú, không có một cử chỉ thân thiện nào ngoài ánh mắt âu lo mỗi khi chú nóng sốt, bệnh yếu. Bây giờ chú lớn rồi, thầy lại ký đầu chú như một chú bé con. Dáng thầy đã đi khuất khúc quanh con đường mà chú còn đứng đó, nước mắt chảy lúc nào không hay! Chú nhớ mãi hình ảnh của thầy hôm ấy.
Phổ Quang – ngôi chùa mà chú mới đến ở không lớn lắm, nhưng khuôn viên khá rộng, ăn thông ra con đường Võ Di Nguy phía trước. Ở góc sân chùa có một cây bồ đề lớn, cành đơm chi chít những quả chín màu nâu sậm, chim chóc giành nhau kêu ríu rít suốt ngày, thỉnh thoảng lại rụng xuống một cái lá to có đuôi dài hơn những chiếc lá cây bình thường khác. Bên phải chánh điện là một con đường nhỏ với bờ râm bụt thâm thấp, được cắt xén cẩn thận. Ðối diện bên kia con đường là ngôi thất có gác gỗ của sư ông viện chủ, bên này là cốc của thầy trụ trì. Dãy nhà Tăng nằm phía bên trái chánh điện. Nói là dãy nhưng kỳ thực đó chỉ là một căn phòng lớn kê mấy dãy đơn dài. Chơn Thanh và Chơn Hòa được phân ở tại căn phòng đó, nằm ngủ trên một cái bộ ngựa màu mun bóng nhẵn. Cái bộ ngựa cũng là nơi dành riêng cho hai chú để mớ đồ đạt ít ỏi của mình. Buổi tối, hai chú giăng chung một cái mùng, nhưng có riêng hai cái gối và hai cái mền. Phòng rộng, có đến mấy chục chú, gồm cả chúng thường trụ lẫn chúng học đường, tất cả cùng học chung lớp Sơ Ðẳng.
Trong chúng học đường, tức những vị từ nơi khác đến học, Chơn Thanh quen được huynh Thiện Tri, gốc người Phú Yên, rất giỏi kinh, luật, luận và chữ Hán. Huynh Thiện Tri lớn hơn Chơn Thanh khoảng sáu, bảy tuổi nhưng chưa thọ Tỳ Kheo giới. Trong chúng thường trụ, Chơn Thanh thân với huynh Minh Huệ nhất. Trong thâm tâm, Minh Huệ cũng rất mến Chơn Thanh – chú sa di trắng trẻo, ốm và cao đến độ mấy huynh đệ trong chúng thường chọc là “Thanh cò”, được cái tuy mau miệng nhưng tính tình lại rất hiền hòa, không thích cãi cọ. Một lẽ nữa là sư phụ của Chơn Thanh đã có lời gửi gắm đệ tử của mình cho Minh Huệ nên mặc nhiên chú coi Chơn thanh và Chơn Hòa là hai sư đệ. Minh Huệ là học tăng giỏi nhất chúng thường trụ, được sư ông và thầy giám viện thương, thành thử Minh Huệ cũng có uy với chúng. Có một điểm chung giữa bốn huynh đệ là tất cả đều giỏi chữ Hán và viết chữ Hán rất đẹp. Chữ Thiện Tri thì cứng cáp, chữ Minh Huệ bay bướm, chữ Chơn Hòa đều đặn, riêng chữ Chơn Thanh thì ốm ốm, cao cao và hơi nghiêng nghiêng trông giống hệt hình dạng của chú, nhìn vào ai cũng nhận ra ngay chữ của Thanh cò! Bộ ba Thiện Tri, Minh Huệ và Chơn Thanh, tuy tuổi tác ba người cách biệt, nhưng cả ba lại thân thiết, coi nhau như huynh đệ.
Những tháng ngày tại Phổ Quang cứ thế lặng lẽ trôi qua. Chiều chiều, sau giờ cơm, Chơn Thanh thường hay ra sân trước đứng nhìn cây bồ đề và con đường nhỏ. Chú như vẫn còn thấy dáng áo nâu của thầy đi hút cuối con đường vào cái hôm thầy gởi hai chú ở lại đây tu học.
Buổi sáng, mấy huynh đệ cùng học nội điển tại trường, buổi chiều có khi nghe giảng, có khi tự học. Ðối với Chơn Thanh, chương trình nói chung không nặng lắm, vì chú và Chơn Hòa đã được bổn sư dạy dỗ khá kỹ trong chương trình Gia giáo tại chùa. Buổi tối, sau giờ cơm chiều, hai chú được quí thầy trên cho phép đi học lớp đệ lục bổ túc văn hóa tại trường tư thục Tân Thạnh. Giờ học bắt đầu từ sáu giờ và kết thúc lúc chín giờ. Hai chú ăn chiều qua loa rồi xách cặp đi học. Tối về, bụng đói lại phải thức khuya nên thỉnh thoảng mấy chú “lai vãng” xuống bếp lục xin… cơm nguội. Nội qui nhà bếp Phổ Quang khá chặt chẽ, buổi tối các chú không được xuống bếp lục lạo đồ ăn, gây phiền hà cho những người nấu bếp. Nhưng Chơn Thanh và Minh Huệ đặc biệt được mấy cô nhà bếp thương nên hễ thấy bóng dáng mấy chú lấp ló gần khu vực bếp là các cô múc cơm lên cho, thỉnh thoảng khuấy bột bồi dưỡng các chú vì học khuya, tội nghiệp! Ðời sống chư tăng tại Phổ Quang bấy giờ rất kham khổ. Giờ quả đường trưa mới có cơm pha gạo trắng, thức ăn tàm tạm, còn buổi chiều và buổi sáng thì chỉ ăn toàn gạo đỏ, hạt nào hạt nấy to bằng hạt lúa mì, cứng ngắt. Ðồ ăn gồm nước tương do nhà bếp pha chế, các thứ rau quả thì xin ở chợ về. Ðạm bạc vậy nhưng đời sống tu học của các chú không vì thế mà lơi lỏng.