Trang chủ Thời đại Giáo dục “Trường học trong chùa, chùa trong trường học”: Tài thí, pháp thí,...

“Trường học trong chùa, chùa trong trường học”: Tài thí, pháp thí, vô úy thí

107

Đức Phật chia bố thí làm 3 loại chính: tài thí, pháp thí, vô  úy thí. Trong đó, pháp thí là việc bố thí cao thượng và đáng khuyến khích hơn cả.

Việc tu Phật là phải tinh tấn, chuyên cần trong hạnh bố thí là điều rõ ràng. Điểm cần bàn ở đây là bố thí có liên hệ gì đến hoạt động giáo dục xã hội. Vì sao có  thể nói, rằng mô hình “Trường học trong chùa, chùa trong trường học” là một phương pháp bố thí thiết thực, gồm cả tài thí, pháp thí và vô úy thí.

1. Tài thí

Trước tiên, hoạt động giáo dục xã hội do Phật giáo Việt Nam tiến hành trong thời gian qua, tự thân nó, đã là một hoạt động vì mục tiêu bố thí. Chư tôn đức tăng ni mở trường nuôi dạy cô nhi hoàn toàn không phải vì mục tiêu lợi nhuận. Đó là vì mục tiêu giúp đời, giúp người, giúp những trẻ nhỏ, mà nếu không có bàn tay nhân từ của quý thầy, quý cô, thì chắc chắn các em không thể thụ hưởng những quyền lợi giáo dục căn bản. Việc bố thí đó là hết sức quý giá.

Nay, chúng ta nói đến việc mở rộng hoạt động như  thế đến các trẻ em nghèo, thất học, lầm than, cơ nhỡ, chính là đã nói đến việc nhân rộng, tăng cường hoạt động bố thí đã có  truyền thống của Phật giáo. Lo cho các trẻ thiếu sự chăm sóc ăn no, thực tình không khó. Lo cho chúng được học hành, thành tài thành người, như bao bạn bè đồng trang lứa khác, mới là chuyện khó, cần hơn nữa bàn tay của chư tăng, chư ni, chư Phật tử. Có “trường học trong chùa”, Phật giáo Việt Nam chúng ta sẽ có trong tay một phương tiện bố thí hiệu quả hướng đến đối tượng đáng được nhận bố thí hơn cả.

Bố  thí giáo dục học vấn, tạo điều kiện cho trẻ  nghèo, trẻ lầm than, bất hạnh được học hành bằng trường học của chính Phật giáo, thông qua các biện pháp như miễn giảm học phí, trước hết là tài thí, tức là bố thí tiền bạc.

Hiện nay, Phật giáo Việt Nam tập trung việc thực hiện tài thí  bằng hoạt động từ thiện, cứu trợ. Đây chắc chắn là việc rất cần, nhưng tài thí có  hạn chế, như  các vị giảng sư thường nói: “cứu ngặt chứ không cứu được nghèo”. Một thùng mì gói, vài ba ký gạo… chỉ giúp các gia đình nghèo qua được khó khăn vài ngày, vài tuần.

Muốn giúp cho người nghèo có tương lai tươi sáng, thì không gì hơn là giúp con em họ học hành tới nơi tới chốn. Một số hình thức học bổng đã được Phật giáo Việt Nam sử dụng. Nhưng học bổng thì sao bằng “trường học trong chùa”, mà chư tăng ni Ban giám hiệu có thể tùy vào việc xem xét từng hoàn cảnh học sinh để miễn giảm học phí, tài trợ sách vở giúp các em không chịu gánh nặng tài chính của việc đi học, đến nỗi bỏ học nửa chừng.

Có học tức là đã có một phần tương lai trong tay các em, giúp những gia đình nghèo vươn lên vĩnh viễn thoát khỏi cảnh cơ cực. Tài thí ở mô hình “trường học trong chùa” là một loại tài thí triệt để, căn cơ hơn rất nhiều so với hoạt động từ thiện, cứu trợ người nghèo bằng vật phẩm.

2. Vô úy thí

Tài thí  trong mô hình “trường học trong chùa” cũng đã bao hàm trong chính nó tính chất vô úy thí. Người nghèo có được sự an tâm đối với gánh nặng giáo dục, không lo lắng, hoang mang trước viễn cảnh thôi học vì thiếu tiền rình rập, đó chính là người nghèo, nhất là trẻ em nghèo, thụ hưởng được kết quả vô úy thí từ cửa Phật.

Không có nỗi lo nào hơn đối với trẻ em hơn nỗi lo thất học, phải vào đời sớm. “Trường học trong chùa” sẽ là chiếc phao cứu sinh không biết bao nhiêu cảnh đời trẻ nhỏ khốn khó thiếu học. Có “trường học trong chùa”, nhà chùa sẽ sẵn sàng chìa tay ra bất cứ lúc nào, đó chính là tiềm năng vô úy thí bất tận.

3. Pháp thí

Pháp thí  chính là khả năng tuyệt vời, cũng là mục tiêu trên hết của mô hình “Trường học trong chùa, chùa trong trường học”.

Trong việc bố thí pháp, nếu đối tượng là Phật tử thuần thành, thì không thành vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ làm sao bố thí được pháp cho đối tượng là người chưa hay chỉ hiểu biết rất ít về Phật pháp. Với đối tượng này, việc bố thí pháp vừa rất cần, cũng vừa dễ bị từ chối.

Các phương thức không tạo nên sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên như mời đi chùa nghe thuyết pháp, tặng kinh sách, băng dĩa thuyết pháp thường ít hiệu quả hơn là trao đổi ý kiến về Phật pháp khi đã là thân hữu, thầy trò.

Đối tượng học sinh là một tờ giấy trắng đối với Phật pháp. Nếu các em được học ở “trường học trong chùa” thì đó là cơ hội để chư tăng ni gieo vào tâm hồn của các em hạt giống Phật pháp. Môi trường thầy trò trong trường học sẽ là một thuận duyên để xây dựng tiếp theo quan hệ thầy trò trong đạo tràng, tự viện.

Học sinh của “trường học trong chùa” cũng là đối tượng thuận lợi để phát triển đoàn sinh Gia đình Phật tử, mở rộng sinh hoạt thanh thiếu niên Phật tử tiến lên một bước mới. Đây cũng là hoạt động bố thí pháp.

Trong bối cảnh bạo lực học đường bùng phát hiện nay, nếu thực hiện được mục tiêu “trường học trong chùa” thì trong pháp thí có gồm cả  vô úy thí. Ngày xưa, Mạnh Mẫu ba lần dời nhà  vì lo lắng cho tương lai của con mình. Đưa con em vào học “trường học trong chùa”, chắc chắn các bậc phụ huynh yên tâm hơn, vơi bớt phần nào lo sợ con em mình bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực. Dù sao, trường học tôn giáo tất nhiên phải có những giá trị đặc thù.

Với những hoạt động bố thí như trên từ mô  hình “Trường học trong chùa, chùa trong trường học”, quan trọng hết là Phật giáo Việt Nam sẽ đưa vào cuộc đời những thế hệ thanh niên được tưới tẩm trong môi trường giáo dục từ bi Phật giáo, góp phần cho một xã hội từ ái, an lạc, đạo đức.

MT