Ý thích giống nhau như anh em song sinh. Nhưng cũng có những tình bạn âm thầm không cần ngôn ngữ, tính tình có thể trái ngược nhau mà vẫn khớp tâm hồn vào nhau được. Những tình bạn không có khoảng cách khi gần thì rất gần nhưng khi xa thì cũng dễ bứt. Nhưng những tình bạn vô ngôn thì sẽ bền mãi với thời gian. Con người lạ vậy! Có lẽ bên ngoài cái lõi của chữ duyên còn bàng bạc lãng đãng bao quanh là một màng sương của chữ tưởng. Không có cái vùng từ trường này chắc mọi thứ đều giản đơn tẻ nhạt và chân lý không có hào quang, không tỏa sáng!
Xong giờ thể dục với thầy Minh Thanh, thầy lại lên uống trà với thầy Nhật Huệ để nghe đài và trao đổi bâng quơ vài câu về chuyện tình hình đây đó. Thầy Minh Thanh là người thích chuyên tu, ít quan tâm đến chuyện thời sự. Lạ vậy, thầy vừa có thể hăng say bàn đủ chuyện với thầy Nhật Huệ và cũng có thể lặng im ngồi uống trà chiêm nghiệm với thầy Minh Thanh. Thầy như nước, có thể hòa vào tất cả. Thầy như gió, có thể làm dịu mát tất cả. Thầy như đất có thể nuôi sống, dung hòa tất cả. Và ngọn lửa trong tim thầy dẫu không bùng sáng chói lóa, nhưng âm ỉ, bền bĩ ngày đêm, lặng lẽ giữ gìn ngọn đèn chánh pháp. Trong thầy có biết bao là hoài bão, ước mơ cho sự nghiệp Phật giáo. Có lần thầy gợi ý với thầy Chơn An:
– Tôi bây giờ còn khỏe, cố gắng đem hết sức mình phục vụ cho công tác phật sự của giáo hội, sau này lớn tuổi rồi, đủ kinh nghiệm và độ chín, tôi rất mong có được thời gian ngồi tĩnh tâm dịch kinh viết sách. Tôi thấy thầy có khả năng về mảng này mà bỏ qua uổng lắm. Hay là mai mốt tôi với thầy mình cùng nhau làm?
Thầy Chơn An nói:
– Lãnh vực ấy tôi biết có nhiều người còn giỏi hơn mình. Quan niệm tôi hồi nào giờ là thấy việc gì mình nhắm làm không giỏi, thôi để cho người khác làm, mình lo tu thôi. Nhưng việc này tôi và thầy nếu thuận duyên thì cùng nhau làm, điều đó cũng rất tốt.
Thầy cười nói:
– Tôi rất tâm đắc cuốn Sự nghiệp đời tôi của hòa thượng Thiện Hoa. Hoạt động của đời người tu có thể khái quát ra ba giai đoạn: học, làm việc và sáng tác phiên dịch kinh tạng. Ráng làm thì giẻ rách cũng đỡ đầu móng tay, miễn là đừng ảo tưởng quá khả năng mình. Thường thì người giỏi lại rất cẩn trọng, kẻ dỡ lại hay liều, điếc không sợ súng, do vậy mà rốt cuộc rồi thì sản phẩm của kẻ liều lại nhiều hơn tác phẩm của người giỏi, báo hại làm hư rất nhiều người là vậy. Mình biết mình có khả năng tới đâu thì làm tới đó, tát được gàu nước nào thì tát, trăm tay mới cạn biển. Tận nhân lực mới tri thiên mạng chớ…
Thầy nói đến đây bỗng dừng lại, trầm ngâm:
– Nhưng mà có khi tận nhân lực là tiêu thân mạng luôn hổng chừng…
Hai huynh đệ nhìn nhau cười xòa, thấm ý!
Thầy chợt nhớ đến thầy Trí Hải. Một thoáng buồn nhè nhẹ mà len sâu nhói buốt tận trái tim thầy. Thầy Trí Hải là người huynh đệ thân thiết nhất. Thầy đã đi trước một bước, sớm từ bỏ cõi ta bà này để lại thầy với bao nhớ tiếc! Ngày thầy Trí Hải mất, thầy như mất đi một người thân ruột thịt. Ðã từng sống bên nhau qua những ngày sóng gió, tất cả vui buồn trăn trở cùng chia sẻ. Ðối với thầy, tình huynh đệ thâm sâu như biển. Việc đời việc đạo, không ai hiểu và có thể chia sẻ với ta trọn vẹn như huynh đệ đồng môn. Huynh đệ đồng môn cũng như những chiếc lá trên cành một cây bồ đề vậy. Cùng chịu chung nắng mưa sương gió, cùng sống bằng nguồn Pháp gốc rễ thiền môn. Mỗi lần có người vấp ngã, lòng thầy đau như chính mình bị thương vậy. Ở tuổi này, bắt đầu chứng kiến những cuộc ra đi từ giã cõi ta bà của huynh đệ, mỗi lần như vậy, thầy thấy tim mình cứ yếu dần đi, dẫu quán lẽ vô thường nhưng tình cảm yếu mềm của con người khó cưỡng. Mỗi lần tống tiễn kim quan một bạn tu, thầy về thắp nén nhang trên bàn thờ Phật, dạ cứ ngùi ngùi, phải mấy ngày sau mới bình tâm được. Lòng thầy là như thế, bao la mà ấm áp biết bao!
– Bữa nay chùa cho ăn ớt hả con?
Thầy hỏi đùa lúc nhìn thấy ni sinh Thánh Tâm nét mặt tỏ vẻ không vui, bực bội, nhăn nhó khi đến lớp. Thánh Tâm giật mình, đảnh lễ thầy. Cô thầm biết ơn sư phụ đã nhắc nhở. Người tu cũng lắm khi phiền não, khi thì có thể vượt qua, khi thì cũng đa đoan mang nặng. Ngoài oai nghi, người tu còn phải khéo giữ những phút không hài lòng, phải biết kềm chế, không nên thể hiện quá rõ ràng trên nét mặt. Nhìn một thầy, hay một cô mặt mày sân si nổi giận thiệt khó coi. Thầy không nói ra nhiều lời nhưng sự ân cần nhắc nhở nhẹ nhàng khéo léo ấy làm cô ghi nhớ mãi. Thầy vào lớp, bao giờ cũng cũng đi vòng xuống các dãy bàn nhìn ngắm tận nơi đàn con thân yêu của mình. Thấy một thầy trị nhật đứt tay, dán băng một chút thầy cũng hỏi. Sau những lời ái ngữ dịu dàng thân thiện bao giờ thầy cũng xoa hoặc ký yêu lên đầu những đứa học trò mà thầy luôn cảm giác chúng thật gần gũi. Thầy luôn nhớ cái ký nhẹ lên đầu của bổn sư thầy lúc đưa thầy ra học ở Phổ Quang. Cái cảm giác đầm ấm ấy không bao giờ thầy quên được. Có lẽ vì vậy mà bây giờ thầy muốn truyền lại cho những đứa học trò của mình cái cảm giác được sư phụ yêu thương ấy. Giờ lên lớp của thầy ai cũng thấy thoải mái. Những bài pháp thầy trao thật nhẹ nhàng. Mà chính thân giáo của thầy mới là bài học dễ nhớ nhất. Chính vì vậy mà tăng ni sinh rất quí yêu thầy. Có những buổi đi dạy về, chiếc xe của thầy treo lúc lĩu nào là thức ăn, trái cây bánh mức… đủ các vật thực mà các học trò thương yêu dành để dâng thầy.
Bao giờ cũng vậy, thầy đến lớp đúng giờ, dù bận chuyện gì thầy cũng cố gắng sắp xếp để không bỏ buổi dạy. Có hôm trời mưa lớn, nhưng đến giờ là thầy đội áo ra đi. Có lần hay tin mẹ ở quê bệnh nặng, thầy vô cùng sốt ruột, đứng ngồi không yên, nhưng kẹt giờ dạy, chưa sắp xếp được, thầy nhờ thầy Trí Hải về thăm, chăm lo cho mẹ phụ với gia đình, thầy dạy xong rồi mới về sau. Ðối với thầy, lên lớp truyền giáo là một nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng cao cả. Khi dạy đến những bài giáo lý cao, khó hiểu, thầy bỏ rất nhiều công sức suy nghĩ, tìm cách dẫn giải thật dễ hiểu để giảng, rồi lên lớp cứ hỏi đi hỏi lại xem các tăng sinh đã hiểu chưa, còn chỗ nào gúc mắc là thầy tận tình giảng đến nơi đến chốn, khi nào trò thông cả rồi thì thầy mới cảm thấy tạm an lòng.
Có những khi các tăng sinh làm bài không tốt, thầy không quỡ trách, chỉ khuyên răn. Thầy biết tuổi trẻ còn nhiều nông nỗi. Làm một vị thầy dạy giáo lý không như một vị thầy giáo ngoài đời. Giáo lý không phải chỉ là kiến thức phải đem vào trí óc mà còn là một sự vỡ lẽ, sáng ra. Nếu không làm cho người nghe thông hiểu, tự thấy được cái đúng, cái hay mà chỉ là sự áp đặt, nhồi nhét thì giáo lý không có giá trị. Bởi vậy, khi trò không thuộc bài, chưa thông suốt, thầy không giận mà chỉ thấy tội nghiệp, thương học trò cạn nghĩ, ngộ tính chưa cao, còn phải vất vả nhiều trên đường tu tập.
Ðối với tăng ni sinh ở tỉnh, ở các vùng quê, thầy càng dành cho nhiều ưu ái. Mỗi lần có các khóa giảng cho tăng ni dù ở các tỉnh đồng bằng hay tận ngoài Trung, ngoài Bắc, thầy cũng rất nhiệt tình đi. Tận tâm, tận lực không nề hà mọi điều kiện gian khó. Những trường hợp khó khăn tìm đến thầy giúp đỡ, không bao giờ bị chối từ. Bằng mọi cách thầy tạo điều kiện để nâng đỡ. Có lần một tăng sinh ở quê lên làm thủ tục nhập học, giấy tờ còn thiếu vài thứ, thầy vi vu cho qua. Biết lỗi vì sự dễ dãi của mình, thầy dặn vị tăng nọ: “Tôi làm vầy là không đúng nguyên tắc đâu, thôi thầy cố gắng học nghen”. Không nhiều lời nhưng tất cả tấm lòng từ ái, bao dung thể hiện trong cái vỗ vai thân thiện như truyền trao ý chí, nghị lực và lòng kỳ vọng. Vị tăng đứng lặng nhìn thầy, trào dâng niềm cảm xúc. Có những bậc thầy mang tấm lòng như thế đối với tăng sinh, thì môi trường giáo dục tăng ni càng khởi sắc, tăng ni vững niềm tin vào sự dìu dắt chân tình của các bậc tôn túc, thêm phấn chấn mà cố gắng hơn.
Ở trường đã thế, còn ở chùa, đối với các thầy, các chú nhỏ hơn, thầy cũng luôn có cách dạy dỗ hòa ái. Mỗi lần có chú nào phạm lỗi, thầy không bao giờ nổi giận trách phạt ngay, đợi đến hôm sau, khi kẻ phạm lỗi đã có một độ lùi để phản quang tự kỷ lại mình, thầy mới gọi lên khuyên bảo. Thầy thường nói: Dạy người phải dạy trong chánh niệm. Nếu vì giận dữ mà dạy thì không làm chủ được ý nghĩ, lời nói. Ý nghĩ lời nói của mình, mình còn chưa làm chủ được thì làm chủ dạy bảo ai?! Bao giờ cũng vậy, trước khi trách phạt một tăng chúng trong chùa, dù là nhỏ tuổi mấy, thầy cũng nghiêm trang thắp nhang trên bàn thờ Phật rồi mới cho gọi người lên để nói. Có lần, hai chú trong chùa cải nhau kịch liệt, thầy đến can nhưng hai người vẫn chưa thông, tuy không cải nhau nữa nhưng thái độ còn chưa chịu hòa hợp. Thầy im lặng về phòng, để qua hai buổi tối mới gọi hai người lên. Sau khi thắp hương lễ Phật xong, thầy bảo hai người cùng quì bên nhau lạy Phật. Rồi thầy nói:
– Hai thầy thấy đó. Hai thầy hình tướng như nhau, mặc áo như nhau, quì lạy Phật cũng như nhau, vậy mà sao không biết thương nhau?
Im lặng một lúc như để hai người lắng lòng suy nghĩ, thầy ôn tồn nói tiếp:
-Tôi kể hai thầy nghe: Hồi trước, lúc hòa thượng Thanh Từ còn làm giám viện ở đây, có lần trong bữa cơm, có hai thầy vì giành nhau một trái chuối, mới đầu là giỡn chơi, sau thành ra nổi sân thiệt, một thầy giằng mạnh làm bể cái chén, lúc đó thầy Thanh Từ đi qua nhìn thấy. Sau đó, một hồi chuông họp chúng đổ lên, cả chùa có mặt đầy đủ. Thầy Thanh Từ tuyên bố trục xuất hai thầy ấy ra khỏi học viện vì thiếu oai nghi trong giờ thọ thực. Hai thầy hối hận đắp y sám hối nhưng thầy Thanh Từ vẫn cương quyết không thay đổi hình thức kỷ luật. Tất cả chúng bùi ngùi xót xa tiễn hai thầy ấy ra khỏi học viện. Thầy Thanh Từ đau lòng hơn ai hết, thầy rơi nước mắt đứng nhìn hai vị ấy ra đi. Học viện ngày đó nhờ có thầy Thanh Từ mà tăng chúng oai nghiêm, nề nếp răm rắp, tiếng tốt vang xa, những người đã kinh qua thời gian ở học viện Huệ Nghiêm thời ấy đa số đều thành đạt. Tôi chưa học tập nổi ở thầy Thanh Từ tinh thần đó để giúp các thầy trao dồi đạo đức, kỷ cương, mong mấy thầy hãy tự ý thức giữ gìn phạm hạnh để mà tu tiến. Sống trong chúng mà không áp dụng trọn vẹn pháp lục hòa thì làm sao mà tu được. Làm người, ai không có những lúc sai lầm, mình cũng vậy. Thế nhưng sao lúc mình sai thì mình dễ dàng bỏ qua, chậc lưỡi một cái là xong, còn khi người sai thì mình ghi xương khắc cốt? Ai sai, tạo nghiệp, người đó đã mắc tội rồi, cớ gì mình lại nhào vô chia phần hùn, cùng lãnh thêm cái tội bởi người đó nữa? Mấy thầy ngẫm coi phải không? Giống như một người đang té xuống bùn, mình thấy vậy thay vì đưa tay kéo người ta lên, mình lại nhảy xuống xỉa xói người đó một trận, mình dính bùn luôn! Mấy thầy còn nhỏ, cũng nên chọn lấy một bộ kinh nào đó mà sám hối thọ trì hằng ngày để tâm đừng chạy theo cảnh, nhàn cư vi bất thiện. Thôi, tôi không nói nhiều, vì tôi biết mấy thầy cũng thừa hiểu mọi chuyện, chẳng qua là còn chưa kềm được mình thôi. Mình đi tu trước nhất là rèn cái này đó. Thôi ráng nghen, đừng giận nhau nữa, giận nhau không có lợi mình, lợi người. Mỗi người lùi một chút sẽ thấy đất trời rộng rãi, không gian trống trải, dễ chịu hơn. Sống trong vui vẻ không sướng hơn sống trong bức bối buồn bực sao? Tui nói vậy, hai thầy thấy hết phiền não chưa? Phiền não là do mình chuốc, thôi buông đi nghen! Không buông thì bán tôi mua…
Những lời từ ái chân thành của thầy làm hai chú vô cùng cảm động! Chút tự ái cá nhân tan biến. Thầy là vậy. Khoan dung độ lượng, luôn lấy từ tâm mà sách tấn mọi người.
Con đường đầy gai nhọn khiến người ta nhẹ bước. Con đường đầy cỏ mịn hoa thơm cũng khiến người ta nhẹ bước.
Ðối với các đạo tràng tu học của Phật tử thầy cũng rất tận tình. Dù bận mấy, hễ nơi nào mời là thầy đến. Các đạo tràng đa số là người trung niên, nhìn họ thầy thấy thương lắm. Cuộc sống bươn chãi vất vả, nhín thời gian đến chùa nghe pháp là tốt lắm rồi. Có lần thầy đi ngang qua khu chợ đầu mối bán cá, nghe mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc, thầy bùi ngùi nói với chú thị giả chở thầy:
– Chú thấy không, dân người ta ngoài đời mần ăn khổ lắm. Mùi hôi như vầy, mình đi ngang một chút còn thấy ngặt mình khó chịu, vậy mà người ta phải sống với nó quanh năm. Mình là người tu, phước báu sâu dày, phải cố gắng giữ. Phải biết thương những người còn kém phước, chưa biết đạo. Những phật tử đến được với chùa mình phải hết sức thương yêu, dìu dắt họ. Họ cực vậy mà vẫn dành tiền cúng chùa, bát cơm ngàn nhà nặng lắm, không một giây phút nào ta được quên. Không nên mặc nhiên coi sự cúng dường của phật tử như một sự trao đổi: ai biết cúng dường Tam Bảo người đó có phước. Chúng ta phải luôn nhớ đến trọng trách của người thọ nhận, hộ trì Tam Bảo. Phải đem hết sức mình dìu dắt chúng sanh.
Lên lớp cho phật tử thầy không có thái độ thân cận như đối với tăng sinh nhưng rất nhiệt thành. Luôn giữ một khoảng cách tôn nghiêm nhưng rất từ bi. Thầy chọn những bài giảng thiết thực phù hợp với nếp sống tu tập tại gia. Chưa có giáo trình chính thức cho những lớp giáo lý dành riêng phật tử, thầy nhằm vào những bài pháp căn bản nhưng giảng rất rõ ràng. Thầy để ý quan tâm chuyện thời sự cũng nhằm giúp cho bài giảng đối với phật tử thêm phần cụ thể sinh động, dễ nghe, dễ nhớ và thiết thực, bổ ích hơn.
Quê hương và gia đình luôn là nỗi niềm thương yêu da diết trong thầy. Mỗi lần về quê, đi dọc theo bờ con sông nhỏ, thầy cảm giác thật yên bình. Ngày xưa khi còn nhỏ, thầy nhìn thấy con sông cái lớn rộng mênh mông, đầy cả một trời tưởng tượng. Những ngày mưa, gió to sóng lớn, nhìn con sông thấy mình thật nhỏ nhoi, cảm giác lạ lùng và sợ hãi. Ðó là những ngày thơ ấu, khi thầy chưa được nhìn thấy biển, chưa biết biển là gì. Bây giờ, về quê nhìn con sông, thấy như hiểu được từng con sóng, từng cụm lục bình trôi bơ bất trên sông.
Thầy thỉnh tượng Phật về an vị ở chùa Hải Huệ, buổi lễ an vị Phật rất long trọng, cả xóm Bà Tri vui như có hội lớn. Ơn nghĩa với quê hương thầy lo chu tất. Mỗi lần về quê vài ngày, thăm gia đình xong là thầy lên chùa ở, góp ý chăm lo chùa chiền. Hàng xóm láng giềng ai cũng quí mến, có điều kiện là thầy sẵn lòng giúp đỡ mọi người.
Người cô của thầy giờ đã là trụ trì ở chùa Phước Thạnh, thầy cũng hết sức quan tâm. Thầy nói: “Mai mốt tôi già, sẽ về đây ẩn tu với cô”. Cô cất sẵn cho thầy một cái thất. Chùa Phước Thạnh có lễ, thầy về chăm lo chu đáo. Cơ sở vật chất chưa khang trang, mỗi lần lễ lớn, thỉnh quí thầy về dự, bao giờ thầy cũng nhường nơi tốt nhất cho khách, còn thầy lên chánh điện nằm ngủ dưới bệ thờ Tổ Ðạt Ma, giản dị bình thường như thuở còn là một chú sa di nhỏ.
Nhà có sáu anh em. Tuy xuất gia từ nhỏ nhưng với các em trong gia đình, thầy luôn là người anh cả thân thương nhất. Mỗi đứa em trong nhà thầy đều thăm hỏi quan tâm ân cần lo lắng chu đáo. Thầy là sợi dây kết nối thâm tình, hòa thuận cả nhà. Nhắc đến anh hai là trong mắt tất cả mọi người em đều ánh lên niềm thương yêu kính phục. Việc gì cũng hỏi ý kiến anh hai, việc gì cũng nghe anh hai chỉ bảo. Dẫu không ở nhà nhưng hình bóng thầy phủ trùm tất cả. Tất cả niềm vui hạnh phúc của gia đình đều bắt nguồn, tỏa ra từ thầy.
Với ông bà cụ, thầy là tất cả niềm tin yêu hy vọng của ông bà. Phải xa cha mẹ từ bé, tình thương thầy dành cho cha mẹ dồn gấp nhiều lần. Ðối với cha mẹ thầy vừa là con trai vừa là con gái. Thầy lo lắng chăm sóc từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc ngoài đến việc trong. Có những buổi trưa, thầy ngồi tỉ mỉ cắt móng tay móng chân cho ông bà, chăm chút thương yêu không kể xiết! Mỗi lần hay tin ông hoặc bà lên thăm, thầy ra cổng chùa đứng đón, đi tới đi lui như đứa trẻ đợi mẹ đi chợ về. Chưa mắc được điện thoại cho ông ở nhà, phải nhờ điện thoại hàng xóm, thầy hẹn ngày giờ gọi điện về thăm ông, không bao giờ thầy quên. Biết lòng thầy thương ông vô tận nên các huynh đệ bạn bè, học trò của thầy cũng thường xuyên ghé thăm hoặc điện thăm ông, thầy luôn dặn dò mọi người phải nhớ giờ ông tụng kinh, đừng làm phân tâm ông lúc tụng kinh lạy Phật. Thầy rất chú tâm tạo mọi điều kiện thuận tiện nhất cho ông bà tu tập tại nhà. Thầy là một tấm gương đại hiếu.
Hôm nay Minh Thuận và Huệ Nghiêm thi đậu vào Học viện Phật giáo khóa V. Thầy nảy ra ý muốn chiêu đãi cho tụi nhỏ một bữa để khích lệ động viên tinh thần bọn trẻ. Sống trong chúng, không có không gian riêng, đành phải ra nhà hàng. Hồi nào giờ thầy chưa từng chủ động đi ăn bên ngoài, nhưng hôm nay thầy mời cả nhóm tăng ni sinh vừa mới thi đậu và thầy Thiện Phát cùng đi. Mấy thầy trò chọn một quán chay lịch sự. Thầy vui vẻ lắm. Nhìn hàng đệ tử của mình bắt đầu trưởng thành, thầy vừa vui nhưng cũng vừa lo. Thầy nói với thầy Thiện Phát, là người có nhiệm vụ phụ trách nhân sự ở văn phòng:
– Vậy là bốn năm nữa tui có hai đứa, thầy có thể sắp xếp cho chúng nó công việc gì đó để chúng có cơ hội phục vụ .
Thầy Thiện Phát cười to, nói đùa:
– Không có xí chỗ, dựa hơi “bà con” đâu à nghen! Phải giỏi thì người ta mới tin tưởng chớ.
Mấy thầy trò cùng cười. Thầy bỗng trầm ngâm nói:
– Hồi nào đến giờ thầy sống trong chúng, không nghĩ đến việc nhận chùa. Bây giờ các đệ tử lớn rồi, thầy mới bắt đầu suy nghĩ. Chắc cũng phải có một chỗ để sau này các con ổn định mà tu và làm phật sự.
Trong ánh mắt của thầy thoáng nét âu lo. Ðệ tử lớn của thầy là thầy Quảng Long còn đang du học ở Ấn, thầy Hạnh Giác vừa xong Cao đẳng Phật học cũng đang theo học đại học ở ngoài. Minh Thuận, Minh Nhẫn và Huệ Nghiêm đều còn đi học. Thầy thấy trách nhiệm của mình thật nặng. Ðã không nhận đệ tử thì thôi, thu nhận rồi phải lo cho nó đến nơi đến chốn. Thầy cảm thấy mình chưa lo được gì nhiều cho đệ tử ngoài những lời sách tấn khuyên răn bình thường. Mong sao chúng nó biết nghe, đủ phước, ít gặp phải nhiều chướng duyên để đi cho đến đích. Trò phải hơn thầy mới được. Có năm đứa thì cả năm đã học hành tốt. Thầy tạm thấy có chút yên lòng, hy vọng.
Thấy hôm nay thầy vui, Minh Thuận hồn nhiên liếng thoắng:
– Mai mốt sinh nhật sư phụ, mình lại đi ăn mừng như vầy nữa nghen sư phụ!
Thầy cười, trách yêu:
– Ông thầy là ham bày vẽ lắm đó! – Thầy gắp cho Minh Thuận một miếng thức ăn rồi ôn tồn nói: – Tính con ham hoạt động, tuổi trẻ như vậy là tốt, nhưng phải biết phân bố thời gian hợp lý. Thời gian dành cho học, cho tu không được lơ là, không được “ăn gian” vào thời khóa. Làm phật sự nhiều, tâm động, nếu không tu để giữ tâm thì sẽ sinh phiền não hoặc chạy theo vọng tưởng luôn. Vọng tưởng gì con biết không? Nếu làm được việc sẽ sinh ngã mạn, nếu làm không được việc sẽ sinh phiền toái cho mình cho người. Tuổi trẻ các con khi làm được việc là dễ quên tu lắm, cứ ỷ lại vào cái phước mà mình tạo được trong khi làm phật sự, coi đó là của hồi môn, bảo đảm cho đường tu. Không nên nghĩ vậy. Phước chỉ giúp cho mình tu hành thuận duyên hơn, chớ phước không đồng nghĩa với tu chứng. Phải tu. Ðó là thầy còn chưa nói đến việc đôi khi mình vì sở thích lung tung, lại quơ vào, viện lý do là làm phật sự để thỏa mãn vọng tưởng chạy theo việc ngoài đời. Phải biết nhìn vào vi tế tâm mình mà khiển chúng quay trở lại. Thầy nói vậy con có hiểu không?
Minh Thuận gật đầu lia lịa:
-Dạ con hiểu, con hiểu.
Thầy cười bao dung nhìn đứa đệ tử có chút hảo tướng của mình. Mặt mũi sáng sủa như vầy là thuận duyên nhưng cũng là nghịch duyên đây. Thông minh, học giỏi, tu tốt thì có thể tiến xa, nhưng nếu nhãng ra là cũng dễ bị rất nhiều chướng ma vây lấy. Thầy nói tiếp:
-Hiểu lia hiểu lịa như vậy là còn chưa hiểu hết đó. Con phải ráng giữ lấy mình. Làm gì làm, phải tu chí tử thì mới được!
Cả đám cười vui hòa theo lời thầy: “Phải rồi đó thầy, Minh Thuận là phải tu chí tử mới được!”. Minh Thuận bị mấy huynh đệ chọc quê thì cười đỏ mặt, cúi nhìn xuống đất. Trong lòng chú dâng lên niềm thương thầy vô kể. Chú nhớ mỗi lần ra thăm thầy đều được thầy sách tấn kiểu như vậy. Nhờ đó mà mỗi lần gặp trường hợp tương tự lời thầy răn, chú kịp thời tự điều chỉnh lại mình. Nhẹ nhàng mà sâu sắc, thầy như thấu hiểu từng ngóc ngách ý nghĩ của từng đứa đệ tử.
Thầy quay qua Huệ Nghiêm, lại nói:
– Còn con – con gái út – cũng vậy nghen! Môi trường ni chúng nghiêm mật, đó là điều kiện tốt để tiến tu. Việc học hành của bên ni các con khó khăn hơn, cần phấn đấu nhiều hơn bên tăng. Con ráng vươn lên. Thầy thương bên ni các con nhiều lắm! Sinh thân làm nữ giới thiệt thòi nhiều. Có phước làm tăng rồi thì ráng cố gắng vượt qua chính mình.
Rồi thầy vui vẻ nói với tất cả:
– Ðề nghị của Minh Thuận hồi nảy thầy thấy như vầy: Người phương Ðông mình không quan tâm ngày sinh bằng ngày mất. Thôi thì bây giờ thầy còn sống, ngày ngày đã có thầy quan tâm nhắc nhở các con. Mai mốt thầy chết rồi, cứ mỗi ngày đám giỗ, không cần lễ lạt gì cả, chỉ cần ngày đó các con để ra vài phút, ngồi nhớ lại tất cả những điều thầy dạy, rồi kiểm điểm coi mình đã làm được những gì. Vậy thôi. Vậy là thầy cũng vui rồi.
Bửa tiệc hôm ấy kết thúc thật vui vẻ. Thầy đã lưu lại trong tâm tưởng những người đệ tử trẻ dấu ấn về một bậc thầy không thể nào quên.
Mấy hôm nay thầy thường đi bách bộ quanh hồ sen. Thỉnh thoảng dừng lại nhìn đàn cá bơi lội chung nhau theo bầy dưới hồ. Phải cùng sống chung trong một môi trường, cùng ăn, cùng ngủ, cùng tu, cùng học… những ý nghĩ về một Phật học viện nội trú dành cho tăng ni sinh cứ hiện ra trong tâm tưởng của thầy. Không thể để lâu hơn nữa. Môi trường hiện đại ngày nay có quá nhiều cám dỗ, dễ làm phân tâm những tăng ni trẻ. Sống ở chùa, thời khóa nhiều khi không thích hợp cho việc học hành, khó chuyên tâm vào việc học. Phải có một Phật học viện nội trú với những bước cải cách phù hợp, khoa học và nghiêm mật mới có thể góp phần đào tạo tăng tài cho thế hệ sau. Thế hệ các hòa thượng cao thâm thạc đức lớp trước dần khuất đi mà mảng trống chưa người thay thế. Tăng tài ở giai đoạn lịch sử này trống đi một mảng rất lớn. Phải lập tức ngay từ bây giờ khôi phục để thế hệ sau nhiều khả quan hơn.
Không hiểu sao thầy cứ có cảm giác nôn nao, muốn làm nhanh, thực hiện gấp mọi chuyện. Thầy thấy mình bắt đầu có những biểu hiện của tuổi già. Thỉnh thoảng có những cơn choáng thoáng qua, không biết lý do. Dạo này lại hay mất ngủ. Những đêm trằn trọc, thầy lại nhớ về ông cụ ở quê. Thầy gọi điện về thăm ông thường xuyên hơn. Bà mất rồi, ông lẻ loi quạnh quẽ. Phải chi thầy có chùa, đem ông về phụng dưỡng thì tốt biết mấy. Ðành vậy thôi, thầy đã chọn nếp sống này rồi, thầy sẽ sống trong chúng mãi. Thương ông lắm nhưng chỉ thỉnh thoảng đón lên ở vài ngày. Thôi thì còn anh chị em lo cho ông. Là người xuất gia, cách báo hiếu hay nhất là báo hiếu theo lời Phật dạy. Ông bà đều hiểu đạo, tuy không xuất gia nhưng là phật tử thuần thành, vậy là đã tốt rồi, thầy cảm thấy yên tâm nhiều, hy vọng kiếp sau ông bà sẽ có một báo thân tốt, có đủ phước duyên làm tăng để tu tập. Thầy nhớ hôm đám tang của bà: Chưa bao giờ làng Mỹ Xương có một đám tang như thế. Tăng ni phật tử đến dự đông vô kể. Thầy đã hoàn thành nghĩa vụ của một người con. Ðám tang được tổ chức hết sức chu đáo dù điều kiện ở quê hạn chế. Thầy cảm thấy được chút an ủi dù có lúc thầy tưởng như mình ngã quị. Bà đã ra đi an ổn trong lời hộ niệm của thầy. Chính tay thầy đã vuốt mắt bà với lời khuyên: “Má đi thanh thản, đừng luyến tiếc, má hiểu Phật pháp rồi phải biết nương theo, cố chuyên lo niệm Phật”… Vậy mà lúc nhập quan cho bà rồi, ngồi lặng lẽ trong một góc lúc nửa đêm vắng khách, nhìn lên di ảnh bà, nhìn mấy cây đèn cầy lã chã tràn những giọt sáp trắng, rồi nhìn chiếc quan tài trơ cứng, trong đó là di thể người mẹ thương yêu đang nằm một mình đơn độc, cách ly vĩnh viễn với thế giới này, với những người thân… Thể xác kia rồi dần mục nát, không còn gì nữa cả, từ nay căn nhà này không còn má nữa rồi! Thầy cố hít vào thở ra để điều tâm mà sao nước mắt cứ trào! Những giọt lệ của người xuất gia khóc mẹ mới khiến cho người ta đau lòng thấm nhuần chữ hiếu, cảm cái ơn sinh thành dưỡng dục biết bao! Nhìn người trẻ khóc, ta xúc động có thể khóc theo dễ dàng, nhưng nhìn người lớn tuổi khóc, cảm giác ta nghẹn ngào xót xa, đau thắt, khó chịu đến không thể tả được! Thầy ngồi đó, hai hàng nước mắt len lén chảy, rơi thấm dài xuống ngực chiếc áo nâu!… Ðám tang bà xong, ông như người đãng trí. Thầy phải để ra nhiều ngày ở bên cạnh an ủi ông. Dạo này ông yếu quá. Thầy cảm thấy mình bất lực thật sự trước cái sanh già bệnh chết của kiếp người. Thầy nghe trong người của chính thầy cũng bắt đầu có sự bất ổn về sức khỏe.
Ngày thứ bảy, 21-7-2002.
Sau một ngày lên lớp – sáng dạy ở trường hạ Phổ Ðà, chiều giảng bốn tiết ở Vĩnh Nghiêm – thầy rất mệt mỏi. Ngồi sau xe chú Minh Nhẫn chở về, thầy cảm giác con đường từ Vĩnh Nghiêm về Huệ Nghiêm hôm nay sao mà xa! Cũng xe cộ tấp nập, khói bụi như mọi ngày mà sao thầy nghe ngột ngạt khó thở quá! Thầy chỉ mong nhanh về để được nghỉ ngơi. Bao nhiêu tấm hình vừa rửa, thầy đã chu đáo ký tên gởi tặng các thầy cô và tăng ni sinh. Chiều nay vừa gởi tặng xong mấy tấm cuối cùng cho các vị ở văn phòng, thầy chợt nhớ vẫn còn một số người mà thầy chưa gởi tặng đủ. Một cảm giác buồn bã kỳ lạ chưa bao giờ có. Ðầu cứ nghe ong ong, mặt gay gay sốt. Xe chạy vào cổng Huệ Nghiêm quen thuộc, lối đi này thầy đã đi về mấy chục năm rồi, tự dưng hôm nay sao thầy thấy có điều gì đó nao nao không tả được khi nhìn thấy tháp Phổ Ðồng đứng lặng lẽ trong chiều. Xe chạy vòng qua, thầy ngoái nhìn lại tháp, bất chợt thoáng qua trong đầu ý nghĩ: rồi sẽ có ngày mình cũng nhập tháp thôi. Mệt mỏi sao kiếp sống con người! Ờø mà sao hôm nay mình nghĩ cái gì đâu lung tung vậy, thầy lắc lắc đầu cho rãn cổ, vừa để bớt đi cảm giác nhức buốt, vừa như để xua những ý nghĩ mông lung của mình. Về đến phòng, thấy thầy Minh Thanh đứng đó. Nhìn nét mặt có vẻ uể oải của thầy, thầy Minh Thanh hỏi:
– Bữa nay thầy bệnh hay sao mà coi có vẻ mệt mỏi vậy?
Thầy đáp qua loa:
– Chắc bị cảm, tôi nghe trong mình hơi mệt.
– Coi thuốc men gì đi – thầy Minh Thanh nói, quay qua đưa mắt ngầm nhắc chú thị giả Minh Nhẫn.
Thầy im lặng đi vào phòng, có cảm giác căn phòng sao mà chật chội hơn mọi ngày. Dù rất mệt, muốn nằm nghỉ ngay, nhưng thầy vẫn gắng đi rửa mặt, thắp cây nhang trên bàn thờ Phật. Nằm nghỉ một lúc, chợt nhớ đến bữa ăn chiều, sợ chi Ninh nhà bếp chờ, thầy đi xuống bếp ăn một ít hủ tiếu rồi lên nằm nghỉ. Những cơn nhức đầu cứ mỗi lúc một nhiều hơn.
Tiếng kiểng đổ báo giờ tọa thiền, âm thanh quen thuộc hằng đêm. Thầy nằm lắng nghe hơi thở mình, nghe trong người thỉnh thoảng lại nhoáng lên những cơn hụt hẩng như mất trọng lượng, thoáng qua rất nhanh rồi trở lại bình thường.
Sau giờ xả thiền, nghe chú thị giả báo là thấy thầy có vẻ mệt, thầy Minh Thanh xuống hỏi, định đưa thầy đi bệnh viện. Thầy không muốn làm phiền mọi người khi đêm đã khuya, thầy gượng cười, nói với thầy Minh Thanh:
– Chắc không sao đâu, uống thuốc rồi từ từ sẽ hết.
Năm giờ sáng.
Bệnh viện Triều An từ lúc đèn đêm trên đường chưa tắt đã tràn ngập bóng áo lam, áo nâu, áo vàng. Tin thầy bị bệnh nặng (huyết áp cao dẫn đến tai biến mạch máu não) bác sĩ báo là không còn hy vọng cứu chữa đã truyền đi trong đêm làm bàng hoàng các chùa trong thành phố lẫn các tỉnh. Ðủ các phương tiện xe từ mọi ngã đổ về. Chưa bao giờ mọi người ở xung quanh bệnh viện Triều An chứng kiến một một cảnh tượng như thế. Khắp trong ngoài bệnh viện đâu đâu cũng có bóng tăng ni. Những gương mặt âu lo, những giọt nước mắt, những giọng nói nghẹn ngào…
Từng đoàn, từng đoàn lũ lượt, tăng ni và phật tử khắp mọi nơi đổ về. Ai cũng muốn gặp mặt thầy lần cuối. Ðông quá, không thể giải quyết xuể, đành chỉ sắp xếp cho mỗi đoàn cử một đại diện vào thăm thầy, dù chỉ được vào để nhìn thấy thầy nằm đó! Gương mặt hiền từ phúc hậu, quen thuộc… nhìn đến là đau lòng! Thầy sốt cao, mê man không còn nói được nữa. Thỉnh thoảng trong đôi mắt nhắm nghiền, hai giọt nước mắt trào ra lăn dài xuống… Người cha già của thầy ở quê đã kịp lên, nhưng không ai đủ can đảm báo với ông rằng thầy đang hấp hối!
Không ai tin rằng thầy có thể ra đi vào lúc này. Không! Không thể!!!
Chiếc máy đo nhịp tim vô tri vô giác cứ giảm dần chỉ số báo hiệu!
Không còn tia hy vọng nào nữa, không thể giữ được thầy, mọi người đành quyết định đưa thầy trở về chùa.
Chùa Huệ Nghiêm… 00 giờ 20 phút…
Thầy đã không còn nữa!
!!!
Thầy đã thanh thản ra đi trên chiếc đơn của mình, giữa căn phòng nhỏ trong không gian Huệ Nghiêm quen thuộc suốt ba mươi bảy năm in bóng hình thầy. Nơi này, huynh đệ bao người đã đến rồi đi, thầy vẫn kiên trì ở lại cho đến giây phút chót.
Hơi thở cuối cùng thầy trả cho trời đất, đã tan hòa trong gió Huệ Nghiêm…
Cành hoa huệ trên bàn thờ Phật đột nhiên rơi một bông, nhẹ khẻ như một giọt trắng, trút chút làn hương dịu dàng thanh khiết sau cùng, quyện vào khói nhang phảng phất.
Tiếng tụng kinh hộ niệm lan thấm từng cành cây ngọn cỏ, từng lối đi, bậc thang, mảnh tường, góc cột; từ các tăng phòng đến các tháp ngoài sân; mặt nước hồ như bỗng đầy hơn, lấp loáng, ngân ngấn rưng rưng như ánh mắt tiếc thương của đất!
Tiếng chuông ngân lên. Tiếng chuông vang xa mấy rồi cũng tắt, để tiếng chuông khác tiếp nối. Tiếng tụng kinh và nước mắt đêm này thì vẫn không ngớt, không nguôi.
Thầy nằm đó. sắc… không… không.. sắc…
Chánh điện. Khói hương lẩn quẩn bay vòng…
Mấy ngày qua, không biết bao nhiêu là tăng ni phật tử từ khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài đã đến lễ tang thầy. Người đến, người về cùng chung một ánh mắt. Hương hoa triền miên dường như bất tận…
Sáng mai là ngày di tiễn kim quan thầy đến nơi làm lễ trà tỳ. Vầng trăng đêm nay ánh sáng lạ lùng muôn nỗi dù bầu trời có thật nhiều mây! Khu vực Huệ Nghiêm rền vang tiếng tụng kinh. Người ngồi khắp mọi nơi, từ chánh điện tràn xuống sân, không cần ghế. Huệ Nghiêm thắp sáng đèn tất cả mọi chỗ trong chùa. Ai nấy chọn cho mình một góc, ngồi lặng lẽ bên gốc cây, băng đá, hành lang, bờ tường… Trên tay là quyển kinh Ðịa Tạng, chú tâm đọc tụng. Thỉnh thoảng lại có những giọt nước mắt rơi xuống trang kinh! Tiếng nấc nghẹn ngào rưng rức cố nén mà chốc chốc lại xen vào trong âm ba lời Pháp! Cây bằng lăng sân chùa thả rơi từng giọt cánh mỏng tím, lịm buồn! Hàng dương liễu không màng đến gió, im rũ gục đầu mang nặng những giọt sương.
Tiếng tụng kinh…
Tiếng tụng kinh âm ba cả một vùng. Một không khí không ngôn từ nào, bút mực nào tả nỗi! Lâu lâu bất chợt một cơn gió thốc đến, lật bay bay những trang kinh, cuốn theo âm thanh rền vang ấy rồi đi mất hút.