Sáng ngày 15/10 (nhằm ngày 7/9 Mậu Tuất), tại Tu viện Huệ Quang, Trung ương GHGPVN và môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm làm lễ Truy niệm và Cung tống kim quan cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Cảnh, Thành viên HĐCM, Chứng minh Ban trị sự PG TP.HCM, Giám đốc Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang.
Quang lâm chứng minh buổi lễ có: HT.Thích Như Tín, HT.Thích Tịnh Hạnh – đồng thành viên HĐCM, HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS, HT.Thích Thiện Pháp – phó Chủ tịch thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự T.Ư, HT.Thích Giác Toàn – phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện nghiên cứu PGVN, HT.Thích Thiện Tánh – phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, HT.Thích Thiện Tâm – Phó chủ HĐTS, Phó thường trực Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư, cùng chư tôn đức giáo phẩm HĐTS, các Ban, Viện T.Ư, Ban trị sự GHPGVN TP.HCM, Tăng Ni, Phật tử các nơi đồng tham dự.
Tại lễ Truy niệm, Thay mặt Ban tổ chức Tang lễ, HT.Thích Thiện Pháp đã cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão HT.Thích Minh Cảnh.
Hòa thượng thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40, thế danh Nguyễn Hữu Danh, sinh ngày 12 tháng 11 năm Đinh Sửu (1937) tại làng Mỹ Thọ, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Hòa thượng là người con út trong gia đình có chín anh chị em, với bốn người anh chị xuất gia tu học.
Năm 1945, Hòa thượng được hòa thượng Huệ Hưng dẫn đến chùa Long An ở Sa Đéc thọ học với hòa thượng Hành Trụ, được ban pháp danh Minh Cảnh. Năm 1947, Hòa thượng thọ giới Sa-di tại chùa Kim Huê (Sa Đéc) với hòa thượng Chánh Quả.
Đầu năm 1948, Hòa thượng nhập học tại Phật học đường Liên Hải đặt tại chùa Vạn Phước, Bình Trị Đông (nay là quận Tân Bình). Tại ngôi trường Phật học này, Hòa thượng được cố hòa thượng Thích Trí Tịnh chính thức nhận làm đệ tử và học ở đây cho đến năm 1950.
Từ ngày 1948 – 1975, Hòa thượng đã học qua Phật học đường Nam Việt đặt tại chùa Ấn Quang, trường Quốc học tại Huế, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa, dạy học và làm việc tại Đại học Vạn Hạnh, Hiệu trưởng trường Bồ-đề Long Khánh.
Năm 1969, Hòa thượng thọ giới Tì-kheo tại chùa Huệ Nghiêm, do hòa thượng Hải Tràng làm Hòa thượng đàn đầu.
Năm 1980, được sự ủy thác của cố hòa thượng Huệ Hưng, Hòa thượng kế thế trụ trì Tu viện Huệ Quang cho đến ngày nay.
Năm 1984-1988 và 2002-2006, Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo quận Tân Bình, sáng lập lớp Sơ cấp Phật học quận Tân Bình. Năm 1991, Hòa thượng khai giảng lớp Hán Nôm tại trường Đại học Doanh Thương Trí Dũng.
Năm 1992, Hòa thượng khai giảng lớp Phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang khóa I tại chính ngôi chùa mình đang trụ trì. Ba năm sau, việc giáo dục lại gián đoạn, Hòa thượng cùng các Tăng Ni khóa này đã bắt tay vào phiên dịch, biên soạn bộ Từ điển Phật học Huệ Quang, kéo dài suốt 10 năm. Cũng trong thời gian này, Hòa thượng phiên dịch và cho đăng trên tuần báo Giác Ngộ bộ truyện Tế Điên hòa thượng với bút hiệu Đồ Khùng.
Năm 2007, Hòa thượng được đề cử làm Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, thành lập Ban Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang (năm 2012 đổi thành Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang), trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đặt tại Tu viện Huệ Quang với hơn 20 thành viên hoạt động cho đến hôm nay với nhiều tác phẩm được phiên dịch. Những thành tựu này đã phần nào đóng góp vào sự nghiệp giáo dục Tăng tài cũng như hoằng pháp mà Hòa thượng luôn thao thức.
Năm 2002-2012 Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN quận Tân Bình và sau đó là Cố vấn chứng minh Ban Trị sự GHPGVN quận Tân Phú. Năm 2012-2017, Hòa thượng giữ chức vụ Phó Viện trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang trực thuộc Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam. Năm 2017, Hòa thượng được suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Mùa an cư năm Mậu Tuất, bệnh tình của Hòa thượng trở nặng. Tuy môn đồ pháp quyến hết lòng chạy chữa, nhưng nghiệp dĩ vô thường vẫn ráo riết không buông. Khuya ngày 11/10/2018 (nhằm mồng 03 tháng 9 năm Mậu Tuất), Hòa thượng hai lần báo với thị giả: “Tôi sắp ra đi!”. Lúc 13 giờ 35 phút, khi hàng đệ tử quỳ quanh hộ niệm, Hòa thượng chắp tay chào mọi người rồi trút hơi thở cuối cùng, trên môi thoảng một nụ cười hoan hỷ, nhẹ nhàng như đang đi vào giấc ngủ, thượng thọ 82 tuổi, 50 hạ lạp.
Tiếp theo buổi lễ, HT.Thích Thiện Nhơn thay mặt cho Trung ương GHPGVN dâng lời tưởng niệm.
“Trưởng lão Hòa thượng đã cùng các bậc cao Tăng phạm hạnh đương thời giảng dạy Phật pháp tại các trường Phật học, Tư thục, Bồ Đề, Trường Cao cấp Phật học nay là Học viện Phật giáo Việt Nam. Để tiếp nối sứ mạng đào tạo Tăng tài cho Phật giáo, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo, với cương vị Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm, Trưởng lão Hòa thượng đã thành lập Trung tâm phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang, với nhiều tác phẩm đã được phiên dịch và in ấn. Trong đó, nổi bật nhất là phiên dịch bộ Từ điển Phật học Huệ Quang,…
Bằng hạnh đức, giới đức trang nghiêm thanh tịnh, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo thâm nghiêm, Trưởng lão Hòa thượng là hiện thân của giới luật, là thọ mạng của Phật pháp, là bậc mô phạm của Tăng Ni, Phật tử. Trên cương vị là Giới sư của các Giới đàn, Trưởng lão Hòa thượng đã khai thông giới thân huệ mạng cho nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử, từng lớp, từng đàn giới tử, giới thể châu viên, trang nghiêm dòng diệu thể, trở thành pháp khí Đại thừa, truyền trì mạng mạch Phật pháp, Trưởng tử Như Lai, tiến tu giải thoát, lợi lạc hữu tình, tốt Đời đẹp Đạo, đã không ngừng đóng góp cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc, để cho hoa đời hoa đạo đua nhau nở, mãi mãi ngàn sau tỏa ngát hương.
“Người xưa nay đã còn đâu, chỉ còn mây bạc lòng sầu nhớ thương. Ra vào lòng dạ vấn vương, bóng hình Đại sĩ du phương xa mờ”. Song công đức và đạo nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhất là trang sử vàng son của Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh. Chúng tôi, thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh, xin đốt nén tâm hương cúng dường Giác linh Trưởng lão Hòa thượng, để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ đời đời trong Chánh pháp. Kính nguyện Giác linh Trưởng lão Hòa thượng bất vong nguyện lực, tái hiện đàm hoa, phát triển đạo vàng, quang vinh họ Thích ngàn đời. “ HT.Thích Thiện Nhơn đã đọc.
Sau lễ Truy niệm, Chư tôn đức Chứng minh đã thành kính dâng nén tâm hương để tiễn biệt cố Trưởng lão Hòa thường lần cuối.
Tiếp theo, là lễ phất trần do HT.Thích Như Tín thực hiện, TT.Thích Lễ Trang xướng lễ, và Ban kinh sư hộ niệm. Sau cùng là nghi thức Đạo tỳ và cung tống Kim quan cố Trưởng lão Hòa thượng về Đài hỏa táng Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân để làm lễ trà tỳ.
Hình ảnh lễ Truy niệm và Cung tống kim quan cố Trưởng lão HT.Thích Minh Cảnh: